09-01-2025 - 02:41

Truyện ngắn “Vệt sáng cuối chiều” của tác giả Nguyễn Thị Hồng Nhung

Truyện ngắn “Vệt sáng cuối chiều” của tác giả Nguyễn Thị Hồng Nhung, Giáo viên trường THCS Sơn Kim khai thác chủ đề về sự yêu thương, lòng trắc ẩn và nghị lực sống của con người. Tác giả đã khéo léo lồng ghép những giá trị đạo đức, xã hội vào câu chuyện, qua đó gửi gắm thông điệp về sự sẻ chia, đồng cảm và vượt qua khó khăn….

VỆT SÁNG CUỐI CHIỀU

                                  Nguyễn Thị Hồng Nhung

 

       Trời bắt đầu nhá nhem tối. Dương hì hục nhóm lửa đợi mẹ đi làm đồng về vào ngồi bếp cho đỡ rét. Mùa đông năm nay rét hơn năm trước. Rét cắt da cắt thịt mà mẹ giờ này vẫn chưa về. Dương lo lắng đứng ngồi không yên. Lửa đỏ sáng rực cả gian bếp, hơi ấm tỏa ra khắp căn nhà, khói vươn ra mái tranh cũ kĩ bay về phía trời cao rồi nhạt nhòa dần.

      - A, mẹ đã về! Dương reo lên khi thấy dáng mẹ bước đi khập khiễng xuất hiện cuối con đường. Dương chạy thật nhanh về phía mẹ, đôi chân cuống quýt cả lên, gọi mẹ: “Mẹ ơi! Mẹ ơi!... Mẹ!”. Bàn tay mềm mại nắm chặt bàn tay chai sạn của mẹ, thỉnh thoảng nó lại phủi phủi trên manh áo lấm lem bùn đất vẫn còn thơm mùi phù sa. Người đàn bà gần chạm ngưỡng tuổi năm mươi dắt tay đứa con gái yêu về ngôi nhà nhỏ nằm thoai thoải dưới chân núi, trên gương mặt hốc hác nở nụ cười hạnh phúc mãn nguyện.

        Bếp sáng rực cả căn nhà. Ngọn lửa sáng chiếu vào đôi mắt long lanh đượm buồn và khói bếp như lớp phấn hồng phủ nhẹ lên đôi má của cô bé vừa tốt nghiệp Tiểu học. Nó im lặng. Bà Hướng choàng chiếc áo cũ kỹ bạc màu lên đôi vai gầy của nó. Trên vai, bên hông áo có mảnh vải khác màu trùm lên lỗ thủng và hai loại vải khác màu kết nối với nhau bằng lớp chỉ khiêm tốn nhưng đường đi mũi kim rất nâng niu, khéo léo. Phải chăng chiếc áo là cả một ký ức đẹp của mẹ Dương?

       -  Con không lạnh đâu mẹ. Mẹ cất chiếc áo đi! Nó cũ lắm rồi. Lại còn vài chỗ rách nữa. Nó quay sang nhìn mẹ nói.  

        Bà Hướng ngạc nhiên trước giọng nói khác lạ của đứa con gái vốn ngoan hiền, khác hẳn với buổi chiều nay khi nó vui vẻ ra đón mẹ từ cuối con đường trở về nhà và giúp mẹ dọn cơm tối cùng ăn vui vẻ. Bà nhìn Dương, giọng nhẹ nhàng: “Sao con lại như vậy? Nhà mình chưa có điều kiện mua áo mới nên dùng áo này cũng được mà con.”.  Bà Hướng dứt lời, nó kéo tấm áo nhét vào tay mẹ, giọng giận dỗi: “Mẹ mặc đi! Con không mặc. Con không thích.”. Nó đứng dậy, định rời bếp lửa đang rực sáng nhưng bị bà Hướng kéo lại.

       - Đứng lại! Chiếc áo đó bấy lâu nay mẹ vẫn cho con mặc mỗi khi đông về. Con vẫn vui vẻ đó thôi. Tại sao hôm nay con lại như vậy? Giọng bà nghiêm khắc.

