22-12-2024 - 00:08

Bộ đội Cụ Hồ

Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024). Tạp chí Hồng Lĩnh số 220 tháng 12/2024 trân trọng giới thiệu bài viết “Bộ đội Cụ Hồ” của nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại

Ngay khi mới ra đời, Đảng ta đã phát động một cao trào cách mạng. Ngọn lửa Xô-viết Nghệ Tĩnh mãi chói sáng trong lịch sử Đảng, lịch sử dân tộc với việc lần đầu tiên, nhân dân ta đã lập nên chính quyền công – nông trên khắp các huyện Can Lộc, Nghi Xuân, Hương Khê, Thanh Chương, Anh Sơn, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Diễn Châu… Tạo ra sự thắng lợi và bảo vệ được chính quyền Xô-viết trong một thời gian dài, là nhờ chúng ta khéo kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang của các đội Tự vệ đỏ, hồi ấy thường gọi là Xích vệ. Mặc dù phong trào bị dìm trong bể máu, chịu thất bại tạm thời, Xô-viết Nghệ Tĩnh đã để lại những bài học quý báu, đã nhen lên đám lửa không thể dập tắt, để 15 năm sau, sẽ thiêu rụi bộ máy cai trị của thực dân – phong kiến, lập nên Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Và có thể coi Tự vệ đỏ Nghệ Tĩnh là tiền thân của lực lượng vũ trang cách mạng, tiền thân của Bộ đội Cụ Hồ.

*

Theo Biên niên tiểu sử Hồ Chí Minh, Bác Hồ ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân khoảng giữa tháng 12-1944. Theo lời kể của Trung tướng Phạm Hồng Cư (anh em rể với Đại tướng Võ Nguyên Giáp) thì ngày 21-12-1944, Bác Hồ  gửi chỉ thị đó cho Võ Nguyên Giáp trong hình thức một bức thư nhỏ (được đặt trong bao thuốc lá, xem Tạp chí Cộng sản online ngày 20-12-2011). Chỉ thị viết “Tên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân… Chọn lọc trong hàng ngũ những du kích Cao - Bắc - Lạng số cán bộ và đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực…

Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân 
Việt Nam được thành lập ngày 22/12/1944 tại khu rừng Trần Hưng Đạo (Cao Bằng)

Vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến toàn dân, cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân, cho nên trong khi tập trung lực lượng để lập một đội quân đầu tiên, cần phải duy trì lực lượng vũ trang trong các địa phương cùng phối hợp hành động và giúp đỡ về mọi phương diện. Đội quân chủ lực trái lại có nhiệm vụ dìu dắt cán bộ vũ trang của các địa phương, giúp đỡ huấn luyện, giúp đỡ vũ khí nếu có thể được, làm cho các đội này trưởng thành mãi lên.

… Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam” (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. CTQG 2011, Tập 3, tr. 539 – 540).

Ngay hôm sau, 17h ngày 22-12-1944, tại một cánh rừng giáp giới giữa hai tổng Trần Hưng Đạo – Hoàng Hoa Thám châu Nguyên Bình, nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập. Đồng chí Võ Nguyên Giáp, người tổ chức và lãnh đạo tối cao làm lễ chào cờ, tuyên thệ và có một diễn văn mà như dốc bầu tâm sự còn cuốn hút lòng người đến hôm nay: “Bao nhiêu căm hờn của dân tộc, bao nhiêu sự tàn khốc thê thảm đang chờ đợi một cuộc thanh toán. Chúng ta nguyện đem xương máu ra làm công việc đó. Chúng ta sẽ vạch cho toàn dân con đường sống duy nhất là con đường đoàn kết để vũ trang đứng dậy. Quân giải phóng sẽ tỏ ra mình là một đội quân của dân, của nước, đi tiên phong trên con đường giải phóng của dân tộc” (Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1974).

Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân có 34 đội viên, do đồng chí Hoàng Sâm làm Đội trưởng, đồng chí Xích Thắng làm Chính trị viên, đồng chí Hoàng Văn Thái phụ trách kế hoạch - tình báo.

