21-06-2022 - 07:43

VỊ THẾ THÁI CAN TRONG PHONG TRÀO THƠ MỚI (1932 - 1945

Tạp chí Hồng Lĩnh Số Tháng 5+6 năm 2022 trân trọng giới thiệu bài viết của PGS.Ts Nguyễn Hữu Sơn: "Vị thế Thái Can trong phong trào Thơ mới 1932-1945" nhân 90 năm Phong trào Thơ Mới (1932-2022)

NHÂN 90 NĂM PHONG TRÀO THƠ MỚI (1932 - 2022)

 

VỊ THẾ THÁI CAN

TRONG PHONG TRÀO THƠ MỚI (1932 - 1945)

 

 

                                                                                                  

                                                                       NGUYỄN HỮU SƠN

Tương tự với Lê Khánh Đồng, Thái Can (1910-1998) cũng theo ngành y, quê sinh ở Văn Lâm, phủ Đức Thọ (nay thuộc xã Đức Lâm, huyện Đức Thọ); lớn lên, học trường phủ Đức Thọ (Hà Tĩnh), trường Vinh (Nghệ An), Trường Trung học Bảo Hộ (Trường Bưởi, Hà Nội); năm 1940, tốt nghiệp y khoa bác sĩ trường thuốc Hà Nội (tức Trường Y Dược Đông Dương) rồi học thêm chữ Hán… Thái Can làm thơ từ thuở còn đi học, ban đầu ký bút hiệu Th.C., thường in các báo Phong hoáTiểu thuyết thứ BảyHà Nội báoVăn học tạp chí, Công luận, sau tập hợp trong quyển Những nét đan thanh (Ngân Sơn tùng thư xuất bản, Huế, 1934); rồi ông bổ sung, tự mình viết tựa và tái bản (1938)… Ông đã cùng Phạm Huy Thông, Lưu Trọng Lư lập Thi xã Dạ Lan Hương tại Hà Nội và được Linh Nhãn (Lê Văn Hòe) giới thiệu trên báo Công luận ở Sài Gòn (1938). Ngay từ đương thời phong trào Thơ mới, thơ Thái Can đã được nhiều bạn thơ và giới phê bình như Lê Văn Hòe, Thế Lữ, Trương Tửu, Mộc Khuê (Kiều Thanh Quế), Tài Xuyên, Hoài Thanh - Hoài Chân… cùng quan tâm trao đổi, luận bình...

Trên thực tế, sau khi xuất bản Những nét đan thanh (1934) và được xếp loại những cây bút Thơ mới tiên phong, Thái Can vẫn tiếp tục sáng tác. Từ rất sớm, ngay từ những bài phê bình đầu tiên, Hoài Thanh đã soát xét, thẳng thắn chỉ ra cả những hạn chế và khẳng định, nhấn mạnh cái hay của thơ Thái Can: “Vậy bây giờ Thơ mới đã có qui tắc gì chưa? Hiển nhiên là chưa có. Không theo phép tắc khuôn khổ xưa thì người ta gọi là mới, hai chữ Thơ mới hiện nay chỉ có thể định nghĩa một cách tiêu cực như vậy mà thôi; lối thơ sau này, câu thơ sẽ dài hay ngắn thế nào, điệu thơ sẽ thế nào, chưa ai biết được, song có điều chắc chắn, là thơ thì phải có vần. Những bài Nguyễn Du, Nietzche của Thái Can trong quyển Những nét đan thanh, ý tứ dồi dào đều là những bài văn xuôi rất hay, nhưng không thể xem là thơ được, thơ phải có vần, phải chú trọng về âm điệu, phải mượn thêm âm điệu trao mối cảm cho người ta nhiều hơn là mượn ý tứ ly kỳ hay sâu sắc (…). Những bài Học trò đi học đã về, Hoa ái tình của Thái Can; Túp lều cỏ, Nhớ lại ngày của Lưu Trọng Lư; bài Năm qua của Leiba, bài Than thở của nàng Mỹ thuật cùng nhiều bài khác của Thế Lữ đều là những bài thơ có giá trị”1 

Xếp hạng những cây bút “lão làng”, chủ lực giai đoạn đầu, Thái Can được nhà văn Khái Hưng hình tượng hóa thành nhân vật trong vở kịch vui một hồi bằng thơ nhại Quần tiên tụ hội (cùng các vai Nàng thơ, Huy Thông, Nguyễn Vỹ, Lưu Trọng Lư, Thế Lữ, Nhược Pháp), trong đó có đoạn:

“NÀNG THƠ (Đọc tiếp):

- Nghe văng vẳng tiếng loa xa?

