22-09-2022 - 09:18

Bút ký “Năm mươi năm, day dứt một hành trình”

Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu Bút ký Năm mươi năm, day dứt một hành trình của tác giả Nguyễn Doãn Việt, hội viên chuyên ngành Thơ Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh.

Năm mươi năm, day dứt một hành trình

 

     Hơn bảy giờ sáng, Đội quy tập, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh đã hoàn thành thủ tục rời khởi cửa khẩu quốc tế Cầu Treo để đi sang đất bạn. Con đường số 8 trên đất nước Lào được trải nhựa phẳng lì, dọc hai bên là đồi núi bồng bềnh, những dãi mây giăng mắc ngang lưng chừng thung núi. Thi thoảng đi xuyên qua một khoảng rừng, đường như tối lại, cây cối tạo thành vòm che ngỡ như đang đi trong một đường hầm. Ra khỏi tán rừng chúng tôi bắt gặp những cánh đồi thoai thoải, những vạt đồi như được vá bởi các rẫy lúa nương, lúa nếp của dân bản Lào. Có những vạt đồi đã được gặt trơ gốc rạ, lúa chất thành từng đống xếp ngay bên chân rẫy, những vạt khác chín muộn hơn tạo nên những thảm vàng dệt vào trập trùng núi đồi xanh mướt. Từ trên độ cao cung đường, phóng tầm mắt về phía xa xa là các bản làng nhấp nhô nhà sàn, những tháp cao chùa chiền và dòng sông Nậm Xằn trôi mãi miết để hoà vào dòng sông Mê Kông kì vĩ. Chúng tôi rẽ vào con đường độc đạo đi về huyện vùng cao Viêng Thoong, một huyện vùng sâu thuộc tỉnh Bolykhamxay, miền Trung lào.
     Trung tá Nguyên Đức, chỉ huy hướng công tác ra lệnh dừng chân để ăn trưa. Chỗ nghỉ chân là khu vực gần một chân cầu, nghe nói cầu do chuyên gia và nhân công Việt Nam làm giúp Lào sau những năm vừa kết thúc chiến tranh để khôi phục và phát triển kinh tế. Những gói xôi mua từ Thị trấn Lạc Xao mang theo được chúng tôi giở ra ăn. Anh Đức vừa ăn vừa giục:
 - Chúng ta phải khẩn trương để lên đường, vì từ đây, đồi núi quanh co, núi cao vực sâu, bằng mọi giá phải đến được vị trí trước khi trời tối.
      Đường đi lỗ chỗ đất đá, sau mùa mưa cây cối đổ rạp hai bên, những tảng đá trên vách núi đổ kềnh xuống mép đường thách thức mọi tài xế. Thi thoảng bắt gặp những chiếc xe ngược chiều, đó là những chiếc xe 16 đến 24 chỗ, chở kín người ngồi. Tránh nhau, đương nhiên một bên phải dừng lại, hoặc xe của mình hoặc xe người ta,  nhưng với người Lào thì khác, họ luôn là người dừng lại trước. Bởi thế, đất nước Lào dường như có tỷ lệ tai nạn giao thông rất thấp. Xe chúng tôi lắc lư, nghiêng ngả, có những đoạn phải bò rì rì, chậm chạp. Trên xe là cả một bầu không khí im lặng, có lẽ vì mệt phần vì ai cũng lo lắng khi qua những đoạn đường nguy hiểm. Qua cửa kính ô tô, nắng chiều rọi trên những cánh rừng, những vạt đồi mênh mông tầm mắt.
      Dù đã rất cố gắng nhưng chúng tôi vẫn không đến được nơi đóng quân trước khi trời tối. Tôi ghé tai bác Nguyễn Sỹ Tuyết: 
- Bác à, Bác có mệt lắm không? 
– Không, bác khoẻ. Cháu cho bác chai nước! 

     Hình như Bác đang nói dối, bởi sức trẻ như chúng tôi mà còn bị xe lắc cho rã rời, huống gì bác. Hay đó cũng là phẩm chất chịu đựng của một người lính đã từng trải qua gian khổ, chiến tranh!? Hay nhiệm vụ đặc biệt : Đi tìm đồng đội về đất mẹ, là động lực khiến bác quên đi nỗi mệt nhọc sau quãng đường dài!?  
