19-02-2021 - 10:51

Truyện ký HOÀNH SƠN MỘT DẢI của Nguyễn Trung Tuyến

Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu truyện ký HOÀNH SƠN MỘT DẢI của tác giả Nguyễn Trung Tuyến

NGUYỄN TRUNG TUYẾN

hoành sơn một dải

      Truyện ký

Nguyên này! Nghe nói Đèo Ngang có Mũi Độc, có cửa sông Xích Mộ phong cảnh đẹp. Ra giêng, ngày rộng tháng dài mình cùng làm một chuyến xem ra thế nào đi?

Thấy Lê họa sĩ rủ rê thế, tôi gật gù đồng ý liền.

- Ừ! Đi thì đi! Sợ gì? Vào đấy, tôi có tay Ánh làm hướng đạo.       

  Đầu xuân, rời thành phố, ba anh em náo nức lên đường xuôi về phương nam.

*   

Đèo Ngang nằm trên dãy núi Hoành Sơn - dải núi chạy từ dãy Trường Sơn phía tây đâm ngang ra tới biển Đông là ranh giới giữa tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Quảng Bình. Do tính chất địa lý và địa hình đặc biệt như vậy nên từ xưa Hoành Sơn và đèo Ngang luôn là chốt giữ hiểm yếu trên con đường thiên lý vào Nam ra Bắc.

Qua những thăng trầm của lịch sử, đèo Ngang bây giờ đã khác nhiều. Con đường thiên lý xưa giờ là đường quốc lộ xe chạy suốt ngày đêm. Các phương tiện không còn phải vất vả leo đèo nhờ hầm đường bộ Đèo Ngang xuyên lòng núi. Thuận lợi là thế nhưng khi nhắc đến Hoành Sơn quan, khi đứng trên đỉnh đèo ta vẫn gặp một Đèo ngang sừng sững, uy nghiêm giữa đất trời với những dấu ấn lịch sử không dễ phai mờ.

Từ trên lưng chừng núi, phóng tầm mắt ra xa mới thấy được cảnh quan nơi đây đẹp đến nhường nào. Sau rừng phi lao kia là triền cát mới hình thành sau cơn bão số 10 năm ngoái. Hãy đi hết triền cát  mà sóng  biển mới dồn ép lên khiến cửa sông bị co thắt lại kia và lội qua vạt nước cạn lăn tăn con nước rặc là ta đặt chân lên rạn đá Mũi Độc, kia là sông Xích Mộ.

- Không biết rừng phi lao đã có từ đời nào.

Ánh bảo:

- Cũng đã ngót vài trăm tuổi.

Tôi nhìn những thân cây cổ thụ to lớn, xù xì, cau có, già nua nhưng rắn rỏi lực lưỡng. Những thớ vỏ bụi bặm suốt hàng trăm năm phong trần bện vào nhau, chúng vặn xoắn, cuồn cuộn trông như từng thớ cơ bắp người lực sĩ khổng lồ. Thân thể oằn oại của từng cây in hằn dấu tích mà bao năm chúng  kiên cường bền gan kiêu hãnh hứng chịu. Đang giữa tiết thanh minh, tôi vẫn có thể hình dung được những trận triều cường hay sóng thần hay bão tố đòi phen trút giận dữ lên bãi biển này. Có những thân cây to lớn vạm vỡ bị gió bão phạt bay ngọn, sót lại vài cành đen đúa trông như tráng sĩ cụt đầu nhưng đôi tay vẫn chìa ra phía bể. Có gốc cây bị sóng quật trơ cả bộ rễ lởm chởm, đen đúa đỡ lấy thân hình gần như đã ngã xoài bên vực xoáy. Có cây bị bão lốc bổ từ trên ngọn xuống, xé tước toàn thân chẻ ba, chẻ tư ra, theo năm tháng, chúng cố hàn gắn nhưng vẫn còn đấy  những vết nứt toang hoác lở loét,  những hang hốc đen đúa tật nguyền.

