25-09-2023 - 08:30

Tản văn Mùa bứa chín của tác giả Phan Dũng Thế Toàn

Khi nắng hè đã dịu, thời tiết dần chuyển sang thu, cũng là lúc những quả bứa rừng trung du bắt đầu ươm lên màu vàng nhạt, ẩn hiện giữa tán lá xanh mướt. Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu tản văn Mùa bứa chín của tác giả Phan Dũng Thế Toàn, chuyên ngành Văn Xuôi, Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh.

MÙA BỨA CHÍN

                                            Phan Dũng Thế Toàn

 

Sáng nay ra thăm vườn, thấy bứa chín vàng ruộm trên cành, rụng đầy dưới gốc.

Bứa là loài cây thân gỗ sống lâu năm, có cây đến hàng trăm năm. Mẹ tôi kể từ khi về làm dâu, mẹ đã thấy nhà có nhiều cây bứa. Cây bứa được trồng xung quanh vườn, vườn nhà tôi lại rộng đến mấy nghìn mét vuông. Hồi còn nhỏ, chúng tôi thường lấy tay ướm thử thân cây. Có những cây to bằng vòng tay của hai đứa trẻ, nhiều cây cao chót vót nhìn hút tầm mắt.

Vào mùa hè, bứa ra lộc xanh mỡ màng. Đi qua cây bứa thuận tay, ngắt một chiếc lá cho vào miệng nhai, cảm nhận được vị thanh chua. Mẹ tôi thường lấy lá bứa nấu canh cá tràu. Cá tràu bắt ngoài đồng về, làm sạch, cắt thành từng khúc, ướp muối, hành tăm, thêm một ít nước nghệ, phải là nghệ giã nhỏ khuấy trong vôi tôi chắt lấy nước cho cái màu vàng tươi rất đẹp. Lá bứa hái từ cây xuống, chọn những lá không quá già cũng không quá non, rửa sạch để ráo nước. Mẹ bắc nồi lên bếp củi nghi ngút khói, cho vào ít mỡ, lúc mỡ đủ độ nóng, cho tất cả tô cá đã ướp vào đảo đều, khi nào dậy mùi thơm thì đổ nước lã vào, thêm lửa cho nước sôi lên, thả lá bứa đã rửa sạch vào nồi, chờ sôi mấy tráo nhắc nồi ra. Mùi canh cá dậy khắp gian bếp nhỏ, bay lên cả ngôi nhà ngói ba gian, bọn trẻ trong nhà đứa nào cũng nhận ra hương vị hấp dẫn, vẫn chạy xuống hỏi mẹ: “Nhà mình hôm nay có canh cá tràu nấu lá bứa hả mẹ?”. Mẹ vớt lá bứa ra, múc canh vào tô, tô canh nổi sao màu vàng của nghệ, nổi cả những khúc cá lại tỏa hương thơm vị của lá bứa thơm điếc mũi. Mấy đứa trẻ ngồi bên mâm cơm, chờ mẹ múc canh cho từng đứa, hì hụp ăn, thật ngon miệng. Đến bây giờ đã tuổi tác, từng ăn uống nhiều mâm cỗ sang trọng ở nhiều vùng miền và trong cả các nhà hàng khách sạn, tôi vẫn không quên được vị chua thanh ngọt và bùi bùi của bát canh cá tràu nấu với lá bứa của mẹ. Tôi vẫn luôn tâm niệm rằng đó là bát canh ngon nhất trong đời mình được thưởng thức.

Vườn nhà tôi có nhiều loại bứa. Nếu chỉ nhìn thân cây hay cành lá không thể phân biệt được các loại cây bứa khác nhau. Đến mùa có quả mới phân biệt được các loại cây bứa. Quả bứa hình tròn có vỏ dày, lúc đầu có màu xanh, khi chín ngả màu vàng. Quả có khía múi, nhìn vào đó sẽ phân biệt được các loại bứa. Cây bứa mật múi có màu hơi đỏ sẫm, trông như ai tưới mật vào, vị ngọt đậm nhưng ít thịt. Bứa lòn múi màu vàng, thịt trong múi không được dày, có vị chua. Bứa nếp múi màu vàng tươi, thịt dày, vị thanh chua rất hấp dẫn. Bọn trẻ chúng tôi thường thích ăn bứa nếp nhất, và khi mang xuống chợ bán khách hàng cũng thích mua bứa nếp nhất, vì thế giá bán bứa nếp thường cao hơn các loại bứa khác.

