07-12-2024 - 23:17

Thơ chọn lời bình: Ngọn khói

“Ngọn khói" là một bài thơ hay, giàu cảm xúc và ý nghĩa. Bài thơ đã chạm đến trái tim của người đọc bằng những hình ảnh giản dị, chân thật và những câu thơ sâu lắng. Đây là một tác phẩm tiêu biểu của nhà thơ Hữu Thỉnh, góp phần làm phong phú thêm kho tàng thơ ca Việt Nam. Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu bài thơ qua lời bình của nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú.

         NGỌN KHÓI

Sao tôi cứ lan man cùng khói ấy
Mẹ nhóm lên nghi ngút mé đồi
Bùn đất, cỏ khô ngùn ngụt cháy
Cả mùa đông tìm đến sưởi cùng tôi

Khói như cây biết sinh quả theo mùa
Thong thả chín, mẹ lại bồi thêm cỏ
Tháng Chạp gầy hoa mua nhen nhóm nở
Tím như là an ủi cả chiều đông

Ngọn khói xưa giờ ở nơi đâu
Có nhớ mẹ tôi mé đồi cỏ cháy
Có cay đắng trước nỗi đời oan trái
Có thấm buồn bèo bọt táp ngang sông

Ngọn khói xưa còn nhớ tôi không
Tóc trôi dạt vẫn hăng mùi cỏ đất
Đi suốt nụ cười, phía sau tay bắt
Vẫn lan man cùng ngọn khói quê nghèo

                                                  Hữu Thỉnh

Lời bình :


Khi mùa đông về cái lạnh giá cho ta nhớ đến sự ấm áp tin cậy của bếp lửa, ngọn khói. Nhà thơ Hữu Thỉnh đã có tứ thơ khá hay và xúc động khi viết về “Ngọn khói”. Hữu Thỉnh là nhà thơ tài hoa viết rất hay về những sự thiếu hụt cơ nhỡ, về những cái nhỏ nhoi bình thường mà người đời dễ bỏ qua, dễ quên. Ông nhiều năm là Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam và được vinh dự nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. 
Đọc “Ngọn khói” của Hữu Thỉnh tôi lại nhớ câu thơ khá hay và rất ấn tượng trong bài thơ “Bếp lửa” của nhà thơ Bằng Việt: “Cứ nhớ khói hun nhèm mắt cháu – Nghĩ đến bây giờ sóng mũi vẫn còn cay” khói ám ảnh, khói ân tình. Cái mùi khói mang hương đồng ruộng của rơm của rạ của mái tranh nghèo của mùi cơm gạo mới. Cái ngọn khói rút ruột từ những dầu dãi nắng mưa ấy lại được Hữu Thỉnh chọn là: “Sao tôi cứ lan man cùng khói ấy - Mẹ nhóm lên nghi ngút mé đồi”. Vùng đồi trung du quê ông có: “Bùn đất, cỏ khô ngùn ngụt cháy”. Ở đây tôi rất thích cái tâm trạng “lan man cùng khói” của thi sĩ. Cái lan man như người hay chuyện, cái lan man lan tỏa nồng nàn. Và định vị một điểm tựa đó là hình ảnh mẹ nhen nhóm ngọn khói để rồi bất chợt thăng hoa một câu thơ hay: “Cả mùa đông tìm đến sưởi cùng tôi”. Ở đây ngọn khói cũng biết sinh thành, sinh nở hay là sự hồi sinh sự sống từ cái chết già nua, già cội héo khô để: “Khói như cây biết sinh quả theo mùa”. Cây ra hoa kết trái có ngọn là nơi nhạy cảm xanh tươi và non tơ để hé nụ đơm cành thì ngọn khói ở cây khói từ tay mẹ nhóm lên cũng: “Thong thả chín, mẹ lại bồi thêm cỏ”. Có một sự liên tưởng khá thú vị bếp lửa sinh ra ngọn khói để nấu chín thức ăn thì ngọn khói ở đây lại nhen nhóm để chín quả trên cành, chín thong thả như một sự chiêm nghiệm và thật bất ngờ: “Tháng Chạp gầy hoa mua nhen nhóm nở”. Hoa mua mọc ở triền đồi với màu tím thủy chung để bừng sáng để đồng cảm để hóa thân với sự sẻ chia ân tình: “Tím như là an ủi cả chiều đông”. Sự thiếu hụt được bồi đắp bằng cả sắc màu và độ ấm áp tin cậy. 


Khói của Hữu Thỉnh chính là sự trải nghiệm tình đời, tình người với bao giăng mắc trăn trở khi nhớ về ngọn khói xưa, khói trong kí ức: “Có nhớ mẹ tôi mé đồi cỏ cháy - Có cay đắng trước nỗi đời oan trái - Có thấm buồn bèo bọt táp ngang sông”. Với câu hỏi tự vấn lòng mình thật thảng thốt để thổn thức ba lần nhà thơ nhắc lại “có”: “Có cay đắng” rồi “có thấm buồn” khi “có nhớ mẹ tôi”. Thơ hay là thơ chạm được đến sự trắc ẩn sâu thẳm mà ở đây chính với ngọn khói cay nồng bình dị ấy đã đánh thức bao nỗi buồn thấm tháp. Nhà thơ lan man đi tìm: “Ngọn khói xưa giờ ở nơi đâu” một câu hỏi nhói lòng như hàm chứa bao ân nghĩa của sự cảm thông tri kỉ. Một vương vấn, một sẽ chia: “Ngọn khói xưa còn nhớ tôi không - Tóc trôi dạt vẫn hăng mùi cỏ đất”. Chúng ta thường hay ví von tóc sương, tóc bạc thì ở đây tóc như sợi khói và khói đốt lên từ mùi cỏ đất. Có thể nói không gian khói, thời gian khói và cả  hồn cốt khói thấm đậm qua lăng kính tâm hồn của nhà thơ được hóa thân để sưởi ấm lòng người trong ngày đông giá buốt. Đó cũng chính là nghĩa cử cao cả rất nhân văn với động thái: “Đi suốt nụ cười, phía sau tay bắt - Vẫn lan man cùng ngọn khói quê nghèo”. Lan man đến cô đọng, để kết tủa chưng cất những ấm áp chân tình qua dãi dầu giá lạnh mùa đông khi hạnh phúc bình dị được: “Vẫn lan man cùng ngọn khói quê nghèo”


Nguyễn Ngọc Phú


 

. . . . .
Loading the player...