16-04-2024 - 01:29

Nhà văn Sơn Tùng và truyện ký về cố Tổng Bí thư Trần Phú

Để có được độ chính xác cao trong tác phẩm của mình - dẫu là tác phẩm văn học, trong đó chấp nhận sự hư cấu - nhà văn Sơn Tùng tâm sự: "Đi lấy tư liệu về bậc danh nhân của quá khứ đòi hỏi như người đi khảo cổ. Mỗi nơi một ít, năng nhặt hết nơi này, nơi kia, cứ kiên trì, gặp một ít, ghi một ít rồi ghép lại, tổng quát thành cấu trúc, sau đó tiếp tục khảo chứng đi, khảo chứng lại, bổ sung cho đến khi hoàn thành tác phẩm".

Nhà văn Sơn Tùng sinh năm 1928 tại xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, Nghệ An, là thương binh chống Mỹ, cứu nước hạng cao nhất. Ông vừa lâm bệnh nặng đang cấp cứu tại Khoa Hồi sức (A9), Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Xin trân trọng giới thiệu bài viết về quá trình nhà văn Sơn Tùng tìm hiểu, nghiên cứu để viết cuốn sách về đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú.

Ký ức tuổi thơ thường lưu giữ những kỷ niệm ban đầu khá dài lâu theo thời gian. Thuở còn là học sinh Tiểu học, tôi rất ấn tượng với một bài học trong cuốn sách Đạo đức có tên gọi "Tình bạn của Trần Phú". Bài học kể lại, trong một buổi lên lớp có cậu học trò không thuộc bài nên bị thầy trách phạt vì tội lười biếng. Cả lớp lặng thinh. Riêng trò Trần Phú khoanh tay xin thưa với thầy về hoàn cảnh của bạn, cha mất sớm, mẹ tảo tần nuôi ăn học, hôm trước mẹ ốm, cậu phải thức đêm chăm sóc mẹ nên lỡ không học bài. Thầy giáo nghe xong, hiểu thấu sự việc, đã tha lỗi cho cậu học trò kia. Đồng thời thầy khen ngợi trò Trần Phú: "Sau này lớn lên trò Phú sẽ có một tình bạn như Dương Lễ với Lưu Bình, như Lê Lai với Lê Lợi".

Ngày ấy đọc xong tôi cứ ấn tượng mãi về câu chuyện, nhưng tuổi thơ đâu có để ý đến tác giả là ai. Tưởng như tôi sẽ vĩnh viễn nhớ câu chuyện đó trong ký ức, nhưng thật bất ngờ, sau một hành trình kiếm tìm, cuối cùng tôi đã tìm được cuốn sách và tác giả. Đó là nhà văn Sơn Tùng và tập truyện "Trần Phú", in lần đầu tại Nhà xuất bản Thanh niên năm 1980.

Một ngày đầu tháng 5/2010, dịp kỷ niệm ngày sinh cố Tổng bí thư Trần Phú (1/5/1904 - 1/5/2010), tôi được nghe nhà văn Sơn Tùng kể chuyện về hoàn cảnh ra đời của cuốn sách trên.

Thời thanh xuân, tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ, nhà văn Sơn Tùng chưa có dự định viết một cuốn sách riêng về Tổng Bí thư Trần Phú. Nhưng trong quá trình tìm hiểu và sưu tầm tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đã mở rộng phạm vi nghiên cứu sang các đấng tiên liệt cùng thời có mối liên hệ với Người, từ phong trào Văn Thân, Cần Vương, Đông Du, Duy Tân, Việt Nam Quang phục hội, Tân Việt, Đảng Cộng sản… Với những tư liệu có được, ông đã viết những cuốn sách riêng về cụ Tôn Thị Quế, cụ Đặng Quỳnh Anh, Nguyễn Hữu Tiến - Người vẽ cờ Tổ quốc... Còn với cố Tổng Bí thư Trần Phú?

Từ năm 1958, khi đang là giáo vụ kiêm giảng viên Trường Đại học Nhân dân (nay là Trường Đại học Kinh tế quốc dân), rồi cán bộ giảng dạy lớp báo chí đầu tiên của Trường Báo chí Trung ương do Ban Tuyên giáo Trung ương mở (với các nhà văn Dương Thị Xuân Quý, Bùi Bình Thi, Phan Thị Thanh Nhàn, Lý Thị Trung, Trần Hữu Tòng, nhà báo Lê Việt, Đại tá Đỗ Gia Hựu - nguyên Trưởng phòng Văn nghệ Nhà xuất bản Quân đội nhân dân…) thì người cán bộ trẻ Sơn Tùng được mắt thấy tai nghe có người giảng: Trần Phú sinh tại Tùng Ảnh - Đức Thọ - Hà Tĩnh; hoặc Trần Phú sinh tại Đức Phổ - Quảng Ngãi; người khác giảng đúng hơn Trần Phú sinh tại Tuy An - Phú Yên, nhưng lại đèo thêm rằng ông là con một gia đình nông dân nghèo, bố mẹ xiêu bạt từ Hà Tĩnh vào Tuy An, để thêm phần "cơ bản". Và nhiều những chuyện "vỉa hè, bếp núc" khác nữa…

