05-01-2022 - 09:00

Vì một xã hội đọc lành mạnh

Tạp chí Hồng Lĩnh số 184 trân trọng giới thiệu bài viết “Vì một xã hội đọc lành mạnh” của Hoài Nam

       “Viết & Đọc” là một ấn phẩm khá đặc biệt của NXB Hội Nhà văn Việt Nam, ra đều kỳ theo mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông, 4 số/ năm, đến nay đã được ba năm. Ấn phẩm này có một slogan cũng thật đặc biệt: “Không thể sống mà không viết”. Người ta có thể hiểu rằng, ít nhất, đây là tuyên ngôn của những người chủ trương thực hiện “Viết & Đọc”. Họ là một nhóm nhà văn, nhà thơ, dịch giả, nhà nghiên cứu và phê bình văn học, tức là những người làm nghề viết, những người đam mê viết, những người tự xác lập chân dung tinh thần của mình bằng hành động viết. Viết văn chương. Thế nhưng, sự thật là toàn bộ cái viết của họ, và của tất cả những người viết nói chung, sẽ trở nên vô nghĩa nếu không có sự tiếp nhận, tức là sự đọc văn chương hay sự tồn tại của người đọc văn học. Tôi phải dẫn giải điều này để nói rằng: Khi “cái viết” được đề cao đến mức thiên lệch như vậy thì nó rất cần được cân bằng lại bằng những nghiên cứu về người đọc và “cái đọc” của người đọc. Và đó là lý do khiến tôi chú ý đến cuốn chuyên khảo mới xuất bản gần đây của nhà nghiên cứu Vũ Thị Thu Hà: “Thị hiếu thẩm mỹ công chúng văn học Việt Nam đương đại” (NXB Văn học, 2021).

       Đây là một công trình chuyên về nghiên cứu người đọc (công chúng), nhưng không phải người đọc như là đối tượng của các lý thuyết tiếp nhận, tức người đọc như một yếu tố quan trọng, không thể thiếu trong việc tiếp nhận và lấp đầy văn bản, tạo nghĩa cho văn bản và từ đó biến văn bản thành các tác phẩm khả thể. Mà là người đọc như một ngôi trong cái tam vị “Tác giả - Tác phẩm – Người đọc”, tạo nên sự nhất thể khép kín và đầy đủ của một đời sống văn học. Nói cách khác, chuyên khảo của Vũ Thị Thu Hà là một nghiên cứu xã hội học văn học về người đọc, mà ở đó, về cơ bản, mối quan hệ giữa tác giả và người đọc được hình dung như là mối quan hệ giữa người sản xuất/ bán hàng và người tiêu dùng/ mua hàng. Cái khung cho sự hình dung này là “văn học Việt Nam đương đại”, tức nền văn học được hình thành dưới tác động mạnh mẽ, thậm chí mang tính quyết định, của công cuộc đổi mới đất nước, với cái mốc khởi điểm là Đại hội VI năm 1986 của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đổi mới, trong ý nghĩa cốt tử, nghĩa là xóa bỏ cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp, thay thế bằng cơ chế thị trường có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Chuyển biến xã hội to lớn ấy đã mang đến một thay đổi quan trọng cho văn học Việt Nam: Kể từ năm 1986, tác phẩm văn học, dưới hình thức sách in và các hình thức khác, đã trở thành một loại “hàng hóa đặc biệt” được lưu hành trên thị trường, và như mọi loại hàng hóa khác, nó cũng phải chịu sự tác động lạnh lùng và khắc nghiệt của quy luật cung - cầu. Có cầu, ắt có cung. Điều đó có nghĩa: Tác giả viết, là phải căn cứ vào “tầm đón đợi”, vào nhu cầu đọc và thị hiếu thẩm mỹ của người đọc nói chung, để sao cho tác phẩm của anh ta có được lượng phát hành lớn nhất, độ lan tỏa và phổ biến rộng nhất, đạt mức lợi nhuận kinh tế cao nhất. Nói cách khác, cái đọc của người đọc đã đặt điều kiện và quy định cho cái viết của tác giả. Về đại thể, sự kiện ấy không khác là bao nếu so nó với ý muốn của khách hàng/ Thượng đế áp đặt trên công việc của người sản xuất/ bán hàng.