Đến lắm chữ loa, ca, xa, mà, và!

THÁI CAN (Ung dung bước tới):

- Mỹ nhân kiều diễm của ta ơi,

Mắt biếc môi son tóc bỏ lơi,

Gót ngọc xin dừng bên tục tử

Mà nghe than thở một đôi lời.

 

Huy Thông, Thế Lữ cả hai chàng,

Chữ nghĩa văn thơ đã rất xoàng.

Điển tích lại thêm mờ mịt mịt,

Vì chưng chẳng đọc được thơ Đường.

… LƯU TRỌNG LƯ:

- Hãy nghe bài mùa thu mù mịt…

THÁI CAN:

- Lắng tai nghe thử một bài thơ”2...

Chỉ tính riêng trên báo Phong hóa trong năm 1935, Thái Can đã in thêm 6 bài (Hồn hoa, Chiều thu, Trông chồng, Phút yêu đương, Tình xuân, Im lặng).

Tiếp ngay năm sau, Nguyễn Nhuệ Thủy tuyển bài thơ Chiều thu của Thái Can vào đầu tập Những áng thơ hay (gồm 17 bài của 17 nhà thơ. Nam Ký Xb, 1936). Nhận được sách, tạp chí Sông Hương giới thiệu: “Những áng thơ hay của ông Nguyễn Nhuệ Thủy biên tập, có ông Lê Tràng Kiều đề tựa, gồm nhiều bài thơ của các thi sĩ đương thời như Thái Can, Phạm Huy Thông, Nguyễn Nhược Pháp, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, v.v... cũng có cả ông Nguyễn Khắc Hiếu nữa. Giá 0$30”3.

Liền tháng sau, bình giả Lê Văn Hòe trong mạch cảm hứng thiên về phê phán đã trực diện góp ý, bắt bẻ:

“Bài Chiều thu của Thái Can làm theo thể cũ (thất ngôn trường thiên), lời đã sáo và tục, như những câu:

              Ta ngỡ Hằng Nga náu Quảng Hàn

(bắt chươc Hồ Xuân Hương)

              Ta đứng bên hiên kiếm ý thơ

(phỏng theo Thế Lữ)
                   Mỹ nhân vô ý bước đi qua...
                   … Cõi lòng man mác giá như sương.

(mà ý cũng sáo và tục nốt)

              Chẳng được như hoa vướng gót nàng…
                   … Ta về nhặt lấy hoa thu rụng,
                   Đặng giữ bên lòng nỗi nhớ thương.

Không thể kêu là một áng thơ hay được, dầu không đến đỗi dở lắm”4.

Bên cạnh áng thơ “không đến đỗi dở lắm”, Thái Can vẫn có những bài thơ, câu thơ vượt trội trên thi đàn. Chẳng thế mà Thế Lữ khi tuyển lựa, nhặt sạn thơ ca đã bình luận, liên hệ, nhắc nhớ đến nét riêng độc đáo thơ Thái Can: “Hai bài thơ của ông Nguyễn Quang Trứ đều tả sự mơ ước rộng lớn, cái chí khí muốn chắp cánh thơ bay bổng lên nơi cao khiết để quên những nỗi đau khổ dưới trần (…). Tôi lại nhớ đến câu thơ của Thái Can ngày nào cũng tả một tình cảnh như thế, mà từ lối dùng chữ đến âm điệu cùng có một sức chiêu gợi lạ lùng: Thơ tả người Chinh phu cưỡi ngựa trong cảnh sương giá, râu mày tuyết bám, cánh áo bay phấp phới, và tiếng: Ngựa hý vang từng trận gió may5. Câu thơ đẹp hoàn toàn”6.

Thế rồi Thái Can cộng tác với báo chí phương Nam, thử nghiệm lối thơ vui, “thả lá thơ chơi”, thơ hình thức vị nghệ thuật kể từ cách viết nhan đề đến việc thêm những hàng dấu chấm:

Đàn bướm bay cao liệng xuống gần,

………………………………………….