Điều này trái với những tư liệu mà nhà văn tìm hiểu được. Mãi đến năm 1979, Nhà xuất bản Thanh niên đề nghị Sơn Tùng viết một cuốn sách về Tổng Bí thư Trần Phú nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Đảng (1930 - 1980). Ý nghĩ thôi thúc, một là để hiểu đúng hơn về người chiến sĩ cộng sản yêu nước hy sinh khi mới 27 tuổi xuân, đồng thời cũng là dịp rèn bút trước khi viết về lãnh tụ Hồ Chí Minh, nhà văn nhận lời viết.

Viết truyện về Tổng Bí thư Trần Phú có nhiều cái khó. Thứ nhất, thể loại truyện danh nhân chính trị ở nước ta ít được các nhà văn khai thác. Thứ hai: tư liệu khó sưu tầm được. Thứ ba: những nhân chứng cùng thời đã mất.

Bắt đầu từ tháng 6/1979, Sơn Tùng viết tới đâu biên tập viên Đặng Quang Vinh nhận về đánh máy tới đó, đến ngày 3/10/1979, sau 3 tháng thì tác phẩm hoàn thành. Cuốn "Trần Phú" dày trên 200 trang, Nhà xuất bản Thanh niên đã cho ra mắt bạn đọc cả nước lần đầu năm 1980 với số lượng 2 vạn bản.

Trong sách của mình, Sơn Tùng viết rõ, Trần Phú là con trai thứ bảy của quan huyện Trần Văn Phổ. Ông Trần Văn Phổ thi Hương đậu giải nguyên khoa Thành Thái năm Đinh Dậu (1897) tại trường thi Nghệ An. Sau đó ông ra nhận chức giáo thụ phủ Đức Thọ với cái tâm: lo việc học vấn cho dân. Chẳng được bao lâu, ông bị đổi vào Phú Yên, đem theo vợ con đi.

Tại đây, làng An Dân, huyện Tuy An, Trần Phú đứa con trai mà ông đặt hy vọng về thiên tư ra đời "Ông đặt cái tên "Phú" không có nghĩa là giàu của cải vật chất mà với ước mơ: giàu trí tuệ, giàu danh thơm - tốt danh hơn lành áo. Để rõ cái điều ấy của lòng ông, ông đặt tên đứa con trai út là [Trần Ngọc] Danh". 

Năm 1908, viên công sứ Pháp Đô Đê (Daudet) đàn áp phong trào nông dân chống thuế tới công đường của huyện lỵ Đức Phổ, Quảng Ngãi và ra yêu sách cho quan huyện Trần Văn Phổ: "Nội trong ngày mai, 19/5/1908, phải có đủ 150 phu tráng đinh để phục dịch suốt thời gian công sứ ở. Hằng ngày phải "sức giấy" cho các lý trưởng, phải có đủ cỏ, ngô, thóc, nước uống cho ngựa của quân lính. Nếu không có đủ thì tôi gông cổ ông lại".

Không chịu nhục, đồng thời không chịu đàn áp nhân dân để bàn tay vấy máu đồng bào mình, quan huyện Trần Văn Phổ đã thắt cổ tuẫn tiết đêm 18/5/1908. Chính khí tiết này của người cha đã ảnh hưởng trực tiếp tới nhân cách của Trần Phú khi đó mới có 4 tuổi, để ông sớm dấn thân hy sinh quên mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc sau này!

Hai năm sau, vào ngày 27/11/1910, bà huyện Hoàng Thị Cát lâm bệnh nặng và mất. Vậy là mới có 6 tuổi, Trần Phú đã mồ côi cả cha lẫn mẹ. Trần Phú và Trần Ngọc Danh được chị gái của mẹ là Hoàng Thị Khương đón về, gửi vợ chồng người con trai là Phạm Hoàng San và Phan Thị Yến làm việc ở Toà Khâm sứ Huế nuôi dưỡng, và cho ăn học.

