25-12-2023 - 17:43

Truyện ngắn Giấc mơ hoa Bướm Bạc của tác giả Nguyễn Văn Hiệp

Văn Nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu truyện ngắn Giấc mơ hoa Bướm Bạc của tác giả Nguyễn Văn Hiệp, Hương Khê, Hà Tĩnh.        

 Cuối đông, trời se se lạnh, tôi đến thăm nhà cậu cả. Ngõ nhỏ, hàng cây mẫu đơn nở đầy hoa rực rỡ. Cây quýt hồng sai trĩu quả, mấy cái nạng tre chụm đầu vào nhau chống đỡ, nhiều quả đít lõm vào trong, nhìn thật ưng mắt. Sau vườn những buồng cây cọ cao chót vót cũng oằn mình quả mọng. Đàn chim ríu rít tìm nhau. Cậu cháu sôi nổi đàm luận về nhân gian, thế sự rồi đến chuyện gia đình. Ông nhìn về xa xăm, đôi mắt đượm buồn hồi tưởng. Ngày cải táng mộ của mẹ cả thì cậu mới biết được chuyện đau lòng năm xưa. Trong mộ của bà có một số đồ vật như: Lưỡi liềm, lưỡi hái, mảnh vỡ sành sứ…Mẹ cậu mất khi em gái thứ hai vừa mới chào đời, do bị hậu sản. Tục xưa cho rằng như thế là bị con "ma" nó bắt, vì vậy phải làm bùa gì đó thì gia đình mới yên ổn.

Ngày đó, vào giờ phút nguy cấp, người lớn để dao, roi dâu ở đầu giường, ngồi canh. Đàn ông con trai không được phép vào và cũng không có thuốc men hay biện pháp gì để cứu chữa người bệnh. Ông ngoại nóng ruột quá cứ chạy đi, chạy lại, ước mình là thần y để có thể cứu được người vợ yêu quý của mình, nhưng rồi không thể... Bà cả mất khi mới tuổi 22. Lòng đau quặn thắt, ông ngoại thấy mình bất lực và trống rỗng.

 Con gái mới lọt lòng khát sữa khóc khản cổ, những âm thanh ngằn ngặt thật tội nghiệp. Người cha ôm con còn đỏ hỏn đến từng nhà các bà mẹ trẻ trong làng để xin bú, bữa nhà này, lúc nhà khác. Cả làng đói xơ xác, sữa đâu có dư, muốn mua sữa bò cũng không có. Bà cụ nội chắt từng thìa nước cơm, nước cháo cho cháu ăn qua ngày.  

 Đêm trước ngày giỗ đầu của vợ, ông ngoại trằn trọc không sao ngủ được. Vừa chợp mắt đã nghe tiếng ai gọi: Trung ơi!...Dậy đi!...Ông mở mắt và không thấy gì cả. Thiếp đi, lại nghe ai đó gọi, cả tiếng rên rỉ! Từ từ mở mắt ra thì thấy lờ mờ bóng một người phụ nữ trong bộ đồ trắng, tóc xoã ngang mặt, khóc nỉ non, cả tiếng như trẻ con lao xao:"Đau lắm... Cứu tôi... Cứu!" . Thế là như ai đó kéo tay, ông chạy theo rồi lạc vào một khu rừng thẳm nở đầy hoa cánh bướm lấp lánh bạc vàng như ánh sao... Hôm sau ông gửi con nhờ bà cụ nội chăm nuôi rồi cứ thế rời quê đi biền biệt... 

Giấc mơ hoa bướm bạc ( Tranh: Đặng Tiến )

Bảy năm phiêu bạt, ngoại trở về. Làng quê nghèo không thay đổi là bao. Dòng sông quê hiền hoà vẫn chảy. Những chiếc guồng nước tự động vẫn ò e miệt mài chở nước vào các thửa ruộng bậc thang. Ngôi nhà nhỏ xiêu vẹo, trống hoác; mấy tấm phên nứa mưa bão xập xệ, mốc meo. Cậu cả háo hức chờ đón người cha lâu ngày trở về. Mở túi vải màu nâu, gia tài của cha ra xem, thật bất ngờ chỉ thấy bao nhiêu là sách vở toàn chữ Nho, chữ Tàu nhằng nhịt.

