24-09-2023 - 08:51

THU SANG ĐỌC LẠI SANG THU

Mùa thu là mùa của lá vàng rơi xào xạc, mùa của những xúc cảm với những nỗi niềm, những tâm trạng .... thật khó tả. Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu bài viết “ Thu sang lại đọc sang Thu” của tác giả Trịnh Thị Nga, Giáo viên THCS Nguyễn Tuấn Thiện, Hương Sơn, Hà Tĩnh.

THU SANG ĐỌC LẠI SANG THU

                                                      Trịnh Thị Nga

 

 

 

     Mùa thu, dịu dàng trầm lắng mà cũng thật kiêu hãnh. Sánh bước bên mùa xuân, thu trở thành mùa cổ điển trong thi ca. Mùa thu có một vị thế thật đặc biệt trong lòng người, có ai yêu thơ ca mà không biết dăm bài thơ mùa thu nức tiếng. Trong bức tường thành vững chắc của những Long lánh đáy nước in trời, Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt, hay Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang, gần hơn nữa là Gió thổi mùa thu hương cốm mới, ta vẫn nhận ra một Sang thu nhẹ nhàng, e ấp mà không kém phần mới mẻ, độc đáo của một hồn thơ đắm say, nhạy cảm và tinh tế. Mùa thu của đất trời đang trở mình thật khẽ, ta cũng khẽ khàng lật giở Sang thu để bước vào vườn thơ của thi sĩ Hữu Thỉnh.

 

Mùa thu có đặc trưng của khí trời thật nhẹ, mát mẻ, có thể đánh động  và gợi ra ở con người những rung cảm nhẹ nhàng vấn vướng hoặc đắm say mãnh liệt bằng sự dịu êm đa tình của nó. Vì thế, mà hơn mọi đề tài khác, tự bao giờ thu đã bước vào lãnh địa của thơ, rồi trở thành một vị khách quen thuộc. Nói thế để thấy khi viết về mùa thu, Hữu Thỉnh chắc chắn đã thấy ngay bức tường thành trước mặt mình rồi. Làm sao để len qua nó, tìm cho mình một con đường nhỏ, để đi, và đến với người đọc? Trải qua một lớp bụi thời gian khá dài, từ những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, Sang thu đã chứng tỏ nét duyên thầm của mình khiến thi phẩm lọt được vào bao con mắt kén chọn của người yêu thơ, và cả sự khắc nghiệt của thời gian với Văn học nghệ thuật. Lý giải cho điều này, theo cá nhân người viết cảm nhận được những vẻ đẹp đặc biệt sau của bài thơ:

           

     Trước hết, cái mê đắm hồn người của Sang thu theo tôi đó là sự mới mẻ trong hình ảnh thơ và sự tự nhiên trong cảm xúc thơ. Sang thu, như lời tâm sự của tác giả, là những vần thơ chẳng cần đến giấy bút, nó chợt hiển hiện trong dòng cảm xúc của thi nhân từ vườn ổi. Hương ổi là hình ảnh thơ mới mẻ, vụt ra từ cảm xúc bất chợt của thi nhân giữa hương đồng gió nội. Bỗng nhận ra...bất ngờ quá, ngỡ ngàng quá! Nên chẳng nhớ đâu là rặng liễu, là con nai vàng, lá thu rơi, lá ngô đồng rụng,.. Hương ổi cứ thế bay ra, bung tỏa, ngạt ngào, quấn quyện vào trong gió, phả vào hồn thơ thi sĩ. Hình ảnh thơ mới mẻ này đã đưa hương đồng gió nội của làng quê đồng bằng Bắc bộ vào thơ một cách thật dung dị, tự nhiên. Đâu chỉ mới mẻ trong hình ảnh, hãy xem cái cách mà thi nhân lan tỏa cảm xúc bằng con chữ, cũng rất đỗi tự nhiên. Sau những cảm nhận về tín hiệu thu sang mơ hồ phảng phất, sau những phút giây chăm chú dõi theo bước chân của mùa, sau khi căng hết cả thị giác, thính giác, khứu giác và cả xúc giác để thả hồn theo bước chân mê hoặc của mùa thu, thi sĩ chợt thảng thốt: Hình như thu đã về. Một cảm xúc được “dẫn dắt” tự nhiên, bởi cái hình như ấy nó cũng có tiền đề từ trước. Nào là hương ổi nồng nàn quấn quyện trong gió, nào làn gió se khe khẽ gọi heo may, rồi kia nữa, nhưng giọt sương chùng chình dùng dằng lưu luyến, giăng mắc díu dan nơi cành cây ngọn lá... Một không gian mê đắm sắc thu! Mà bởi quá yêu chăng, nên thi sĩ còn chưa tin nổi, giống như ý một ai đó mà tôi lượm lặt được: thấy rồi, ở đó rồi, chạm đến rồi, mà vẫn thảng thốt chưa dám tin. Đó là bởi yêu quá, nên bất ngờ quá!

