25-07-2021 - 20:02

Thơ chọn và lời bình: Mộ gió

Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bài thơ “Mộ gió” của tác giả Trịnh Công Lộc qua lời bình của Nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú

MỘ GIÓ

 

Mộ gió đây, đất thành xương cốt

Cứ gọi lên là rõ hình hài

Mộ gió đây, cát vun thành da thịt

Mịn màng đi dìu dặt bên trời…

Mộ gió đây, những phút giây biển lặng

Gió là tay ôm ấp bến bờ xa

Chạm vào gió như chạm vào da thịt

Chạm vào

          Nhói buốt

                   Hoàng Sa…

Mộ gió đây, giăng từng hàng, từng lớp

Vẫn hùng binh giữa biển - đảo xa khơi

Là mộ gió, gió thổi hoài, thổi mãi

Thổi bùng lên những ngọn sóng ngang trời./.

                                                               Trịnh Công Lộc

 

LỜI BÌNH:

 

Trong thi ca Việt Nam có nhiều bài thơ viết về sự hy sinh, các anh hùng liệt sỹ qua hình ảnh ngôi mộ như: “Viếng mộ” của Hoàng Lộc; “Mồ anh hoa nở” của nhà thơ Thanh Hải; “Nấm mộ và cây trầm” của Nguyễn Đức Mậu…

Lần đầu tiên Trịnh Công Lộc viết về “Mộ gió” về sự hy sinh của những chiến binh giữ biển đảo không về - Không về cả thân xác và chỉ có cuộc chiến đấu trên biển mới có những ngôi mộ gió - Ngôi mộ mà dưới đó chỉ là những hình nhân được làm bằng đất sét: “Mộ gió đây đất thành xương cốt - Cứ gọi lên là rõ hình hài”. Bài thơ có ba đoạn mà tác giả nhắc đến bốn lần điệp khúc “Mộ gió đây” cho ta hình dung nhà thơ như đang đứng trước hàng hàng, lớp lớp những ngôi “Mộ gió” mới biết sự hy sinh thật lớn lao mà lặng lẽ khiêm nhường.

Cái hay của tứ thơ bắt đầu từ nhịp điệu: “Mộ gió đây” như ngàn trùng lớp sóng cuộn vào nhau. Và cuộn vào cả: “Mộ gió đây cát vun thành da thịt - Mịn màng đi dìu dặt bên trời…”. Một sự hóa thân đến nhói lòng, thổn thức. Khổ thơ đầu mở ra một không gian mênh mông, kể cả mênh mông trong tâm tưởng với nhịp chậm rãi, trầm mặc nhiều liên tưởng như hoài vọng, hoài cảm. Khổ thơ thứ hai nhịp thơ lắng xuống: “Mộ gió đây những phút giây biển lặng”. Biển lặng những lòng người nổi sóng khi: “Gió là tay ôm ấp biến bờ xa” đã đẩy cảm xúc trào dâng thành cảm giác ám ảnh với thông điệp giàu tính biểu tượng nhân văn: Các anh sống mãi với quê hương, đất nước với đất liền; các anh vẫn giang tay ôm trọn vào lòng mình những tình cảm lớn lao. Và câu thơ hay nhất đẩy lên cao trào: “Chạm vào gió như chạm vào da thịt

                             Chạm vào

                                       Nhói buốt

                                                          Hoàng Sa…”

Câu thơ ngắt dòng như tiếng nghẹn nấc nhưng không vô vọng mà mở ra điệp trùng con sóng với bao khát vọng: “Mộ gió đây giăng từng hàng, từng lớp - Vẫn hùng binh giữa biển đảo xa khơi” Tôi gọi đây là con những con sóng lừng cuộn lên từ lòng đất, lòng người thật cao cao và bi tráng. “Mộ gió” chính là khúc ca bi tráng. Bi tráng từ hình hài đến nội tâm, từ đơn lẻ đến cộng hưởng, từ biển đến đất liền, từ đất liền ra biển. Âm hưởng anh hùng ca như trào dâng những ngọn sóng thi ca đã tạc lên một tượng đài bất tử. Bất tử trong ngàn trùng con sóng. Bất tử trong tâm thức con người đất Việt đầy kiêu hãnh và tự tin, tự lớn từ truyền thống lịch sử ngàn đời giữ biển. “Mộ gió” chính là những cột mốc thiêng liêng, những cột mốc tâm linh “Là mộ gió, gió thổi hoài, thổi mãi - Thổi bùng lên những ngọn sóng ngang trời” mở ra một biên độ lớn lao, một chiều kích khác vượt qua bao sóng gió để trụ lại, neo vững bảo vệ lãnh hải biên cương của Tổ Quốc.

Bài thơ “Mộ gió” đã được giải cao trong cuộc thi thơ “Đây biển Việt Nam”. Bài thơ ngắn gọn, cấu tứ chặt chẽ nhưng âm hưởng của nó giống như một bản giao hưởng đầy nội lực, trào dâng cộng hưởng mạnh mẽ xúc động và bi tráng. Đúng như nhà thơ Hữu Thỉnh đã nhận xét: “Bài thơ ẩn chứa sự đau đớn, cảm phục và tôn vinh một cách toàn bích hình ảnh sự hy sinh anh dũng của người chiến sỹ nơi đầu sóng, ngọn gió. Cảm xúc rất mạnh dâng lên cao trào tứ thơ được đẩy lên đến vô tận…”

N.N.P

. . . . .
Loading the player...