         Nước mắt Dương sóng sánh trên khóe mắt sắp chảy tràn hàng mi cong vuốt rồi mếu máo, im lặng nhìn mẹ. Bà Hướng hiểu được nỗi buồn của đứa con gái mới lớn bắt đầu muốn tìm hiểu về sự xuất hiện của nó trong cuộc đời này. Vẫn là một người mẹ nghiêm khắc dạy con nhưng chắc hẳn người đàn bà ấy có nỗi niềm tâm sự riêng, chưa đến thời điểm kể về cuộc đời mình cho đứa con gái và cũng là người thân duy nhất của bà. Nước mắt tràn xuống cánh mũi cay cay, giọng bà khe khẽ: “Dương! Con đừng làm mẹ lo lắng. Có chuyện gì con nói cho mẹ biết được không? Con không vui làm sao mẹ sống nổi.”. Nó vốn dĩ là đứa con gái ngoan, hiếu thảo, hiểu được những vất vả nhọc nhằn của người mẹ một mình nuôi nó từ khi còn đỏ hỏn cho đến khi trưởng thành. Nó ngồi xuống ghế, dựa đầu vào mẹ, thỏ thẻ:

       - Sao mọi người lại nói con là con hoang hả mẹ? Các bạn trong lớp nói. Có hôm con vô tình nghe cô chú trong thôn thì thầm về con. Nhưng mà con không tin. Con nghĩ bố con đã mất.

       Bà Hướng đứng hình một lúc, cố lấy lại bình tĩnh, đôi bàn tay nhăn nheo, gân guốc còn thơm mùi bùn áp vào đôi mà hồng của đứa con gái bé bỏng. Bà lớn giọng:

     - Ai? Ai nói? Sao họ lại ác miệng thế chứ? Tội nghiệp con gái tôi, mới mười hai tuổi mà sao phải nghe mấy lời cay độc đó chứ. Trẻ con có tội tình gì chứ!  

        Trong bếp, lớp củi cháy hết để lại mùn đen, đôi chỗ vẫn còn vài vệt sáng dài lỉ rỉ, thỉnh thoảng vụt lên tia lửa nhỏ rồi tắt. Mẹ nó lấy thêm củi trên gác bếp bỏ vào như tiếp thêm sức mạnh để căn bếp tiếp tục sáng và sáng mãi. Dù có hết ánh lửa lung linh nhưng vẫn còn những vết sáng le lói cháy mãi. Nó dựa vào vai bà Hướng để được nghe chuyện xa xưa về cuộc đời của mẹ nó.    

         …Mấy ngôi nhà dưới triền đê trước đây chuyên làm nghề chài lưới. Cứ mỗi chiều về, họ lại thong thả bơi thuyền dọc bờ sông, quăng lái kéo ven vét đủ loại cá tôm đến nữa đêm mới trở về xóm nhỏ. Dưới sông, ánh đèn lung linh chiếu thẳng vào dòng nước trong veo, vệt sáng đung đưa theo làn sóng gợn, hình bóng ngọn đèn dưới nước lúc tròn trịa, dài và có lúc bị bẻ cong nhưng chẳng bao giờ tắt. Chỉ khi những con người trên con thuyền ấy tự tắt ánh sáng để chọn chốn bình yên.

        Cả xóm chài kéo nhau đến chỗ con thuyền cắm ven sông để chúc mừng vợ chồng Hoan Thanh vừa chào đón đứa con gái đầu lòng. Người đàn bà cao tuổi nhất xóm chài nắm lấy bàn tay Thanh, giọng vỗ về an ủi:

     - Chúc mừng vợ chồng Hoan Thanh. Hai con nhiều tuổi mới hạ sinh con đầu lòng nên đặt tên là Hướng. Dù trai hay gái tên Hướng có nghĩa là đúng hướng, niềm tin và hy vọng về một sự đổi thay trong tương lại. Một chút mọn con ở tuổi này như vệt sáng cuối chiều đó Thanh ơi!

