14-08-2019 - 15:08

VU LAN VỚI MẸ

Hiếm có đất nước nào như Việt Nam ta trong một năm có ba ngày dành cho mẹ : Ngày Quốc tế phụ nữ (8-3) ; Ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10) và ngày Vu Lan báo hiếu (Rằm tháng 7 âm lịch).

     Trong ngôn ngữ Việt có nhiều từ dùng để gọi mẹ. Nam Bộ gọi là Má, Huế gọi là Mệ và một số tỉnh miền Trung gọi là Mạ. Chữ Má nghe nhè nhẹ thân thương, chữ  Mạ nặng hơn như địa hình khí hậu vùng đất đó. Ở phía Bắc, người dân tộc có nơi gọi là Mế. Nhưng dù gọi gì thì cũng từ một mẹ Âu Cơ sinh trăm con chung bọc trứng với cội nguồn đồng bào, chung một mùa Vu Lan của ngày rằm tháng 7. Con sông lớn nhất nước ta là sông Hồng còn được gọi là sông Cái (sông Mẹ) đẻ nặng phù sa. Phù sa  nặng đỏ  ăm ắp tình nghĩa để nuôi cây lúa nước. Cây lúa cũng lạ, lúa mới  cấy thì gọi là “Mạ”, lúc lúa làm đồng căng sữa thì gọi là “Lúa thì con gái” . Rồi đạo Mẫu, rồi thờ công chúa Liễu Hạnh. Dáng hình đất nước cũng thon thả uyển chuyển duyên dáng như tà áo dài truyền thống. ..
     Có lẽ nếu chỉ chọn một chữ để nói, để giải quyết mọi xung đột trong cuộc sống thì bạn sẽ chọn chữ gì? Riêng tôi, tôi sẽ chọn chữ: thương. Vâng yêu thương, thương mến, thương người, thương đồng loại. Trong chữ thương mang cả sắc hương thấm đẫm sự báo hiếu ân tình bao hàm cả tính bao dung độ lượng, nhân ái thủy chung : ‘‘Bầu ơi ! Thương lấy bí cùng” Rồi : “Người trong một nước phải thương nhau cùng ”. Ca dao đã từng nói thế, huống chi trong một gia đình với mẹ người đã mang thai đẻ đau đứt ruột. Hình hài của con chính là hình hài của mẹ, phẩm hạnh của mẹ chính là phẩm hạnh của con. Có một sợi dây liên hệ tâm linh bí ẩn giữa mẹ và con mà mỗi khi gặp đau đớn bất hạnh tột cùng ta đều kêu lên hai tiếng: Mẹ ơi ! Những người lính khi anh dũng hy sinh cũng ngã vào lòng đất Mẹ. Mẹ cưu mang đi suốt trọn đời như nhà thơ Chế Lan Viên đã viết : “Con dù lớn vẫn là con của mẹ - Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con ”   .  

Mùa Vu Lan ( Ảnh: Linh Châu)

     Lễ Vu Lan có từ bao đời mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Và theo đó,  đạo hiếu như một chất keo gắn chặt tình mẫu tử gia đình, dòng họ và cao hơn  nữa là cộng đồng thấm sâu vào cuộc sống của người Việt Nam rất phong phú góp phần làm sáng đạo lí dân tộc. Báo hiếu cho mẹ cũng chính là báo hiếu cho cội nguồn sâu thẳm cho xã tắc giang sơn. Đại thi hào Nguyễn Du người đã viết “Văn tế thập loại  chúng sinh”  về ngày rằm tháng 7 cũng chính là người đề cao chữ hiếu và xem đó là trách nhiệm hàng đầu của phận làm con : “Duyên hội ngộ đức cù lao – Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn"  và  "Làm con trước phải đền ơn sinh thành”. Lễ Vu Lan là một hình thức biểu hiện cụ thể triết lý nhân sinh Phật giáo, là một liệu pháp tinh thần chữa trị căn bệnh xuống cấp về đạo đức, về thói vô cảm. Thể hiện tấm lòng mình với mẹ không chỉ đợi đến ngày Vu Lan mà bằng sự thành tâm trong cuộc sống thường nhật. Khi cha mẹ còn sống biết trân trọng từng ngày để được chăm sóc là hạnh phúc may mắn của đời con, đó chính là lòng hiếu thảo. Thương và thảo là hai phẩm hạnh mà mẹ luôn dành cho con và dạy bảo con nên người từ khi còn chập chững trong nôi với những  lời ru điệu hát ân tình gieo vào con những mầm hạnh thiện. Ví như : “Công cha như núi Thái Sơn – Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Nguồn mạch ấy trong trẻo và tinh khiết biết bao không chỉ nuôi con bằng giọt sữa ngọt ngào về thể xác mà còn nuôi cả phần hồn về đạo lí làm người …
     Ngày lễ Vu Lan lên chùa  ai cũng mong muốn được gắn một bông hồng cài lên ngực. Hoa hồng là biểu tượng của tình yêu cho tình yêu thương bất diệt. Hoa hồng ngày Vu Lan có hai màu trắng, đỏ. Màu trắng biểu tượng mất mẹ, màu đỏ biểu tượng còn mẹ. Người được cài hoa trắng sẽ thấy xót xa nhớ thương không quên mẹ dù người đã khuất. Người được cài hoa hồng đỏ sẽ sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ và sẽ cố gắng làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi có khóc than cũng không còn kịp nữa. Khi đứng ở sân chùa nhìn dòng người thành tâm lễ Phật trên ngực áo cài những bông hồng đỏ, bông hồng trắng tôi lại có một ước nguyện: Mỗi năm có một ngày lễ Vu Lan nhưng với những người con hiếu thảo thì ngày nào cũng là ngày lễ Vu Lan. Hai cái màu đỏ, trắng không chỉ là dấu chỉ mà còn là mong mỏi màu trắng bớt đi, màu đỏ dày thêm. Bởi dòng máu đỏ của mẹ, tinh huyết của mẹ đã trọn đời dành cho con, đập mãi nhịp yêu thương với trái tim con và rộng ra là cả tình yêu cộng đồng đất nước. Vu Lan này với mẹ, Mẹ ơi !

                                                                                                                       Nguyễn Ngọc Phú                              
 

 

. . . . .
Loading the player...