21-01-2024 - 16:44

Truyện ngắn Hoa vương cửa phật của tác giả Phan Hương

Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu truyện ngắn Hoa vương cửa phật của tác giả Phan Hương.

Hoa vương cửa phật

 

Sáng mùa xuân ấm áp. Bầu trời trong xanh diệu vợi. Vài cơn gió khẽ khàng lùa lên lớp lá bồ đề vẫn còn vướng vít sương đêm. Ni cô Diệu Liên dậy sớm hơn mọi khi. Sáng nay, nhà chùa làm lễ cầu an. Một giấc ngon lành từ đêm qua đưa lại cho cô một cảm giác thư thái, dễ chịu vô cùng. Cô ngồi dậy quờ chân tìm đôi dép và đứng lên bước ra khỏi căn phòng. Đêm qua gió xuân tràn vào làm vương vãi những bông xoan tím ngát. Những lá bồ đề già quá đỗi, cuống vàng rực cũng rơi đầy sân. Tay cô vẫn uyển chuyển, tất bật những lần chổi khua đi, khua lại sẽ sàng trên nền gạch khô khốc. Từ trong chánh điện, sư cô Phác Duyên gọi:

- Nếu chưa quét xong thì để đấy, con vào đây ta nhờ chút chuyện?

- Bẩm người, con cũng vừa xong đây ạ. Cô vừa nói vừa ghép gọn bó chổi sành ngay ngắn sang một bên rồi bước vào trong.

- Sư cô gọi con! - Cô bước tới gần bên sư cô lễ độ

Sư cô cầm chiếc bình gốm Vạn Ngọc màu nâu thẫm quay người đưa cho Diệu Liên rồi bảo: Con ra hồ hái ít sen cắm vào bình, đổ nước đầy rồi mang vào đây cho ta.

- Cô đưa hai tay hứng lấy chiếc bình từ tay sư cô, nâng niu như được trao một vật báu.

Đúng là vật báu vì bình Vạn Ngọc là một trong ba chiếc bình quý của nhà chùa có từ mấy chục năm trước. Diệu Liên chỉ nghe sư cô kể lại. Nhưng nó cũng chỉ là chiếc bình được thợ gốm làm nhái lại vì những cổ vật thật ấy đã bị mất trộm từ lâu, thời đó, người ta thi nhau săn lùng đồ cổ. Bình Vạn Ngọc tuy không phải là đồ cổ nhưng tuổi đời của nó cũng khá lâu, đường nét trên thân gốm cực kì tinh xảo. Đối với sư cô nó là vật kỷ niệm, quý như sinh mạng của mình.

Sen trắng hồ Từ bi có một đặc điểm là có hoa quanh năm, vào độ tháng năm thường nở rộ hơn hẳn. Mùa Xuân, hoa ít hơn nhưng mỗi lần chùa làm lễ cúng dường, cầu an hay có việc cũng đủ để cắm đầy ba bình Vạn Ngọc. Dịp lễ này, thầy bảo chỉ cắm một bình.  

Buổi lễ hôm ấy có năm người, nghe chú tiểu kể lại, đó là những người trong một kép hát. Có ba nữ, hai nam. Ba người phụ nữ thì đã luống tuổi. Một cậu bé chừng mười ba và một cậu thanh niên có dáng vóc điển trai, thư sinh. Một người phụ nữ trong số họ có quen biết sư cô. Họ là những người từ vùng khác đến. Sau buổi lễ, sư cô mời đoàn ở lại dùng bữa cơm chay nên chú tiểu và Diệu Liên bận rộn hơn ngày thường.

