Khả Ma là một truyện ngắn khắc họa chân thực bức tranh xã hội ở một vùng quê trong giai đoạn chuyển mình. Truyện không chỉ phản ánh những góc khuất trong công tác quản lý đất đai, các dự án nông thôn mới mà còn đặt ra câu hỏi về đạo đức công vụ và trách nhiệm của người cán bộ. Với giọng văn sắc sảo, tình tiết chân thực, tác phẩm để lại nhiều suy ngẫm về những giá trị cốt lõi của con người trong xã hội đầy biến động. Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu truyện ngắn Khả Ma của tác giả Nguyễn Văn Hiệp, Văn phòng HĐND&UBND huyện Hương Khê, hội viên Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh.
KHẢ MA
Chiếc xe Jupiter đời cũ chở tôi và Khả ì ạch mãi mới qua con dốc thứ bảy. Đường lên núi Cù Giăng cuối chiều mùa đông sương mù dày đặc, liên tục đùn ra trắng xoá, sà sát xuống mặt đất làm mọi thứ gần như tan biến. Còn những năm con dốc nữa mới đến trụ sở xã. Đang từ từ leo dốc thì gặp người phụ nữ vẻ đầy lo lắng vẫy tay nhờ giúp đỡ:
- Các anh ơi giúp em với! Xe nó làm sao ấy, đến đây bỗng tắt lịm, đạp hết cả hơi mà không nổ. May quá gặp được các anh đây.
- Ô! Yên tâm đi để anh xử lý - Khả vừa nói vừa kiểm tra máy móc, thử khởi động các kiểu vẫn không thể khắc phục. Thế là cái sợi dây cao su trong cốp từ lúc nào đã có dịp phát huy kéo xe giúp cô gái một đoạn đường. Từ dạo ấy vị khách quen với phong cách bình dân, đầu đội mũ cối, bên hông lúc lắc chùm chìa khoá vào ra ở quán cà phê Dịu Dịu không ai khác chính là Khả ma. Biệt danh làm ai cũng tò mò.
Dạo ấy cả huyện đang tập trung xây dựng nông thôn mới, đồng thời phải hoàn thành cấp quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân. Công việc nhiều, nhưng cũng là cơ hội để gã làm kinh tế. Người dân địa phương nhiều lần phản ánh về việc xã làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chậm trễ; cán bộ thì gây phiền hà...Thế nhưng thủ tục cho các nhà đầu tư thì lại xởi lởi, kịp thời. Nghe đâu, ai muốn nhanh thì qua cô Dịu giúp cho là ổn. Tôi sinh tò mò không biết họ làm kiểu gì!
Một hôm, uỷ ban xã nhận được đơn khiếu nại có hộ dân trong thôn, không hiểu bằng cách nào đất nông nghiệp đã được chuyển thành đất ở từ lức nào, còn đất nhà ông ấy thì xã trả lời không thể. Tại sao? Thế rồi thanh tra huyện vào cuộc xử lý mới lòi ra. Mấy năm về trước đã có "thầy dùi mách nước" hỗ trợ lách luật làm thủ tục chuyển nhựợng, mua bán lòng vòng giữa anh em, con cháu. Cuối cùng lại về chủ cũ. Chuyện ấy gã tham mưu gọi là vụ việc tồn đọng có tính "lịch sử". Thực hiện kết luận thanh tra người có đất nộp thuế cho Nhà nước, coi như xong việc. Vả lại, nghe nói thời hiệu gì đó, nên Khả không bị dính án kỷ luật. Nó lại nhếch mép cười, lộ rõ vẻ ma mãnh...Bẵng đi một thời gian không gặp mặt, hôm rồi có thằng bạn đi lao động nước ngoài về rủ đi cà phê. Tôi gặp Khả, nó mới bảo mình phải điều chuyển đi xã khác. Ấy thế mà thắm thoắt đã năm năm. Tại quán cà phê Dịu Dịu, nhân chuyến đi công tác thăm Bộ đội Biên phòng, trong tiếng nhạc nhẹ nhàng, thắm thiết bài hát "Anh còn nợ em". Khả trầm ngâm như lo lắng điều gì, rồi nói:
- Có lẽ tớ phải xin chuyển công tác về gần nhà một đoạn. Mẹ già, nhà neo người vất vả lắm bạn ơi!
