Tạp chí Hồng Lĩnh Số đặc biệt (Tháng 5+6) năm 2022 trân trọng giới thiệu bài viết "Thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong các dịp sinh nhật của Người" của tác giả Phạm Quang Ái
THƠ CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
VIẾT TRONG CÁC DỊP SINH NHẬT CỦA NGƯỜI
1. Từ khi trở thành Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa cho đến lúc trở về với “Mác – Lê nin thế giới người hiền”, Bác Hồ có 24 lần sinh nhật. Tuy nhiên, trong 24 lần sinh nhật đó, chỉ có 2 lần Bác chính thức đồng ý để Đảng và Nhà nước tổ chức sinh nhật cho mình. Lần thứ nhất, chính là ngày 19/5/1946, lần đầu tiên quốc dân đồng bào biết được ngày sinh của Người. Và lần cuối cùng là ngày 19/5/1969, khi thấy sức khỏe của Người ngày càng suy yếu, các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước thiết tha đề nghị tổ chức sinh nhật cho Bác để đáp ứng mong mỏi của đồng bào, chiến sĩ cả nước cũng như quan khách quốc tế, và Người đã miễn cưỡng đồng ý. Ngoài ra, các lần sinh nhật khác, Bác cố tìm cách tránh để mọi người không phải bận tâm vào việc chúc mừng sinh nhật mình.
Lần thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ động tổ sinh nhật, một mặt, là để làm cái cớ đấu tranh ngoại giao: “Khi đó, Người tự tổ chức buổi sinh nhật trong tư thế Nguyên thủ quốc gia độc lập có chủ quyền, tiếp đón Cao ủy Pháp tại Đông Dương D’Argenlieu, nhân vật đang mưu toan ngăn chặn chuyến đi của Hồ Chủ tịch - vị Thượng khách của nước Pháp. Sinh nhật tuổi 56 lúc ấy, như Bác nói với đồng bào: “Chưa có gì đáng chúc thọ” nhưng đối với kẻ thù đang đe dọa nền tự do độc lập vừa giành lại được, đây lại là cái cớ Người buộc D’Argenlieu phải đến để đối thoại với hy vọng: “Cuộc bang giao Việt Pháp chắc chắn sẽ có bước phát triển mới [1]”. Mặt khác, với lần sinh nhật này “…Bác có dịp tốt để tiếp xúc với nhân dân, tự vệ, hướng đạo, đại biểu Nam Bộ, với các giới, các cháu thiếu nhi đến chúc mừng,…Bác cũng kết hợp nói chuyện, giáo dục nếp sống mới và cần kiệm liêm chính[2]”. Do đó, “Ngày kỷ niệm sinh nhật (…) 19/5/1946 trở thành ngày gặp mặt đoàn kết, biểu thị tình cảm và sức mạnh khối đoàn kết toàn dân xung quanh Chính phủ dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh - linh hồn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.[3]”
2. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh sống khiêm tốn, bình dị, rất ít khi nói hoặc viết về mình. Trong di sản văn chương của Bác, có năm bài thơ được Người viết trong năm lần sinh nhật của mình. Theo tục truyền, ngày 19/5/1949, nhiều người có ý kiến đề nghị tổ chức mừng thọ Người 60 tuổi (tính theo tuổi âm lịch), nhưng Bác đã làm bài thơ "Không đề" để đáp tạ:
Vì nước chưa nên nghĩ đến nhà,
Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già.
Chờ cho kháng chiến thành công đã,
Bạn sẽ ăn mừng sinh nhật ta.
Bài thơ là một lời từ chối rất tế nhị, chân thành, mộc mạc nhưng cũng rất đỗi cao thượng.
Đến sinh nhật lần thứ sáu mươi (tính theo dương lịch), trong một cuộc họp cán bộ các cơ quan Trung ương ở Thác Dẫng (Tuyên Quang), nhân sắp đến ngày 19-5, mọi người chúc thọ Bác. Người cảm ơn và đáp lại bằng bài thơ Sáu mươi tuổi:
Sáu mươi tuổi hãy còn xuân chán
So với ông Bành vẫn thiếu niên
Ăn khỏe ngủ ngon, làm việc khỏe
Trần mà như thế kém gì tiên!
Ba năm sau, nhân sinh nhật lần thứ 63 (19/5/1953), Hồ Chí Minh làm thơ sinh nhật bằng chữ Hán với nhan đề là Thất cửu (Sáu mươi ba tuổi):
七九
人未五旬常嘆老,
我今七九正康強。
自供清淡精神爽,
做事從容日月長。
Phiên âm: Thất cửu
Nhân vị ngũ tuần thường thán lão,
Ngã kim thất cửu chính khang cường.