      Chợt có chuông điện thoại reo, anh Đức mở máy. Đầu giây là giọng lo lắng:
- Anh ơi, bố em đâu rồi, đã đến nơi chưa? Em muốn nhìn thấy hình ảnh bố em, bố em đi, con cháu ở nhà không yên tâm anh ạ.
 – Bác vẫn khoẻ, đoàn đang đi, đến nơi anh sẽ gọi để em gặp bố nhé. 

      Tắt điện thoại, xe vẫn tiếp tục rò rò, lên dốc, xuống đèo, ánh đèn pha quét vào những vách đồi im ỉm.
...
       Cựu chiến binh Nguyễn Sỹ Tuyết, quê ở xã Thạch Lạc, huyện Thạch Hà, một trong số rất ít người may mắn được trở về lành lặn sau những năm là chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu ở chiến trường Lào. Đã từng trực tiếp tham gia các trận đánh ác liệt nhất.  Rời quân ngũ, về quê lập gia đình, như bao người khác ông bắt tay vào lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống nhưng vẫn không quên một ước nguyện canh cánh trong lòng: lúc nào đó sẽ đi tìm đồng đội, đưa đồng đội trở về đất mẹ. Những cánh rừng, ghềnh đá, suối khe, những nơi ông đã từng tự tay mình chôn cất đồng đội hy sinh sau mỗi trận đánh, mỗi loạt bom thù vì thám báo địch. 
         Người lính trở về sau chiến tranh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách mới, cuộc sống trôi đi bởi những tháng ngày cơm áo, điều mong mỏi ấy đâu dễ gì thực hiện được. 50 năm, một phần hai thế kỷ trôi qua, ngỡ sẽ chẳng bao giờ quay lại với những cánh rừng Lào, thì một ngày điều ước nguyện đó đã thành sự thật. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh, Hôi Cựu chiên binh tỉnh phát đi lời đề nghị các Cựu chiến binh cung cấp thông tin về phần mộ liệt sỹ, khuyến khích các cựu chiến binh trở lại chiến trường xưa, đi tìm đồng đội. Chúng tôi đã vui mừng nhận được lời đề nghị và đón Bác Nguyễn Sỹ Tuyết trở lại Đất nước Triệu Voi, trở lại những bản làng Lào, trở lại ký ức một thời chiến trận với nỗi lòng khấp khởi sẽ tìm được hài cốt đồng đội, hồi hương về đất mẹ.
...
        Cuối cùng thì đội công tác cũng đã đến được vị trí. Mọi người nhanh chóng sắp xếp đồ đạc, ổn định nơi ăn ở, khi đã khá đâu đấy, bắt đầu có những cuộc điện thoại gọi về nhà. Trên máy cậu Thanh tiếng trẻ oa oa thương cảm, vợ Thanh mới sinh con đầu lòng được hơn hai tháng tuổi, Thanh nhận nhiệm vụ ở đội Quy tập với tinh thần của sức trẻ, sự hăng hái và quyết tâm cùng đồng đội đi tìm liệt sỹ. 
         Đội công tác đặc biệt Của Huyện Viêng Thoong do Trung tá Chăn Thay chỉ huy, Chăn Thay đã nhiều năm đảm nhiệm vị trí này, anh nói khá tốt tiếng Việt, đã từng học ở Việt Nam, là người gần gũi với anh em Đội quy tập của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh. Sau khi hội ý với Đội công tác của bạn, Đội phó phụ trách hướng Nguyên Đức tập trung toàn đội, xác định quyết tâm ngay sáng hôm sau sẽ lên đường. Bác Tuyết khẳng định. Chỉ cần đi dược đến bản Nậm Cà Chua là được. Vì từ bản đi theo một lạch đường duy nhất, leo qua một vỉa đá sẽ đến quả đồi khá bằng bặn, chính giữa mái đồi, đối diện với bản chính là nơi yên nghỉ của đồng đội mà chính bác đã chôn cất, nhìn sang đỉnh núi cao nhất có một cây to độc lập. Mộ có cắm cọc gỗ và đá dựng trước sau để đánh dấu. Bác nói rồi hăm hở quyết tâm đi sớm để còn về lo việc nhà.