34 đội viên ban đầu gồm:

1. Trần Văn Kỳ; bí danh: Hoàng Sâm, Trần Sơn Hùng; dân tộc: Kinh; quê quán: Lệ Sơn, Tuyên Hóa, Quảng Bình.

2. Dương Mạc Thạch; bí danh: Xích Thắng; dân tộc: Tày; quê quán: Minh Tâm, Nguyên Bình, Cao Bằng.

3. Hoàng Văn Xiêm; bí danh: Hoàng Văn Thái, Ngô Quốc Bình; dân tộc: Kinh; quê quán: Tây An, Tiền Hải, Thái Bình.

4. Hoàng Thế An; bí danh: Thế Hậu; dân tộc: Tày; quê quán: Đào Ngạn, Hà Quảng, Cao Bằng.

5. Bế Bằng; bí danh: Bế Kim Anh; dân tộc: Tày; quê quán: Hồng Việt, Hòa An, Cao Bằng.

6. Nông Văn Bát; bí danh: Đàm Quốc Chủng; dân tộc: Tày; quê quán: Bình Long, Hòa An, Cao Bằng.

7. Bế Văn Bồn; bí danh: Bế Văn Sắt, Hồng Quân, Mậu; dân tộc: Tày; quê quán: Bình Long, Hòa An, Cao Bằng.

8. Tô Văn Cắm; bí danh: Tô Tiến Lực, Đinh Lực; dân tộc: Tày; quê quán: Tam Kim, Nguyên Bình, Cao Bằng.

9. Nguyễn Văn Càng; bí danh: Thu Sơn; dân tộc: Tày; quê quán: Hồng Việt, Hòa An, Cao Bằng.

10. Nguyễn Văn Cơ; bí danh: Đức Cường; dân tộc: Kinh; quê quán: Đề Thám, Hòa An, Cao Bằng.

11. Trương Văn Cù; bí danh: Trương Đắc, Đồng; dân tộc: Tày; quê quán: Minh Tâm, Nguyên Bình, Cao Bằng.

12. Hoàng Văn Củn; bí danh: Hoàng Quyền, Thịnh; dân tộc: Tày; quê quán: Tràng Xá, Võ Nhai, Thái Nguyên.

13. Võ Văn Dảnh; bí danh: Võ Văn Luận; dân tộc: Kinh; quê quán: Đức Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình.

14. Tô Vũ Dâu; bí danh: Thịnh Nguyên; dân tộc: Tày; quê quán: Vinh Quang, Hòa An, Cao Bằng.

15. Dương Văn Dấu; bí danh: Dương Đại Long; dân tộc: Nùng; quê quán: Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng.

16. Chu Văn Đế; bí danh: Nam; dân tộc: Tày; quê quán: Minh Tâm, Nguyên Bình, Cao Bằng.

17. Nông Văn Kiếm; bí danh: Liên; dân tộc: Tày; quê quán: Tam Kim, Nguyên Bình, Cao Bằng.

18. Đinh Văn Kính; bí danh: Đinh Trung Lương; dân tộc: Tày; quê quán: Lê Lợi, Thạch An, Cao Bằng.