Tự cung thanh đạm, tinh thần sảng,
Tố sự thung dung nhật nguyệt trường.
Dịch nghĩa:
Thường người ta chưa đến năm mươi tuổi đã tự than già,
Mình nay sáu mươi ba tuổi vẫn đang khoẻ mạnh.
Sống cách thanh đạm tinh thần sáng suốt,
Làm việc thong dong, ngày tháng dài.
Dịch thơ: Chưa năm mươi đã kêu già,
Sáu ba mình vẫn nghĩ là đương trai.
Sống quen thanh đạm nhẹ người,
Việc làm tháng rộng ngày dài ung dung.
Xuân Thủy dịch Câu đề của bài thơ tứ tuyệt này nói cái lẽ thường của thế gian: “Thường người ta chưa đến năm mươi tuổi đã tự than già”. Ngày nay, tuổi 50 là đang độ tráng niên, nhưng vào thời điểm đó, 50 tuổi đã lên lão “Ngũ thập nhi tri thiên mệnh” (Năm mươi tuổi là biết mệnh trời, biết giới hạn cuộc đời đã gần lắm rồi). Sở dĩ nói vậy là vì tuổi thọ của con người lúc bấy giờ thấp hơn ngày nay nhiều. Trong bài thơ Khai quyển (Mở đầu quyển thơ) của tập Nhật ký trong tù, lúc bấy giờ Bác mới 53 tuổi, nhưng Người đã tự nhận mình là “lão phu” (Lão phu nguyên ái bất ngâm thi). Trong bối cảnh văn hóa Á Đông lúc bấy giờ, lại trong cảnh tù đày trên đất Trung Quốc, thì người viết như vậy là hợp tình, hợp lý. Nhưng trong bối cảnh cả nước hăng hái kháng chiến kiến quốc, trên “Thủ đô gió ngàn”, mặc dù cuộc sống vô cùng gian khổ song tinh thần hăng hái, phấn chấn của toàn quân, toàn dân đã làm cho Bác thấy “Mình nay sáu mươi ba tuổi vẫn đang khoẻ mạnh”. Trong bản dịch nghĩa hiện hành, ở câu này dịch như thế vẫn thì chưa lột tả được sắc thái của chữ 正 (chính). Chữ “chính” dùng trong kết hợp “chính khang cường” cần được hiểu là “đúng lúc, đúng độ” (hình dung từ), “chính khang cường” là đúng lúc khỏe mạnh nhất. Câu thơ thứ 3, bản dịch nghĩa dịch như thế vẫn chưa chuẩn, chưa phù hợp với hoàn cảnh sống bấy giờ, và do đó, chưa làm toát lên được cái sắc thái lạc quan pha chút hài hước của tác giả. “Tự cung thanh đạm” mà dịch là “sống cách thanh đạm” thì đã thoát ly hoàn cảnh. Ở đây, ý Bác muốn nói không chỉ là cách sống, lối sống mà còn là hoàn cảnh sống. Đó là cuộc sống “tự cung, tự cấp”, tự tăng gia sản xuất, tự mình lo liệu mọi điều kiện sống của mình ở chiến khu Việt Bắc. Do vậy, cuộc sống tất nhiên là rất kham khổ từ cái ăn, cái mặc cho đến mọi phương diện khác. Nói “tự cung thanh đạm” là cách nói có pha chút trào lộng cho vui. Cũng trong câu thơ này, chữ 爽(sảng) mà dịch là “sáng suốt” cũng chưa chính xác. Chữ “sảng” có hai nghĩa chính là “sáng suốt” và “sảng khoái” (khoan khoái, dễ chịu). Theo chúng tôi, cụm từ “tinh thần sảng” phải được hiểu là “tinh thần khoan khoái”. Hiểu như thế, chúng ta mới thấy cái ý vị sâu xa của câu thơ này. Ý vị này được tạo nên do sự tương tác nghĩa của hai vế “tự cung thanh đạm” và “tinh thần sảng”. Sự tương tác này vừa có sự tương phản vừa có sự tương hợp, nhân quả. Vì thế, ý nghĩa của câu thơ vừa có thể hiểu là: tuy cuộc sống “tự cung thanh đạm”, khắc khổ như vậy nhưng “tinh thần vẫn sảng khoái”, vừa có thể hiểu là do “tự cung thanh đạm” nên “tinh thần mới sảng khoái”!