Kể từ khi được sư cô dạy bảo, hướng dẫn, Diệu Liên biết nhiều thứ, những món ăn chay tuy đơn giản nhưng khi chế biến cũng phải thể hiện được hồn cốt, chân tình của mình trong đó. Chùa Minh Khánh là một nhánh nhỏ của Chùa lớn Đại Đức ở trên núi cao, là trung tâm phật giáo lớn của vùng này. Chùa Minh Khánh trước đây chỉ có một gian chánh điện, dần dần có người trông coi nên được trùng tu, mở rộng nhưng không gian vừa phải, khép kín. Mặt hướng ra sông. Lưng tựa vào một ngọn đồi vững chãi. Nếu như nói về vị trí thì cả vùng quê này không có nơi nào đắc địa hơn. Dù không gian nhỏ nhưng khi đến đây, cảnh làng Hạ, làng Thượng, làng Đôi… uốn lượn theo con sông Nhuỵ được thu gọn trong tầm mắt, không khác gì một bức tranh. Đến đây, người ta không chỉ được nghe giảng phật pháp, đắm chìm trong tiếng chuông chùa thỉnh nguyện khi chiều hôm, lúc sáng tinh mơ hay giữa đêm thinh không lặng ngắt mà còn để vãn cảnh. Sư cô Phác Duyên đã hạnh ngộ ở đây trên hai mươi năm. Nhà Chùa cũng là nơi kết nối những tấm lòng, việc làm từ tâm giúp cho nhiều đứa trẻ,  mảnh đời bất hạnh có chốn nương thân. Những đứa trẻ ở chùa lớn lên như chú Tiểu Phương nguyện ở lại để phụng sự nhà chùa. Nhiều đứa trẻ sau đó được các gia đình nhận nuôi hay được gửi đi học hành. Sư cô đã phát tâm, gieo biết bao điều ân nghĩa. Nhà chùa rất ít khi tiếp khách qua đêm. Phật tử thường đến làm lễ, vãn cảnh rồi ra về.  

Nhờ sự giúp sức của Tiểu Phương mà bữa cơm chay của Diệu Liên trở nên hoàn hảo trong cảm nhận của thực khách. Món bánh Sa kê, đậu hũ sốt cà chua, canh chay thập cẩm…có vẻ làm người dùng hài lòng. Tất cả bát đĩa được những người khách giúp cô dọn ra phía sau nhà. Diệu Liên bắt đầu xắn áo, định cầm gầu múc nước từ dưới giếng lên thì bất giác có tiếng một người con trai.  “Nam mô a di đà phật” - Âm thanh khe khẽ nhưng giữa không gian yên ắng nên làm ni cô hơi giật mình. Cô nhìn về phía cây bồ đề cách giếng nước không xa, nơi tiếng nói đó phát ra thì thấy có người tiến lại gần hơn. Cô cúi xuống với vẻ mặt điềm nhiên đáp lễ “Mô phật” rồi đưa tay cầm lấy chiếc gầu để chuẩn bị múc nước. Rất nhanh, chỉ chừng vài giây đã thấy cậu thanh niên đứng bên thành giếng, đỡ lấy chiếc gầu trên tay Diệu Liên. Diệu Liên cúi đầu nghiêng người sang một bên. Cả khuôn mặt thanh tú, đôi mắt sâu thẳm, làn mi cong vút cũng đổ xuống mặt nước rõ ràng như tấm gương soi. Trong phút chốc, cậu thanh niên không biết mình rơi vào làn nước hay đôi mắt trong veo lần đầu tiên cậu nhìn thấy. “Tôi có thể giúp gì được cho thí chủ ạ?”- Có chút bối rối nhưng thần sắc Diệu Liên vẫn  nghiêm nghị và cất tiếng.

Diệu Liên biết đây là một trong năm người khách lúc nãy mà chú Tiểu Phương kể lại. Vì khi cô bày ra những món ăn này thì mọi người vẫn còn làm lễ. Cô chỉ nhìn thấy họ qua khe cửa sổ của phòng ăn. Nói là phòng nhưng thực ra chỉ là một khém nhỏ tách ngăn với căn bếp biệt lập với điện thờ. Nên chỉ có người ở phía trong mới dễ dàng quan sát ra ngoài được.

Cậu thanh niên cũng cúi xuống chứ không ngước lên nhìn Diệu Liên, đề nghị: “Tôi có thể giúp ni cô múc nước được không?”.

- Không dám làm phiền, mời thí chủ vào trong nghỉ ngơi ạ!-Diệu Liên khẳng khái hơn.

- Không, không, tôi không quen nghỉ trưa, nếu không phiền, tôi xin giúp ạ!

- Cậu thanh niên kia trả lời rồi đổ gầu nước vào thau, bất ngờ chạm phải bàn tay Diệu Liên. Cô không muốn đối đáp lại nên đành ngồi xuống rửa bát như không có việc gì xẩy ra. Cậu thanh niên bắt đầu múc những gáo nước đầu tiên đổ vào chum nước. Đến gầu thứ ba thì cậu ta vốc một ít nước rửa mặt mũi, chân tay. Rồi cất tiếng bắt chuyện: “Nước ở đây thật trong và mát quá. Cảnh chùa lại nên thơ”

Diệu Liên chú tâm kỳ cọ đống bát đĩa không hề để ý đến người kia nói gì. Phải đến lần thứ hai người kia nhắc lại như muốn nói để cô nghe. Diệu Liên mới miễn cưỡng gật đầu. Sau khi đã đổ đầy những chum chứa xung quanh, anh thấy không biết đổ vào đâu nửa nên dừng lại và xin phép ni cô vào nhà để chuẩn bị cùng mọi người từ biệt.

