Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu bài viết “Từ bài thơ “Hồi sinh” của Nguyễn Thế Kỷ nghĩ về triết lý nhân sinh” của Nguyễn Việt Hòa, xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh
Từ bài thơ “Hồi sinh” của Nguyễn Thế Kỷ nghĩ về triết lý nhân sinh
Nguyễn Việt Hòa
Có thể hoa cải vàng rơi xuống
Gió vô tình thổi bạt tận miền xa
Có thể giữa dòng trôi gấp gáp
Cánh mỏng manh sóng dội vỡ òa
Thì trong cỏ bằng kiếp xưa cát bụi
Theo mạch nguồn về lại triền sông
Thì trong nước bằng phù sa thổn thức
Mặc ngày đi. Bồi lắng. Đợi mùa...
Hồi sinh là bài thơ hay về đề tài triết lý nhân sinh của Nguyễn Thế Kỷ (*). Bài thơ tạo hiệu ứng tích cực cho bạn đọc khi tiếp cận đề tài này. Cảm nhận ban đầu khi mới lướt qua bài thơ là từng hình ảnh, từng chi tiết và cả tứ thơ đều nằm trong mạch cảm xúc tự nhiên - tự nhiên như vốn nó phải thế, tự nhiên như không thể khác được. Theo mạch đó, tính hình tượng và tính logic cũng song hành đã góp phần cộng hưởng cho chủ đề.
Có thể hoa cải vàng rơi xuống
Gió vô tình thổi bạt tận miền xa
Có thể giữa dòng trôi gấp gáp
Cánh mỏng manh sóng dội vỡ òa
Có thể.../ Có thể... như những giả định, giả thiết. Giả định, giả thiết ở đây chỉ là một cách diễn tả quá trình biến đổi của sự vật hiện tượng. Đời sống hiện thực vốn đa dạng, muôn màu vẻ. Quá trình hồi sinh là quá trình sự vật va đập, tương tác làm biến đổi trạng thái, từ lượng sang chất (hoặc ngược lại) nên chẳng dễ nhận ra quá trình đó bằng cảm quan, cảm tính đơn thuần.
Triết lý nhân sinh là vấn đề khá trừu tượng nhưng ở đây tác giả thơ rất tinh tế và mẫn cảm khi chọn lựa các hình ảnh gần gũi, quen thuộc, đời thường nhưng lại rất đắc địa. Các hình ảnh, hiện tượng đó lại được đặt trong sự tương quan, tương phản, đối sánh qua từng cặp câu nên hiệu quả là tối ưu. Bên những cánh hoa cải vàng mỏng manh yếu ớt nơi triền sông là sự xô đẩy ào ạt, dữ dằn của gió và sóng. Và điều nghiệt ngã, phủ phàng với những cánh hoa phát tán đó, sẽ là gió thổi bạt tận miền xa, sẽ là sóng dội vỡ òa...
Hoa cái vàng (Ảnh: Cao Anh Tuấn)
Với cảm quan cơ học vật lý, sự dữ dằn, va đập của gió và sóng tất yếu sẽ làm những cánh hoa li ti, mỏng manh rơi rụng, tản tác và biến thành cát bụi nơi tít tắp, hoang lạc giữa cõi hư vô, đặt dấu chấm hết cho sự sinh tồn! Cảm nhận bề mặt bề nổi bằng mắt thường đó vô tình gieo vào tâm trạng người ta chút cảm giác tiếc nuối, hẫng hụt, bi đát về kiếp nhân sinh.
Nhưng, sự hẫng hụt bi đát đó chỉ là có thể từ những gì chưa rạch ròi, còn nghi vấn mơ hồ - đó chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”. Khổ thơ tiếp theo (cũng là khổ kết) đủ hàm lượng tin cậy để giải mã cho những nghi vấn mơ hồ đó:
Thì trong cỏ bằng kiếp xưa cát bụi
Theo mạch nguồn về lại triền sông
Thì trong nước bằng phù sa thổn thức
Mặc ngày đi. Bồi lắng. Đợi mùa
Như cảm nhận ban đầu, kết nối từ khổ một sang khổ hai rất logic, tự nhiên không chút cảm giác gò bó. Có thể...(khổ một) – Thì trong cỏ...(khổ hai) ./ Có thể... (khổ một) - Thì trong nước... (khổ hai). Các cặp câu tương ứng của hai khổ logic nhau theo một mạch cảm xúc làm bài thơ đẹp tự nhiên.. “Có thể...” chỉ là hiện tượng, chỉ là bề nổi của cảm nhận, cảm quan cơ học. “Thì trong cỏ...”/ “Thì trong nước...” là nhận thức tri giác, biện chứng về bản chất, về “tảng băng chìm” của sự vật hiện tượng. Những cánh hoa li ti nơi triền sông bị gió thổi bạt, bị sóng dội tản tác trôi theo dòng nước, tưởng biến hành cát bụi và chấm dứt cuộc hành trình... Thì không, nó vẫn có vòng đời theo mạch nguồn về lại triền sông để hồi sinh, phát triển. Trong dòng nước mãi miết trôi theo thời gian năm tháng, cả lúc êm đềm cả lúc dằn dữ, nó vẫn lặng lẽ, miệt mài vô tư mang từng hạt phù sa li ti màu mỡ bồi lắng cho triền sông và thổn thức đợi mùa, đợi những mầm sống nẩy nở, sinh sôi.
