27-05-2025 - 01:32

Truyện ngắn Mùa mận máu ở Phìn Hồ của tác giả Phan Hương

Với giọng văn chân thực và giàu cảm xúc, tác giả Phan Hương đã thành công trong việc tạo dựng một bức tranh đầy ám ảnh về sự giằng xé nội tâm của người cha, cùng với đó là nghị lực phi thường của ông Khén trong việc cứu vớt cuộc đời con trai mình, dù phải đánh đổi bằng cả tài sản và sức khỏe. Truyện ngắn "Mùa mận máu ở Phìn Hồ" gửi gắm thông điệp về sự hy sinh, tình yêu thương vô bờ bến của cha mẹ, đồng thời khẳng định rằng dù cuộc đời có những khoảng tối, ánh sáng của niềm tin và khát vọng vẫn luôn lấp lánh, chỉ cần con người đủ mạnh mẽ để đấu tranh và tìm kiếm.

Mùa mận máu ở Phìn Hồ 

 

Mùa này ở bản Phìn Hồ, mận chín tím mọi góc. Cả bản tất tưởi đón khách du lịch dưới xuôi lên. Lái buôn cũng dồn về la liệt. Trẻ con tung tăng váy áo sặc sỡ, gùi từng gùi hoa trên vai chụp ảnh với khách theo yêu cầu. Mỗi ngôi nhà ở đây có một quả đồi to xung quanh đều trồng mận, cứ mỗi lần đón khách đến chụp ảnh, mua mận là nhà ông Khén hay bất cứ nhà nào đón đoàn đều có thêm đồng ra đồng vào. Trong gian bếp, mùi thuốc bắc, thảo quả, ông Khén đang ho lụ khụ. Mến, vợ thằng Phiến con ông chửa đến tháng thứ tám. Bụng đã bắt đầu trụt xuống. Thằng Phiến, chồng nó đi biệt tăm suốt ngày. Việc nhà trên tay Mến cả. Ngực nó đã phệ ra. Hai chân nứt nẻ. Dù khi nó xách thùng cám cho lợn ăn đã nặng nề rồi nhưng miệng nó im thin thít, không một lời than vãn. Nó dậy từ khi gà chưa gáy, làm chầm chậm mọi việc đến chín giờ đêm, cơm nước xong, đóng cổng, chuồng gà, sắp đặt lại mọi thứ trong ngày rồi mới trèo lên giường ngáy o o. Cũng may, nhà ông Khén có phúc, tuy thằng con trai chẳng tu chí làm ăn nhưng trời đưa đến cho nó con vợ hết sức chăm chỉ, là chổ dựa để nương tựa.

Trước đây, hầu như không ai biết đến những quả đồi này nhưng kể từ khi Vàng A Thố - người trong bản đi học ở dưới phố về, nó dùng cái điện thoại hướng dẫn, giới thiệu cho du khách những điểm du lịch online, từ cách ăn mặc, trang phục, món ăn, cách chế biến, nhà ở, tác dụng của một số cây thảo mộc... Những đoạn video, thậm chí cả livetream giới thiệu chi tiết khiến lượt xem, lượt tiếp cận tăng đáng kể. Chỉ ít ngày sau mùa co-vid mà cái tên Phìn Hồ đã trở thành một điểm được người ta hỏi đến tấp nập. Mùa mận máu hai năm trước khách đến đột biến, giẫm nát cả những gốc mận non. Rồi không biết do đâu mà thằng Phiến quen được một nhóm bạn dưới xuôi sa chân vào chất cấm. Thằng Phiến cũng lạc trôi theo làn khói ấy. Đi được chừng một năm thì dẫn về một đứa con gái bụng đã thùm lùm dưới áo, rồi tuyên bố thẳng thừng với ông: “Không phải cưới hỏi gì, từ nay, nó là vợ tôi”. Ông cũng chỉ biết để cho nó muốn làm gì thì làm. Thả con vợ đó cho ông chăm sóc rồi nó lại đi. Được chừng nửa năm, nó lại về giục ông sang nhượng quyền sử dụng toàn bộ đồi mận cho một chủ người dưới xuôi để xây dựng khu du lịch. Nó tuyên bố thẳng thừng với ông rằng sẽ biến cả đồi mận này thành một khu sinh thái để cả bản trố mắt xem thằng Phiến đổi đời. Ông không đồng ý vì biết ý định của nó quá viễn vông. Nó cầm một con dao sắc lém cắm phập giữa bàn, chỉa ánh nhìn thách thức về phía ông: “Vậy ông lấy mạng tôi đi. Tôi nợ người ta rất nhiều tiền, tôi không thể quay lại như người bình thường. Ông là cha tôi, chẳng lẽ thấy con mình chết không cứu. Nếu ông không đồng ý tôi sẽ dùng con dao này phá nát vườn mận ngoài kia rồi kết thúc cuộc đời để xem rốt cuộc mạng sống của tôi hay cái của nả trời sinh mà ông có trong tay, cái nào là quan trọng nhất”.