19. Hà Hưng Long; dân tộc: Tày; quê quán: Nam Tuấn, Hòa An, Cao Bằng.

20. Lộc Văn Lùng; bí danh: Văn Tiên; dân tộc: Tày; quê quán: Mai Pha, Cao Lộc, Lạng Sơn.

21. Hoàng Văn Lường; bí danh: Kinh Phát; dân tộc: Nùng; quê quán: Đức Vân, Ngân Sơn, Bắc Kạn.

22. Hầu A Lý; bí danh: Hồng Cô; dân tộc: Mông; quê quán: Minh Tâm, Nguyên Bình, Cao Bằng.

23. Long Văn Mần; bí danh: Ngọc Trình; dân tộc: Nùng; quê quán: Bình Long, Hòa An, Cao Bằng.

24. Bế Ích Nhân; bí danh: Bế Ích Vạn; dân tộc: Tày; quê quán: Vân Tùng, Ngân Sơn, Bắc Kạn.

25. Lâm Cẩm Như; bí danh: Lâm Kính; dân tộc: Kinh; quê quán: Đông Khê, Thạch An, Cao Bằng.

26. Hoàng Văn Nhủng; bí danh: Xuân Trường; dân tộc: Tày; quê quán: Sóc Hà, Hà Quảng, Cao Bằng.

27. Hoàng Văn Nình; bí danh: Thái Sơn; dân tộc: Nùng; quê quán: Thượng Ân, Ngân Sơn, Bắc Kạn.

28. Giáp Ngọc Páng; bí danh: Nông Văn Bê, Thân; dân tộc: Nùng; quê quán: Hoàng Trung, Hòa An, Cao Bằng.

29. Nguyễn Văn Phán; bí danh: Kế Hoạch; dân tộc: Tày; quê quán: Hồng Việt, Hòa An, Cao Bằng.

30. Ma Văn Phiêu; bí danh: Bắc Hợp; dân tộc: Tày; quê quán: Minh Tâm, Nguyên Bình, Cao Bằng.

31. Đặng Tuần Quý; dân tộc: Dao; quê quán: Tam Kim, Nguyên Bình, Cao Bằng.

32. Lương Qúy Sâm; bí danh: Lương Văn Ích; dân tộc: Nùng; quê quán: Nà Sác, Hà Quảng, Cao Bằng.

33. Hoàng Văn Súng; bí danh: La Thanh; dân tộc: Nùng; quê quán: Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng.

34. Mông Văn Vẩy; bí danh: Mông Phúc Thơ; dân tộc: Nùng; quê quán: Tràng Xá, Võ Nhai, Thái Nguyên.

Nhờ công việc làm báo, tôi được gặp bác Bế Bằng, tức Bế Kim Anh trong chuyến lên công tác Cao Bằng năm 2002. Bác Kim Anh từng được gửi học Trường quân sự Hoàng Phố của Tưởng Giới Thạch trong “Việt cán ban” cùng với Nam Long (Đoàn Văn Ưu, sau này là Trung tướng, có thời là Tư lệnh QK IV), Thu Sơn (Nguyễn Văn Càng). Một buổi chiều tại Di tích của đồn Phai Khắt (xã Tam Kim), cữ thời gian năm xưa công đồn, chúng tôi đang trầm ngâm trước những chứng tích lịch sử thì một đoàn học sinh kéo đến. Tôi liền tập hợp các em thành một vòng tròn, nhờ bác kể cho nghe những câu chuyện năm xưa. Ngồi lẫn giữa các em, tôi như được ngoại khóa một buổi học lịch sử còn nhớ đến bây giờ. Bác Kim Anh lúc đó tóc đã hoa râm nhưng còn nhanh nhẹn, giọng nói âm vang, cuốn hút, khiến tôi nhớ tới câu thơ của Trần Nhân Tông “Người lính già đầu bạc/ Kể mãi chuyện Nguyên Phong” (năm ta thắng giặc Nguyên 1258). Bác kể:

Ngày ấy, chúng tôi có 34 người phiên chế thành ba tiểu đội. Tôi, Kim Anh và anh Thu Sơn, anh Bế Văn Sắt được cử làm Tiểu đội trưởng. Vũ khí ban đầu có 2 khẩu súng thập (súng ngắn 10 viên), 17 cây súng trường, còn nữa là vũ khí tự tạo.

Chiều sau khi thành lập, Đội không “liên hoan” như kiểu bây giờ mà ăn một bữa cơm nhạt, không rau, không muối để mọi đội viên thấm nhuần vào đây là gian khổ, và mọi khó khăn, gian khổ đều phải vượt qua.

Tối đó, quanh đống lửa bập bùng giữa rừng đông giá lạnh, từng đội viên đứng lên giới thiệu bí danh, xuất thân, quê quán, mối thù giặc, con đường đến với cách mạng và quyết tâm chiến đấu diệt giặc trả thù nhà, đền nợ nước. Tinh thần lúc đó cao lắm. Ai cũng muốn đi đánh ngay. Lời bài hát Đoàn Giải phóng quân nói rất đúng tâm trạng chúng tôi lúc đó:

Đoàn Giải Phóng quân một lần ra đi

Dù có gian nguy nhưng lòng không nề

Ra đi ra đi bảo tồn sông núi

Ra đi ra đi thà chết chớ lui…

Và chúng tôi không phải chờ lâu. Ngày 24-12, chúng tôi nhận được lệnh sẵn sàng chiến đấu. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của Đồng chí Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) hai tiểu đội hóa trang thành lính khố xanh (milicien à ceinture blue - lính bản xứ do Pháp tuyển mộ, tương đương như quân địa phương) do “cai” Thu Sơn tiến vào đồn Phai Khắt. Đồn Phai Khắt có 21 lính khố xanh, chủ yếu người Nùng và Mán do cai đội Pháp Xi-mô-nô (Simono) chỉ huy. Bị tiến công bất ngờ, đồn bị hạ trong vòng không đầy mười phút. Toàn bộ lính bị bắt sống, Simono vừa cưỡi ngựa từ châu Nguyên Bình về cùng mấy tên lính hầu liền bị một đội viên bắn chết. Quân ta không ai sầy da. Lúc đó là 17h ngày 25-12-1944.

