07-11-2022 - 16:09

Tản văn Tô màu cho ký ức

Văn nghệ Hà Tĩnh hân hanh giới thiệu tản văn Tô màu cho ký ức của tác giả Nguyễn Minh Hiếu, lớp 9A, THCS Hoàng Xuân Hãn, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh.

Tô màu cho ký ức

                                                                           

 

         Cuộc đời của mỗi con người cũng giống như những cuốn phim dài tập. Tôi, bạn, chúng ta đều có một cuộc đời để sống và cuộc đời của mỗi người sẽ có những lúc thăng lúc trầm, có những khoảnh khắc, những kỉ niệm mà ta luôn đặt nó ở một góc nhỏ trong tim hay những ngày tháng mà ta không muốn nhớ đến. Đối với tôi, dù có là những lần vấp ngã hay là những kí ức tươi đẹp đi chăng nữa thì mọi thứ đều xứng đáng được ghi lại trong bộ phim của tôi. Và một phần không thể thiếu trong cuộc đời của tôi, và là điều khiến tôi cảm  thấy mình thật hạnh phúc đó chính là những năm tháng vất vả nhưng cũng không thiếu những niềm vui, sự ấm áp mà mọi người dành cho nhau trong trận lũ năm 2010.

 

          Tôi sinh ra trong một gia đình có bố và mẹ đều làm giáo viên, dạy ở một ngôi trường miền ngược - một nơi cách xa ánh đèn cao áp và ít ai biết tới. Chính vì thế từ nhỏ tôi đã sống ở khu nội trú lụp xụp cùng bố mẹ và các dì, các chú cùng  trường với bố mẹ tôi. Ngày đó tôi còn bé lắm, chỉ mới gần 3 tuổi, vì thế những khoảnh khắc trong lúc đó tôi cũng không nhớ rõ, mãi đến sau này khi tôi đã lớn, thì mẹ đã kể lại cho tôi nghe những ngày tháng sống dưới mái nhà nội trú, quãng thời gian mà chúng tôi đã cùng nhau trải qua trong cơn bão lịch sử. Mẹ tôi nói rằng trận lũ ập đến sát với ngày 20.10, bầu trời lúc đó đã chẳng còn thấy màu xanh cao vời vợi mà đã trở nên u tối, những cây bàng trước dãy nhà ngả nghiêng rồi nạp mình thành những cơn gió xoáy. Từng cơn mưa ào ào đổ xuống, xối xả trên thềm đất, mái ngói, ngọn cây. Lúc đó mưa lớn lắm, ai cũng  nghĩ rằng khu nhà nội trú chắc chắn sẽ bị ngập nên tất cả mọi người đã tiến hành khuân hết đồ đạc sang hết bên ngôi trường cấp 1 nằm ngay bên cạnh dãy nhà nội trú ngay trong đêm. Những cơn mưa nặng hạt cứ thế kéo đến chẳng mấy chốc đã ngập đến bậc tam cấp ở sân trường. Trong ký ức nhạt nhòa của tôi, tôi thấy hình ảnh của mẹ tôi bước những bước đi nặng nề lên trên cầu thang tầng hai, còn tôi thì được cô Hồng bế tôi trên người đi theo chân các chú đang mang vác đồ đạc. Mẹ nói với tôi rằng lúc đó mẹ lo lắm vì lúc đó cũng chính là lúc mẹ sắp sửa sinh em gái tôi. Khi đó, tất cả mọi người đều rất gấp rút  chạy qua chạy lại để vận chuyển đồ dùng riêng mẹ tôi thì chỉ cần quét dọn lại phòng học mà chúng tôi sẽ ở bởi lúc đó mẹ tôi đã mang bầu tháng 8 nên không thể nào vận động được nhiều nữa. Mẹ còn kể rằng lúc đó tôi đã khóc rất lớn vì sợ nhưng rồi sau một lúc mẹ dỗ dành thì tôi lại thiếp đi lúc nào không hay.