Tưng bừng bay lượn dưới hoa xuân.

………………………………………….

Rõ ràng hoa cũng như sung sướng,

Dưới ánh triêu dương mỉm miệng cười7.

Tiếp qua năm sau, trong bài viết chào xuân có tính tổng hợp, nhà phê bình Trần Thanh Địch bình điểm thơ Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Thanh Tịnh, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Nhược Pháp, từ đó dẫn toàn văn và phân tích vẻ đặc sắc bài Vườn xuân của Thái Can: “Thái Can, nhà thi sĩ của Hoa và Trăng, cảm xuân một cách khác (…). Thấy xuân về, Thái Can thành thực sung sướng. Cũng như Nhược Pháp, Thái Can không “nhìn” xuân bằng một tâm hồn uổi nuột, không cảm xuân thành những bài thơ buồn rầu. Thấy xuân đến, Thái Can không dùng nổi lòng chán nản mà chỉ lấy những bông hoa tình ái đầu mùa để rung động người đọc. Thái Can không ca ngợi sự đau đớn ê chề của tâm hồn. Cái đặc sắc của Vườn xuân vì thế mà càng thêm giá trị. Trong thơ của Thái Can, ta thấy đầy rẫy những nét “Tàu”, không như Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử hay Chế Lan Viên thường hay dùng những ý rộng rãi của nền văn học Tây phương. Trong gần tất cả các bài thơ, Thái Can thường thích ca tụng đến hai thứ “Trăng” và “Hoa”. Và, nhà thi sĩ ấy yêu thứ “hoa hạnh”: Truyện cùng hoa Hạnh dưới cành sương (Phút yêu đương); Gặp em thơ thẩn bên vườn Hạnh,/… Bên vườn hoa Hạnh bóng trăng soi… Và luôn cả trong bài Vườn xuân, nhà thi sĩ ấy cũng viết: Âu yếm em hôn hoa hữu hạnh, v.v… Thơ Thái Can có một vẻ mơ màng và huyền diệu, làm người đọc yêu mến nó như yêu mến một cảnh trăng non bao trùm cả bầu sương đang tỏa”8

Ký giả Vương Tử khi xác định các bước tiến bộ, vận động, phát triển tư duy thơ ca và xu thế chuyển đổi, thay thế, tiếp nối thế hệ đi trước đã điểm danh và ghi nhận vị thế Thái Can: “Tản Đà và Á Nam là hai thi gia giữ được sự tin yêu của công chúng bền nhứt, hồi gần đây (…). Ngôi sao của thi gia họ Trần đã lặn khi ngôi sao của thi gia họ Nguyễn vừa mọc. Họ Nguyễn đây là họ của Thế Lữ, một nhà thơ kiểu mới của chúng ta (…). Người ta chưa biết rằng Huy Thông hay Thao Thao, Thái A hay Phi Yến, Nhược Pháp hay Thái Can, Trọng Lư hay Huy Nhiệm, Liêu Kỳ Lộc hay J. Leiba, hay ai ai khác sẽ chiếm cái chỗ ngồi của Thế Lữ, nhưng người ta chắc chắn rằng Thế Lữ sẽ không giữ được chỗ ngồi lâu được hơn hai nhà thơ họ Nguyễn, họ Trần”9.

Thế rồi Thái Can tham gia Thi xã Dạ Lan Hương và được Linh Nhãn (Lê Văn Hòe) trân trọng giới thiệu với làng thơ phương Nam: “Là tên một Thi xã mới thành lập ở Bắc Hà, do những nhà thi sĩ đã nổi tiếng gây dựng nên như Huy Thông, tác giả của nhiều tập thơ có giá trị: Yêu đương, Tiếng địch Sông Ô, Anh NgaTần Ngọc. Thái Can, tác giả Những nét đan thanh và Lưu Trọng Lư, một nhà thơ văn mà chúng tôi không cần giới thiệu với độc giả đã thưởng thức văn tài của Lưu Trọng Lư từ lâu rồi, người đã sản xuất được nhiều quyển sách có giá trị, trước hết là Người sơn nhân, Khói lam chiều, và gần đây, Huyền không động, Con đười ươi...”10.