 

     Thứ hai, cái hay mà tôi tâm đắc nhất trong bài thơ nhỏ xinh vẻn vẹn 60 chữ này là ở những cử động/chuyển động trong bài thơ. Thực ra cả bài thơ là những chuyển động khẽ khàng tinh vi trong bước chân của mùa. Mọi cảnh vật khẽ khàng trở mình trong bước đi âm thầm của thời gian. Cảm thức về thời gian vốn là điều đặc biệt ở những tâm hồn nghệ sĩ nhạy cảm. Xuân Diệu từng phập phồng trong từng biến đổi mong manh, tinh vi của cảnh vật trước bước chân ngạo nghễ, điềm nhiên là thời gian. Ông hoàng Thơ mới thậm chí còn thấy được sự đổi thay trong từng hạt diệp lục, từng tế bào của lá khi mùa sang:

                        Hơn một loài hoa đã rụng cành

                        Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh.

                                                        ( Đây mùa thu tới)

     Sắc đỏ rũa màu xanh! Đỏ xâm lấn đến đâu, màu xanh bị băng hoại, hoang hoải đến đó. Cảm thức thời gian của Xuân Diệu tinh tế quá, mới quá, mới đến giờ hãy còn mới! Trở lại với Sang thu, cách dùng từ ngữ thể hiện chuyển động của thi sĩ quả là một minh chứng của hồn thơ tinh tế, và cũng cực nhạy với việc nắm bắt những biến chuyển mơ hồ của thời gian và tạo vật. Bài thơ có nhiều từ ngữ miêu tả chuyển động hay, đắt, đầy sức gợi. Nếu từ láy chùng chình miêu tả sự chuyển động của sương thì dềnh dàng miêu tả sự chuyển động của sông. Trong cái chùng chình, ta chợt liên tưởng tới một sáng mùa thu bảng lảng sương, sương rơi rớt trên cành cây, không gian dịu nhẹ, mềm mại hơi sương. Nhưng riêng từ chùng chình ấy, cũng gợi một cảm thức mùa. Giọt sương như còn bịn rịn, luyến lưu, chưa muốn chia tay mùa hạ, nó hãy còn ngập ngừng, bối rối trước lời mời gọi của mùa thu. Không riêng chùng chình gợi chuyển động, mà cả (sông) dềnh dàng, (chim) vội vã đều thể hiện sự chuyển mình. Sông nước mùa thu đã bao lần xuất hiện trong văn chương, này là Long lanh đáy nước in trời, này là Ao thu lạnh lẽo nước trong veo, đến sông thu của Hữu Thỉnh thì không tĩnh lặng nữa. Cái dềnh dàng phải chăng là diễn tả con nước lớn, tràn cả ra bờ? Không chỉ vậy, dềnh dàng còn thể hiện một dáng dấp chậm rãi “rề rà”. Không phải như con nước lũ ào ào đỏ đục phù sa, sông thu lúc này thong thả lững lờ trôi, điềm nhiên, thâm trầm chứ chẳng có gì là hối hả. Khác với sông, cánh chim trên trời lại vội vã. Chim di cư về phương Nam tránh rét rồi ư? Hay bởi hoàng hôn mùa thu buông xuống nhanh hơn mùa hạ, nên khi  lũ chim chợt hốt hoảng nhận ra thì gấp gáp về kịp tổ khi chiều buông? Nhưng ở đây từ ngữ thể hiện khả năng quan sát những chuyển động hết sức tinh tế của Hữu Thỉnh lại chính ở từ bắt đầu. “Bắt đầu” có nghĩa là mới thay đổi (khác so với trước đó) thôi. Hôm qua có thể cánh chim còn chậm rãi dang cánh, hôm nay chợt thấy vội vã hơn. Hữu Thỉnh đã nhận ra đổi thay trong sự vận động của cánh chim bằng một con mắt quan sát rất tinh tường và một tâm hồn nhạy cảm về bước đi của thời gian. Ở đây, ta nhớ đến, cũng cái tinh tế quá đỗi của Huy Cận ở câu thơ bất hủ Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa trong tuyệt tác Tràng giang. “Trọng lượng’’ của bóng chiều khiến chim nghiêng cánh, hay vì chim nghiêng cánh mà bóng chiều như sa xuống thấp hơn?

