26-03-2025 - 07:53

Tùy bút Khát vọng tháng Ba của tác giả Anh Đức

Tháng Ba về mang theo sắc xanh của trời, của biển, và của những trái tim rực lửa đam mê. Trong tùy bút Khát vọng tháng Ba, tác giả Anh Đức đã khắc họa tinh thần thanh niên Việt Nam qua những chặng đường lịch sử, từ bước chân đầu tiên của chàng trai Nguyễn Tất Thành rời bến Nhà Rồng đến những thế hệ trẻ hôm nay đang tiên phong trong công cuộc dựng xây đất nước. Bằng giọng văn giàu cảm xúc, tác phẩm không chỉ nhắc nhớ về lý tưởng cách mạng mà còn truyền đi thông điệp mạnh mẽ về trách nhiệm và khát vọng vươn xa của thế hệ trẻ.

Khát vọng tháng Ba

 

Mùa xuân là mùa đưa đến bao mới mẻ, khát vọng như một sự khởi đầu của chu kỳ thời gian và lịch sử. Trong thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp tết Nguyên đán 1946, Bác viết: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Bởi ngay từ thời trẻ, Bác Hồ kính yêu đã ý thức được sứ mệnh của thanh niên là vô cùng to lớn. Người nhận định: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh, một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm người chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải ra làm việc để chuẩn bị cái tương lai đó”.

Ngày 5-6-1911, từ Bến cảng Nhà Rồng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã lên con tàu Amiral Latouche Tréville, bắt đầu cuộc hành trình tìm con đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Trong suốt hành trình 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc ấy, Nguyễn Tất Thành (Nguyễn Ái Quốc) đã đi qua 3 đại dương, 4 châu lục, qua gần 30 quốc gia, hàng trăm thành phố, vượt qua muôn vàn gian khổ, chông gai và làm rất nhiều nghề để kiếm sống, với quyết tâm cháy bỏng: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”.

Cùng với Đảng Cộng sản Việt Nam, Bác đã sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương (nay là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh). Điều đó cho thấy Bác luôn đặt niềm tin vững chắc vào thế hệ trẻ và cho rằng thanh niên cần phải làm đầu tàu, làm gương mẫu trong phong trào thi đua yêu nước. Chúng ta nhớ đến những vần thơ trong bài thơ “Từ ấy” của nhà thơ Tố Hữu “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/ Mặt trời chân lý chói qua tim/ Hồn tôi là một vườn hoa lá/ Rất đậm hương và rộn tiếng chim”. Đó là ánh sáng rực rỡ của Đảng soi rọi như nắng mùa hạ tràn đầy sức sống, là sự ấm áp, mãnh liệt tượng trưng cho lý tưởng cao đẹp đã bừng lên một niềm tin, một lẽ sống mới. Người thanh niên ấy đã tìm cho mình lý tưởng sống khi giác ngộ lý tưởng cách mạng. “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ” mở ra một chân trời mới, nơi ánh sáng cách mạng bừng cháy. Đó không chỉ là tiếng reo vui của một cá nhân mà là sự thức tỉnh của cả một thế hệ thanh niên, sẵn sàng hòa mình vào dòng chảy cách mạng.

Bác Hồ nhiều lần đề cao khẩu hiệu: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó thanh niên làm”. Cho đến ngày nay, bốn câu thơ bất hủ của Bác vẫn luôn là kim chỉ nam, tác động mạnh mẽ tư tưởng của thanh niên Việt Nam: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”. Theo Người, sự nghiệp cách mạng càng phát triển thì càng đòi hỏi thanh niên thực hiện tốt hơn vai trò xung kích của mình. Thanh niên muốn xứng đáng vai trò là người quyết định tương lai trước hết phải tự giác rèn luyện, không ngừng học tập, có chí tiến thủ, xung phong gương mẫu trong mọi công việc. Từ đó, biết bao thế hệ trẻ đã nối tiếp viết những câu chuyện cống hiến, từ những chàng trai cô gái trên chiến trường năm xưa đến những thanh niên sáng tạo khởi nghiệp hôm nay… Là những người người công nhân trong nhà máy ngày đêm hăng say lao động sản xuất, mong muốn mang đến những sản phẩm chất lượng cao cho đất nước. Là những doanh nhân trẻ không ngừng tìm kiếm cơ hội, sáng tạo, đổi mới đưa thương hiệu Việt vươn xa.

Khát vọng tháng Ba (Ảnh: Báo Thanh niên)

Tháng Ba này mới thấy có những gam màu không chỉ là màu sắc trong bảng vẽ mà là biểu tượng của một lý tưởng. Đó là màu xanh của tình nguyện, màu xanh của biển, bầu trời trời Tổ quốc. Không đơn thuần là màu sắc của đồng phục, là màu của sự nhiệt huyết, của tuổi trẻ sẵn sàng dấn thân vì cộng đồng, vì những điều tốt đẹp hơn. Màu áo xanh ấy còn là màu của những ngày hè đổ lửa, khi từng giọt mồ hôi lăn dài trên trán nhưng đôi mắt vẫn ánh lên niềm vui. Là hình ảnh những sinh viên trẻ tuổi đứng dưới cái nắng gay gắt, điều tiết giao thông giữa những ngã tư đông đúc. Là những bước chân không biết mỏi trên những con đường bùn lầy miền núi, vượt qua hàng chục cây số để mang con chữ đến với trẻ em vùng cao. Đó là những buổi tối thức trắng bên ánh đèn để chuẩn bị những lớp học miễn phí, những chiến dịch bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới. Những đôi bàn tay từng chỉ quen cầm bút nay sẵn sàng lấm lem đất cát để xây những ngôi nhà nhân ái. Để rồi khi mùa hè đi qua, khi màu áo ấy được gấp lại trong ngăn tủ, những kỷ niệm vẫn còn đó, những bài học vẫn còn nguyên, và ngọn lửa nhiệt huyết vẫn mãi cháy trong tim, chờ một ngày lại bùng lên trong một hành trình mới, một sứ mệnh mới.

Đảng ta xác định, từ Đại hội XIV trở đi đất nước ta sẽ chính thức bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Tuổi trẻ Việt Nam đang đứng trước một vận hội lớn lao, một kỷ nguyên vươn mình đầy khát vọng. Non sông gấm vóc đang gọi tên những người con ưu tú, những trái tim nhiệt huyết năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để cùng viết nên trang sử hào hùng của dân tộc. Đó là khát vọng làm chủ những đỉnh cao của khoa học, chinh phục những tầm cao mới của kỹ thuật. Nhưng kỷ nguyên vươn mình không chỉ là những con số tăng trưởng, những thành tựu khoa học. Nó còn là khát vọng về một xã hội công bằng, văn minh, nơi mỗi người đều có cơ hội phát triển tài năng, cống hiến cho đất nước. Tuổi trẻ Việt Nam đang tiên phong trong cuộc chiến chống lại cái ác, cái xấu, bảo vệ những giá trị tốt đẹp của dân tộc. Hãy cùng nhau viết nên câu chuyện về một Việt Nam hùng cường, sánh vai cùng các cường quốc năm châu như Bác Hồ từng căn dặn!

Anh Đức

 

 

 

 

. . . . .
Loading the player...