15-06-2024 - 00:38

Thi sĩ Phạm Ngọc Cảnh với con sông Cụt trăm mến ngàn thương!

Nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh (20/7/1934 - 20/7/2024), 10 năm ngày mất (21/10/2014 - 21/10/2024) của Đại tá, Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh. Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bài viết “Thi sĩ Phạm Ngọc Cảnh với con sông Cụt trăm mến ngàn thương!” của tác giả Nguyễn Ngọc Vượng

Vậy là thi sĩ Phạm Ngọc Cảnh đã về cõi thiên thu giữa một sáng mùa thu Hà Nội lay phay gió  mù u!...Trước khi chưa kịp được vuốt mắt,  dường như đôi đồng tử của ông vẫn còn lưu giữ lại tất cả hình ảnh đau đáu trước nỗi buồn thống thiết của đứa con tha hương cố ngoái về phương mẹ lần cuối cùng, như muốn trối trăng về những bí mật nhất của ông với con sông Cụt quê nhà. Đó là con sông đã tắm gội cho ông ngay cái buổi đầu đời mộc dục, đã mách bảo ông bao dự định, và cho ông vay mượn hẳn tám mươi năm luân lạc giữa cõi người mà làm thơ, đóng kịch, viết lời bình... khắp sân khấu thế gian.

Thi sĩ Phạm Ngọc Cảnh sinh năm Giáp Tuất (1934) tại phố Hữu Môn (cửa Hữu), nay thuộc phường Tân Giang, thành phố Hà Tĩnh. Thân sinh của ông là cụ đội Chung từng đi lính khố đỏ cho Pháp, đồn trú tại thành Hà Tĩnh. Mặc dầu từ trong đồn ra xóm Cửa Hữu chỉ cách mấy bước chân thôi! Vậy mà ngày Phạm Ngọc Cảnh sinh ra Mẹ ông phải “vượt cạn” một mình dưới màn trời mưa lũ được coi là kinh hoàng nhất từng diễn ra trên sông Cụt xưa nay.

Đó cũng là một phần lý do mà thời điểm vòng thời gian năm Giáp Tuất quay lại vào năm 1994, khi mẫu số chung thập can- thập nhị địa chi của ông gặp nhau tại một điểm, ông đã  viết bài thơ: “Năm Tuất Mẹ Sinh Con” như một lời tấu sớ thả xuống dòng trôi sông Cụt, để giải bày những tháng năm hung hạn vừa đủ gặm nhấm vòng  quay về với “số mo” mà ngẫm sự đời :

Ngỡ như mẹ muốn con là Sơn Tinh năm ấy lụt/ Mẹ cõng con đi men qua cầu sông Cụt/ Rồi một đời hun hút trông theo/ Vô tích sự thằng con trai mẹ/ Năm Tuất lùi xã năm Tuất lại về/ Vô tích sự thằng con trai mẹ/ Găng cổ hát khắp rộng dài sông bể/ Câu dặm buồn năm Tuất ai nghe?

Đời thơ Phạm Ngọc Cảnh qua không biết bao sông dài, bể rộng, bao vực thẳm và truông sâu... Luôn dõi theo từng bước chân của ông, chở che cho ông và thậm chí cả trừng phạt ông chính là hồn thiêng con sông Cụt. Con sông đã mượn lấy ngòi bút của ông để kết nối với long mạch ba miền mà tấu lên khúc hoan ca muôn thủa giữa vô thường núi sông, nhưng cũng không bao giờ quyên sự sẻ chia, an ủi với hằng hà sa số khóc khuất của bao phận kiếp nổi trôi con người!

Trong giàn hợp xướng vĩ thanh đó chỉ cần nhắc đến các kiệt tác: Lý Ngựa Ô Hai Vùng Đất; Cô Tấm Trong Nhà; Lục Bát Trước Nhà Thờ Họ Phạm…là quá đủ để đưa ngòi bút của ông xếp vào hạng các cây đa, cây đề của làng thi nhân Việt Nam đương đại.

Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh là người anh lớn trong một gia đình nghèo đông anh, chị em. Thuở thiếu thời, ông từng đi bán dạo thuốc lào, lạc luộc và kẹo kéo…khắp phố phường ở thị xã Hà Tĩnh mà ông quen gọi là “Thành Sen quê choa”.

Năm Đinh Hợi (1947), trong một lần đi bán dạo như thế tại rạp sân khấu ngoài trời cho khán giả xem Đội Văn nghệ Trung đoàn 103 Bộ đội ta biểu diễn. Không biết giữa ông với thi sĩ Hoàng Cầm có mối quan hệ như thế nào từ kiếp trước? Nhưng ngay lần đầu tiên bắt gặp chị văn công má đỏ biểu diễn trên sân khấu, ông đã đứng ngẩn người ra, đến nỗi cả mẹt lạc tuột khỏi tay lúc nào không biết. Rất hay là thời đó lạc được xâu từng dây bằng cật giang, mỗi xâu khoảng 30 củ, không phải xúc rời từng bơ, từng đĩa như giờ, nên được một người bạn cùng đi bán dạo thấy thế nhặt giúp cho, trả lại ông. Dĩ nhiên, cả mẹt lạc của ông hôm đó bị ế ẩm!

Mặc dù mới mười ba tuổi, nhưng tâm hồn nghệ sĩ của ông được thôi thúc ngay trong lần đầu tiên xem biểu diễn của Đội văn nghệ Bộ đội, khiến đêm đó ông không tài nào chớp mắt được. Sáng dậy, ông nhất quyết đòi bố xin cho nhập vào Vệ quốc đoàn làm liên lạc và kéo phông màn phục vụ công diễn văn nghệ. Lúc đó, bố ông đang làm anh nuôi của Trung đoàn 103 không có cách gì từ chối được quyết tâm của ông, nên cụ đã dắt con đến gặp thủ trưởng trình bày và ông được biên chế vào đơn vị ngay sau đó.

Và từ đó dần dần Phạm Ngọc Cảnh trở thành diễn viên, rồi thành nhà thơ, nhà viết lời bình phim… lúc nào, chính ông cũng không nhớ rõ! Có một điều cần phải ghi nhận là tất cả những gì làm được, ông đều tự vận động bằng chính đôi chân và tài năng thiên bẩm của mình.

Tôi có rất nhiều kỷ niệm với thi sĩ Phạm Ngọc Cảnh. Nhất là giai đoạn khó khăn, vợ chồng phải mưu sinh bằng ghề bán gân vó bò. Hồi đó nhà tôi gần nhà em trai ông là liệt sỹ Phạm Ngọc Thứ ở tại xóm Cửa Hữu- Lê Bình.

Mỗi lần về thắp hương cho em trai, ông thường ghé sang tôi uống rượu thâu đêm và ngủ lại dưới nền chiếu đất. Đến bây giờ tôi càng thương ông hơn, bởi giai đoạn ấy nhà tôi chỉ có một cái chạn cho vợ con nằm do phần đất nền nhà chật chỉ đủ dành làm quán, không thể kê giường.

Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh (bên trái) tại nhà riêng tác giả bài viết

Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh vừa coi tôi như một đứa con, vì ông là bạn bè cùng tuổi và ở cùng xóm phố với mẹ tôi; vừa coi tôi như một người em, vì tôi chơi với cô Hợi em út của ông; vừa coi tôi như một đồng nghiệp, mặc dù ông là người hướng tôi vào con đường sáng tạo và giới thiệu thơ tôi trên tạp chí Văn nghệ quân đội.