Thì trong nước bằng phù sa thổn thức/ Mặc ngày đi. Bồi lắng. Đợi mùa... Hai câu thơ tinh tế trong rung cảm thẩm mĩ, hàm chứa sự suy tưởng. Các dấu chấm ngắt nhịp, ngắt ý trong câu cuối tạo được sức nén, làm ý thơ lấng đọng, và thêm dư vị...
Điệp cú pháp của các cặp câu: Thì trong cỏ.../ Thì trong nước... cũng tạo hiệu quả rõ rệt: ngoài móc xích với các cặp câu của khổ trên tạo chỉnh thể nhất quán cho toàn bài, còn tạo nhịp, tạo “trọng lực” để khẳng định chủ đề: Sự sống là một chu trình tuần hoàn khép kín, đó là quy luật của cuộc sống; hồi sinh tạo sức sống mãnh liệt.
Ở biên độ khác, bài thơ gợi mở nhãn quan trước những biến đổi của sự vật hiện tượng, nhất là khi ta đối diện những gì tưởng đã tàn lụi, bi đát nhất. Như khi nhìn những thân cây gãy đổ, những gốc cây mục nát, những chiếc lá bị thối rữa, ta sẽ thấy chính những gốc cây mục nát, những chiếc lá thối rữa đó đang nuôi dưỡng một sự sống; hoặc nữa, dưới lớp đất mỏng là lá mục, và dưới nữa, từ thân cây, từ lòng đất là những nụ mầm của cây cỏ đang chuẩn bị hồi sinh. Thật biện chứng với quan niệm: cái chết là một cái gì rất tự nhiên nhưng không thể tách rời sự sống; cái chết không đối cực của đời sống; đối cực của cái chết là sự tái sinh...
*
Cũng từ cảm thức hồi sinh là một chu trình tuần hoàn khép kín, Nguyễn Thế Kỷ còn có những câu thơ xúc động, nhân văn khi viết cho con:
Rồi một ngày ba, mẹ thành cát bụi
Lá vàng bay về gốc nuôi cây
Dồn nhựa sống vững cành, xanh lá
Tình yêu con, kiếp nữa, hao gầy
(Viết cho con)
Ở một đề tài khác nhưng Nguyễn Duy có những câu thơ hay làm ta liên tưởng, đây cũng là vòng quay của sự hồi sinh:
yêu mến ạ xin đừng buồn em nhé
giòng nước trôi đi, giọt nước lại rơi về.
(Sông Thao).
Nghiêm Huyền Vũ có những hình tượng đẹp, giàu chất thơ về chuyển đổi trạng thái của sự vật hiện tượng trong quá trình hồi sinh:
Hoài thai hạt phù sa châu thổ
Hương sữa non lúa trổ đòng đòng
(Sông Hồng bão giông)
Còn Lê Tự Minh thì miêu tả sức sống mãnh liệt của sự hồi sinh bằng những hình ảnh trực tiếp thuyết phục:
Hồi sinh rồi những cánh rừng đã cháy,
Mầm xanh lên trên những tàn tro.
Hồi sinh rồi những cánh đồng khô cạn,
Nụ hoa vươn trong ánh nắng trời.
(Hồi sinh)
Có thể nói, triết lý nhân sinh là triết lý về con người và đời sống con người. Nó thể hiện vô cùng phong phú đa dạng trong mọi mặt đời sống. Thơ đề tài này tuy không nhiều nhưng có những bài, những câu hay, gợi mở tư duy biện chứng, tạo rung cảm thẩm mĩ, tạo niềm tin: cuộc sống sẽ hồi sinh, con người sẽ hồi sinh, từ đó nuôi dưỡng thái độ sống tích cực...
N.V.H