Về quê, ông sắp xếp nhà cửa, ruộng vườn, thỉnh thoảng đi buôn chuyến, bỏ mối hàng thuốc Bắc ở chợ quê. Gặp nhau rồi kết hôn với người goá phụ tên là Nguyễn Thị Xinh người cùng xã. Cha mất sớm, mẹ đi lấy chồng, người con riêng tên là Nguyễn Tâm phải đi ở làm con nuôi chăn trâu cho người chú họ tên là Nguyễn Thâm. Ông ấy tình tình nóng nảy, mắng nhiếc, roi vọt thường xuyên. Mỗi khi mắc lỗi nặng là ông túm cổ nhét vào ngưỡng cửa đánh đòn và Tâm không thể chạy. Thương con mẹ khóc hoài. Mỗi lần đi chợ lại tìm cách gửi cho con chút quà, khi thì củ sắn, củ khoai, lúc thì tấm bánh nhỏ.... Từ nhà của chú đến làng Hà Tân khá xa, chừng hơn năm ki lô mét. Tâm nhớ mẹ quá, thỉnh thoảng lại tìm về gặp được một chút, lại đi.

Ông ngoại băn khoăn, mới nói với bà:

- Cái tục lệ quỷ quái gì, con thì theo mẹ, theo cha có phải tốt hơn không. Gia đình là thứ quý nhất để tìm về.

- Nhưng mà họ Nguyễn không đồng ý, ông Thâm thì hậm hực kể công,doạ nạt không cho Tâm về ở với mẹ và cha dượng - Bà thở dài buồn bã.

- Ô hay! mình đẻ con ra, quyền mình, sao lại là của họ.

- Cho hay không là quyền mẹ nó, cha nó nghe chưa! Bất đắc dĩ mới cho con đi ở. Hay ho gì đi ở!

- Tui hỏi mự, mự có phải chị Dậu đâu mà bán con! - Ông nói với bà vẻ bực tức:

Bà ngơ ngác, nhìn ông vẻ hoài nghi:

- Ô hay! Chị Dậu mô tui biết được thì nói chi nữa. Ông lúc đó cũng buồn cười, nhưng phải nín lại bảo: Ngày xưa tui đọc được trong sách...

Bà xịu mặt: Tui không biết chữ còn đọc, đọc...

Đoạn ông bình tĩnh nói:

- Mự cứ đưa thằng Tâm về đây ở cho có anh có em, không trăng với sao chi hết.  

Thế là từ đó cậu Tâm thoát được cảnh đi ở đợ về với mẹ trong tình thương yêu của cả gia đình cho đến khi xây dựng gia đình riêng.

Năm 1972, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước rất ác liệt, cậu út xung phong vào bộ đội khi đang học dở cấp ba. Dì Xíu cũng gia Thanh niên xung phong. Và cũng năm đó cậu hai đi Dân công Hoả tuyến tận Bình Trị Thiên, rồi mãi mãi nằm lại chiến trường. Ngày cậu hai hi sinh cũng là ngày vợ sinh người con thứ hai. Người cha đã kịp đặt cho con cái tên là Thanh Bình với bao điều mơ ước trong lá thư cuối cùng gia đình nhận được.

Nhấp ngụm nước chè, tay xoay cái chén nhỏ, cậu cả tiếp tục với ký ức xưa. Còn nhớ trước năm 1954, một hôm mấy mẹ con sửa soạn quang gánh đi gặt lúa từ sáng sớm. Vừa đi một lúc đã thấy bà hớt hải chạy về, bộ bực tức lắm. Nách phải kẹp cái hái, tay phải cầm nón lá, quần ống thấp, ống cao, đi mà như chạy. Về trước ngõ bà đã khóc lu loa lên, bảo:

- Cha bây mô rồi? Ba sào rọng lúa giờ tui ra gặt răng lại là của người khác! Là răng đây?

Ông ngoại làm ra vẻ không hiểu chuyện gì, thủng thẳng trong nhà bước ra nói: 

- Chuyện chi mà to tiếng rứa mự hè! Tui sang tên cho họ rồi, lấy tiền trả nợ mua sách vở trước khi mự chưa về nhà ni và còn nợ mua sắm đồ đạc trong nhà năm trước nữa. Nhà ta rọng nhiều, thu hoạch sản lượng thấp, sức mô mà mự ôm!