Cả ba chúng tôi ngồi dựa gốc phi lao, mỗi người lặng lẽ đeo đuổi ý nghĩ của riêng mình. Không biết tay Lê họa sĩ nghĩ gì mà đôi mắt hắn như dán vào gốc cây phi lao già nua khổ hạnh bị sóng biển quật đến tả tơi trước mặt kia. Ánh hướng đạo thì cậu đang nghĩ gì thế? Tôi chịu. Đến thánh cũng không đọc được ý nghĩ của hai gã có máu giang hồ này. Tôi thì cứ loay hoay mãi với một nỗi phân vân: - Cuồng phong, biển chát mặn, nắng hè rát bỏng là thế, trên triền cát trắng này không biết rừng phi lao lấy đâu ra mỡ màu, lấy đâu ra nước ngọt để suốt mấy trăm năm chúng vẫn tự  xanh tươi đến thế?

Trước mặt là biển giả, sau lưng là xóm mạc, rừng phi lao xanh xám như vách ngăn ngăn cách và kết nối giữa hữu hạn với vô cùng. Qua rừng phi lao trăm tuổi, chúng tôi nhập cùng đoàn người dân đi cạo rong biển. Những người đàn bà khăn che kín mặt, tóc bó gọn và đội hùm hụp lên đầu cái mũ bảo hiểm xe máy to cùng cục như mũ phi công vũ trụ. Tay đeo găng, chân đi dày vải, mặc ngoài cùng bộ áo mưa dày. Họ dùng dây cao su thắt chặt cổ tay, cổ chân, thắt ngang thắt lưng quần. Bên hông dắt tòn ten một cái xéo lưới. Lọt thỏm trong xéo lưới là cái cạu tre cùng vài thứ lặt vặt mà tôi không biết ấy là những thứ gì. Họ chúi đầu lặng lẽ gập mình vượt triền cát. Tôi muốn bắt chuyện với họ nhưng thấy những người đàn bà cắm cúi đi vội vã, với lại họ mang mặc như vậy khiến tôi không thể đoán ra tuổi nên ái ngại đành thôi. Chẳng mấy chốc đoàn người đã vượt mặt chúng tôi. Buồn cười - ba thằng đàn ông hăng hái bặm trợn, to khỏe ấy thế mà không theo kịp bước đi lạch bạch của mấy người đàn bà trông như những con vịt xiêm kia. Họ nhanh chóng vượt cửa bể rồi biến vào rạn đá. Ánh bảo mùa này ở đây, trên vách đá, bên vách vực biển bám rất nhiều loài rong rêu trong đó có loài rêu rau mứt, rêu rau trang. Loài rong này làm món gì ăn cũng tuyệt cú mèo.

Tôi định thần, căng mắt nhìn thật kỹ thì thấy- sóng vỗ trùm lên người họ  nhưng khi sóng vỡ ra thì vẫn thấy những con người ấy trồi lên dập dồi bám chặt trên vách đá. Như những nghệ sĩ xiếc diễn trò mạo hiểm, họ đánh đu thoắt ẩn thoắt hiện bên miệng vực, chỉ cần sơ sẩy một chút thôi là sóng biển sẽ nuốt trôi họ.  Quái quỷ. Họ làm trò gì nơi nguy hiểm chết người ấy nhỉ?

Trong khi tôi và Lê thon thót như trẻ con xem phim 4D cảm giác mạnh thì Ánh vẫn tửng tưng như chẳng có chuyện gì xảy ra.