Nhà tôi quý cây bứa lắm, vì có một thời cây bứa đã nuôi sống gia đình. Bố tôi đi chiến trường thượng Lào về, bị thương rồi mất sớm. Mẹ tôi làm việc trong Hợp tác xã, ăn theo công điểm, một mình mẹ nuôi một lũ con lít nhít, không hề dễ dàng. Ngoài làm việc ở Hợp tác xã, mẹ còn chăm bón cây cối trong vườn bán kiếm tiền nuôi cả gia đình. Đối với bọn trẻ chúng tôi, quả bứa là thứ sinh ra tiền để mẹ đi mua sách vở và quần áo mới cho chúng tôi. Vào những năm tám mươi của thế kỉ trước, khi các loại quả còn quý hiếm, đến mùa bứa chín, chúng tôi thường đi hái quả mang ra chợ bán để lấy tiền chi tiêu. Bứa nhà tôi thường chín vào cuối tháng tám đầu tháng chín. Trong làng chỉ có nhà tôi là trồng nhiều cây bứa. Khi bứa chín, buổi trưa chúng tôi thường không được ngủ, mẹ bảo các con phải thức để canh cây bứa nếu không người ta sẽ đến hái hết. Những kẻ đến hái trộm bứa nhà tôi thường chọn hái vào buổi trưa khi mọi người đang ngơi nghỉ. Kẻ hái trộm có cả trẻ con và người lớn. Anh chị em tôi cắt cử nhau canh cây bứa, ngồi trong nhà thỉnh thoảng chạy ra canh chừng. Có hôm tôi ra, thấy mấy thằng bạn học đang ngồi vắt vẻo trên cây bứa nhà mình, bực mình nhưng thấy bọn chúng tôi vẫn chạy đến dưới gốc cây nói nhỏ: “Chúng mày hái thêm vài quả rồi xuống ngay!”. Có đứa nghe lời, có đứa làm lì không nghe. Nếu anh tôi ra mà thấy thế, anh sẽ vác đá ném không nương tay. Bọn trẻ chỉ cần thấy bóng anh tôi đã vội tuột xuống thật nhanh, có đứa tay chân bị thân bứa cọ xát đến tứa máu. Thế nhưng chúng tôi vừa quay vào nhà, chúng lại chạy ào đến, leo lên cây nhanh như những con khỉ trên rừng.

Buổi chiều mẹ thường sai anh chị em chúng tôi hái bứa. Anh chị tôi biết trèo nên leo lên cây, dùng ngoặc chọc bứa rơi xuống, mấy đứa nhỏ chúng tôi nhặt vào rổ. Khi hái xong, anh em tôi đưa vào đổ cả ra sân, lựa các loại quả to chín mọng đẹp để một nơi, quả nhỏ eo óc để một nơi, rồi bỏ vào bì hoặc vào rổ. Sáng hôm sau thứ trong rổ mẹ tôi ghánh xuống chợ bán. Anh chị tôi chở bứa đựng trong bì sang bán ở chợ thành phố. Buổi trưa mẹ và anh chị về, lấy tiền ra, toàn tiền lẻ mấy hào mấy đồng, mọi người vuốt những tờ tiền thật phẳng để theo mệnh giá rồi đưa hết cả cho mẹ. Hôm bán được giá, khuôn mặt ai cũng rạng rỡ. Mẹ cầm những đồng tiền trong tay, bảo: “Thêm ít bữa bán bứa nữa là thằng Ba có tiền mua áo mới, mẹ sẽ mua cho con Bốn cái áo hoa, và mua cho út em sách vở giấy bút”. Chúng tôi ai cũng háo hức chờ đợi. Thế là năm học sắp đến, chúng tôi cũng sẽ bằng bạn bằng bè trong thôn xóm, không thua kém gì.