 

    Có nhiều người cho rằng, hình ảnh thơ thi vị và đẹp nhất trong bài Sang thu nằm ở câu:

                                  Có đám mây mùa hạ

                                  Vắt nửa mình sang thu

     Mây hãy còn là mây của mùa hạ, rong ruổi bồng bềnh phiêu lãng cùng gió, bỗng thảng thốt nhận ra mình đang trôi lạc đến vương quốc mùa thu! Hạ và thu là hai mùa, hai khái niệm thời gian, thì ở đây hóa thành hai không gian riêng biệt: bên này là vương quốc mùa hạ, và bên kia là thế giới mùa thu. Đám mây như vị sứ giả, đang hành trình mùa hạ đến với thế giới mùa thu, dù chuẩn bị rồi mà nó còn thảng thốt khi nhận ra tầng mây xanh ngắt nào đó của mùa thu. Thi sĩ, diễn tả cái phút ngỡ ngàng mà thi vị ấy cũng bằng một từ ngữ chỉ sự chuyển động: “vắt” – nửa ở bên này, nửa đã ở bên kia. Khoảnh khắc giao mùa được thi sĩ “chộp” gọn!

 

     Nhưng có một chuyển động ngầm nữa trong bài thơ, đó là sự chuyển động của cảm xúc, của tứ thơ. Cả bài thơ là mạch vận động của một tâm hồn thi sĩ đang nắm bắt từng bước đi uyển chuyển của đất trời trong khoảnh khắc giao mùa: từ khi nhận ra thu còn mơ hồ, đến lúc thấy thu rõ rệt hơn, từ khi thu ở khu vườn con ngõ, đến thu của bao la đất trời nơi dòng sông và bầu trời, từ thu trong cảm nhận, đến thu của suy nghĩ, chiêm nghiệm ở khổ cuối cùng. Bức tranh thu vận động nhẹ nhàng từ những gì vô hình (hương, gió) mờ ảo (sương chùng chình) ở không gian nhỏ hẹp (ngõ) chuyển sang những nét hữu hình, cụ thể (sông, chim, mây) với một không gian vừa rộng dài, vừa cao vợi. Cả bài thơ, toát lên sự chuyển động từ chính cái nhan đề đầy tính vận động: Sang thu. Hương ổi sang thu. Ngọn gió sang thu. Màn sương sang thu. Dòng sông, đàn chim, đám mây, bầu trời sang thu. Nắng sang thu. Mưa sang thu. Sấm chớp giông bão, cây cối sang thu. Và con người, cũng sang thu, hòa vào thiên nhiên, vạn vật ấy! Đặc biệt khổ cuối, từ thu đất trời tác giả đã chuyển sang chiêm nghiệm về mùa thu của đời người rồi! Cấu trúc bài thơ tự nhiên, chặt chẽ và tuyệt đẹp như trong thơ ca cổ điển, thật khiến ta không khỏi thích thú!