Mặc thách thức của nó, ông vẫn cố gắng lựa lời can ngăn: “Phiến ạ! Cha làm lụng, cất đặt cả đời cũng là vì con nhưng mà con làm gì cũng phải tính toán. Con cứ từ từ để một thời gian nữa cho đất được giá rồi lúc đó có góp vốn làm ăn cũng thuận lợi. Cha già rồi lại ốm đau liên miên, chẳng mấy chốc cũng về với tiên tổ, mọi thứ trước sau gì cũng gây dựng cho con...”. Phiến không đợi ông nói hết câu đã đáp trả: “Tôi biết ông kiểu gì cũng coi của hơn người. Ông cầm con dao này rồi muốn làm gì tôi thì làm. Với tôi, đồi mận kia bây giờ là cứu cánh duy nhất. Ông biết thế rồi hà tất phải giữ khư khư”.

Ông Khén nhìn con dao sáng loáng rồi liếc nhìn Phiến. Khuôn mặt ông chùng xuống, cả người run lẫy bẩy, lên cơn hen sặc sụa. Nước mắt rần rật chảy. Đôi mắt Phiến đục ngầu lửa giận, nhìn ông lăm lăm, tay giật lấy con dao gấp lại thu vào túi và bước nhanh ra ngoài.

Phiến đi rồi mà ông Khén vẫn đứng lặng như trời trồng, hai tay bấu chặt bên cánh cửa. Những lời nói từ miệng thằng Phiến vừa phát ra còn sắc nhọn hơn cả ngàn lưỡi dao nó cắm xuống bàn. Những âm thanh ấy như một thứ độc tố phủ lên mái đầu bạc trắng, kéo thêm dáng vẻ lòng còng, khụ khị của người đàn ông cô đơn, tội nghiệp.

Ông Khén góa vợ từ khi mới ngoài bốn mươi. Ông chỉ có mình thằng Phiến. Mới tý tuổi đầu, thằng Phiến đã mồ côi mẹ. Thương nó, sợ phải chứng kiến việc phải san sẻ tình cảm nên ông không muốn đi bước nữa. Ông chỉ muốn nuôi thằng Phiến khôn lớn nên người. Thương cảnh gà trống nuôi con đơn chiếc, không ít phụ nữ góa chồng, quá lứa tìm cách gần gũi tỏ ý muốn đỡ đần gánh nặng xây đắp gia đình với ông nhưng ông gạt đi... Với ông, Phiến là lẻ sống choán chiếm hết mọi mong ước, nhu cầu hạnh phúc của ông lúc đó. Ông đánh đổi lao lực bản thân để lo cho thằng con ăn học đến nơi đến chốn, từ năm cấp hai đã gửi Phiến xuống thị trấn. Phiến ngơ ngác như con me núi, tò mò, cứ muốn thử hết những điều chưa biết. Cuộc sống nơi phố thị khác xa cao nguyên này - nơi chỉ có những gốc mận đào mùa nào cũng từng ấy hoa, từng ấy quả. Nhìn người dưới xuôi lên cứ bảo ngắm chúng mà quên hết ưu phiền, còn trong mắt Phiến, những con dốc ấy, mỗi lần đi về nhà, hai chân boãi hoải.

Mùa hoa mận (Ảnh: Nam Thái)

 Ông Khén đã phải cải tạo cả một khu đồi rộng để trồng mận, trồng một số cây dược liệu. Nhưng có những năm, mận rụng ngan ngát, mưa xuống sình lầy nổi lên như máu chan. Đường lớt nhớt. Dược liệu thì bị chủ kí hợp đồng bỏ cọc cho nên năm đó cả xã A Tý khốn đốn chứ không riêng gì nhà ông Khén. Ông chỉ có nước ngửa mặt lên trời khóc. Nước mát chan hòa nước mưa. Cha con ông cầm cự giữ lại vườn mận... Thế mà có năm, khách đến tấp nập. Thằng Phiến khi còn ở nhà thương ông, quyết chí học hành nhưng xa vòng tay cha, tiếp xúc với bên ngoài, rồi sa vào cạm bẫy. Lên được cấp ba thì nhiều lần nhà trường mời ông lên nhắc nhở, yêu cầu trả về gia đình giáo dục. Ngày nó tốt nghiệp cấp ba về bản, hai bước chân ông liêu xiêu. Người đàn ông chưa đầy sáu mươi mà già khụ như ngoài bảy mươi. Người gầy nhom. Nước mắt ông trộn lẫn mồ hôi nhỏ xuống những gốc mận một phần, còn lại là vì thằng con trai lúc nào cũng dửng dưng trước nỗi khó nhọc của ông. Từ khi rời vòng tay ông đến khi học xong cấp ba, bao nhiêu tiền của ông làm ra, nó đốt gần như sạch cho đến khi sa vào nghiện hút. Lòng ông vỡ trào như nham thạch núi lửa. Ông vật vã cả đêm không tài nào chợp mắt. Nếu dùng cách này mà cứu được cuộc đời nó ông vẫn sẵn sàng nhưng mà nó bây giờ khác gì con ma đói tiền. Đưa toàn bộ tài sản cả đời ông gây dựng khác gì đổ thêm dầu vào lửa, chỉ tổ phá hủy cuộc đời nó thêm một lần nữa...