Đặc biệt, sinh nhật lần thứ 75 của Bác đến khi Người đang đi thăm viếng, nghỉ dưỡng tại Trung Quốc. Trong mục “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử” của website https://baotanghochiminh.vn cho biết: “Sáng (19/5), Chủ tịch Hồ Chí Minh nghe thư ký báo cáo về tình hình trong nước. Người đặc biệt quan tâm đến tin chiến thắng của Quân giải phóng miền Nam… 8 giờ 30 phút, Người rời Bắc Kinh đi thăm quê hương Khổng Tử. Trưa, Người nghỉ tại Tế Nam, thủ phủ tỉnh Sơn Đông, ghé thăm công viên Đại Minh Hồ. 14 giờ, Người thăm di tích Khổng Phủ, qua Khổng Miếu, Khổng Lâm, Người nói nhiều về quan niệm “lấy dân làm gốc” của Khổng Tử và Mạnh Tử. 17 giờ, Người lên xe lửa trở về Tế Nam. Trên đường về, Người làm bài thơ chữ Hán: Phỏng Khúc Phụ ghi lại cảm xúc cuộc đi thăm quê hương Khổng Tử[4]”:
訪曲阜
五月十九訪曲阜,
古松古廟兩依稀。
孔家勢力今何在,
只剩斜陽照古碑。
Phiên âm:
Phỏng Khúc Phụ
Ngũ nguyệt thập cửu phỏng Khúc Phụ,
Cổ tùng, cổ miếu lưỡng y hy.
Khổng gia thế lực kim hà tại?
Chỉ thặng tà dương chiếu cổ bi.
Dịch nghĩa
Ngày mười chín tháng năm đến thăm Khúc Phụ,
Thông xưa, miếu cũ cả hai đều lu mờ.
Thế lực họ Khổng nay đâu rồi?
Chỉ còn ánh chiều tà chiếu bia cũ.
Dịch thơ:
Mười chín tháng Năm thăm Khúc Phụ,
Mịt mờ miếu cổ khuất thông già.
Khổng gia thế lực giờ đâu nhỉ?
Vương tấm bia xưa giọt nắng tà!
(Phạm Quang Ái dịch)
Bài thơ cuối cùng của Bác viết nhân sinh nhật của mình được viết dưới đầu đề là “LỜI CẢM ƠN CHUNG NHÂN DỊP SINH NHẬT (19 THÁNG 5)” kèm lời dẫn như sau “Để đáp lại và cảm ơn chung những lời chúc thọ thân thiết của các bầu bạn ở các nước ngoài, của các đoàn thể nhân dân, các đơn vị bộ đội, các đội thanh niên xung phong, các cụ phụ lão, các cháu học sinh và nhi đồng, v.v., tôi có mấy câu thơ sau đây:
Bảy mươi tám tuổi, chưa già lắm,
Vẫn vững hai vai việc nước nhà.
Kháng chiến dân ta đang thắng lớn,
Tiến bước! Ta cùng con em ta.
Hồ Chí Minh
(Báo Nhân dân, số 5157, ngày 26-5-1968)
Trong năm bài thơ liên quan đến sinh nhật của Bác thì có ba bài là thơ tiếng Việt và hai bài là thơ chữ Hán. Trừ bài Phỏng Khúc Phụ viết trong dịp sinh nhật nhưng dường như không liên quan đến đề tài sinh nhật, bốn bài còn lại đều là lời đáp tạ thịnh tình của đồng chí, đồng bào và bạn bè quốc tế đã quan tâm đến ngày sinh của Người. Điều thú vị là trong cả bốn bài thơ này dù đều nói đến tuổi tác nhưng luôn toát lên một tinh thần lạc quan, trẻ trung, hăng hái. Ở tuổi năm 59, Bác khẳng định “vẫn chưa già”, tuổi sáu mươi Bác bảo “hãy còn xuân chán” và hài hước “so với ông Bành vẫn thiếu niên”; ở tuổi 63, người khẳng định “ta nay đang độ khỏe mạnh”, đến tuổi 78 thì không thể nói là “chưa già” được nhưng Bác vẫn gắng gỏi là “chưa già lắm”! Dù là thơ chữ Hán hay thơ tiếng Việt thì phong cách chung của những bài thơ “tự thọ” này vẫn là một phong cách vừa mộc mạc, chất phác vừa hài hước, ý vị sâu xa và bao trùm lên là tinh thần lạc quan vượt lên tuổi tác.