        Hướng lớn lên trong vòng tay yêu thương của bố mẹ. Vợ chồng ông Thanh ngày đêm kéo lái dọc con sông, những mẻ cá ngon bán sỉ cho mấy người buôn hàng trên Thị Trấn. Một chiều thu mưa tầm tã, mọi người tìm nơi trú ẩn, còn vợ chồng ông Thanh bà Hoan vẫn bơi thuyền men theo bờ sông đánh cá. Trời bắt đầu nhá nhem tối, người ta thấy có con thuyền quen thuộc chơ vơ giữa dòng, không ánh đèn, sóng mạnh đánh vào mạn thuyền. Người đàn bà bế đứa trẻ trên tay đứng trên dốc đê nói vọng xuống để mấy người đàn ông to khỏe của làng nghe:“Đó là thuyền của vợ chồng thằng Thanh con Hoan. Chiều nay, vợ chồng nó sang gửi con bé Hướng cho tui giữ để tranh thủ làm thêm mẻ cá. Các ông xem họ ở đâu.”. Mấy người đàn ông to khỏe bơi thuyền ra giữa dòng chảy xiết, mưa nhiều nên nước dâng cao, khó khăn lắm họ mới tiếp cận được con thuyền. Một người đàn ông nói “Không thấy vợ chồng Thanh Hoan. Chỉ thấy trong chậu có mẻ cá tôm đang nhảy.”. Người đàn bà nhìn vào đôi mắt trong veo của đứa bé đang bồng trên tay, nghĩ về chuyện chẳng lành:

       - Chao ôi! Đời người thật ngắn ngủi. Cách vài giờ còn chuyện trò hàn huyên, nay âm dương chia lìa đôi ngã. Cuộc đời là cuộc chạy đua với thời gian, lo toan cuộc sống, chỉ biết sống như thế nào cho đáng sống. Vợ chồng thằng Thanh vì đứa con gái mà ông trời ban tặng cho vào tuổi gần xế chiều nên bất chấp hiểm nguy. Chúng nó đi rồi để lại con bé Hướng chưa đầy hai tuổi cho ai? Già này cũng không biết ra sao...?

 

         Mùa giỗ thứ hai mươi. Cô bé năm nào nằm trong vòng tay bà hàng xóm chứng kiến cảnh bố mẹ nó ra đi giữa ngày mưa, nay lớn lên xinh đẹp, ngoan hiền. Đám giỗ nhỏ gọn, chỉ mời mấy người trong làng. Hướng biết ơn người đàn bà nằm trên giường vì căn bệnh hiểm nghèo đã suốt bao năm nuôi cô khôn lớn và sẵn sàng làm tất cả mọi việc, hết lòng chăm sóc bà. Hướng xem người đàn bà đó như mẹ thứ hai của mình. Bao người đàn ông muốn cưới Hướng về làm vợ nhưng đều bị từ chối. Rồi đến một ngày, người mẹ cũng rời xa nhân thế, để lại Hướng một lần nữa mồ côi mẹ khi đang độ tuổi đẹp nhất của đời người con gái. Chiều hôm ấy, trên đường đi làm về, mưa lớn, vạt áo mưa bay vào mặt che mắt khiến Hướng ngã xuống lăn mấy vòng va vào hòn đá to gãy chân. Hướng chấp nhận đôi chân khập khiễng. Theo thời gian với những buồn phiền lo âu khiến cô gái đẹp tựa ánh trăng năm nào nay lại trở nên khô khốc, nét mặt lức nào cũng buồn rười rượi…Hướng ngồi trước cửa nhìn ra xa như chờ đợi ai đến xây đắp hạnh phúc. Ba mươi tuổi, bốn mươi tuổi, Hướng vẫn ngồi đó… Trong đầu Hướng, ý nghĩ muốn vượt ra khỏi tư tưởng lễ giáo phong kiến: “Bố mẹ mất sớm, mẹ hai cũng bỏ mình ra đi. Mình chẳng còn ai. Mình già, ai lo cho mình. Mình không thể gục ngã, mình phải có chồng và đứa con. Chẳng lẽ trời tối sầm chẳng có vệt sáng nào sao?”

         Theo chính sách mới, xã được Nhà nước đầu tư làm lại con đê kiên cố, bằng phẳng và rải thêm bê tông. Có đến vài chục công nhân đến từ các tỉnh làm lán nghỉ trọ dưới chân đê và thỉnh thoảng vào trong làng mua lương thực, thực phẩm. Định, chàng trai ngoại tỉnh, gặp Hướng trong một chiều cuối thu. Những chiếc lá trong vườn rụng nhiều rải khắp ngõ. Biết đôi chân đi lại khó khăn, cứ mỗi chiều sau giờ tan làm anh lại ghé qua nhà giúp cô mọi việc. Mối tình chớm nở… Anh dự định cưới chị vào mùa xuân năm sau. Thiệp hồng chưa kịp trao tay, sau rằm tháng Giêng, trên đường đi làm về, anh bị tại nạn và không qua khỏi. Hay tin anh ra đi, chị đau đớn:

     - Sao anh đi không nói với em câu nào? Anh hứa tháng hai này đưa em về giới thiệu với gia đình anh mà! Còn…Định ơi! Đừng bỏ em… Định!