Ông từng nói với tôi rằng: Bà đội Chung - Mẹ ông chỉ với một cuộn sợi vải Thạch Đồng trên tay mà nuôi cả nhà thì không có gì không làm được. “…Mấy vuông vải Đồng Môn/ Tất tưởng quanh năm cho con áo Tết/ Dăm đòn bánh tét/ Lá dong xanh gói nợ gói nần/ Mẹ vẫn cười dù đói nghèo níu gót tận sang canh…” Quan trọng nhất là muốn làm được cái gì thì trước hết cần phải coi mọi thứ chỉ là phù phiếm.

Khác với nhiều người, mỗi lần về quê ông chỉ nghỉ lại ở nhà anh em và bạn bè. Bất đắc dĩ lắm, ông mới thuê khách sạn, phòng trọ. Thời mẹ ông còn sống thì nhất thiết kiểu gì ông cũng về ngủ với Mẹ trong căn nhà nhỏ hai gian được chính quyền thành phố xây cho mẹ ông tại phường Bắc Hà, theo diện đối tượng chính sách.

Thi sĩ Phạm Ngọc Cảnh không tìm đến vật chất, mà vật chất cũng chỉ tìm đến ông với cái giá quá đắt so với sức lao động vắt ra từ trong bút lực của ông. Với ông, mọi thứ cũng chỉ là ảo ảnh và đều được chi phối bởi cái bất biến của xoay vần của con tạo luân hồi. Ông tự coi cái tuổi Giáp Tuất đầy ám ảnh bên con sông Cụt của mình cũng may mắn “da chó vừa đủ bọc xương chó” là đã quá công bằng, quá sòng phẳng trước cuộc trả vay trên cõi dương trần tục thế này lắm rồi.

Vợ ông - cô Vũ Thị Tỵ kém ông bốn tuổi, nổi tiếng là một người phụ nữ hiền thục xinh đẹp ở đất Hà Thành. Cô từng làm diễn viên múa tại đoàn Văn công Tổng cục Chính trị. Vậy nhưng, ông trời quá nghiệt ngã đã bắt cô phải chịu cảnh bại liệt nằm một nơi suốt hai mươi năm trời, trong một căn hộ cấp 4 thuộc Khu tập thể Nhà máy gỗ diêm Cầu Đuống từ năm 1985 đến năm 2005. Đó là căn hộ được cấp, sau khi cô Tỵ chuyển ngành về công tác tại nhà máy.  

Trong quãng thời gian ấy, trên đôi vai của đại tá, nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh, ngoài trách nhiệm thường xuyên công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân Đội, ông vừa còn phải đảm đang việc chăm sóc vợ, vừa phải viết như điên để lấy đồng tiền nhuận bút lo trang trải mọi việc trong nhà và nuôi mẹ già ở quê.

Sau khi vợ ông qua đời cuối năm 2005, đúng 50 ngày lễ thất tuần của vợ thì đột ngột ông gặp phải cơn tai biến lần thứ nhất. Như một cơ duyên, bỗng dưng ngày đó có một người phụ nữ ở xứ Thanh kém ông tới 28 tuổi xuất hiện. Người phụ nữ xứ Thanh vì mê tài năng của ông trước đó đã tự nguyện làm một người "ôsin" vĩ đại nhất mà tôi chưa từng thấy, kể cả trong phim ảnh và cả trong trí tưởng tượng. Người đó đến với ông không chỉ làm thay cái việc ông đã từng làm đối với vợ ông suốt hai mươi năm trước, mà còn hơn thế nữa!

Bây giờ thì thi sĩ Phạm Ngọc Cảnh đã vãng sanh vào ngày 21/10/ 2014 (28/9 AL Giáp Ngọ). Quá thương! Qúa tiếc nhớ!.. Cây nhang tiễn biệt lần cuối đưa ông ra Đài hóa thân hoàn vũ đã tắt, nhưng có lẽ nén hương trong lòng tôi dành cho ông vẫn luôn âm ỉ cháy mãi… cháy mãi… cho tới một ngày nào đó, tôi lại sẽ trở về gối giấc  bên con sông Cụt quê ông và tôi.

Nguyễn Ngọc Vượng

. . . . .
Loading the player...