3. Về bài thơ Phỏng Khúc Phụ, mặc dầu chúng tôi nói là “dường như không liên quan đến đề tài sinh nhật” nhưng ngẫm kỹ lại có liên quan.
Theo hồi ức của ông Vũ Kỳ, thư ký của Bác, Người đi thăm Khúc Phụ để tránh việc lãnh đạo nước bạn muốn tổ chức sinh nhật cho mình. Tuy vậy, chúng tôi nghĩ rằng, đó cũng chỉ là một lý do, còn việc đi thăm quê hương và nơi thờ tự Không Tử của Bác là có mục đích sâu xa. Chúng ta biết rằng, việc thăm Khúc Phụ, cảm đề Khổng miếu của Bác trong bối cảnh nước nhà đang gồng mình để chống chiến tranh leo thang của đế quốc Mỹ, tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, các nước phe xã hội chủ nghĩa anh em, chủ yếu là Liên Xô và Trung Quốc thì mâu thuẫn với nhau sâu sắc. Bác rất buồn, trong bản Di chúc mà Bác mới khởi bút viết vào ngày 15/5/1965, Người đã thổ lộ nỗi niềm đau xót đó: "Về phong trào cộng sản thế giới - là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hoà hiện nay giữa các đảng anh em!". Thêm nữa, khi sang Trung Quốc vào dịp này, chắc chắn Người cảm nhận rất rõ không khí căng thẳng trong xã hội, trong các tầng lớp lãnh đạo của nước bạn, báo hiệu một cuộc đấu đá kịch liệt sẽ xảy ra, mà đúng một năm sau (tháng 5 năm 1966) đã chứng nghiệm; mở ra một giai đoạn bi thảm của xã hội Trung Quốc mà sau này người ta hay gọi là "thập niên động loạn" (5/1966 - 10/1976) gây ra sự tàn sát hàng chục triệu người và đẩy hàng trăm triệu cán bộ, đảng viên và nhân dân Trung Quốc vào cảnh tù đầy, đói khát, bần cùng hóa.
Đã có nhiều bản dịch, nhiều lời bình giải về bài thơ Phỏng Khúc Phụ của Bác với sự biến thiên theo bối cảnh lịch sử - chính trị khác nhau. Trước đây, khi bài thơ mới ra đời, do bối cảnh chính trị - xã hội lúc đó nên nó chủ yếu được cảm nhận, bình giải theo hướng là tác giả bài thơ cảm nhận về sự tàn lụi của "Khổng gia thế lực" trong chế độ xã hội mới ở Trung Quốc cũng như trên thế giới. Sang thời kỳ đổi mới, khi Nho giáo lại được đề cao, phục hưng, Khổng Tử lại được tôn vinh thì tình hình cảm nhận, bình giá bài thơ lại theo hướng ca ngợi tinh thần kế thừa, phát huy những giá trị đạo đức, nhân sinh Khổng giáo của Bác.
Điều đó hoàn toàn đúng!
Ngay từ năm 1926, khi nghe tin Chính phủ Trung Hoa dân quốc hạ bệ Khổng môn, cắt mọi trợ cấp kinh tế, xóa bỏ chế độ thế tập của Khổng gia, lấy các cơ sở thờ tự Khổng tử để làm trường học, nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc đã đăng trên tờ báo Thanh niên bài báo có nhan đề là "Khổng Tử"với nội dung chính là ca ngợi những giá trị đạo đức, tu thân trong học thuyết của bậc “đại thành chí thánh” và lên án việc làm sai trái của chính quyền Quốc dân đảng Trung Hoa. Ở phần kết bài báo, Người viết: "Với việc xóa bỏ những lễ nghi tưởng niệm Khổng Tử, chính phủ Trung Quốc đã làm mất đi một thể chế cũ và trái với tinh thần dân chủ. Còn những người An Nam chúng ta hãy tự hoàn thiện mình về mặt tinh thần bằng cách đọc các tác phẩm của Khổng Tử và về mặt cách mạng thì cần đọc các tác phẩm của Lê nin[5]". Gần 40 năm trước, Bác viết những dòng nhiệt huyết như thế này về giá trị tu thân trong học thuyết của Khổng Tử, và lúc này, vào dịp kỷ niệm 75 năm ngày sinh của mình, Người ngậm ngùi khi đứng trước Khổng miếu và hỏi một cách xót xa: "Khổng gia thế lực kim hà tại?".