       Đang làm mọi công tác chuẩn bị thì một vấn đề trở ngại đặt ra, thật không may, Trung tá Chăn Thay báo lại rằng, rà hết các đơn vị hành chính trên địa bàn không có bản nào là bản Nậm Cà Chua. Khó khăn bắt đầu xuất hiện, bản Nậm Cà chua liệu có ở Viêng Thoong hay thuộc địa bàn khác!? Bác vẫn Tuyết quả quyết không thể nhớ sai địa hình của vùng này, bác còn nhớ cả con đường và từng khe suối. Kế hoạch đi sớm, vậy là không thực hiện được. Chiến tranh đã kết thúc gần 50 năm, tổ chức chính quyền, địa giới hành chính có nhiều thay đổỉ, tuổi thọ trung bình của người Lào thấp, nhân chứng còn sống đến nay hầu như không còn vì vậy tìm hiểu một bản nhỏ sau hơn nửa thế kỷ là điều không dễ dàng. May thay, Đại uý Mua Vang, thành viên đội công tác đặc biệt của bạn, là người giỏi cả Tiếng Lào Xủng và tiếng Việt. Anh báo lại rằng có một nguồn thông tin biết Bản Nậm Cà Chua. Thì ra, sau chiến tranh, do điều kiện sinh sống khắc nghiệt, người dân bản li tán, hoà nhập vào các bản khác phía bên ngoài, và đương nhiên bản Nậm Cà Chua mất tích, người ra đi không còn nhớ rừng xưa, bản cũ, phần lớn đã không ai còn sống, thế hệ sau chỉ nghe kể lại mà thôi. 
       Những năm qua, Chính phủ Lào ban hành lệnh Cấm rừng, người dân không còn được tự do, vào rừng săn bắn và khai thác. Vì vậy, dấu tích những bản làng đã di tán cũng hoà vào rừng sâu núi thẳm, thông tin mập mờ, đường sá khó khăn, tìm dấu tích Bản Nậm Cà chua ngỡ như vô vọng. 
...
      Phò A Nhơ, người già nhất bản Viêng Phủa, năm mươi hai tuổi, trông giống như một ông già ngoài bảy mươi. Mắt hoắm sâu, miệng hút thuốc lào, đôi mắt lờ nhờ nhìn xa xăm vô định. Mua Vang đem biếu cá khô, nước mắm, gọi là quà “ái nọong Việt”  Nhân dân Lào Thường gọi thân tình Người Việt Là Anh em Việt Nam. Phò A Nhơ kể rằng, phò là con cháu của Nậm Cà Chua, sau khi ra sinh sống ở bên ngoài có vài lần trở lại để săn bắn, nay vẫn có thể đi tìm lại bản cũ. Vậy là sau mấy ngày chia quân đi khảo sát, đến đây đã tìm được dấu tích Bản Nậm Cà chua. Chúng tôi vui mừng phải biết, Bác Tuyết phấn chấn hẵn lên: 
- Chỉ cần vào được đó.
      Bốn giờ mười phút ngày thứ nhất, chúng tôi lên đường. Ba chiếc xe ô tô mang theo hành lý, lương thực bảy ngày ăn và trang bị xuất phát. Trời tối, đường sá lởm chởm, sau mùa mưa, đất đá sạt lở, cây cối chằng chịt. Vừa đi vừa sửa đường, chúng tôi hạ quyết tâm trong ngày phải gắng đến được bản Nậm Cà Chua như dự định. Trời còn chưa sáng hẳn, phía dưới khe suối eo óc tiếng gà rừng xen lẫn tiếng gà dân bản gáy sáng. Đường một đi một khó, qua suối, qua khe vất vả vô cùng, sơ sểnh một tí là xe có thể lộn nhào xuống vực. Mặt trời hừng đông, soi rõ con đường mịt mù bụi đất. Phía bên kia thung núi, những triền hoa Cúc Quỳ nở rộ một màu vàng thẫm điểm xuyết giữa bạt ngàn màu xanh rừng săng lẻ, rừng chuối, rừng ná... đang trôi mải miết về phía sau cữa kính ô tô. Bỗng xe chao đảo mạnh, rồi khựng lại kéo chúng tôi về thực tại, một tảng đá lớn đang chèn cứng vào gầm xe.