Đồn Nà Ngần cách Phai Khắt vài chục cây số có 22 lính khổ đỏ (milicien à ceinture rouge – cũng tuyển từ người bản xứ nhưng giống như quân đội chủ lực trung ương), do 2 sĩ quan Pháp chỉ huy. Trận đánh diễn ra vào 7h ngày 26-12, bộ đội ta cũng thực hiện lối đánh hóa trang kỳ tập như lần trước, khiến địch bất ngờ, không kịp trở tay. Ta tiêu diệt 5 tên, bắt 17 tên, thu 27 súng và nhiều đạn dược. Một đồng chí của ta là Nông Văn Bê bị thương nhẹ.

Thắng lợi giòn giã trong hai trận hạ đồn Phai Khắt, Nà Ngần đã làm nên truyền thống Đánh thắng trận đầu và đã ra quân là đánh thắng của quân đội ta. Sau hai trận này, tiếng tăm của Đội vang dội, nhiều người xung phong gia nhập, nhanh chóng phát triển thành đại đội.

Bác Bế Kim Anh còn tham gia trận đánh đồn Đồng Mu (thuộc huyện Bảo Lạc) vào ngày 5-2-1945.

Lực lượng ta có 40 người. Tôi (Kim Anh) cùng Xuân Trường và Thế Hậu làm thành một mũi tiến công  xông thẳng vào đồn giữa những làn đạn trong đồn bắn rát.  Xuân Trường trúng đạn. Anh ngã xuống nhưng cố gượng dậy nói với Thế Hậu: “Tao bị đạn rồi, mày lấy súng của tao mà đánh tiếp đi, nhanh lên...”, rồi tắt thở. Sự hy sinh anh dũng có sức thôi thúc mãnh liệt ấy là biểu hiện sinh động của tinh thần “Người trước ngã, người sau tiến”- một truyền thống vẻ vang khác của quân đội ta.

Trận này, ta diệt được 20 tên địch, thu 5 súng, nhưng không phải trận thắng vì ta không hạ được đồn, phải rút ra trước khi trời sáng…

Đồng Mu nay gọi là Xuân Trường, để tưởng nhớ người liệt sĩ đầu tiên của quân đội.

***

“Bộ đội Cụ Hồ” là một sản phẩm của cách mạng vô sản dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đã thấm nhuần tư tưởng của Lê-nin rằng, “Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nó biết tự vệ” (Lê-nin Toàn tập, Nxb. Tiến Bộ, Mát-xcơ-va, bản tiếng Việt, 1977, tập 37, tr.145); rằng “Muốn bảo vệ chính quyền của công nông... chúng ta phải có Hồng quân mạnh mẽ... Có Hồng quân mạnh, chúng ta sẽ vô địch” (Lê-nin Toàn tập, Nxb. Tiến Bộ, Mát-xcơ-va, bản tiếng Việt, 1979, tập 39, tr.175-176).

Dựa trên học thuyết Mác Lê-nin, dựa trên kinh nghiệm đánh giặc giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc, rút bài học xương máu từ những thất bại của các cuộc khởi nghĩa hoặc tự phát, hoặc do giai cấp phong kiến và tư sản lãnh đạo, Đảng, Bác Hồ đã tìm ra đúng bốn nhân tố tạo nên thành công của cách mạng, đó là: Có chính đảng vô sản lãnh đạo; có sự đoàn kết toàn dân; có quân đội cách mạng – quân đội của nhân dân và sự ủng hộ quốc tế. Dù vật đổi sao dời thì bốn yếu tố đó vẫn không bao giờ thay đổi.

***

Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐNDVN ta càng thấy sâu sắc thành ngữ “Bác Hồ là người cha thân yêu của lực lượng vũ trang”. Ðúng như Ðiếu văn của Trung ương Ðảng ta đã viết khi Bác qua đời 2-9-1969: "Hồ Chủ tịch là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Ðảng ta, là người xây dựng nền Cộng hòa dân chủ Việt Nam và Mặt trận dân tộc thống nhất, là người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam".