Nối tiếp đoạn văn giới thiệu là “Lời phi lộ” thể hiện quan điểm, tôn chỉ của thi xã ký tên chung Phạm Huy Thông - Thái Can - Lưu Trọng Lư  và được Linh Nhãn xác nhận “Lời lẽ ấy là sự giãi bày đủ cả một chương trình hành động của Dạ lan hương Thi xã”:

“Lòng người còn rung động, khi sao lấp lánh trong đêm thanh hay cành rủ ngọn bên đường, thì lời thơ còn réo rắt dưới ngòi bút thi sĩ.

Thơ không bao giờ tận, mặc dầu hiện đương trải qua một thời kỳ khủng hoảng đáng sợ. Trước cảnh tượng ấy, chúng tôi quên hết mọi sự thiếu thốn của mình, lập ra thi xã này, theo đuổi một mục đích có lẽ cao quá tài sức.

Thi xã – cái “khoái trá” của một thời đại đã qua – đã lâu lắm mới lại xuất hiện ở xứ này. Hơi muộn nhưng muộn chừng nào thì trách nhiệm nặng nề chừng ấy. Và thi sĩ ngày nay phải thay hình đổi dạng để ứng phó với những nhu cầu của thời mới.

Thi xã sẽ gây một chút mới lạ trong thi văn và nâng thi văn lên một khoảng trời cao rộng, thanh khiết hơn: nó sẽ thổi vào rừng thơ một khí lực mới.

Thi xã sẽ khai thác những cảm mới. Nó sẽ đưa thi văn đến những núi sông xa lạ, một thế giới có bóng trăng mềm mại hơn, có những bông hoa nồng nàn hơn, có những tiếng chim mà nhạc điệu đằm thắm hơn, và ở đây tâm hồn ta rung trong một bầu không khí cảm động như khi trái đất đang tắm gội trong thanh hương của những hoa cỏ mới đâm chồi…

Thi xã sẽ tìm tòi những thi tài mới. Vì có những thi tài thiếu sự săn sóc đành phải mai ẩn trong lặng lẽ. Và đó là một thứ hận mà nghìn năm sau không còn chuộc gỡ được nữa. Nếu làm thơ là một việc sáng tạo thì lập thi xã là một việc sáng tạo khác. Ở kia, người ta sáng tạo ra thơ; ở đây, người ta sáng tạo ra thi sĩ.

Thi xã sẽ tạo giữa sự rộn ràng của xã hội một vùng không khí cao nhã, trong sạch. Người làm thơ sẽ được hưởng sự đầm ấm như ở bên một lò sưởi thân mật, dưới mái gia đình. Trong lúc ấy, những cám dỗ tầm thường chỉ mất công gào thét bên ngoài cửa.

Nhưng chúng tôi cần phải nói rõ ràng, chúng tôi rất xa cái ý muốn chủ trương một văn phái. Chúng tôi chỉ là những người gần nhau bởi một sự mê say chung, sự mê say nghệ thuật. Những thi sĩ vì sự phát triển của tài nghệ riêng, có lẻ những quan niệm riêng. Nhưng có một điều này sẽ hòa giải các thi sĩ, ấy là sự tôn thờ vẻ đẹp.

Trong một gian nhà nhỏ, vài người đã hợp cùng nhau bình luận về văn thơ và đọc những tác phẩm của mình vừa làm ra (cũng như những sa - lông văn học của nước Pháp trước kia vậy), còn mới mẻ, còn sáng láng như một buổi mai.

Nhưng chỉ có thế thôi thì có lẽ chúng tôi đã giam cầm thanh khí, giam cầm hạnh phúc. Cho nên chúng tôi phải có một cơ quan để thu lại trong gang tấc những cảm tình muôn dặm. Cho nên chúng tôi phải đưa ra ánh sáng những bài thơ đã đọc cho nhau nghe trong những đêm tịch mịch, vào giờ dưới trăng dạ lan hương nở”11

Thế rồi Thái Can viết Bốn giấc mộng chia năm đoạn với thi tứ đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi:

Anh nhớ cách xuân trước,

Cùng em chơi vườn mai.

Cây mai già bóng mát,

Dưới gốc cùng ngồi chơi.

Hoa mai bay phấp phới,

Như bướm xung quanh người.

Vội vàng anh hứng lấy,

Để em gài tóc chơi.