         Chị nắm chặt chiếc áo ấm còn mới hôm trước Định bỏ quên mà khóc nức nở và

nghĩ về đứa con sẽ chào đời vào cuối thu. Căn nhà quạnh quẽ, thiếu bóng người đàn ông mỗi chiều nhặt những chiếc lá vàng ghép chữ hạnh phúc. Sau ngày anh mất, chị chuyển đến huyện khác sống và sinh đứa con gái đầu lòng đặt tên là Hướng Dương. Là tên của một loài hoa- Hoa Hướng Dương-tượng trưng cho sự lạc quan, tươi vui, tích cực và tình yêu vĩnh cửu. Người ta cũng không biết Hướng đi đâu chỉ biết rằng chị đã chào bà con trong làng để đi làm công nhân đâu đó…

         - Mẹ! Mẹ! Mẹ đừng khóc nữa! Con hiểu rồi mẹ! Dương lay nhẹ vào người bà Hướng gọi to.

         Hai mẹ con ôm lấy nhau khóc thật to. Tiếng khóc của họ hòa vào khoảng không và tan theo làn khói bếp, loãng dần. Chẳng ai biết họ đã khóc trong buổi tối hôm ấy. Chỉ có họ biết lý do vì sao lại khóc.

         Một ngày mới lại bắt đầu, Dương lại đến lớp học như mọi khi. Những chú chim non ríu rít trên cành cây chao đi chao lại, những bông hoa xuyến chi còn sót lại khoe sắc trắng tinh khôi, nó vừa đi vừa hát nghêu ngao: “Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao…”. Hôm nay, lớp học trở nên yên ắng hơn mọi khi, mấy đứa trong lớp không còn nhìn Dương với một ánh soi mói, tò mò. Dương còn nhớ như in những ngày đầu năm học lớp sáu, mấy đứa trong và ngoài lớp chụm năm chụm bảy bàn tán xì xào: con bé Dương là đứa không cha, là đứa con hoang…Mỗi lần đến lớp, nó chẳng nói gì, lúc nào cũng cúi mặt xuống bàn và mặt lúc nào cũng buồn rười rượi. Nó không bắt chuyện với ai, kể cả cô giáo Hương- cô chủ nhiệm của nó.

         Các bạn hôm nay thật khác lạ, tự nhiên cười nói vui vẻ và giúp đỡ nó học bài, có đứa tặng cho nó quyển vở, có đứa tặng bút, tặng kẹp tóc…Thì ra cô giáo Hương đã biết chuyện của nó nên đã phân tích cho cả lớp cùng hiểu. Rằng: “Ai sinh ra cũng có quyền được sống, được yêu thương. Đừng để những lời nói vu vơ mà vô hình trung đẩy họ vào bước đường cùng không lối thoát, đẩy họ vào những cái kết bi thương. Dù cuộc đời họ có đen tối đến đâu cũng cho họ chút ánh sáng. Như bóng chiều buông xuống nhưng tia sáng hồng, vàng vẫn cố vươn ra khỏi đám mây để hướng về vầng trời xanh. Cuộc đời con người tưởng vụt tắt nhưng họ vẫn cố vượt qua, vẫn hy vọng và có niềm tin vào tương lai, hạnh phúc”. Nó thầm cảm ơn cô giáo, cảm ơn người đã cho nó có mặt trong cuộc đời này để nếm trải vui buồn, thử thách.

          Chiều buông, nó ra tận đồng ruộng đón mẹ. Hai mẹ con dắt tay nhau đi về trên con đường dài hun hút, vệt sáng cuối chiều với ánh vàng sau rặng tre vẫn còn đó.  

 

N.T.H.N

 

                                           

           

 

        

                         

        

         

        

. . . . .
Loading the player...