Tôi cũng lựa lời tâm sự:
- Ừ, như thế thì tốt, mình ủng hộ.
- Khả này! Mình nghe được thông tin không tốt về cậu đấy, xem điều chỉnh cách nào đó, chứ nếu để cấp trên thanh, kiểm tra ra thì có khi không hay đâu -
- Ôi dà! Quét nhà thì kiểu gì mà chẳng ra rác - Khả chép miệng ra vẻ không quan tâm. Mặt cứ vênh lên trời phì phèo thuốc lá. Từ xa cô chủ quán mắt cười lúng liếng, người chưa tới mà nước hoa đã toả ra thơm phức. Làn da trắng, mịn màng, lời nói, điệu bộ duyên dáng đúng chuẩn "gái một con xem mòn con mắt". Cô chủ quán nhẹ nhàng đặt ly cà phê lên bàn, khom người lùi lại một chút, một thoáng núi đôi e ấp thiêu đốt thực khách.
- Dạ, em chào mấy anh ạ! Dạ, em mời các anh! - Cô chủ dịu dàng mời khách
Từ cái liếc nhìn "tưởng bở" của em loát một vòng, lúc ý Khả mới nhả từng chữ một, ra vẻ mình là người rất từng trải:
- Ơi giời! Cơ chế thị trường, đụng đâu có đó, bạn thấy khắp nơi từ trên, xuống dưới đầy những chuyện lạ đời như thông thầu, chạy dự án, bán hoá đơn... Đây không đi hát Karaoke, chơi pickleball với mấy lão phụ trách mỗi khi về kiểm tra, nghiệm thu tiêu chí thì họ gật cho xã mình đấy chắc!
Tôi thấy có gì đó sai sai, bèn hỏi lại:
- Ơ! Thế sếp toàn rủ cậu bạn đi cửa sau chắc!
Gã phóng mắt nhìn tôi như muốn vặc điều gì đó, lại hạ giọng đầy cái vẻ mỉa mai, dạy đời:
- Tớ bảo cho cậu nghe này! Nay không chỉ đi cửa sau nữa mà như là một lẽ đương nhiên. Kiểu như tiền típ quán nhậu bên nước ngoài ấy, hiểu chưa? Khả lại đay tiếp:
- Xin lỗi, thật bắt đất mà ăn nhé! Ngồi đó mà đúng đồng, đúng lượng! "Nước trong không có cá..."
Tôi hơi bực, rồi cũng có phần bị lung lay niềm tin. Mọi thứ có thể chăng! Tôi vẫn tin vào lời bác bí thư đảng uỷ khi được điều lên huyện công tác dặn dò: "Cậu rất triển vọng, cấp trên người ta để ý cả đấy "đức luôn là gốc". Mặc dầu nghi ngờ, nhưng tôi vẫn dặn lòng quyết tâm không theo nó, trừ phi tập thể giao tôi thấy phù hợp lợi ích của dân một cách chính đáng, đúng luật.
Khả ma (Tranh: Minh Sơn)
Năm trước, ở quê xảy ra trận lũ quét rất lớn gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Cả nước hướng về miền Trung thân yêu. Tôi mới được điều chuyển về xã nhà công tác, tích cực tham mưu, phối hợp tổ chức tiếp đón, cấp phát tiền, hàng cứu trợ đến các đối tượng một cách khách quan, công bằng, không để xảy ra sai sót, thất thoát. Thế rồi kỳ bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp kết thúc, tôi vinh dự trúng cử làm người đại biểu. Tiếp đến tôi được bầu giữ trọng trách lớn hơn. Có kinh nghiệm từ chuyên môn, bản tính trung thực, cẩn thận nên ít sai sót. Hoàn thành xong mỗi nhiệm vụ, dù nhỏ hay lớn trong lòng tôi vẫn cảm thấy vui vẻ như nông dân cày xong thửa ruộng.