Tôi thích theo mẹ đi bán bứa đúng vào ngày Tết Độc lập mồng 2/9. Ngày Tết Độc lập, mọi người dân huyện nhà đều đổ về sân vận động tại thị trấn, ở đây có tổ chứa lễ mít tinh và hội vui. Vui nhất là bọn trẻ con được mặc áo đẹp được cùng người lớn đi chơi, được người lớn mua cho những thứ quà quê như quả bứa, quả ổi, quả thị, kẹo vừng, kẹo lạc, kẹo bột,… những thứ mà ngày thường chẳng mấy khi được thưởng thức. Các anh chị tôi chạy lung tung cùng chúng bạn. Tôi ngồi với mẹ bên rổ bứa, quan sát người bán người mua, kì kèo trả giá, có người xin ăn thử nhưng không mua, có người mua không cần nếm thử. Dù bán được hết hay không hết mẹ đều dành tiền mua quà cho tôi. Mấy ngày sau là ngày khai trường, khi đến trường, trong các câu chuyện kể với bạn bè có câu chuyện được bố mẹ cho đi chơi ngày Tết Độc lập.

Mùa bứa chín

 

Tôi nhìn cây bứa nhà mình quả chín vàng trên cành và rơi đầy dưới gốc. Tôi gom nhặt chúng vào cái giỏ nhỏ. Bọn trẻ nhà tôi nó không thích loại quả này, nó chỉ ăn những thứ mới lạ mẹ mua về, mà cũng phải thuyết phục mãi mới chịu ăn. Nếu bây giờ chúng tôi đưa ra chợ bán chắc gì đã có ai mua thứ quả quê này nữa. Nhà tôi cũng không còn phụ thuộc vào mùa bứa để bán lấy tiền mua quần áo sách vở cho con nhân dịp năm học mới. Bây giờ ngày 2/9 người ta cũng không tổ chức lễ hội ở Sân vận động Huyện nữa. Những năm trước chưa bùng phát dịch bệnh Covid-19, ngày 2/9 vợ chồng tôi thường đưa các con đi chơi công viên, đi siêu thị hoặc đi tắm biển. Năm nay mọi người ở nhà chống dịch và xem tivi. Tôi gọi hai đứa con mình cùng ra nhặt quả bứa bỏ vào giỏ. Chúng đi ra, làm theo lời bố, nhưng lại hỏi:

- Sao bố không chặt cây bứa này để trồng cây khác. Năm nào mùa bứa chín con cũng thấy bố nhặt mang vào nhà, chỉ bố và mẹ ăn mấy quả, còn lại để thừa vứt đi. Những thứ bố vứt nó lại mọc cây mới. Khéo sau này vườn nhà ta thành vườn bứa!

Tôi ngừng chọc quả chín trên cây, quay sang nói với hai con:

- Cây này ông nội con trồng trước khi ra chiến trường, bà nội con đã chăm sóc để nó trưởng thành. Khi nó lớn lên, nó đã góp phần nuôi sống cả nhà bố, bà nội, các bác, các cô và bố. Nó là kỉ niệm tuổi thơ của bố. Kỉ niệm dù cao sang hay quê mùa cũng phải trân trọng các con nhé. Chẳng ai lại chặt bỏ kỉ niệm để vất nó đi cả. Có những thứ bây giờ các con thấy bình thường, sau này lại trở thành kỉ niệm của các con, đôi khi đi tìm chưa hẳn đã thấy lại. Bố còn có kỉ niệm này nên bố phải giữ!

Hai đứa con tròn mắt nhìn tôi, chúng lại cúi lom khom nhặt bứa. Có thể bây giờ các con chưa hiểu, khi lớn lên rồi các con sẽ hiểu.

 

 

P.D.T.T

. . . . .
Loading the player...