Anh mải hứng hoa rụng,

Ngoảng lại em đâu rồi?

*

Hè sau chơi bãi bể,

Minh mông nước với trời,

Cũng anh trên bãi cát,

Vạch chữ xong xóa chơi.

Em chỉ xa ngoài bể,

Bồng bềnh chiến thuyền ai!

Anh mải trông xa tít,

Ngoảnh lại em đâu rồi?

*

Sang thu trăng sáng tỏ,

Anh ngồi dưới hiên mai.

Văn đờn anh lựa phiếm,

Dìu dặt khúc Nam ai.

Bỗng đâu em chạy đến,

Bên mình anh, em ngồi.

Em ngồi im lẳng lặng,

Hình như em lắng tai.

Nghe tiếng đờn ai oán,

Mà khúc dạ bồi hồi.

Dựa vai anh, em nghỉ,

Trên đầu bóng trăng soi.

Anh mải trông trăng sáng,

Ngoảnh lại em đâu rồi?

*

Đêm đông gió bấc thổi,

Vùn vụt ở ngoài trời.

Anh ngồi tựa bên án,

Mờ tỏ ngọn đèn soi.

Bỗng thấy em chạy đến,

Bên mình anh, mỉm cười.

Em thấy em thổn thức,

Như thương như nhớ ai.

Em vội đưa tay ngọc,

Chỉ xa ngoài phương trời.

Trước mắt bỗng chốc hiện:

Hình sắc của muôn loài.

Tai như nghe tiếng nhạc,

Xa xa muôn dặm ngoài.

Anh mải nghe tiếng nhạc,

Ngoảnh lại… Em đâu rồi!

*

Ôn lại thời gian cũ,

Nhớ em, anh ngậm ngùi.

Đời anh chỉ em biết,

Có nhiều nỗi đắng cay.

Nhưng em không thể ở,

Cùng anh trong một ngày.

Vì em là Ngọc Nữ,

Ở trên động Thiên Thai12.

Khi phong trào Thơ mới cơ bản đã vượt đỉnh, bình giả Trương Tửu khi thực hiện sơ kết chặng đường mười năm văn học đã điểm duyệt, phân loại các trường thơ và vinh danh vị thế Thái Can: “Tựu trung, vẫn chỉ có bốn trường thơ mới có tính cách đặc biệt là: Trường thơ Thế Lữ; Trường thơ Lưu Trọng Lư; Trường thơ Nguyễn Vỹ; Trường thơ “thể cũ ý mới” có Thái Can đại diện… Thơ Thế Lữ là thể ca trù phục hưng lại, thơ Lưu Trọng Lư có cái vẻ phóng túng của các thể cổ phong, từ khúc; thơ Nguyễn Vỹ phỏng theo thể cách Pháp văn. Thơ Thái Can theo cái ý kiến dung hòa của André Chénier. Thơ Thế Lữ chú trọng về âm, thơ Lưu Trọng Lư chú trọng về điệu, thơ Nguyễn Vỹ chú trọng về tứ, thơ Thái Can chú trọng về hình tượng”13.

Đến đầu năm 1942, Tài Xuyên trong bài Mùa xuân với thi nhân đã điểm danh và phân tích cảm quan mùa xuân trong thơ Xuân Diệu đặt trong tương quan thơ xuân Thái Can:

“Xuân Diệu với Thái Can là hai nhà thơ rất nhiều cảm tình với xuân nhất. Thái Can, một chàng thơ đa tình, yêu xuân, say xuân, vì xuân tức là tình. Vào vườn xuân cùng ai tay cầm tay đi tìm sắc đẹp:

Rảo bước ngày xuân anh với em,

Trong vườn tư tưởng để em tìm.

Hương thơm sắc đẹp hoa tình ái,

Em rắc bên lòng dưới áo xiêm.

Nào dưới ánh triêu dương hoa đào rực rỡ, lá đào xanh, một nàng thiếu nữ xăm xăm đi theo mộng xuân tình:

Trời đông vừa rạng ánh bình minh,

Thiếu nữ xăm xăm bước một mình.

Dưới ánh hoa đào khoe má đỏ,

Hoa đào rực rỡ, lá đào xanh14.