       Nhưng vấn đề rắc rối ở đây, mà tác giả đã nhận ra và nỗ lực cắt nghĩa trong Phần 2 và Phần 3 của chuyên khảo - Phần 1 tạm hiểu như là một trình bày về lịch sử nghiên cứu người đọc, cả nghiên cứu lý thuyết ở phương Tây và nghiên cứu thực tế văn học ở Việt Nam. Phần 4 là một số nghiên cứu ứng dụng mà tác giả đã công bố dưới dạng tham luận tại các hội thảo khoa học trong khoảng chục năm vừa qua - trước hết là: Người đọc không hề là một khối thuần nhất. Với những chuyển biến to lớn về mọi mặt của đời sống xã hội Việt Nam kể từ năm 1986 đến nay, người đọc văn học đã được/ bị phân hóa thành các nhóm công chúng rất đa dạng. Họ khác nhau về môi trường văn hóa - xã hội. Họ khác nhau về tâm lý, lứa tuổi, nghề nghiệp. Họ khác nhau về sự ưu tiên lựa chọn các phương thức để tiếp nhận, tiếp cận văn học. Họ khác nhau về hệ giá trị được trang bị để có thể đánh giá, thẩm định các giá trị văn chương v.v... Mỗi nhóm công chúng như vậy, về đại thể, có một thị hiếu thẩm mỹ văn học riêng, một nhu cầu riêng về vài kiểu thể loại tác phẩm hoặc nội dung đề tài yêu thích, và không nhóm nào giống nhóm nào. (Ở phương diện này, những bảng biểu điều tra xã hội học về người đọc mà tác giả chuyên khảo và các cộng sự của mình thực hiện có thể giúp ta tin vào những gì đã và đang xảy ra trong thực tế). Có nhu cầu, thì sẽ có đáp ứng. Đội ngũ nhà văn Việt Nam nhiều thế hệ kể từ năm 1986 đến nay có đủ lực lượng và sự nhanh nhạy để kịp thời tự phân hóa thành các “nhóm tác giả” tương ứng với các “nhóm công chúng” nói trên.

       Nếu xét vấn đề này - sự phân hóa thị hiếu thẩm mỹ văn học trong công chúng - bằng một quan điểm “dân chủ hóa tuyệt đối” và tuyệt đối “tôn trọng sự khác biệt”, thì chẳng có gì phải bàn nữa: Nồi nào úp vung nấy, rốt cuộc thì ai cũng tìm được đúng cái mình cần. Thế nhưng thị hiếu thẩm mỹ của người đọc thì có cái cao và có cái thấp, có cái lành mạnh tích cực và có cái tiêu cực lệch lạc, có cái góp phần nâng trí tuệ và tình cảm con người lên cao hơn và có cái chỉ nhấn con người chìm sâu hơn vào những bản năng tăm tối. Tác phẩm văn học phục vụ cho thị hiếu thẩm mỹ, như một kéo theo, cũng vậy. Nhưng điều oái oăm là, trên thực tế, cái vùng bóng tối kia lại đang có dấu hiệu loang rộng ra, đẩy vùng ánh sáng vào những không gian hẹp của sự đọc. Và thật đáng báo động khi, như tác giả chuyên khảo nhiều lần đề cập, nó tạo ra một sự lộn sòng về “giá cả” và “giá trị”, như một hệ quả không mong muốn, như tác động nghịch chiều của kinh tế thị trường vào đời sống viết và đọc văn học. Chúng ta chứng kiến không ít lần cái sự thể là: Những tác phẩm văn chương có nội dung tư tưởng tốt, có giá trị nghệ thuật cao, được “người đọc đặc tuyển” đánh giá cao, được trao những giải thưởng uy tín, thì lại ít được phổ biến trên thị trường. Còn những tác phẩm được truyền thông tung hô là best-seller, được nhiều người truyền tay nhau đọc, giữ kỷ lục về lượng xuất bản và lần tái bản, thì lại chỉ là sách nặng về tính giải trí, nhẹ về những tìm tòi nghệ thuật và kết tinh tư tưởng, chưa kể còn độc hại, ấy thế nhưng nhiều người lại coi đó mới là văn chương đích thực. Đây là biểu hiện của tình trạng “loạn chuẩn”, “lệch chuẩn”, thậm chí “không có chuẩn”. Và rộng ra, như tác giả chuyên khảo nhấn mạnh, nó là triệu chứng của một quá trình chuyển đổi hệ giá trị chưa ổn định, thậm chí vẫn đang còn nhiều dang dở.