 

          Và cuối cùng, điều làm nên sự thâm trầm sâu sắc cho Sang thu nằm ở thông điệp mà nó gửi gắm. Đến khổ cuối, với nhiều hình ảnh thơ ẩn dụ, ta hiểu bài thơ không đơn thuần là bức tranh thiên nhiên đất trời lúc sang thu. Khi vào thu, đất trời dịu dàng lại, và khi đến mùa thu cuộc đời mình, con người cũng vỡ lẽ ra bao nhiêu:

                              Sấm cũng bớt bất ngờ

                             Trên hàng cây đứng tuổi

      Hàng cây vào thu thường trầm mặc, lá rụng về cội, hàng cây đứng tuổi ấy như con người từng trải qua bao phong ba bão táp cuộc đời. Và sau những nồng nàn rực cháy của mùa hạ - tuổi trẻ, con người ta điềm tĩnh hơn khi đã bước tới mùa thu của cuộc đời mình. Đám mây rong chơi của mùa hạ đã vắt nửa mình sang thu trong sự thảng thốt. “Tình huống” này thật giống ý trong câu thơ cổ:Trước mắt việc đi mãi/ Ngoảnh đầu Thu đến rồi. Đến đây ta chợt hiểu, sao có sự vội vã mà lại có cả sự chùng chình, dềnh dàng trong vận động của mùa sang. Thi sĩ đâu chỉ bất ngờ khi mùa sang lúc nào không hay, mà còn hình như cũng có chút lưu luyến nên mới chùng chình, dềnh dàng khi đặt những bước chân đầu tiên đến mùa thu cuộc đời mình.

     Nếu để ý đến phần  tác giả chú thích khi bài thơ kết thúc: Thu 1977, và lời tâm sự của thi sĩ - một người lính: “Sang thu của tôi là mùa thu của những người vượt qua bão tố chiến tranh”, ta hiểu bài thơ là niềm xúc cảm của người lính được tận hưởng những mùa thu hòa bình đầu tiên của đất nước, thì ta còn thấy thêm một thông điệp khác của bài thơ. Mọi biến đổi của thiên nhiên đất trời lúc giao mùa đều quen thuộc, gần gũi, nhưng tác giả nhận ra nó trong cả một niềm khám phá bất ngờ thú vị! Phải chăng, mùa thu hòa bình mới cho phép ta có những giây phút bâng khuâng đứng giữa đất trời mà lắng nghe thổn thức tiếng thu? Vẫn là hương ổi, là gió se, là giọt sương, dòng sông, hàng cây, những cảnh quê đơn sơ mộc mạc, nhưng có phải chiến tranh đã tước mất ở người lính sự thụ hưởng bình dị mà ngọt ngào trong hương đồng gió nội ấy, khiến chúng chỉ là kí ức của anh? Để rồi giữa mùa thu hòa bình hôm nay, anh thảng thốt nhận ra một mùa thu bình dị, đời thường mà bâng khuâng xuyến xao quá. Mùa thu hòa bình thật đẹp, thật quý!  Đấy cũng là cảm xúc ta từng bắt gặp trong bài thơ Đất nước - Nguyễn Đình Thi viết khi được hít khí trời của một mùa thu sau Độc lập 1945:

 

                               Mùa thu nay khác rồi

                               Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi

                                Gió thổi rừng tre phấp phới

                                Trời thu thay áo mới

                                Trong biếc nói cười thiết tha...

 

         Thế hệ của tôi không trải qua chiến tranh. Có lẽ, chỉ ai trải qua những cuộc chiến khốc liệt, từ cõi chết trở về, mới đủ cái ngân rung cảm xúc như thế khi đón nhận hòa bình, và run rẩy như thế vì hạnh phúc được sống một đời sống bình thường, được tự do đón nhận và hòa mình vào thiên nhiên, được hưởng cái hạnh phúc đơn sơ, giản dị giữa hương đồng gió nội, giữa quê hương đất nước của mình!

 

         Cái hay, cái đẹp của Sang thu còn ở nhiều khía cạnh nữa, và cũng đã nhận được sự đánh giá  cao của giới phê bình, được khẳng định ở sức neo đậu của tác phẩm trong lòng độc giả mấy chục năm qua. Trong phạm vi giới hạn của bài viết này, bắt nguồn cảm xúc từ mùa thu của đất trời đang khẽ chuyển mình thật huyền diệu, tôi chỉ xin đưa ra những cảm nhận của cá nhân mình về thi phẩm, với tư cách một độc giả đặc biệt yêu thích bài thơ Sang thu.

 

 

 

T.T.N

. . . . .
Loading the player...