-Kép hát chúng tôi tối ngày kia sẽ biểu diễn cho bà con ở đây thưởng thức. Hôm đó cũng là ngày hội lớn của làng, không biết sư cô và mọi người có sang được không nhỉ? – Người phụ nữ lớn tuổi nhất nói với sư cô rồi cảm ơn nhà chùa về buổi lễ và bữa ăn chay ý nghĩa để tạm chia tay.

Cả năm người họ chào từ biệt, chuẩn bị bước đi. Cậu thanh niên lúc nãy như quên điều gì đó, quay lại giếng nước tìm ni cô từ biệt. “Bẩm ni cô, chúng tôi rất hài lòng bữa ăn mọi người đã chuẩn bị. Tôi ở kép hát bên kia sông. Hẹn một ngày sẽ sang thăm chùa lần nữa. Ni cô ở lại bảo trọng!”. Cậu thanh niên cúi chào ni cô nhưng vẫn có điều gì đó còn vướng vít. Diệu Liên cũng cúi đầu đáp lễ. Mãi cho đến khi cậu ta bước gần đến cổng nhà chùa rồi khuất ra ngõ cô mới nhìn theo bóng dáng những người trong kép hát. Chưa bao giờ cô được nghe giọng người trầm ấm, trong veo. Có lẽ những người làm nghề hát, trong giọng nói của họ cũng mang những nhịp điệu, thanh âm êm êm như tiếng hát. Cô gạt sang một bên những nghĩ ngợi mông lung rồi tiếp tục sắp toàn bộ bát đĩa vào chiếc rổ để nhờ chú Tiểu Phương cùng bê vào nhà.

Kể từ buổi chiều hôm ấy, Diệu Liên có chút bần thần, thỉnh thoảng cô lại nhìn qua bên kia sông. Giờ này, chắc dân làng đã chuẩn bị đón chờ hội hát thâu đêm. Cô ngồi vào tụng kinh. Tiếng mỏ lóc cóc và những bài kinh dằng dặc cuốn cô vào cõi phật. Những tơ vương như làn khói mỏng của hương trầm bay lên rồi tản mạn, lẫn khuất cả không gian.

Hoa vương cửa Phật (Minh họa: ST)

 

Cách đây đã hơn năm năm, Diệu Liên được sư thầy cô Phác Duyên cứu rỗi. Khi đó cô mới mười tám tuổi. Cái tuổi mộng mơ của cuộc đời. Cô chỉ biết mình tỉnh dậy sau không biết bao ngày mê man. Khi biết lờ mờ mình lạc trôi trên khúc sông, được người chùa cứu sống, hai hàng nước mắt chực rơi, cô nhìn vào sư cồ cố hết sức gượng hỏi, mà không kiềm chế được bản thân: Đây là đâu, sao người lại cứu con làm gì. Cô rướn chút sức lực co rúm toàn thân, rồi khóc nấc thành tiếng. Con không muốn tồn tại trên cõi đời này nữa. Con muốn dòng sông này rửa sạch những đau khổ của kiếp người.

Sư cô nhìn cô bằng ánh mắt nhân từ và đỡ cổ ngồi dậy, tựa lưng vào thành giường, tay bưng chén thuốc còn bốc lên làn khói lòng vòng với mùi hương dịu nhẹ: Con hãy uống chút thuốc này rồi nghĩ ngơi tĩnh dưỡng. Đừng chôn tuổi thanh xuân vào những suy nghĩ, hành động sân si ấy nữa… Đôi mắt sư cô toả ra nguồn năng lượng diệu kì chiếu rọi mọi góc tăm tói, u uẫn trong cô. Những ẩn ức tuôn trào như cuộc đời đã sắp đặt sẵn mối lương duyên.