Tuy nhiên, ở câu thơ này và kể cả những câu thơ trước và sau nó, chúng tôi thiển nghĩ, không đơn thuần chỉ là sự đề vịnh, tưởng niệm, ai hoài về Khổng Tử và Khổng giáo mà chủ yếu là để cảm thời, là cảm nhận về thời cuộc của đất nước anh em, là tiếng thơ điếu cổ thương kim. Sự ngậm ngùi của Bác trước hiện tình hoang lạnh của Khổng môn khiến ta liên tưởng đến tâm trạng của Khổng Tử khi Nhan Hồi mất. Nhan Hồi là đại đồ đệ được Khổng Tử yêu mến và kỳ vọng nhất nhưng lại mất khi mới 30 tuổi. Nghe tin Nhan mất, Khổng Tử than: "Ô hô! Thiên táng tư văn" (Than ôi! Trời chôn đạo ta rồi). Không phải ngẫu nhiên khi đến Trung Quốc, để tránh phiền hà về việc sinh nhật, Bác lại chủ trương đến thăm Khúc Phụ. Bác có thể đến bất cứ một danh thắng nổi tiếng nào đó của nước bạn để ngoạn cảnh và nghỉ dưỡng thì sẽ tốt hơn cho tinh thần và sức khỏe của mình hơn là đến Khúc Phụ. Đến Khúc Phụ, thăm Khổng phủ, Khổng miếu, Người chỉ chuốc lấy nỗi buồn, nỗi ưu tư về thế cuộc của đất nước anh em đang hết sức âm u, ẩn chứa nhiều xung lực trước một cơn giông bão ghê gớm sắp xảy ra. Đọc bài Phỏng Khúc Phụ, ai cũng thấy đó là một bài thơ buồn, mang không khí u uất. Và quả nhiên, đúng như sự dự cảm trong bài thơ, một năm sau, cả đất nước Trung Hoa rơi vào động loạn, Hồng vệ binh đã đến Khổng môn đào mộ các vị tiên liệt họ Khổng, đập phá tượng, bia và miếu thờ Khổng Tử một cách hả hê không một chút thương tiếc!
Như vậy, ngẫm sâu về bối cảnh ra đời cũng như câu chữ, ý nghĩa đầy ẩn ý của bài thơ, chúng ta thấy, lúc bấy giờ, Hồ Chí Minh không chỉ xót xa, tiếc nuối cho di tích và giá trị di sản văn hóa của nhà tư tưởng, nhà giáo dục vĩ đại họ Khổng bị những chủ trương chính trị quá khích của nước bạn phá hoại mà Người cũng rất buồn lo cho sự nghiệp cách mạng quốc tế, trong đó có sự nghiệp chống Mỹ cứu nước đang đè nặng hai vai mình. Trong những nỗi niềm mà Bác kín đáo gửi gắm vào bài thơ Phỏng Khúc Phụ, có cả những lo lắng về tuổi tác nhân dịp sinh nhật. Lúc này Bác đã 75 tuổi rồi, đã là lớp người “xưa nay hiếm” nhưng con đường cách mạng còn dài, sự nghiệp lãnh đạo nhân dân giành tự do, độc lập còn đầy gian nan. Bởi vậy, một cách gián tiếp, bài thơ Phỏng Khúc Phụ cũng là cảm xúc, suy nghĩ sâu xa của bác về thế thái nhân tình, về người xưa và người nay, và những cảm khái đối với chính bản thân mình trong ngày sinh nhật.
4. Vào thời điểm này, khi chúng ta đang chuẩn bị kỷ niệm lần thứ 132 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta càng phải thấm nhuần sâu sắc tư tưởng, đạo đức, sáng ngời, về phong cách, lối sống, ứng xử đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc và thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là tinh thần lạc quan cách mạng của Người, để vượt qua những thách thức to lớn, khắc nghiệt của thời đại, của đất nước. Sinh thời, trong mỗi lần kỷ niệm ngày sinh của mình, Người thiết tha mong muốn: “Món quà quý nhất đối với tôi là những báo cáo thành tích thi đua ái quốc”. Chính vì thế, mỗi dịp sinh nhật Bác là một lần chúng ta lại thấy sáng ngời đức tính giản dị, khiêm nhường của Người.
Phạm Quang Ái
_________________
[1],[2],[3]https://hochiminh.vn/tu-tuong-dao-duc-ho-chi-minh/nghien-cuu-tu-tuong-dao-duc-ho-chi-minh/thang-nam-nho-bac-4585;
[4]https://baotanghochiminh.vn/?go=bien-nien-tieu-su&day=19&month=5&year=1965;
[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản lần thứ 3, HN, 2011; tr. 563;