Bà lại hỏi dồn:

- Rứa cả trâu và nghé bán chưa đủ à! Cha mần ăn ri chết mẹ con tui khổ cực, tích cóp cả mấy năm trời, ai chịu nổi!.

Cậu cả ghé tai mách nhỏ với mự:

- Bữa trước con thấy ông Chắt Thiu cũng đang cày trên đám ba sào ruộng Hàng Tre của nhà ta mà mự! Bà ngoại mặt đỏ bừng. Bà hỏi dằn từng tiếng:

- Rứa là răng đây anh, là răng? Anh xem thường công sức mẹ con tui lao tâm, khổ tứ là răng? Trời ạ! Cả mấy tháng trời gánh gồng buôn bán, tích cóp. Rồi nai lưng ra phân bón cấy cày... Bà kể mà nước mắt cứ trào ra. Ông trong nhà cũng cảm thấy mình có lỗi, nhỏ nhẹ phân bua:

- Từng đó chưa đủ mự ơi, còn thiếu nhiều, ai cho không ai đâu mà buồn. Anh Chắt Thiu, nhà đông con, hay giúp đỡ nhà mình, tui cho anh ấy mượn trồng ít khoai cho con ăn, tội lắm. Bà Thiu - người phốp pháp, chanh chua, ai đụng đến con cái, kể cả trâu bò của nhà là bà ấy chửi như "hát giặm". Kiểu  người ấy bà ngoại không ưa gì. Tính khí vậy, nhưng bà Thiu được cái thảo ăn, ngày bé dì hai hay được bú nhờ. Bà ngoại có vơi sự bực bội một chút, nhưng vẫn xuýt xoa:

- Anh nói quên là quên răng được!

- Ai thức khuya dậy sớm, ai đi củi hầm cau, ai ngược xuôi để có tiền tậu ruộng đây? Khổ thân tui...

Ông phân tích: Mự nghe này:

- Xã hội kiểu gì cũng phát triển đi lên, đó là quy luật, rồi mọi người sẽ bình đẳng, khá giả lên, không có chuyện để cho mẹ con bây làm giàu mà mọi người cùng khổ. Cụ Hồ Chủ tịch và Chính phủ đang kêu gọi “người cày có ruộng”, ai cũng có cơm no, áo ấm, được học hành, đó mới là đích đến, bà đợi rồi mà sáng mắt ra.

- Các ông cán bộ trên xã nói tui nghe thấu cả rồi. Bà biết đấy, không làm như rứa còn lâu mới giành được độc lập, rồi đánh đuổi được giặc ngoại xâm.

Lý luận của ông tựa như triết gia, bà nghe có vẻ xuôi tai hơn, tay áo quệt nước mắt, thở dài tiếc nuối. Thương con chó già tên Lu, không hiểu chuyện gì cứ quấn lấy chân bà chủ hóng hớt, bị chủ cho một roi, chạy quăn cả đít...

                                                  .                     ***

Không lâu sau, tiếng trống, tiếng mõ vang lên khắp xã cùng quê, cuộc cải cách ruộng đất rầm rộ diễn ra, hàng trăm mẫu ruộng đất của địa chủ bị chính quyền cách mạng tịch thu chia lại cho dân nghèo. Tiếp đó là phong trào hợp tác hoá cấp thấp, rồi cấp cao. Khí thế thi đua lao động, sản xuất của Nông dân tiến lên từng ngày.

Ông bà tham gia hợp tác xã nông nghiệp, làm thêm nghề nuôi tằm, dệt lụa. Ông say mê đọc sách, nghiên cứu y thuật của Hải Thượng Lãn Ông. Ông sưu tầm, trồng nhiều cây thuốc quý, cây hoa cảnh trong vườn như: Kim ngân hoa, Sa Nhân, Trắc Bá, nhớ nhất là cây Lan Tiêu nở đây hoa thơm nức. Những cánh hoa tím hồng dịu ngọt ướp trong sách vở, trong túi của các dì, các chị là những ký ức đẹp mà tuổi thơ mọi người còn nhớ mãi.