- Gứm! Chỉ thế thôi mà nhị vị đây đã cuống lên như thế. Rau mứt đơn giản mộc mạc chúng ta ăn được hái như thế đấy! Rau mứt mọc mấp mé mặt sóng. Sóng đập mạnh vào đá làm tung bụi nước, những nơi trơn, ướt, nhiều bụi sóng thì rau mứt mọc nhiều. Rau mứt ăn bụi sóng nên người hái rau mứt phải kiếm cái ăn trên đọt sóng chết người ấy. Tranh thủ “rứt mau” nên gọi là “rau mứt” đấy nhị vị thân mến ạ! Lại nữa, đi hái rau mứt người ta mang theo tro bếp vì rau trơn lại bám rất chắc vào đá nên phải tẩm tro bếp lên để có độ nhám thì mới rứt rau ra được. Chưa xong, hái được rau rồi vẫn chưa ăn được, mảnh hàu, vụn đá lẫn trong rau nên hái được rồi lại dùng cạu thưa đãi, nhặt thật sạch kỳ hết từng mụn đá nhỏ. Hái rau mứt là công việc của đàn bà con gái, họ tỉ mỉ, cẩn trọng, còn đám đàn ông mình không đủ kiên nhẫn để làm ra rau mứt mà ăn đâu! Nhị vị thấy đấy, đám chị em đi hái rau mứt phải ăn mang như như mặc giáp ra trận là thế, nhưng lên khỏi vách đá người nào cũng rét run, vì sóng đập cho ướt sũng như chuột lụt cả. Sóng đập đến đá cũng phải vỡ ra nói gì đến da thịt chị em liễu yếu đào tơ chứ? Ở đây không ai gọi hái rau mứt là nghề cả, từ em bé tóc mới chớm đuôi chồn đến mẹ già lọm khọm đều làm được. Thế thôi. Nói chung, cuộc dành giật cái ăn của con người ở đây với sóng dữ đá dằn là cuộc chiến sinh tử truyền đời không có hồi kết.

Chúng tôi dẫm lên cát mà đi theo tiếng gọi của đất trời mùa xuân đang rực rỡ. Dưới từng bước chân, cát sạch, trắng như tinh phát ra âm thanh “bước…, bước…” dục giã. Tôi ngỡ như cát hát cho tôi nghe hay đúng ra triền cát là cây đàn và bàn chân tôi ngẫu hứng gãy lên đó điệp khúc có âm hưởng khô mà mịn làm át âm hòa vào tiếng sóng reo thành bản giao hưởng thật thú vị. Bất chợt mấy câu thơ Cao Bá Quát thuở nào đồng vọng khiến tôi cao hứng cong cổ ngân nga:

“Trường sa phục trường sa

Nhất bộ nhất hồi khước

Nhật nhập hành vị dĩ

Khách tử lệ giao lạc…”

(Bãi cát lại bãi cát dài

Đi một bước như lùi một bước

Mặt trời đã lặn, chưa dừng được

Lữ khách trên đường nước mắt rơi…)

                           (Sa hành đoản ca - Cao Bá Quát)

Hai gã kia tán thưởng, bước bộ hành thêm phấn chấn thênh thênh.

Chúng tôi đã lội qua cửa sông Xích Mộ.

Rồi sẽ còn lưu lại ấn tượng về cửa con sông mang cái tên ấn tượng và ám ảnh này mãi. Xa xa, nơi vách vực biển cheo leo dựng đứng, sóng vỗ tung trắng xóa, những dáng người nhỏ bé đến vô nghĩa, mong manh bám vào vách đá. Các lớp sóng ào ạt tới tấp quật vào, sóng hung thần cố tình rứt họ ra khỏi vách đá kéo họ xuống vực thẳm.

Thì ra cái gì ở đây Ánh  cũng biết, chẳng qua hắn không ba hoa chích chòe đấy thôi. Nghe Ánh giải thích lúc ấy chúng tôi mới yên tâm đôi chút với số phận những kiếp người nhỏ bé đang đánh đu đầu ngọn sóng ấy. Chúng tôi lần theo con đường độc đạo tiến vào sâu hơn nữa, tìm đến hang Beo Đẻ, hầm Trung đoàn, lô cốt nghiêng…

Trên đỉnh Mũi Độc, rađa như đôi cánh dơi khổng lồ, lặng lẽ triền miên quét 360 độ thu tất cả mọi dấu hiệu động tĩnh bất thường vào màn huỳnh quang cả một vùng rộng lớn. Từ đỉnh trời mùa xuân này, tâm hồn người cũng như nhẹ bẫng, mọi hư hao trong cuộc đời dường như biến mất, nhường chỗ cho những phút giây mình nhận ra kiếp nhân sinh bé nhỏ trong vũ trụ rộng lớn này rồi cùng  cả quyết rằng: “Để được ngắm phong cảnh non nước ở đây, quả là không uổng phí một chuyến du xuân”.                                                                               Trại viết Hoành Sơn 2020

          N.T.T

Hoành sơn quan (ảnh nguồn internet)

. . . . .
Loading the player...