Đến chặng cuối, Hoài Thanh - Hoài Chân trong tổng luận Một thời đại trong thi ca mở đầu bộ sách đại thành Thi nhân Việt Nam (1942) xác nhận những thử nghiệm ban đầu của Thái Can: “Từ khúc mà hồi đầu người ta toan đưa làm thể chính thức của thơ mới đã chết dần cùng với thơ tự do” và kèm theo chú thích: “Thơ tự do có khi không vần như thơ Thái Can trong Những nét đan thanh, thường thì có vần. Nhưng dầu có vần nó vẫn khác từ khúc. Nó không bao giờ độc vận. Ba câu cùng một vần đi liền với nhau cũng không mấy khi. Trong một bài từ khúc liên vận thường có vần chị vần em như một bản nhạc có âm chính, âm phụ”15.

Trong phần bình luận thơ Thái Can, Hoài Thanh - Hoài Chân phác thảo theo kiểu phản đề, mở đầu chê khéo lối thơ xưa, hình ảnh chân thực nhưng sáo cũ và đến nửa sau mới tập trung chỉ ra nét mới của những bài Thơ mới Thái Can, cái hay của những bài thơ hay và một phong cách riêng, độc đáo, sâu lắng:

“Thơ Thái Can nhạc điệu không có nhiều lối và cũng chỉ nằm trong khuôn khổ thơ thất ngôn, nhưng trong những câu hay, bao giờ cũng thấm thía. Một người kỹ nữ, lúc canh khuya sau lúc khách làng chơi đã ra về, một mình ngồi nhìn phía quê nhà và than:

Biết đâu mà gửi lòng thương nhớ,

Mà biết cùng ai gửi nhớ thương.

Một thiếu niên gọi bạn tình trong mộng tưởng:

Thu liễu em ơi, có biết không?

Những là ngày nhớ lại đêm mong.

Thu này những tưởng cùng em gặp,

Dưới nguyệt đôi ta ngỏ chút lòng.

Còn gì sáo hơn những cây ấy. Nhưng có những lúc ta buồn và mỏi không muốn tìm tòi gì: ta buông xuôi tay, ta buông xuôi lòng cho trôi theo những lời, dầu sáo, dầu cũ, miễn là âm điệu khi lên khi xuống cùng ăn nhịp với lòng ta. Những lúc đó ngâm thơ Thái Can thì tuyệt.

Cho đến những bức tranh thỉnh thoảng ta gặp trong thơ Thái Can cũng không phải là những bức tranh tô bằng nét, bằng màu, mà chính là họa bằng nhạc điệu:

Mỹ nhân lững thững xem hoa rụng,

Trâm ngọc quên cài tóc bỏ lơi.

Sương tỏa bên mình như khói nhẹ,

Xiêm y tha thướt mái hiên ngoài.

Hãy đọc đi đọc lại bốn câu này. Có phải lời thơ yểu điệu và mềm mại như một người đẹp?

Những lúc thi nhân tìm được âm điệu thích hợp để diễn đạt nỗi lòng mình, ta thấy người khoan khoái như được giải thoát. Nếu không, người ra chiều uất ức, khó chịu. Người phân vân trước những ham muốn, những mộng tưởng nhiều khi trái ngược nhau. Tâm hồn Thái Can rất phức tạp. Tuy vẫn thường mơ tưởng cái cảnh thanh gươm yên ngựa, song nhác thấy bóng khăn san áo màu thời nay, người cũng không muốn hững hờ qua. Người thực lòng thương những gái giang hồ, người thống trách xã hội đã dẫn họ vào đường trụy lạc, song những yến diên có ca nhi điểm vui, tất cả cái hào hoa, cái êm dịu của cuộc đời phú quý người cũng không nỡ từ. Người muốn gây một sự nghiệp, người không muốn sống vô ích, song người lại thấy làm gì cũng vô ích, người ghét hữu hạn và khao khát vô cùng.

Bấy nhiêu điều trái ngược chỉ có thể đưa người ta đến chán nản. Ta hãy nghe Thái Can khuyên người ca nhi vừa tự sát mà không chết:

Đứng dậy em ơi! Sống cõi đời,

Đời dầu khổ nhục đến mười mươi.

Em nên điểm phấn tô son lại,

Ngạo với nhân gian một nụ cười.

