30-09-2023 - 07:46

Thơ chọn và lời bình: Uống rượu với mùa thu

Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bài thơ “Uống rượu với mùa thu” của nhà thơ Hải Kỳ qua lời bình của nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú

UỐNG RƯỢU VỚI MÙA THU

Trời trong như rượu tăm

Bọt sủi đầy mây trắng

Biết ai người hỏi thăm

Uống một mình chén đắng

 

Bây giờ ai ngồi đây

Mùa thu vào cửa sổ

Gió heo may rót đầy

Có còn ai nhớ nữa!

 

Ôi, người quen năm xưa

Giờ đi đâu hết cả

Chỉ còn có mùa thu

Cùng ta ngồi đối ẩm

 

Chén này cho kỷ niệm

Ngủ vùi trong lặng im

Chén này cho ảo mộng

Thành sương khói chìm quên

 

Chén này cho bè bạn

Người thân và kẻ sơ

Chén này cho đen bạc

Của thói đời với thơ

 

Chén này cho tiền nhân

Đã thành muôn nấm cỏ

Chén này cho hậu thế

Còn ẩn trong đất trời

 

Ta uống với khóc cười

Chợt say rồi chợt tỉnh

Chén đầy và chén vơi

Người trung và kẻ nịnh

 

Bọt sủi đầy mây trắng

Trời trong như rượu tăm

Mai thành người thiên cổ

Thu có về hỏi thăm?!

                  Hải Kỳ

Minh họa Internet

Lời bình:

Một chiều thu, tôi mở tuyển tập thơ Hải Kỳ bắt gặp một bài thơ có cái tên lạ “Uống rượu với mùa thu”. Thường, người ta uống rượu với bạn bè, với hội hè để giao lưu, giao đãi để chúc tụng, sẻ chia. Ở đây thi sĩ Hải Kỳ lại “Uống rượu với mùa thu”. Mùa thu là mùa điềm tĩnh trầm lắng lại sau cái ồn áo náo nhiệt của mùa hè cũng như tuổi trung niên sau tươi trẻ tưng bừng của tuổi thanh niên. Mùa thu thường gợi buồn và những mơ mộng như sự gạn lọc bao trải nghiệm cuộc đời. Như là một thảng thốt, một hoài niệm, một bày tỏ chân thành mà thấm đẫm bao nghĩ ngợi.

Nhà thơ Hải Kỳ có trực cảm mạnh, ông đa cảm đến hồn nhiên tin cậy, ông linh cảm đến bao thổn thức âu lo. Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật có lý khi nhận xét về thơ Hải Kỳ: “Có lẽ về thơ ca anh hiểu anh hơn hết. Sau những thất bại của nó, thế nào cũng nhận chân đúng cái lõi của mình và tôi nhớ một câu thơ anh đọc khi nhấm rượu: “Rượu thì say tôi uống đến đầy tôi”. Tôi không nghĩ Hải Kỳ viết câu thơ ấy vì rượu mà vì anh rất say tình đời”. Trở lại với tứ thơ độc đáo này tôi cũng nghĩ rằng thi sĩ không viết bài thơ này vì rượu mà vì chất men say người của mùa thu của sự tỉnh lặng mà giấu đàng sau đó bao giải bày chia sẽ , chứa chan bao hồi ức sâu lắng. Ở đây ông cô đơn ngồi đọc ẩm với mùa thu khi: “Ôi, người quen năm xưa - Giờ đi đâu hết cả” và ông “Uống một mình chén đắng”. Cái chén rượu có cả: “Trời trong như rượu tăm - Bọt sủi đầy mây trắng”. Chén rượu ấy sao nồng cay có: “Gió heo may rót đầy”. Một hương vị rượu không chỉ là men là nếp mà còn thẩm thấu ướp cả hương trời mùa thu, có mây trắng, có gió heo may. Chính cái hương thu này đã khơi dậy trong tâm hồn thi sĩ bao hồi ức kỷ niệm, bao vơi đầy buồn vui. Chọn cách “Chỉ còn có mùa thu - Cùng ta ngồi đối ẩm” là một phong thái của người tiên tửu, rượu đánh thức dậy bao kỷ niệm đã “Ngủ vùi trong lặng im”. Và ta cứ hình dung thi sĩ đang nhâm nhi, một nhâm nmhi chậm rãi, một nhâm nhi lắng lại gợn đục khơi trong, một nhâm nhi thấu cảm nỗi lòng để bày tỏ để giao cảm với chính mình để đồng cảm tương tác, tương ứng với nhịp mùa thu đang chênh chao thảng thốt. Đó là: “Chén này cho bè bạn - Người thân và kẻ sơ - Chén này cho đen bạc  - Của thói đời với thơ”. Hình như nhà thơ đang cụng ly với một vô hình với bao đắng đót của cuộc sống ngày thường trong một sự điềm tĩnh đến điềm đạm. Cứ thế tứ thơ được nâng lên với hàm ơn ân nghĩa: “Chén này cho tiền nhân - Đã thành muôn nấm cỏ - Chén này cho hậu thế - Còn ẩn trong đất trời”. Rõ ràng chất minh triết bây giờ nhờ rượu phát sáng thăng hoa như minh định một da diết trong sâu thẳm tâm hồn thi sĩ: Hướng về con người, hướng về cái đẹp, hướng về thơ. Cuộc rượu đến hồi đỉnh điểm khi nhà thơ thốt lên: “Ta uống với khóc cười - Chợt say rồi chợt tỉnh - Chén đầy và chén vơi - Người trung và kẻ nịnh”. Chất men đã đẩy bao ấm ức dồn nén thành một chiêm nghiệm sống để tự định vị mình. Bao nhiêu là bất chợt cứ đan xen như cây thu thay lá, như mây thu bồng bềnh, như sông thu bồi lở. Một cuộc rượu thật thi vị với bao cung bậc tâm trạng  khi nhà thơ đang đối ẩm với mùa thu, đổi ấm với chính mình, đổi ấm với bao dự cảm.

Khổ thơ kết chính là sự thay đổi vị trí hai câu của khổ thơ đầu rất có lý hợp tình, hợp cảnh. Ban đầu vào cuộc rượu nhà thơ nhìn lên trời thu rồi mới bắt đầu nhìn vào chén rượu thì khổ cuối khi nhìn vào chén rượu đang sủi bọt ông mới ngước lên nhìn trời “trong như rượu tăm”. Một tư thế thật đỉnh đạc thật ung dung mở ra bao khát vọng với tình yêu con người khi ông tự hỏi: “Mai thành người thiên cổ - Thu có về hỏi thăm?”. Bây giờ thì ông đã thành người thiên cổ, thu về thăm ông với lá vàng rơi, với chén rượu tăm, với những câu thơ tâm tình biết bao sâu lắng..

Hà Tĩnh, ngày 27 tháng 09 năm 2023

N.N.P

. . . . .
Loading the player...