... 

Hành trình tìm kiếm đồng đội ( Minh họa: Internet)


        Trung tá Chăn Thay trao đổi với anh em chúng tôi bằng tiếng Việt rằng, qua một chặng ngắn nữa, đoàn sẽ bỏ lại ô tô để hành quân bộ. Quảng đường đi bộ ước tính khoảng hơn một ngày, nếu không gặp trở ngại gì. Nói đến trở ngại thì có rất nhiều, ý Chăn Thay nói ở đây là những trở ngại lớn, nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào, chứ còn chuyện lạc đường, sên vắt, rắn rết, ong châm gây dị ứng thì lúc nào chúng tôi cũng phải đối mặt. 
       Cậu Thanh được giao nhiệm vụ ở lại nơi cất giấu ô tô, nhanh chóng nhận khẩu phần ăn bảy ngày, một khẩu súng Ak và một cơ số đạn 7,62mm. Còn lại mỗi người một Ba lô, gói ghém đủ vật chất, vũ khí trang bị, lương thực, thực phẩm đủ cho một chuyến hành trình với một niềm hy vọng tìm được hài cốt đồng đội của bác Nguyễn Sỹ Tuyết. Chúng tôi chia tư trang của bác ra, mỗi người mang một thứ, lại cử đồng chí Thắng và đồng chí Học - Quân y bất luận trong trường hợp nào cũng theo sát bác ấy để theo giõi sức khoẻ, lúc mệt sẽ dừng nghỉ, dù muộn một chút nhưng miễn sao hành quân đến được bản Nậm Cà Chua bảo đảm an toàn.
       Đi được vài tiếng đồng hồ, mọi người đã thấm mệt, anh em tạm nghỉ giải lao, bất ngờ cậu Kim hét toáng lên:
 - Ong! Ong! 
     Chỉ huy đội Nguyên Đức quá lớn: 
- Nằm xuống ngay, nằm sát đất! 
      Mấy con ong rừng đâu chịu buông tha cơn tức giận, chúng bám lấy bộ quần áo bảo hộ dày cộm của Kim một lúc rồi mới chịu bay đi. Thật may, dù phải chịu vài phát đốt, nhưng vải quần áo dày nên chỉ bị những nốt nhẹ. Ngay lập tức Nguyễn Quang Học, Quân y kịp thời mang thuốc đến nên Kim không hề hấn gì, chỉ sưng tấy vài chỗ.  Loay hoay với một chút trở ngại ban đầu, vậy mà mất đến nửa tiếng đồng hồ, dù sao anh em cũng được nghỉ ngơi thêm để lấy sức, đặc biệt đôi chân bác Tuyết đã bắt đầu tê cứng, sau nửa buổi đi đường, máu dồn xuống, mấy đầu ngón chân sưng lên chất ních trong đôi dày bata.
 ...
     Điện thoại lúc này đã không còn cột sóng nào, chỉ dùng để xem thời gian. Nguyên Đức vừa xem thời gian vừa hạ lệnh: 
- Nghỉ, nấu cơm ăn tối, mai tiếp tục lên đường. 
      Phò A Nhơ, vê vê điếu thuốc, nhìn xuống lũng sâu của triền núi, chắc lâu lắm rồi Phò mới trở lại nơi đây, nhưng Phò nhớ lắm những khoảng rừng hay từng ngọn suối, nơi Phò đã từng bẫy thú và đốt rẫy, làm nương, bây giờ thì Phò không vào rừng nữa vì Phò nghe lời Chính phủ, vì sức khoẻ của Phò cũng không còn. 
      Đêm trở lại rừng, sống lại ký ức ngày xưa hay vì nỗi niềm thắc thỏm mà bác Tuyết không hề chợp mắt.  Năm mươi năm, dù tiếng Lào đã quên gần hết, Bác Tuyết nhoài người ra khỏi võng về phía Phò A Nhơ hỏi han gì bằng tiếng Mông, chúng tôi cứ nghe bập bà bập bõm. Phải công nhận Bộ đội mình thời ấy giỏi thật, trong điều kiện chiến tranh ác liệt mà vẫn tranh thủ học được tiếng Lào, tiếng Mông vốn rất khó đối với cánh lính trẻ chúng tôi hôm nay. 