          Trong lời kể của mẹ thì mặc dù đã qua ngày thứ hai cơn bão đổ bộ nhưng cơn bão vẫn rất dữ dội. Nước trong sân trường dâng cao, mặt nước đỏ ngầu. Những dãy ngô, dãy lạc ở trước ngôi trường giờ lúc đó chỉ còn là một màu trắng xóa. Nước sông sôi sục chảy xiết, cuốn trôi theo biết bao đồ đạc. Tôi còn nhớ như in hình ảnh bố cõng tôi trên lưng, mọi người đều đứng ở trên tầng hai của ngôi trường bất lực đứng nhìn những chiếc bàn, cái ghế ở tầng một bị cuốn theo dòng nước; hình ảnh bố và các chú  phải chèo thuyền đi vào từng ngôi nhà  xung quanh trường để tìm mua trái đu đủ, hay con cá. Chiếc thuyền lòa nhòa ẩn hiện trong cơn mưa bao phủ. Mẹ tôi còn kể rằng, trong cơn mưa dữ dội đó, một chiếc thuyền đi vào trong ngôi trường, mà mẹ tôi nói đó chính là vợ chồng cô hiệu trưởng. Họ đã đưa đến cho chúng tôi từng miếng cu đơ, từng thùng mì tôm để chúng tôi có thể trang trải qua những ngày mưa gió. Những người dân xung quanh cũng mang đến cho chúng tôi rất nhiều thứ, họ mang đến cho chúng tôi từng bình nước suối để chúng tôi có nước sinh hoạt, từng cái đèn pin những lúc mất điện, từng túi gạo để chúng tôi ăn qua ngày. Khoảnh khắc ấy không hiểu sao lại khiến cho một đứa trẻ như tôi cảm nhận được sự ấm áp của những con người xa lạ dành cho nhau, họ sưởi ấm cho nhau trong những ngày mưa lạnh giá. Dẫu những thứ ấy tất cả chúng  ta đều có thể mua được và nhiều hơn thế nhưng trong những ngày đó, chúng tôi đã đồng hành cùng nhau, dành cho nhau những thứ tình cảm đặc biệt và nhận được những món quà tuy nhỏ bé nhưng lại chứa đầy những tình cảm yêu thương ở trong đó.

        Mẹ đã nói với tôi rằng, trong suốt muời mấy năm  mẹ sống ở nội trú, mẹ đã sống qua nhiều mùa bão, nhưng có lẽ cơn lũ năm 2010 chính là mùa bão tồi tệ nhất. Mỗi năm bão đổ về, những lần như thế có biết bao nỗi lo. Những người nông dân thì lo những đợt lúa, đợt ngô, đợt lạc mà mình dày công chuẩn bị, bán mặt cho đất bán lưng cho trời lại bị mất mùa. Những người chiến sĩ lại lo rằng nhà dân lại bị tốc mái, nước dâng cao không biết mọi người có biết di dời đến nơi an toàn hay không. Ai cũng có những nỗi lo riêng của mình, còn những người giáo viên như mẹ lại lo rằng liệu rằng sau cơn bão, các cô cậu học sinh có lại đến lớp nữa không? Có đủ chỗ ngồi cho học sinh nữa không? Liệu rằng con đường đến trường có lấm lem bùn đất, gây khó khăn cho học sinh? Những suy nghĩ đó cứ quanh quẩn mãi trong tâm trí của những người mang trong mình sứ mệnh đem đến những con chữ, chắp cánh những ước mơ cho những đứa trẻ. Cuối cùng thì cơn bão cũng đã đi qua, dù nó đến hay đi thì đều nói lời chào chúng tôi bằng một cơn mưa rất lớn, phải mất đến một tuần thì nước mới rút hết khỏi sân trường. Bão đi rồi để lại thiệt hại nặng nề cho rất nhiều người dân nơi vùng quê nghèo này. Nhiều ngôi nhà bị tóc mái, bay loảng choảng, rồi rơi, hàng loạt ngôi nhà bị sạt móng, ngã vách. Có những ngôi nhà chỉ còn là đống gạch vụ, kể cả khi nó là nơi mà những người nông dân đã gắn bó và phải chắt chiu từng đồng , từng cắc mới có được. Tài sản bị bão lũ cướp đi, mạng người cũng không tránh khỏi. Tất cả mọi người, các anh thanh niên, các chú, các cô đều xắn tay để dọn dẹp "hiện trường" mà cơn bão đã gây ra. Mẹ kể rằng sau cơn bão lũ qua đi, làng mạc, mái trường trở thành một màu đơn điệu, quang cảnh thật lặng lẽ trầm buồn, thế nhưng trong đó không thể thiếu những niềm vui, sự ấm áp len lỏi mà những con người đã dành cho nhau, để cùng nhau đi qua mùa bão.

       Trong cuộc sống này, có chia ly nào mà không đau đớn? Có cách xa nào  mà chẳng vấn vương? Hơn 11 năm tôi gắn bó với dãy nhà nội trú, với những con người chưa từng biết đến nhưng rồi lại dành cho nhau những tình cảm hơn cả ruột thịt, với những ngày tháng có buồn, có vui, có những vất vả. Bằng những ký ức nhạt nhòa cùng lời kể của mẹ, tôi viết lên những dòng này để nói lời tạm biệt với dãy nhà nội trú phủ đầy những lớp rêu xanh. Cũng có một chút bùi ngùi, quyến luyến với khoảng thời gian mà tôi đã trải qua nhưng cũng cảm thấy hạnh phúc vì gia đình tôi đã bắt đầu hướng tới một cuộc sống mới. Tôi luôn cảm thấy biết ơn cuộc đời này đã cho tôi nhiều thứ, đã dạy tôi cách yêu thương và buộc tôi phải mạnh mẽ khi đứng trước những gian truân giữa cuộc đời này. Đối với tôi căn phòng đó, dãy nhà đó từ lâu đã trở thành một phần trong kí ức tươi đẹp của tuổi thơ tôi, ở đó có những thứ tình cảm mà tôi mong rằng có thể đón nhận thêm một lần nữa trong cuộc đời.

. . . . .
Loading the player...