Sáng hôm đó ông dậy đi cắt thuốc ở chợ phiên, trên đường đi thấy chiếc xe máy chở một thanh niên lạ, hình như không phải người ở bản. Chiếc xe rú ga ùn ùn, lướt vèo qua mắt ông. Hình ảnh thằng Phiến ẩn hiện làm ông có dự cảm chẳng lành. Ông nhìn lại con đường núi ngoằn ngèo, thở hổn hển, làng Phìn Hồ, từng góc đồi rực lên như những vồng lửa. Nhưng chân ông không muốn bước về phía trước vì cứ mỗi lần muốn đi nhanh hơn lại nghĩ về thằng Phiến. Chợt ông thấy chiếc xe lúc nãy phóng vụt qua, chỉ khác là chiếc xe vụt qua chở thêm một thanh niên trạc tuổi Phiến ngồi vắt vẻo phía sau, phải rồi, chính là thằng Phiến. Ruột ông quặn thắt. Chiếc xe dừng lại rồi cả ba tấp vào một quán thịt chó. Ông cố tức tốc bước nhanh về phía quán vờ lân la hỏi đường nhưng mắt thì nhìn thằng Phiến không rời. Ông đứng nấp bên bụi cây phía sau quán giả vờ như người đi chợ ghé nghỉ chân, bắt đầu nghe cuộc đối đáp của hai đứa lạ mặt. Một đứa mặc quần bò, áo đen vừa ngồi xuống, gác một chân lên ghế còn lại, liếc mắt về phía Phiến: “Mày gạ ông già mày vụ đồi mận thế nào rồi. Tao đã làm việc với mấy ông bên ngân hàng rồi, chờ mày nữa thôi. Xem ra ông già chả quý cái mạng mày lắm?”. Đến lượt thằng Phiến lên tiếng: “Trước sau ông cũng giao sớm thôi, tao đã thương lượng với ông đâu ra đấy rồi, hoặc thằng Phiến này, hoặc đồi mận. Chúng mày không phải chờ lâu”. Thanh niên thứ ba mặc áo xanh lơ, đầu đội mủ phớt tỏ vẻ bức bối: “Tao đã nói rồi, chúng mày phải tính kỹ lưỡng vào. Cơ hội đổi đời sắp thành hiện thực”. Rồi chúng nó thầm thì to nhỏ với nhau bí ẩn, ông chỉ nghe xì xào cho đến ông nghe rõ mồn một câu chốt hạ của một đứa cầm đầu: “Đường đi nước bước tao tính kỹ rồi, chúng mày chỉ cần sớm đưa tiền cho tao mọi thứ sẽ tốt đẹp...”. Tuy không rõ hết kế hoạch bàn tán nhưng ông cảm thấy như thằng Phiến đang sắp gặp tai họa đến nơi rồi. Ông lẩy bẫy trở về nhà, lòng dạ như lửa đốt. Ông ngồi bên bếp ho sặc sụa, những cơn hen dồn dập. Ông ngả người trên chiếc võng gai bên bếp lửa rồi thiếp đi lúc nào. Cả cánh rừng mận trắng xóa hiện ra bóng đứa con gái có váy xòe rực rỡ. Cánh mận mỏng tang bay bay trong gió xuân. Một chàng trai lực lưỡng đỡ đứa con gái ngồi xuống một gốc mận lớn, rồi rút khèn thổi một giai điệu “pí, pe”:“Cái bụng anh thương em nhiều như lá rừng. Em không có lòng thì thôi. Có lòng thì về ta ở với nhau một đêm. Em không có lòng thì thôi, có lòng thì về, ta ở với nhau một ngày”. Đáp lại tình cảm đó là tiếng đàn môi trầm ấm, réo rắt của người con gái. Khuôn mặt thanh tân của người con gái hòa trong tiếng khèn, tiếng đàn môi mê mãi. Họ mãn nguyện bên nhau từ sáng đến chiều. Khuôn mặt, hình dáng của đứa con gái bủa vây, hiện rõ trong từng thớ kí ức, làm ông choàng tĩnh. Cái vẫy tay trong giấc mơ ám ảnh ông một cách kỳ lạ. Vậy mà thấm thoắt đã hơn hai mươi năm qua, ông càng khắt khe với chính mình bao nhiêu thì càng không tiếc bất cứ tiền bạc hay tất thảy ân cần giành cho đứa con trai duy nhất nhưng đổi lại sự hi sinh đó là biết bao lời than vãn, trách cứ của nó. Đến cả tai họa mà nó đưa về, ông cũng một mực nghĩ rằng tất thảy là do mình mệnh bạc. Ông luôn nghĩ vậy nhưng giấc mơ này, cái vẫy tay ra chừng chới với, tiếc nuối, hờn trách. Phải chăng vợ ông đang nhìn thấu suốt mọi suy nghĩ, hành động của ông. Giá mà ông quyết định tìm cho nó một người mẹ sớm hơn biết đâu nó đã không sa ngã. Giá ông không gửi nó xuống thị trấn học mà theo nó để uốn nắn như uốn nắn những cây mận kia. Ông đào tỉa, vun gốc để mận luôn trĩu cành, khoảng cách giữa các cây cân đối. Mận ra quả đều. Vườn mận nhà ông đẹp nhất xã. Khách đến tấp nập. Rất nhiều du khách trả hàng tỉ đồng đòi mua bằng được. Nhưng nó là máu thịt làm sao ông rời xa được. Nhưng đời người như đời cây, đều có quy luật. Những gốc mận đã hút kiệt sức lực, đã khiến ông chịu bao phen đau đớn. Lẽ nào phải đánh đổi như đánh đổi sinh mạng, con cái với tiền bạc.