Có thông tin việc cấp phát, cứu trợ một vài nơi thiếu khách quan. Có nơi cán bộ xã, thôn tìm cách ưu tiên bà con thân cận... Không ngờ nó vặc lại, cho rằng tôi là thằng lắm chuyện, rồi to tiếng lên:
- Cậu điên rồi sao! Mỗi nơi, mỗi khác! "Ốc chưa lo nổi thân ốc lại đi lo gốc mọc rêu". Đã là hỗ trợ thăm hỏi thì tuỳ tâm. Ai cho bao nhiêu lấy bấy nhiêu. Nhà hảo tâm thì trực tiếp trao, mình cũng hơi đâu mà hầu hạ. Ai đi phân tích nặng nhẹ chi, li, trong khi "lụt thì lút cả làng". Mà nhà người nào không ngập lụt cũng mùa màng thất bát, hư hỏng ngoài đồng. Cậu cứ "lo bò trắng răng"! Kệ đi ông bạn tôi ạ !
- Xã tớ là như thế, ông nào chả thế!
Khả vẻ mặt nhăn nhó, tức giận tung một mạch về sự nhanh nhạy, thức thời này nọ, cho rằng ý tôi lạc hậu không khá lên được...Từ bữa ấy tôi và thằng bạn học ít gặp nhau hơn, cũng không góp ý gì nữa. Tôi tự nhủ, thôi buông bỏ cho nó lành.
Đời luôn là thế, mọi hoạt động Khả làm và cho rằng là linh động, vận dụng này nọ không thể qua được tai mắt người dân. Thế là mấy hộ lợi dụng chính sách hỗ trợ của Nhà nước về phát triển chăn nuôi. Dưới sự hướng dẫn của Khả khi thì tên chủ hộ, lúc lại là tên con. Cùng một mô hình hưởng hai lần ba lần hỗ trợ. Đến lúc có kết luận của thanh tra thì gã mới sáng mắt ra. Tiền đã tiêu, khắc phục hậu quả sai phạm cho Nhà nước chậm trễ. Khả và các đối tượng liên quan đều bị xử lý kỷ luật, Khả được huyện điều về cùng công tác với tôi. Mới đầu hơi ngại một chút vì tôi làm lãnh đạo mà Khả làm công chức chuyên môn. Vốn có tính tiết kiệm cứ ra khỏi phòng là tôi tắt các thiết bị điện; viết nháp thì dùng giấy đã in một mặt không vấn đề, còn Khả cứ bạ đâu dùng đó, ghi số điện thoại mất cả tờ giấy, quạt điện để quay suốt ngày... Đã thế gã còn hay luộm thuộm, tàn thuốc, bã trầu vứt lung tung. Nhắc nhở thì gã cứ lúc thì bảo quên, lúc bảo tiết kiệm chi cho nó khổ, có giàu được đâu...
Một hôm, tôi vừa xuống xe, chưa kịp tắt mắy thì thấy bà Đinh Châu vẻ mặt bất cần đời đến cửa uỷ ban xã. Bà ấy là chị chồng chủ quán Dịu Dịu có sạp bán thịt lợn ở ngã tư đầu xã. Tôi chả ưa gì cái tính chua ngoa, nói sùi bọt mép của bà ấy. Tính khí khó lường. Không hiểu bình thường bà chưng diện phết, sao hôm nay nhìn kiểu lạ lắm. Chân đi đôi dép sục, áo nắng màu huyết dụ đã phai, chưa thấy mặt đã thấy mồm quang quác tiến vào trụ sở uỷ ban xã để gặp ông Khả. Thoáng qua có vẻ gì đó rất căng thẳng! Hai bên to tiếng giữa chốn quan trường. Tiếng bà Châu vang lên chua loét:
- Đồ vô duyên, thất đức....Tao sẽ làm cho ra nhẽ, nhà nước đuổi cổ mày về mà nuôi gà nhé!....