 ...
      Năm giờ sáng ngày thứ hai, đoàn khăn gói lên đường. Sau một ngày hành quân dường như ai cũng mệt mỏi, nhưng thật đáng khâm phục bác Tuyết, chân sưng phù nhưng bác vẫn thong thả bước đều, bác còn dặn anh em chúng tôi là đi hành quân nên bước những bước dài, để tiết kiệm sức và đỡ mệt, đó là kinh nghiệm của bác, tuy nhiên chúng tôi cũng đã được huấn luyện khi vào quân ngũ. Càng đi vào sâu càng vất vả, phương hướng đi tất cả phụ thuộc vào Phò A Nhơ, Phò vừa đi vừa phát cây phía trước, chúng tôi theo sau. Cứ thế, bám theo chân suối, có những chỗ phải lội giữa suối mới đi được, hết lội suối lại leo qua ghềnh đá. Dưới  chân là một ma trân sên, vắt, chúng nó dựng lên tua tủa. Mặc kệ, chúng tôi cứ đi, đi càng nhanh càng tốt, làm sao sớm ra khỏi khoảng rừng ẩm ướt này.
...
       Phò A Nhơ dừng lại, ra dấu hiệu gì đó, Trung tá Chăn Thay bước lên. Qua trao đổi Chăn Thay báo lại rằng, từ chỗ này kéo dài đến mõm núi bên kia, là nơi cư trú của bản Nậm Cà Chua xưa. Như vậy là chúng tôi đã đến đúng nơi cần đến, tất thảy, ai cũng thở phào nhẹ nhõm. Nhưng, rừng núi mênh mông, cây cối che lút tầm mắt, bản xưa hình như không còn một giấu tích gì. Bác Tuyết thở dốc bước lên nói: tìm cho được trung tâm bản, ở đó có khoảng đất rộng chừng mấy sào đất tương đối bằng phẳng. Nguyên Đức thông báo cho toàn đội dừng chân, lúc này đã quá trưa rồi, ánh mặt trời rọi xuyên qua tán rừng tạo nên những tia sáng hiếm hoi đại ngàn giữa thâm u hoang vắng.
        Sau bữa trưa bằng cơm nắm và muối vừng, Nguyên Đức cho anh em sắp xếp nghỉ ngơi và xác định sẽ trú quân tại vị trí. Phò A Nhơ cũng không thể biết được trung tâm bản nằm ở đâu, vì ngày theo Phò Mè rời bản, Phò A Nhơ cũng chỉ mới được vài tuổi thôi. Cây cối đã ken dày, giấu tích xưa không có gì sót lại, Mua Vang lên tiếng: 
- Muốn tìm bãi bằng chỉ cần trèo lên đỉnh cao hơn nhìn xuống may ra còn quan sát được. Quả đúng như vậy, gần cuối giờ chiều, bãi đất trung tâm bản ngày xưa đã hiện ra, những kệ đá làm bếp đun nấu vẫn còn, những tảng đá kê cột nhà sàn lộ ra dưới tầng lá mục. Đây đúng là trung tâm bản rồi
       Đêm xuống nhanh, dưới suối ọc ạch tiếng vài con lợn rừng đi tìm mồi, có thể là một con chồn vồ mồi hụt hay một con kỳ nhông gọi bạn, tất cả nhưng thanh âm của núi rừng hoà trộn, tan vào giấc ngủ sau hai ngày hành quân mỏi mệt của chúng tôi. Khuya, tiếng trở mình trên võng sột soạt, đêm xuống giữa rừng sâu lạnh quá, ai cũng thức giấc, đống lửa từ tối bên bếp đã lụi tàn, bóng đêm đen kịt ôm lấy cánh rừng như quánh lại. Bác Tuyết hình như vẫn không ngủ, hình như suốt đêm bác thức cùng ký ức, hay hình như bác thấy sắp được gặp lại đồng đội mình!? Lần ấy do vướng phải mìn địch, đã cướp mất đi người đồng đội, người đồng hương chia khổ sẽ đau sau bao nhiêu trận chiến. Bác kể rằng, hôm đó bác là người đi đầu đội hình