Trong hai người, thi nhân và kỹ nữ, dễ đã biết ai chán hơn ai? Cho đến ái ân thi nhân cũng không thiết nữa:

Thôi! Thế lòng anh mãn nguyện rồi,

Vì tình là mộng đó mà thôi.

Lòng em một phút yêu anh đó,

Cũng thể yêu anh suốt một đời.

Thái Can nói mãn nguyện mà lại đau đớn hơn những lời oán hận của một thi nhân khác, Lan Sơn:

Một phút lòng em mơ bạn mới,

Yêu anh sau nữa cũng bằng không16.

Ở đây hai ông tuyển thơ Thái Can năm bài (Cảnh đó, người đâu? Chiều thu, Trông chồng, Anh biết em đi, Cảnh đoạn trường), ngang bằng số bài Nguyễn Đình Thư, vượt trên những Tế Hanh, Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ, J. Leiba, Đông Hồ, Vũ Hoàng Chương (bốn bài)…

Về sau này, bài thơ Anh biết em đi đã được nhạc sĩ Anh Bằng (1926-2015) phổ nhạc thành bài hát Anh biết em đi chẳng trở về (1982), xếp loại những “tình khúc bất tử” và được các ca sĩ bolero hàng đầu thể hiện: Duy Quang, Sơn Tuyền, Hương Lan, Phi Nhung, Huỳnh Thật, Trung Quang, Tuấn Vũ...

                                                                                N.H.S

_____________

1. Hoài Thanh (1934), “Thơ mới”, Tiểu thuyết thứ Bảy, Hà Nội, số 31, ra ngày 29-12, tr.16.

2. Khái Hưng (1936), Quần tiên tụ hội (Kịch vui một hồi bằng thơ nhại). Phong hóa, Hà Nội, số 185, ra ngày 1-5, tr.3-4.

3. S.H (1936), “Các sách tặng - Những áng thơ hay”, Sông Hương, Huế, số 2, ra ngày 8-8, tr.2.

4. Lê Văn Hòe (1936), Những áng thơ hay không xứng đáng với tên gọi. Công luận, Sài Gòn, số 7224, ngày 12-9, tr.4.

5. Xin xem Thái Can (1935), “Trông chồng”, Phong hóa, Hà Nội, số 154, ra ngày 20-9, tr.5 (NHS chú).

6. Thế Lữ (1937), “Tin thơ”, Ngày nay, Hà Nội, số 80, ngày 10-10, tr.835.

7. Thái Can (1937), … Bướm, hoa… Công luận, Sài Gòn, số 7340, Xuân Đinh Sửu, ra ngày 1-2, tr.7.

8. Trần Thanh Địch (1938), Thi sĩ với ngày xuân”, Tràng An báo, Huế, số 292, ra ngày 25-1, tr.1+7.

9. Vương Tử (1938), “Số phận đáng phàn nàn của thi sĩ nước ta hồi đây”, Công luận, Sài Gòn, số 7615, ra ngày 22-1-1938, tr.5.

10. Linh Nhãn (1938), “Một cơ quan mới lạ trong thi giới: Dạ Lan Hương”, Công luận,Sài Gòn, số 7644, ra ngày 5-3, tr.4.

11. Phạm Huy Thông - Thái Can - Lưu Trọng Lư (1938),  “Thi xã Dạ Lan Hương”, Công luận, Sài Gòn, số 7644, ra ngày 5-3, tr.4.

12. Thái Can (1938), “Bốn giấc mộng”, Công luận, Sài Gòn, số 7776, ra ngày 11-8, tr.3.

13. Trương Tửu (1940), “Tính sổ mười năm văn học, 1930-1940”, Mùa gặt mới, Hà Nội, số 2, tháng 11.

14. Tài Xuyên (1942),  “Mùa xuân với thi nhân”, Tràng An báo, Huế, số 976, ra ngày 24-2, tr. 1+2.

15. Hoài Thanh - Hoài Chân (1989), “Một thời đại trong thi ca”, Thi nhân Việt Nam, 1932-1941. Tái bản. Nxb. Văn học, Hà Nội, tr.50.

16. Hoài Thanh - Hoài Chân (1989), Thi nhân Việt Nam, 1932-1941. Tái bản. Nxb. Văn học, Hà Nội, tr.242-255.

. . . . .
Loading the player...