Khả, mặt tái như đít nhái, cố làm ra vẻ không liên quan. Móc thuốc lá rít, nhả khói liên tục, lủm bủm nhát gừng đủ để bà Châu nghe thấy:
- Loại diều hâu này thì...biết đếch gì! Đồ chua ngoa, lắm điều! Có ngày toe mỏ chưa biết chừng! Như chọc vào tổ ong vò vẽ. Bà Châu mặt từ đỏ kiểu dị ứng phát ban chuyển sang tím, người toàn thịt sấn vào Khả:
- Đây này, mày giỏi thì ăn tao đây này! Con ma này vừa ăn trộm vừa la làng à...
Cuộc cãi lộn ngày càng căng thẳng cho đến khi có người đi xe máy, mặt bịt khẩu trang kín mít, không rõ trao đổi thông tin gì mà bà Châu nhìn vẻ rất tức giận hậm hực mặt đỏ chuyển dần sang tím, xồng xộc chạy tìm gặp chủ tịch uỷ ban đang ở bên khu nhà nội trú. Khả nghe chừng không ổn chạy theo để ngăn cản:
- Việc cá nhân tôi với bà có gì tự giải quyết không làm ảnh hưởng đến tập thể cơ quan nhé. Bà Châu càng được thế to tiếng chỉ thẳng tay vào mặt Khả gào lên:
- Để tao cho cả làng, cả xã này biết cái bộ mặt thật của mày nhé, đồ con ma, con ma làng chứ không phải người này nhé! Ủy ban mà không xử thì bà đây không để yên nhé! Khả nghe chừng không ổn vội phóng xe bỏ đi. Vừa lúc cô giáo trường mầm non chở bé Tèo trả cho bà Châu - cô ruột. Chiều muộn các bạn về cả mà Tèo chưa có ai đón. Bà Châu không kìm nén được nói như tát nước vào mặt:
Kệ cha nó ai đón thì đón. Từ nay không Tèo tọt, cháu chắt gì nữa hết. Nó không phải là máu mủ, ruột rà gì họ nhà tôi cả!
Mọi người ngơ ngác, rỉ tai nhau, rồi thông tin cũng làn truyền. Trời tối sầm xuống, gió mùa đông bắc thổi réo rắt như cắt thêm vào nỗi đau của bé. Tèo mặc chiếc áo sơ sơ sài, ngơ ngác nhìn quanh như tìm kiếm điều gì đó để bấu víu. Bé run lẩy bẩy vừa sợ vừa rét, mêú máo rồi gào khóc thảm thiết. Cô ơi cứu con! Mẹ ơi, bố ơi! cứu con...Bà Châu tím mặt, trợn mắt quát:
- Thằng kia! Mày có im cái mồm đi không, khóc lóc cái nỗi gì! Đoạn giật vai áo, lôi thốc đứa bé lên xe:
- Đi! Đi theo tao mà về với thằng cha đích thực của mày! Bé Tèo sợ quá khóc ré lên. Mọi người nhìn theo không kìm được nước mắt.
Thời gian thắm thoắt trôi, chuyện cần biết đã biết, thỉnh thoảng gặp nhau tôi và Khả vẫn chào hỏi bình thường. Mùa mưa đến, lũ lụt ngập trắng đồng. Thuyền của chúng tôi rẽ vào ngôi nhà cạnh gốc cây lộc vừng cuối làng. Đi bộ một đoạn thì đến nhà Khả. Bữa ấy Khả mặc chiếc quần xà lỏn đang bón cho bé con ăn. Bé vừa hút nhanh những sợi mì tôm, mắt liếc nhìn phía chúng tôi nói với Khả:
- Cậu ơi, có ai vào nhà ta cậu ạ!