Với tầm nhìn chiến lược, ngay từ những năm 1925-1927, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc đã mở các lớp đào tạo để chuẩn bị nguồn cán bộ cho cách mạng Việt Nam. Trong Chánh cương vắn tắt của Đảng tháng 2-1930, mục B Về phương diện chính trị, Người xác định “dựng ra chính phủ công nông binh” và “tổ chức ra quân đội công nông”.

Tháng 10 - 1941, Người chỉ đạo mở lớp huấn luyện quân sự tập trung đầu tiên tại Pác Bó để tiến tới thành lập đội vũ trang cách mạng. Tại đây, Người đã trực tiếp tham gia huấn luyện và biên soạn các tài liệu giảng dạy quân sự quan trọng như: “Mười điều kỷ luật”; “Cách đánh du kích”; “Những hiểu biết cơ bản về quân sự”…

Trong nhiều thời kỳ, Người đã liên hệ, gửi nhiều thanh niên ưu tú học Trường Quân sự Hoàng Phố ở Trung Quốc và đào tạo quân sự ở Liên Xô.

Người lập ra quân đội, công an. Người theo sát từng bước đi của các lực lượng vũ trang, chăm sóc, chỉ dặn tỉ mỉ việc xây dựng, rèn luyện, cách đánh.

Trong thư gửi Vệ quốc quân ngày 19-12-1947, Người nêu một chân lý giản đơn, thuyết phục: “Dân tộc Việt Nam nhất định phải được giải phóng. Muốn giải phóng thì phải đánh phát xít Nhật và Pháp. Muốn đánh chúng thì phải có lực lượng quân sự. Muốn có lực lượng thì phải có tổ chức. Muốn tổ chức thành công thì phải có kế hoạch, phải có quyết tâm”. Cũng trong thư này, Bác viết: “Vệ quốc quân, dân quân du kích phải luôn luôn phát triển cái kỷ luật nghiêm như sắt, cái tinh thần vững như đồng, cái chí khí quật cường tất thắng, cái đạo đức: trí, dũng, liêm, trung của Giải phóng quân” (HCM toàn tập, Nxb. CTQG, 2011, tập 5, tr. 370, 371).

Bác khẳng định quân đội ta là quân đội nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Chỉ như thế mới to lớn, mới không bao giờ cạn nguồn, mới có sức mạnh vô song. Quan hệ quân dân là quan hệ cá – nước. Công tác chính trị trong bộ đội hết sức quan trọng, nội dung của nó là cùng với giáo dục lý tưởng, là biết yêu kính nhân dân. Yêu kính nhân dân, bảo vệ dân chính là lý tưởng. Người dạy: “Nhân dân là nền tảng, là cha mẹ của bộ đội. Chính trị viên phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu bộ đội. Phải làm sao cho bộ đội được dân tin, dân phục, dân yêu”. Công tác chính trị và người chính trị viên còn nhằm để xây dựng một đội quân tướng sĩ đều đồng chí, bình đẳng, yêu thương, giúp đỡ nhau lúc thường cũng như lúc chiến đấu “Đối với bộ đội, chính trị viên phải thân thiết như một người chị, công bình như một người anh, hiểu biết như một người bạn” (Thư gửi Hội nghị chính trị viên, tháng 3-1948); "Từ tiểu đội trưởng trở lên, từ tổng tư lệnh trở xuống phải săn sóc đời sống vật chất và tinh thần của đội viên" (Huấn thị tại hội nghị kiểm thảo chiến dịch đường 18, tháng 5-1951).

Ngày 22-12-1964, Bác Hồ mở tiệc chiêu đãi quân đội ta tròn 20 tuổi và xốc dậy tinh thần quyết thắng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đã đến hồi quyết liệt trong phạm vi cả nước, Bác khẳng định “Quân đội ta là quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”; vừa khen tặng, vừa đề ra yêu cầu đối với quân đội: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Đó cũng chính là truyền thống vẻ vang của Quân đội ta, là chuẩn mực của Bộ đội Cụ Hồ, kết tinh vẻ đẹp của con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, nhân vật trung tâm của nghệ thuật sáng mãi muôn sau./.

N.S.Đ

. . . . .
Loading the player...