hành quân, không  hiểu sao Anh Nguyễn Văn Át – Tiểu đội trưởng, bỗng nhiên vọt lên phía trước, mới đi được vài bước chân thì một tiếng nổ lớn vang lên, anh Át hy sinh tại chỗ. Từ đó đến nay lòng bác cứ day dứt mãi, giá như anh Át không vọt lên trước thì người nằm lại chính là mình, anh ấy đã thế mạng mình trước vài bước chân thôi. Nỗi niềm day dứt ấy theo suốt cuộc đời bác, cứ suy tư như thế nên thể nào bác ngủ được. Chắc là suốt đêm nguyện cầu anh linh Liệt sỹ Nguyễn Văn Át hãy phù hộ cho bác và đội quy tập, nỗi niềm canh cánh bấy lâu nay, ước nguyện đưa hài cốt đồng đội về đất mẹ quê hương sắp toại nguyện, ngủ sao được khi những dòng nước mắt thấm trên đôi gò má đã nhăn nheo giấu trên cánh võng mà có thể chúng tôi không ngờ tới!? Một đêm này đánh đổi năm mươi năm, một đêm này đánh đổi một ước nguyện, chúng tôi biết, bác đã xúc động vô cùng nhưng vẫn cố che giấu chúng tôi.
...
       Sang ngày thứ ba, toàn đội hướng về phía mạn đồi đối diện Trung tâm bản. Đây rồi, mạn đồi này đây! Bác Tuyết kêu lên rồi quỳ sụp xuống, Anh Át ơi! Anh Át ơi! em đã đến đây rồi! em đến đón anh về đây, bao nhiêu năm đằng đẳng nay em sang đónđược anh về đất mẹ! Không thể xúc động hơn, bác Tuyết oà khóc như một đứa trẻ, chúng tôi cảm động vô cùng. Đội trưởng Nguyên Đức thắp lên một nắm hương, cầu khấn Giang sơn bản xứ và linh hồn liệt sỹ cho phép được tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sỹ về nước. Khoảng rừng mênh mông như chùng lại, khoảnh khắc nghẹn ngào xúc động lắng xuống, chúng tôi bắt đầu công việc của mình.
 ...
       Sau khi phát quang cả một khoảng đồi, chúng tôi bước vào tìm kiếm, từng nhát cuốc thận trọng lật lên, những nhát xẻng dè dặt đều đều đào xuống, chỉ sợ động mạnh vào hài cốt của Liệt sỹ. Rồi ai cũng thầm cầu nguyện và hy vọng sau mỗi lần nhát cuốc, nhát xẻng được đào lên sẽ gặp một mảnh Tăng ni lon phát lộ. Bác Tuyết đứng ngồi không yên, cứ đi đi lại lại, hết chỗ này đến chỗ kia, rồi lại đứng ngắm nghía về hướng bản, hướng núi.
- Các chú nhớ là có hai hòn đá dựng ở phía trước và sau nhé. Chiếc Tăng hồi đó còn mới cấp, chắc đến giờ chưa hư.
      Bác Tuyết nói rồi trở lại ba lô đồng chí Hải – phụ trách công tác chính sách của hướng, rút một cây hương thắp lên khẩn cầu. 
      Theo kinh ngiệm của chúng tôi, việc tìm kiếm phải hết sức thận trọng, không bỏ sót bất cứ gốc cây hay tảng đá nào. Vì sau chừng ấy thời gian, một tảng đá nào đó sau khi sạt lở sẽ vướng lại đè vào hoăc một cây gỗ có thể đã trở thành cổ thụ ngay trên ngôi mộ. Toàn đội ai cũng tích cực tìm kiếm, đôi khi tất cả đều im lặng, đào rồi lại bốc đất lên xem, rồi lại đào, khu vực tìm kiếm được mở rộng dần ra, tuy nhiên vẫn chưa gặp được hai hòn đá như bác Tuyết nói. Quần áo ướt đẫm mồ hôi, tất cả vẫn không ai bảo ai cắm cúi kiếm tìm với tâm trạng hồi hộp rưng rưng khó tả. 
...