Cô chỉ muốn kết thúc nỗi trầm luân của kiếp người một cách nhẹ nhàng. Nhưng con đường đến với điều cô tưởng ấy lại muôn phần đau đớn. Không ai có quyền lựa chọn người sinh ra mình. Nhưng có thể chọn gắn bó hay cắt lìa tình mẫu tử. Cô đã phải nếm trải một tuổi thơ cay nghiệt, đầy nước mắt bởi lối sống buông thả, vô trách nhiệm của mẹ. Cô chỉ là đứa con rơi luôn bị dày vò trong mặc cảm, tội lỗi, nhiều khao khát nhưng luôn bị dập vùi, mà không ai khác đó là người sinh ra mình. Người đàn bà mà cô gọi là mẹ luôn hằn học, xem cô như là một hòn đá cản đường đi tìm hạnh phúc tương lai, một sản phẩm lỗi bất tác dụng vì nó không giúp bà ta cứu vãn mối quan hệ tình cảm hay nhận được bất cứ món lợi ích nào khi mặc cả, trả giá từ người bà ta muốn. Nhưng cô không đủ dũng cảm để bước đi, càng không hiểu hết sự mờ ám, toan tính của mẹ. Tất cả những sự ghẻ lạnh đó, cô đều đã quen cho đến một ngày, người đàn ông về chung sống với mẹ cô đã cắt phăng rợi dây mong manh. Người đàn ông đó luôn tỏ ra quan tâm, săn sóc hai mẹ con, luôn góp ý để mẹ cô chăm sóc, để ý đến cô. Những khi mẹ đi vắng, ông ta thường mua những chiếc vòng, dây cột tóc và đồ ăn con gái thích. Ông ta luôn giữ khoảng cách, sự ân cần của một người cha dượng, tử tế, hết lòng với con riêng của người vợ không hôn thú. Thật giả lẫn lộn, sự ngọt ngào xen cả ngang trái trong một con người như tấm lưới mờ mịt khiến cho cô bé mới lớn khó lòng phân biệt. Như con hổ dụ mồi, từ từ, từng chút một, làm cho con mồi mất cảnh giác. Nanh vuốt của con hổ đói đã theo dõi đặt bẫy, biết được con mồi chắc chắn sập bẫy. Buổi sáng hôm ấy, mẹ ra ngoài rất sớm, cô cũng đi học nhưng do quên đôi giày thể thao nên phải trở về nhà. Khi mới mở cánh cửa bước vào nhà thì có một bàn tay kéo mạnh cô. Một tay kia cho một chiếc khăn đã vo tròn rồi nhét một cách miễn cưỡng bịt miệng kín khiến con bé yếu ớt lần đầu tiên bị gã khổng lồ tấn công không có cơ hội hô hoán, chống cự. Con cừu non chỉ biết dẫy dụa dưới tấm thân nhày nhụa, nhơ nhớp của con hổ đói….Trong đau đớn, xót xa, cô chỉ biết vùng dậy, cố hết sức chạy. Cô đã lang thang bao ngày trong nước mắt tuyệt vọng…. Rồi thả mình xuống dòng nước xiết của sông Nhuỵ những mong rửa sạch vết đau đang nhức nhối hành hạ.

Nghe những thổn thức này, sư cô có cảm giác như ai đó bóp nghẹn tim mình, lòng đau nhói, quặn thắt. Cô bé này làm sư cô nhớ đến hình bóng mình hơn hai mươi năm về trước, cũng mang nỗi đớn đau cả thể xác lẫn tổn thất tâm hồn, chỉ nghĩ về một sự giải thoát để chấm dứt mọi dày vò, thù hận. Có biết bao phận đời đã gieo xuống dòng sông, tìm đến cái chết oan khiên, có bao người được cứu rỗi, vậy mà những kẻ ác vẫn nhởn nhơ sau thú vui vùi hoa, dập liễu.  

Tưởng dòng sông này sẽ cuốn trôi ra biển cánh hoa mỏng manh, nhàu nhỉ nhưng giải quyết khổ đau không phải tìm đến cái chết. Đó là sự phó thác nhẫn tâm… Thật may, khi cô hôm đó sư cô đi cầu siêu về qua sông thì gặp một bóng người sang ngụp lặn giữa dòng nước lạnh vắng. Chỉ một chút chậm trễ nữa thôi thì coi như cô vĩnh viễn từ giã cõi đời.

