31-05-2024 - 23:56

Thơ chọn và lời bình: MÙA HÈ

Bốn mùa trong năm thì mùa hè là mùa in dấu trong kí ức các em những ấn tượng kỷ niệm đẹp đó là mùa kỳ thi cuối năm, cuối cấp và cũng là mùa các em được nghỉ học duy nhất trong năm. Nhà thơ Tạ Vũ đã có bài thơ “Mùa hè” ngắn ngọn mà sinh động tươi tắn với bao sắc màu mùa hè, với sự xôn xao náo nức nhiều hiếu động hồn nhiên hợp với lứa tuổi các em. Nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1/6), Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bài thơ “Mùa hè” của nhà thơ Tạ Vũ qua lời bình của nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú.

MÙA HÈ

Mùa hè hoa rau muống

Tím lấp lánh trong đầm

Cơn mưa rào ập xuống

Cá rô rạch lên sân.

 

Mùa hè nắng rất vàng

Bãi cát dài chói nắng

Con sông qua mùa cạn

Nước dềnh rộng mênh mang.

 

Mùa hè sáng niềm vui

Sau bao ngày gắng sức!

Bài thi đỏ điểm 10

Long lanh bao ánh mắt!

                                            Tạ Vũ

Vào hè - Ảnh: Minh Lý

Lời bình:

       Bốn mùa trong năm thì mùa hè là mùa in dấu trong kí ức các em những ấn tượng kỷ niệm đẹp đó là mùa kỳ thi cuối năm, cuối cấp và cũng là mùa các em được nghỉ học duy nhất trong năm. Nhà thơ Tạ Vũ đã có bài thơ “Mùa hè” ngắn ngọn mà sinh động tươi tắn với bao sắc màu mùa hè, với sự xôn xao náo nức nhiều hiếu động hồn nhiên hợp với lứa tuổi các em. Một sự tung tẩy, một cách cảm cách nhìn khá tinh tế của nhà thơ đã làm cho mùa hè bừng sáng tưng bừng với những không gian mở ra như sự hào phóng của thiên nhiên, lấp lánh với tâm hồn tuổi thơ.

       Mở đầu bài thơ “Mùa hè” nhà thơ đã tìm ra lấp lánh chứ không phải lấp ló của hoa rau muống trong đầm: “Mùa hè hoa rau muống - Tím lấp lánh trong đầm”. Viết về mùa hè nhiều người đặc tả màu hoa phượng đỏ, dàn tiếng ve ran nhưng ở đây ăng ten thơ bắt rất nhạy của nhà thơ lại chiếu dọi một loài hoa của rau muống bình dị như món ăn thường ngày trong dịp hè nắng nóng. Ở đây ta chú ý màu tím của hoa, phải chăng hình ảnh này gợi cho các em liên tưởng đến dòng mực tím trong trang vỡ học trò. Một màu tím lặng lẽ, bịn rịn mà đằm thắm dung dị lạ thường. Từ màu tím lấp lánh cái sắc màu cũng hiếu động, sống động ấy tứ thơ đến với cấp độ cao hơn là cơn mưa rào: “Cơn mưa rào ập xuống - Cá rô rạch lên sân”. Rõ ràng đây không chỉ là cơn mưa mà còn gợi lên những kí ức tuổi thơ tươi ròng hiếu động của cảnh chụp bắt cá khi mưa rào ập xuống nước dâng lên ngập sân mang theo cả những con cá trong đầm. Những chú cá rô với đặc điểm là loài cá rất cứng cáp với vây ngạnh tua tủa thì động từ, động tác “rạch lên” dùng trong bối cảnh này thật đắc địa.

       Từ đầm ao rau ở nhà, không gian mùa hè được nới rộng: “Mùa hè nắng rất vàng - Bãi cát dài chói nắng”, từ màu tím của hoa chuyển sắc thái “rất vàng” của nắng. Ở đây “cát chói nắng” rất hợp lý tạo ra quang cảnh thật kỳ vĩ rực rỡ. Cát chói nắng là vì trong cát ấn chứa rất nhiều hạt thủy tinh, pha lê lấp lánh. Một phối cảnh tuyệt đẹp giữa bãi cát với dòng sông: “Con sông qua mùa cạn - Nước dềnh rộng mênh mang”. Nước dềnh hay tâm hồn hiếu động của các em cứ dâng đầy những niềm vui ngày hè khi được sải tay bơi tung tăng trên con sông mênh mang ấy. Ở đây nước từ ao đầm đến nước mưa rào và nước ngập tràn sông mênh mang là những cấp độ nâng dần lên tưới mát tâm hồn các em trải ra theo bước chân tung tăng hồn nhiên của tuổi nhỏ.

       Khổ thơ cuối là sắc đỏ điểm 10 tươi thắm, một lung linh hạt nhân như là một dấu triện đỏ chứng chỉ của thành quả mùa hè mà các em đạt được: “Mùa hè sáng niềm vui - Sau bao ngày gắng sức!”. Chỉ một hình ánh “sáng niềm vui” mà gợi bao náo nức hồ hởi, rạng ngời tươi mới. Từ sắc thái để chỉ tâm trạng là cách biểu đạt khá tinh tế và nhạy cảm của nhà thơ. Nếu như màu tím hoa rau muống và màu vàng của nắng là màu của thiên nhiên của sự sống thì màu đỏ điểm 10 là màu nhân tạo kết quả học tập của các em: “Bài thi đỏ điểm 10 - Long lanh bao ánh mắt!”. Bài thơ khép lại nhưng hình ảnh “Long lanh bao ánh mắt” vẫn dõi nhìn theo như muốn sẽ chia đồng cảm với bao niềm vui. Một mùa hè thật đẹp như một bức tranh với những gam màu: tím, vàng, đỏ thật náo động hồn nhiên, thật tươi mới với những không gian lan tỏa.

Hà Tĩnh, tháng 05 năm 2024

Nguyễn Ngọc Phú

. . . . .
Loading the player...