        Buổi chiều, công việc lại tiếp tục, Đồng chí Nam – Chính trị viên động viên anh em làm việc khẩn trương hơn, chỗ nào phát hiến có nghi vấn thì kiểm tra thật kỹ. Nam vân vê từng mẫu đất, bác Tuyết hết đứng lại ngồi, mọi người tiếp tục lặng thinh, một sự thành tâm đến xúc động, từng hố đất đá liên tục mở rộng. Bỗng đồng chí Hoà kêu lên: - Có hòn đá to ở đây! Mọi người đổ xô lại, nhưng bác Tuyết khẳng định, đây là hòn đá tròn, hòn đá có hình chữ nhật dài ước 50cm mới đúng. Không gian yên ắng, một khoảng đồi nhỏ nhoi trơ trọi, như một chấm cô đơn sáng giữa đại ngàn Tây Trường sơn hiu quạnh.
       Bóng chiều đổ xuống rất nhanh, chẳng mấy chốc, đường về chỗ trú quân đá bắt đầu nhá nhem tối. Một ngày trôi qua, vị trí xác định tin cậy nhất đã không mang lại kết quả gì. Đội phó Nguyên Đức xốc lại tinh thần, và hạ quyết tâm ngày mai sẽ có dấu hiệu tốt. Chúng tôi lại chui vào cánh võng, chốc lát đã thấy ai đó ú ớ, hình như đang mơ thấy điều gì. Lửa rừng chập chờn, Phò A Nhơ vẫn vê đều những điếu thuốc, bác Tuyết trằn trọc trở mình, ở tuổi thất thập rồi hình như giấc ngủ không còn quan trọng đối với họ. Nhưng có lẽ bác không ngủ vì chờ đợi một điều gì, hay bác đang lục lại trí nhớ xem vị trí quả đồi bát úp đầy cỏ săng ngày ấy!?
        Năm mươi năm đã trôi qua, thời gian đã phong hoá mọi thứ. Ai đã từng chứng kiến những màn mưa bạc trắng rừng Lào mới biết thế nào là mưa ngàn và gió núi, một trận mưa kinh hoàng có thể làm biến mất cả một ngọn đồi. Những dòng lũ có thể cuốn phăng tất cả những gì trên đường mà nó đi qua. Thì hỡi ôi, biết đâu rất nhiều xương cốt liệt sỹ ta đã hoà tan vào cây cỏ bên những cánh rừng, bờ sông hay ngọn suối! Hay chỉ là một tổ mối khổng lồ đã xông hết phần thân thể các anh!? Hay thú rừng đã đưa các anh đến một nơi nào khác!?  Ôi! Biết đâu, biết đâu! Dù thế nào thì niềm tin của chúng tôi và bác Tuyết vẫn kiên định. Quyết tâm tìm cho được, dù chỉ là một mảnh tăng hay bất cứ một kỷ vật gì.
 ....
      Những ngày sau, công việc tìm kiếm càng khẩn trương hơn, chúng tôi chạy đua với thời gian vì lương thực đã cạn. Sườn đồi đã nham nhở những hố đất đá nhưng vẫn không thấy một dấu hiều đáng ngờ. Bác tuyết dường như đã quá mệt mỏi sau mấy ngày gắng sức. Buổi chiều ngày cuối cùng, anh em chúng tôi quay lại sườn đồi, nhìn mảng đồi ngang dọc đã chi chít những hố đào mà lòng thâm hỏi, không biết Hài cốt bác Nguyễn Văn Át đang ở đâu? Chính trị viên Nam tập hợp, bác tuyết đang cầm chiếc khăn tay đẫm nước chậm chạp bước lên, chúng tôi quây quần ngay giữa vạt đồi. Đội phó Đức lại đốt lên một bó nhang trầm, những tia khói mong manh, quyện lên giữa trập trùng núi rừng hiu hắt. Đồng chí Nam, Chính trị viên đội lên tiếng:
  - Thưa bác và toàn thể mọi người, những ngày qua chúng ta đã tích cực tìm kiếm nhưng chưa tìm thấy hài cốt và bất cứ vật gì khả nghi, hiện tại lương thực, thực phẩm không còn, chúng ta sẽ kết thúc cuộc tìm kiếm lần này tại đây, lần sau đội công tác sẽ sắp xếp quay lại để tiếp tục tìm kiếm.