- Cháu chào các bác ạ! - Bé lễ phép chào khách.
Đoàn chúng tôi vào nhà mang theo ít quà thăm hỏi bà cụ đang ốm nặng do vật lộn với đồ đạc chạy lũ. Khả động viên mẹ ráng ăn để còn uống thuốc. Khả tiếp chúng tôi, nhưng có vẻ thẹn thùng, mắt nhìn xuống đất, giọng cũng chùng theo, tính tự tin, oách xà lì lúc nào bay đi mất.
Tôi và mấy anh em trong đoàn động viên bà mẹ và nói với Khả. Mọi chuyện phải rút kinh nghiệm nghiêm túc, tuổi còn trẻ, còn có cơ hội sửa sai. Khả hơi cúi mặt vẻ hối lỗi:
- Tôi xin lỗi cậu, vì đã quá ngạo mạn, xem thường kỷ luật của tổ chức và ý tốt của cậu. Xin hứa từ nay mình sẽ chăm chỉ, chú tâm công việc và tiếp thu góp ý của anh em, nhất là cậu. Xin cậu đừng bỏ tớ nhé!
- Ừ, bạn học thì vẫn vậy, có thay đổi được đâu! Còn công việc là công việc, cần phải cố gắng nhiều vào. Theo mình, không phải nói nhiều mà cứ phải tận tuỵ, trách nhiệm, chia sẻ khó khăn, tận tâm, thành ý, giúp đỡ đồng nghiệp, trọng dân thì mọi chuyện sẽ khá dần lên. Còn chuyện riêng tư, cậu gây ra thì tự khắc mà sữa chữa cho phải đạo làm người.
Một lúc sau, cháu bé chạy ra vịn vào tay áo Khả nói nhỏ:
- Cậu ơi, bà ăn xong rồi ạ! Cậu lấy thuốc cho bà uống đi, trán bà đang nóng lắm ạ!.
Chị chi hội trưởng phụ nữ ôm bé vào lòng nắm bàn tay nhỏ xíu nựng: "Dì thương con lắm!" Nước mắt bé lưng tròng, cắn móng tay đã sát vào da thịt, thút thít:
- Hôm qua con ôm quạt điện tưởng là mẹ đang quạt cho con ngủ. Bà nói đó là mơ hay là gì hả dì?
- Cậu Khả nói với con là mẹ đi làm ăn xa còn lâu mới về được ạ! Dì nói mẹ về với con đi. Con nhớ mẹ lắm!
Bé buồn thiu, nước mắt lăn dài trên má! Chị chi hội trưởng như hiểu được lòng bé, nghẹn ngào nắm lấy đôi bàn tay non nớt của bé an ủi:
- Con ở nhà với cậu và bà ngoan nhé! Mẹ con sẽ sớm về thôi!
Bé con nhìn về phía xa xăm chưa hiểu được chuyện gì đã xảy ra với gia đình nhỏ của mình. Mẹ của bé, chủ quán Dịu Dịu đã bị Công an bắt trong vụ buôn bán chất cấm. Một bản án nghiêm khắc treo trên đầu. Người mà bé yêu thương gọi bố bấy lâu cũng đi làm ăn xa lâu lắm rồi không gọi điện về hỏi thăm... Ngày thường bé cứ gọi Khả là cậu - cháu, nay vẫn thế...
Chúng tôi chào mọi người ra về. Bé Tèo vịn cửa, nhô người ra ngoài nhìn những vị khách dần xa. Núi Cù Giăng bảy sắc cầu vồng hiện lên lung linh huyền ảo. Trời đang có nắng bỗng cơn mưa rào chợt đến. Mưa xối bùn, những lớp bùn đất, bụi bẩn sau lũ được rửa trôi và cỏ cây, hoa lá sẽ trở lại xanh tươi.
N.V.H