        Ông được xã cử đi học lớp bồi dưỡng Đông y ở tỉnh về và trở thành lương y, lấy tên hiệu là Y Trung. Ông thương người bệnh và họ gọi ông là thầy. Tôi nhớ có người ở làng Đông Phố làm nghề bán củi đến bốc thuốc, biết hoàn cảnh khó khăn nên ngoại không lấy tiền và còn lấy chiếc áo của mình, bảo anh mặc vào đi đường cho đỡ lạnh. Người bệnh ấy rất cảm động, cài khuy áo mà tay cứ run run. Đặc biệt, có cụ Nguyễn Văn người cùng làng bị ốm rất nặng. Gia đình chuẩn bị hậu sự, hai đầu ngón chân đã được buộc lại. Rất may Y trung cứu chữa kịp thời. Sau này hai cụ kết tình thông gia, tình bạn rất thắm thiết.

Vào khoảng những năm 1980. Khi tuổi đã cao, ngoại tôi tập trung biên dịch các bài thuốc quý, lời hay, ý đẹp từ sách chữ Hán, chữ Nôm ra chữ quốc ngữ. Mỗi buổi sáng, cứ tầm 9 đến 10 giờ ông dừng các công việc khác và viết. Tôi thấy có một chiếc kính lúp, ông bảo dịch sách thuốc để mai sau con cháu cần mà tra cứu. Tôi không hiểu được nhiều, cứ chăm chú xem ông làm việc, từng nét chữ nghiêng nghiêng, đều tắp rất đẹp. Sau này tôi mới hiểu ngoại cũng học theo gương Cụ Hồ Chủ tịch.

Tôi chăm chú nhìn ông bắt mạch, đoán bệnh, bốc thuốc. Tiếng dao cắt thuốc lật sật, tiếng lắc mai rùa lạo xạo, những gói thuốc vuông vắn, toả hương thơm. Ông có kinh nghiệm và chữa lành bệnh cho rất nhiều người. Như bệnh cảm hàn, thần kinh toạ, liệt thần kinh vùng mặt, một số bệnh về sản nhi... Ông mong muốn sẽ truyền lại những kinh nghiệm quý cho con cháu đời sau. Ông đặt tên cho các cháu của mình là Kim Ngân, Tuệ, Tĩnh... Mong các cháu theo tư tưởng của Đại danh y Lê Hữu Trác.

Cậu cả làm cán bộ nhà nước nghỉ hưu. Người con gái khát sữa năm xưa là nữ hộ sinh rất mát tay. Cậu út là thương binh, nối nghiệp cha trở thành luơng y uy tín trong vùng.  

Một ngày cuối tháng Mười năm Ất Sửu, ông ngoại rời xa cõi trần về với tổ tiên. Ngôi nhà nhỏ vẫn thơm mùi thuốc Bắc. Trên giá sách đơn sơ, tập vở ông thường viết, chiếc bút bi màu trắng hình lông gà còn kẹp ở đó, những dòng chữ cuối cùng của ngoại run run...  

                                                                    ***

Tôi nhớ mãi lời của ngoại. Rằng trồng cây lâu năm phải xa lề đường vài mét. Ngõ nhỏ vào nhà tôi mấy lần mở rộng thành đường thôn. Cây Mít mật cổ thụ, cây Trứng gà hơn bốn chục năm tuổi vẫn trĩu quả vươn cao. Trẻ em chơi đùa, nói cười thánh thót. Mùa quả chín, như một thói quen, chúng tôi lại chọn những quả ngon, hạt mẩy để ươm trồng.

Mỗi khi có hội làng, nhắc đến Y Trung thì nhiều người trong làng, ngoài xã vẫn còn nhớ đến y đức của cụ. Đàn con cháu, đứa trong Nam, người ngoài Bắc có đến chục người công tác trong ngành Y. Khu vườn của ngoại xưa, những cây thuốc quý vẫn nở hoa, tỏa hương dịu ngọt.

Cậu út mừng vui run run lật qua từng trang sách cũ, rồi đưa cho tôi một mảnh giấy sẫm màu thời gian. Ôi! bài thơ của ngoại, từng nét chữ nghiêng nghiêng. Tôi bỗng nghe như lời của ngoại còn vang vang: "Rằng là tri kỷ gặp nhau/Thấy người đau đớn nặng tình thương/Cay đắng không chê tránh mật đường/Nhác tựa Lãn Ông khinh phú quý/Say như Lý Bạch trọng văn chương/Cầm tay đoán được lòng hư thực/Nhìn mặt biết ngay dạ đoạn trường/Nhà lá đơn sơ đông quý khách/Hơn ai kín cổng với cao tường"                                                                                                       

 

                                                                                                N.V.H  

. . . . .
Loading the player...