Diệu Liên là cái tên mới sư cô dùng để gọi cô bé vừa được nhà chùa giành lại từ tay tử thần. Diệu Liên như là bông hoa sen kỳ diệu mà kiếp nhân sinh đưa đến cửa chùa. Sư cô giảng giải cho cô chuyện kiếp đời, chữ duyên chữ nợ. Số kiếp con người không phải muốn dứt là dứt đâu con. Khi con chưa trả hết nợ thì con có ở kiếp nào cũng mang món nợ ấy.Cuộc đời này cũng như cõi tạm mà thôi. Sống thế nào, chết thế nào do mình lựa chọn. Nhưng đừng để phải hối hận. Sư cô Phác Duyên không chỉ làm cô tỉnh ngộ mà cô còn cảm nhận ở đó tình yêu thương của một người thân, một người có thể che chở cuộc đời cô. Cô quyết gắn bó với nhà chùa, cùng sư cô sớm tối tụng kinh, một lòng hướng phật, tạm quên những nghĩ suy, buồn đau khổ ải chuyện đời.  

Cô luôn giành cho sư cô một niềm kính trọng, lễ phép, hướng tâm về đạo nghĩa, chăm chỉ thực hành phật pháp từng ngày. Ngoảnh lại đã hơn năm năm cách xa chốn hồng trần phiền não. Càng gần phật pháp càng hạnh ngộ chân tu. “Sắc lịch dịu dàng dường như bọt nhóm, dung y đẹp đẽ mà đâu còn hoài. Từ bi là cội nguồn của hạnh phúc”. Càng thấm những lời trong kinh pháp thì những thù hận, chấp ái với quá khứ càng lùi xa. Con đường hạnh ngộ cheo neo nhưng khao khát chứng đặng đạo quả là có thật.

Không hiểu sao đêm nay, cô cứ trằn trọc không thể nào chợp mắt nổi. Ngoài kia, cách một con sông, hội làng đã mở. Bao nhiêu nam thanh nữ tú lại tụ tập xem hát. Cô ngồi dậy, ra khỏi phòng rồi đi về phía dòng sông. Tiếng hát của ai vừa ngân lên khúc bỗng trầm da diết: “Đốt cho số kiếp hồng nhan. Hoá thành sợi khói đa đoan về trời”. Tiếng hát như cứa vào cô những thổn thức. Tiếng hát gợi nhắc về những kỷ niệm, giấc mơ thời áo trắng. Cô nhìn xuống dòng sông hình như có một bóng người. Một cô gái nhảy xuống sông cũng đang chới với. Cô hô hoán kêu cứu. Người trong hội đổ ra nhao nhác nhảy xuống sông xốc cô gái trẻ lên… Ni cô Diệu Liên thất thểu trở về chùa khi gà đã báo canh ba. Trời đã sắp sáng. Những kỷ niệm buồn lại xâm chiếm vùi lấp những ý nghĩ của cô. Hình ảnh người con gái nhảy xuống sông làm cô tê tái. Kiếp nhân sinh sao nhiều oan trái. Cô chìm vào giấc ngủ mông lung cho đến sáng trời khi chú Tiểu Phương gọi dội vào báo hôm nay đi phụ lễ cho thầy, cô mới sực vùng dậy.

Hôm đó, nhà bên kia sông Nhuỵ nhờ sư cô Phác Duyên sang cầu siêu. Gia đình đó vừa cất bốc được ngôi mộ của ông cố là liệt sĩ hi sinh ở chiến trường sát biên giới Tây Nam. Sau một thời gian liên lạc, tìm kiếm, cuối cùng họ thoả ước mong. Sư cô không thể từ chối buổi cầu siêu này được. Dù sao đây cũng là việc thiện nên làm để giúp họ an lòng vẹn tròn với người về chín suối. Sư cô chuẩn bị tư trang rồi chuẩn bị sang sông cùng. Sư cô muốn cô đi theo để vừa giúp chuẩn bị lễ vừa cho cô quen với việc.