     Chỉ nghe đến đó thôi, bác Tuyết đã khuỵu xuống, dường như bác không còn nước mắt để khóc, bác kêu to: Anh Át ơi! Anh Át ơi! Rồi bác lấy tay vốc từng nắm đất đá ôm lên mặt mình, Anh Át ơi! Anh Át! Một nắm đất cũng không thể đưa anh về đất mẹ được sao? Tiếng khóc lên lọt thỏm giữa núi rừng thâm u tịch mịch. Cảnh tượng quá nghẹn ngào xúc động, chúng tôi cũng không ai cầm được nước mắt. Tất cả im lặng, rời khỏi mạn đồi. Mặt trời gác chênh vênh trên sườn tây dãy núi,  bóng bác Tuyết liêu xiêu đổ xuống thung ngàn giữa thập trùng núi cao rừng thẳm. 
....
       Con đường trở lại nơi cất dấu ô tô còn nhiều gian nan thử thách, cả đội lên ba lô, mang theo một nỗi niềm day dứt, một ước nguyện của người Cựu chiến binh năm mươi năm chưa thành. Bác Tuyết quay mặt sang mé đồi đối diện trung tâm bản Nậm Cà Chua giơ tay vái ba lần như lời chào từ biệt người đồng đội, đồng chí, đồng hương của mình rồi lau mắt cất bước. Chúng tôi rời đi, để lại một khoảng đồi vuông hình ngôi mộ, gửi lại đại ngàn Tây Trường Sơn một nỗi niềm day dứt không thôi. 
...
       Một cuộc hành trình thực hiện một ước nguyện chưa thành, chúng tôi sắp xếp đưa bác Nguyễn Sỹ Tuyết trở lại Cửa khẩu, trên đường đi, nổi buồn xâm chiếm lấy không gian chiếc xe ô tô, chiếc khăn tay luôn chực chờ trên đôi má bác đã ướt đầm nước mắt. Tôi đọc cho bác nghe đôi câu đối treo ở Đền thờ Liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất bạn Lào. 
- Cốt nhục gửi đất bạn, non cao thế mộ phần yên nghỉ
- Hồn thiêng về Tổ quốc, đất mẹ thay lăng tẩm chở che. 

       Bác Tuyết quay qua tôi dặn dò: - Các chú sắp xếp, quay lại Nậm Cà Chua nhé!
     Chia tay bác, chúng tôi trở lại địa bàn với hơn sáu tháng mùa khô còn lại cùng những chuyến hành trình mãi miết đi dọc từng cánh rừng, ngọn suối và những bản làng xa xôi với một niềm tin đi tìm đồng đội.
       Dù chuyến khởi đầu không đạt kết quả nhưng kết thúc mùa khô 2018 - 2019, chúng tôi đã tìm kiếm và quy tập được 7 hài cốt liệt sỹ trên các địa bàn tỉnh Bolykhamxay và Thủ đô Viêng Chăn đưa về đất mẹ Việt Nam. Từ năm 2019 đến tháng 5 năm 2022 trải qua ba mùa khô, đội công tác tiếp tục những cuộc khảo sát và tìm kiếm trong điều kiện bị ảnh hưởng của các đợt bùng phát dịch Covid -19 nhưng bằng sự nỗ lực của toàn đội và sự giúp đỡ của các tổ chức chính quyền và nhân dân các dân tộc Lào, đội quy tập Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục tìm kiếm, hồi hương  31 liệt sỹ. Nâng tổng số hài cốt liệt sỹ và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất bạn Lào kể từ năm 1999 đến nay gần 700 hài cốt. 
      Thực hiện chủ trương của nhà nước ta là : còn có phần mộ liệt sỹ và chuyên gia chưa được quy tập thì vẫn tiếp tục tìm kiếm. Đó là nhiệm vụ thiêng liêng và cao cả. Nhiệm vụ của đội công tác có thể còn diễn ra rất nhiều mùa khô sau này nhưng với Cựu chiến binh Nguyễn Sỹ Tuyết thì ước nguyện 50 năm vẫn còn giang dở. 


Nguyễn Doãn Việt


 

. . . . .
Loading the player...