Đêm thâm u, ngoài bìa rừng thoảng hoặc có tiếng gáy vọng của chim từ quy thao thiết. Gió vít qua vách cửa thin thít. Những cơn hen chẹt ngang cổ họng cùng nỗi mông lung, sợ hãi khiến ông trở mình liên tục. Những giọt nước mắt khăn khắt, chát chúa thôi thúc ông. Cuối cùng, ông quyết định lay con Mến dậy. Ông nói với nó là vài ngày tới, cha có việc phải đi, con tạm qua nhà bà Súa. Thằng Phiến... ây dà, con biết rồi đấy nhưng bây giờ cha không tiện giải thích, con cứ làm theo cha đã. Ông dùng hết sức lực để dẫn hai mẹ con Mến đến nơi rồi đi tiếp mà không quay về nhà. Ông khép nép trước cánh cửa nhà Giàng A Phớn khi trời tảng sáng. Trưởng bản Phớn là bạn từ thửa chăn trâu cắt cỏ, dù bằng tuổi nhau nhưng cao lớn, trẻ hơn ông. Vừa nhìn thấy bạn, trưởng bản Phớn đã tươi cười: Ây dà, bạn cũ lâu ngày, vào đây vào đây... Trước bạn cũ ông trở nên khép nép nhưng những thôi thúc trong lòng không cho phép ông im lặng. Rồi cả hai người vào trong và nói chuyện khoảng chừng hơn chục phút. Sau đó, trưởng bản Phớn phóng xe rời đi, vẫn không quên dặn thằng con dắt xe ra chở ông về. Thằng cả con ông Phớn là bộ đội Biên phòng...

Cuối cùng thằng Phiến được đưa vào trại cai nghiện. Ông không thể nào mãi bao che cho nó được nữa. Cả cuộc đời ông thương con sai cách để cuối cùng nó đi sai đường. Nhưng nó còn trẻ, đường còn dài. Ông mang trong người bệnh tật, lao lực, không cưỡng được quy luật không thể để con ông sa lầy, đồng lõa với cái xấu. Thằng Phiến ở trại được gần một tháng thì Mến trở dạ. Ông một mình lo chuẩn bị mọi thứ tươm tất, gọi y tá để lo mẹ tròn con vuông. Thằng Kháu giống hệt cha, tiếng khóc của nó làm ông trào nước mắt. Niềm hạnh phúc vỡ trào. Cuộc đời ông đã bước sang trang mới. Ánh sáng của niềm tin, khát vọng tương lai luôn lấp lánh trong cuộc đời mỗi con người, chỉ là chưa kịp phát sáng đã bị những khoảng tối khỏa lấp. Ai trong đời cũng vậy, hành trình đi tìm ánh sáng bao giờ cũng phải đấu tranh trải qua đoạn đường tối khập khiễng.

                                                                                                       Phan Hương

                                                                                                      

. . . . .
Loading the player...