Cụ Phạm Hoàng San và Phan Thị Yến là thân sinh ra Đại úy thủy quân Phạm Ngọc Xuân, người thủy thủ tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước năm 1946 trên chiến hạm Đuy-mông Đuyếc-vin-lơ và Đại tá Phạm Chí Nhân, người thể hiện hồi ức "Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Cần nói thêm một chi tiết này, trong truyện "Trần Phú" nhà văn Sơn Tùng nhiều lần nhắc đến một người tên là Trần Đình Thanh (tức Trần Mộng Bạch), Hiệu trưởng Trường Cao Xuân Dục, bạn chiến đấu thân thiết với cố Tổng Bí thư Trần Phú, cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập:

"Hà Huy Tập tốt nghiệp Thành Chung và anh không muốn dạy ở Trường Tiểu học Nha Trang theo sự bổ nhiệm của "Chính quyền bảo hộ Trung Kỳ" mà bàn trước với anh Trần Phú xin về Trường Cao Xuân Dục ở Vinh do Trần Đình Thanh làm Hiệu trưởng. Ba người: Trần Đình Thanh, Trần Phú, Hà Huy Tập kết thân với nhau, là hạt nhân của nhóm đọc sách báo bí mật do Nguyễn Ái Quốc viết" (trang 63).

Vậy mà ít người rõ Trần Đình Thanh là ai? Phải mãi đến năm 2004, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của cố Tổng Bí thư Trần Phú, trong diễn văn đọc tại buổi lễ mới nhắc đến tên ông Trần Đình Thanh, người bạn chiến đấu thân thiết của đồng chí Trần Phú.

Ông Trần Đình Thanh sinh năm 1900, nguyên quán: xã Trung Tiết, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, tham gia cách mạng từ năm 1920 đến 1931; Hội trưởng Hội Phục Việt; đã hy sinh ngày 30/6/1931.

Thêm bốn năm sau nữa, ngày 24/4/2008, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định số 432/QĐ-TTg cấp bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sĩ Trần Đình Thanh.

***

Sau nhiều năm học tập tại Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết, Trần Phú được Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản cử về nước công tác. Đồng chí Trịnh Đình Cửu - Bí thư Ban chấp ủy Trung ương Lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam đã đón và bố trí người đưa đồng chí Trần Phú đến ở nhà số 4 phố Hàng Rươi. Sau lại chuyển chỗ ở về gia đình vợ mình - cô giáo Nguyễn Thị Lệ, là cán bộ của Đảng, hoạt động tuyến của Xứ ủy do đồng chí Trần Quang Tặng phụ trách - tại phố Phúc Kiến.

Giữa những ngày hè chói chang nắng hạ, anh Trần Phú đi cùng đồng chí Trần Văn Lan - Ủy viên Thường vụ Ban chấp ủy Trung ương Lâm thời thâm nhập thực tế: Các đồng chí đã khoác áo thợ dệt Nam Định, thợ mỏ vùng Quảng Yên, thợ xi măng, thợ bốc vác Hải Phòng… Các đồng chí cùng về vùng Thái Bình tìm hiểu đời sống thợ cày.

Khi đồng chí Trần Phú và đồng chí Trần Văn Lan trở về Hà Nội thì đồng chí Trịnh Đình Cửu đã liên hệ được một địa điểm làm việc cho cơ quan Trung ương thật là đặc biệt: Ngôi nhà số 90 Hàng Bông - Nhuộm. Chủ ngôi nhà này là Đuy - ô, Thanh tra tài chính thuộc phủ Toàn quyền Đông Dương, do đồng chí Tạ Văn Bân (thường gọi là anh bếp Bân), coi sóc mọi công việc trong nhà.

Chính tại tầng hầm ngôi nhà 90 phố Hàng Bông - Nhuộm này, đồng chí Trần Phú đã khởi thảo bản Luận cương Chính trị được báo cáo tại Hội nghị Trung ương lần thứ nhất (tháng 10/1930) thảo luận và thông qua… 

***

Ngay khi cuốn sách "Trần Phú" của nhà văn Sơn Tùng được xuất bản, GS Đinh Xuân Lâm đã viết bài thẩm định trên báo chí và nhà sử học hàng đầu này còn nói thêm với bạn hữu: "Tư liệu lạ quá! Sơn Tùng lạ quá! Tôi rất bất ngờ! Anh Sơn Tùng ở ngoài Nghệ, còn tôi là người ở trong Hà Tĩnh, tôi cũng con nhà quan, dù bố tôi không phải đỗ đại khoa, chỉ làm quan nhỏ. Vậy mà tôi không được biết quan huyện Trần Văn Phổ là thân sinh Tổng Bí thư Trần Phú".

Dẫn nguồn: https://cand.com.vn/

. . . . .
Loading the player...