       Nhìn khái quát, chuyên khảo “Thị hiếu thẩm mỹ công chúng văn học Việt Nam đương đại” của Vũ Thị Thu Hà là một công trình nghiên cứu đặt trọng tâm ở điều tra xã hội học văn học về người đọc, cụ thể là về tầm quan trọng của nhu cầu đọc, của thị hiếu thẩm mỹ công chúng đối với sự hình thành diện mạo và khả năng phát triển tiếp tục của văn học Việt Nam đương đại. Theo tôi, có hai kết luận quan trọng có thể được rút ra từ điều tra này. Một là: Đang có sự phân hóa mạnh mẽ trong thị hiếu thẩm mỹ của công chúng văn học Việt Nam đương đại. Hai là: Đang có sự xuống cấp trông thấy về thị hiếu thẩm mỹ của công chúng, và nếu những người sáng tác vì lợi nhuận mà chạy theo “phục vụ” thứ thị hiếu thẩm mỹ bị thoái hóa này, thì phía trước của đời sống văn học Việt Nam sẽ chỉ là một tương lai thoái hóa đang chờ sẵn. Lẽ dĩ nhiên, điều tra thực tế vốn không phải là cuộc chơi nhằm để thỏa mãn thú phiêu lưu của tư duy tư biện, mà điều tra thực tế cốt là để đưa ra những giải pháp mang tính khả thi. Ở trong trường hợp của chuyên khảo này, tôi gọi đó là những giải pháp “Vì một xã hội đọc lành mạnh”. Và cũng xin được nhấn mạnh, những giải pháp ấy đáng được các cơ quan, các tổ chức hoặc cá nhân có trách nhiệm về quản lý hoạt động văn học và văn hóa nói chung, tham khảo, cân nhắc.

       Để thay lời kết về chuyên khảo của nhà nghiên cứu Vũ Thị Thu Hà, tôi muốn đưa ra hai ý, vừa trông đợi sự trao đổi, vừa như những đề mục để tự mình nghĩ thêm nữa về những vấn đề có liên quan:

       Thứ nhất, tôi đồng quan điểm rằng để cải thiện, nâng cao thị hiếu thẩm mỹ của người đọc, để hướng người đọc văn học nói chung tới những chuẩn mực thẩm mỹ tích cực, qua đó góp phần tác động nâng cao chất lượng sáng tác văn chương, thì giải pháp mang tính căn cốt, lâu bền nhất vẫn là cải thiện chương trình giáo dục trong nhà trường các cấp, và vai trò quan trọng thuộc về các thầy cô giáo. Nhưng cải thiện chương trình giáo dục như thế nào, các thầy cô giáo có thể làm gì với việc đọc văn học của học sinh ngoài việc giảng dạy các tác phẩm trong sách giáo khoa, thì là cả một vấn đề nan giải. Trên thực tế, không ít thầy cô giáo cũng gần như không đọc gì ngoài các tác phẩm mà họ phải dạy học sinh hết năm này sang năm khác. Họ không cập nhật văn chương đương đại, trong nước cũng không chứ chưa nói nước ngoài. Vì thế, họ không đưa ra được một gợi ý nào về một list các tác phẩm mà học sinh nên tiếp cận để mở rộng sự đọc văn học của mình. Trong trường hợp ấy, phải chăng nên làm theo lời khuyên của triết gia Mỹ thế kỷ XIX Henry David Thoreau: Hãy đọc đi đọc lại các tác phẩm cổ điển - với ông là các tác phẩm của cổ Hy Lạp và cổ La Mã - vì chúng không bao giờ phản bội ta, hơn thế, chúng còn cho ta những kinh nghiệm thẩm mỹ tuyệt vời để ta có thể dễ dàng tiếp nhận những giá trị mới, hoặc ta từ chối nó mà không hề cảm thấy mình đã bỏ lỡ điều gì đáng tiếc?

       Thứ hai, tôi cũng đồng quan điểm rằng, quả thật, có hiện tượng phổ biến là người đọc - với tất cả những đặc điểm sở thích hay khuynh hướng trong thị hiếu thẩm mỹ của họ - luôn được các tác giả tính đến trước và trong quá trình viết. Nhưng không nên vì thế mà chúng ta được phép quên sự tồn tại của một/ các “nền văn học thiểu số”. (Hãy nhớ đến hai học giả Pháp Gilles Deleuze và Felix Guattari khi họ viết chuyên luận “Kafka, vì một nền văn học thiểu số”). Thực tế là, ở thời đại nào và trong bối cảnh xã hội nào cũng vậy, vẫn cứ có những tác giả chỉ thuộc về một/ các “nền văn học thiểu số”. Ở chỗ: Họ không quan tâm đến cái gọi là sức hút thị trường hay sự tồn tại của người đọc. Họ chỉ quan tâm đến chính mình và chỉ phục vụ chính nhu cầu được viết của mình. Họ viết bằng một thứ “ngôn ngữ” khác, thứ ngôn ngữ hoặc là giễu cợt, thách thức “ngôn ngữ” phổ biến đương thời, hoặc là vượt rất xa khỏi nó. Họ quay lưng với thị trường và người đọc. Khi đó, thị trường và người đọc, những thứ này tồn tại chỉ như điểm tham chiếu cho những cái tiên phong (avant-garde) mang tính vượt ngưỡng mà thôi.

H.N

. . . . .
Loading the player...