Kép hát tối hôm đó cũng sắp tàn, nam thanh nữ tú đã chuẩn bị ra về. Lễ cầu siêu diễn ra thuận lợi, chủ nhà hết sức hài lòng. Trước khi sư cô ra về, người nhà lấy ra một phong bao đặt vào tay ngỏ ý cảm ơn. Nhưng sư cô một hai từ chối. “Mô phật! Thí chủ đừng quá bận tâm. Đây là việc nghĩa để tích đức. Chúng tôi xin phép gia đình!”. Họ cũng không muốn sư cô khó xử nên ngỏ ý muốn đưa hai người về chùa kẻo trời tối. Chiếc xe chỉ chở được một người nên Diệu Liên muốn nhờ họ đưa sư thầy về trước, còn cô vừa đi bộ vừa ngắm cảnh. Cuối cùng mọi việc được thu xếp. Diệu Liên chuẩn bị sang sông thì nghe giọng nói vừa như trêu đùa vừa như đề nghị nghiêm túc cất lên làm cô hơi hốt hoảng. “Tôi có thể đưa ni cô về chùa được không?”. Cô quay lại, nhìn cậu thanh niên. “Bẩm thí chủ, tôi đã…”. Thì ra là cậu thanh niên thư sinh trong kép hát hôm trước đến chùa. Ánh trăng trong vắt đêm rằm nguyên tiêu vương vãi chiếu rọi cả khoảng sông hắt lên trên hai cái bóng đoạn vắng người qua lại. Giây phút đó, họ đã bắt gặp ánh nhìn của nhau. Diệu Liên lúng túng, vội vàng bỏ đi. Người thanh niên bước theo sau không nói gì cho đến khi cô sắp bước vào cổng. Cậu thanh niên mới cất tiếng, hình như tiếp lời bài hát đêm qua cô nghe còn dang dở: “Đêm qua mưa trút ngõ gầy. Bồ đề mảnh nắng rụng đầy trong mơ. Phòng trai cửa sổ khép hờ. Có chàng kép hát mong chờ người ra..”. Tiếng hát cứ vướng vít như ngàn mũi kim chĩa vào tim cô. Cô chạy một mạch lên bậc tam cấp rồi hớt hải vào trong. Lần đầu tiên tim cô loạn nhịp, liên hồi. Cô bước vào phòng cất đồ đạc thì gặp sư cô đang nhìn mình. Qua ánh đèn hắt lên, sư cô nhận thấy vẻ khang khác của mình so với ngày thường. Sư cô là người nhạy cảm, tinh tế. Mỗi đổi thay của cô đều không qua được mắt người. 

- Có ấm nước ta đun sẵn dưới bếp, con lấy pha, rửa chân rồi đi ngủ - Sư cô nhìn Diệu Liên hơi chiều không ưng ý nhưng vẫn nhỏ nhẹ dặn dò.

- Dạ con cảm ơn người- Cô lấy lại bình thản để trả lời.

Cô vốc một làn nước ấm cho phả vào khuôn mặt. Trong ánh trăng vằng vặc, làn da trắng mịn. Khuôn ngực căng tròn, ngời ngợi như ánh trăng. Nước trong chum sành sóng sánh làm cho bóng cô dềnh doàng đổi thay những hình thù méo mó…

Ánh mắt người con trai trong kép hát vừa sắc ngọt, đầy huyễn hoặc vừa như muốn kéo cô lại gần hơn vừa như chiếc bẫy lạnh lùng đẩy cô đi xa hơn. Hội đã tan rồi, kép hát chắc đã ghép dọn nhưng cô vẫn nghe khe khẽ những âm thanh: Ngôi sao nhấp nháy ở xa. Đường đê vấp phải tiếng gà tàn đêm. Sáng ấy, cô vẫn dậy sớm cầm chổi quét chổ lá đa rơi rụng góc sân chùa nhưng lòng dạ vướng vít, bần thần.

-Con có tâm sự gì sao? Giọng sư cô phía sau dồn vào làm cô cảm giác như vừa ăn vụng lại có người bắt gặp.

- Dạ đâu có, chỉ là đêm qua về khuya nên còn hơi mệt

- Chốn phật pháp tôn nghiêm chỉ giành cho những người một lòng quy y, niệm thành chính quả. Còn vướng vất một sợi dây đời thì con không thể giải thoát được chính mình.

Diệu Liên bật khóc, quỳ gối trước mặt sư cô:

 - Đây là nơi con đã chọn, con nguyện gắn bó!.  

Sư cô lắc đầu lặng lẽ vào trong để cô giữa bốn bề chấp ngã.

 

Chú Tiểu Phương từ ao sen bước lên đưa cho cô một bông sen trắng còn sót lại, sư thầy bảo hái để cắm lên cho kịp lễ cúng dường. Rồi Tiểu Phương vô tư kể rằng, đêm qua, kép hát đã đi rồi. Qua giêng là hết hội làng, không biết năm sau kép hát có về nữa không nhưng nghe nói người con trai trong kép đã tìm được người kết tóc xe duyên… Chưa nghe hết câu chuyện thì sư cô gọi cô vào sắp lễ để chuẩn bị cho cúng dường và nghe pháp. Dòng niệm, tiếng mỏ liên hồi đưa cô vào miền thanh tao...   

 

                                                                                                  Phan Hương

                                                                                                 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

. . . . .
Loading the player...