Tản văn "Đôi bờ kỷ niệm" của tác giả Nguyễn Thị Hồng Nhung, giáo viên trường THCS Sơn Kim (Hương Sơn) là một tác phẩm giàu cảm xúc, thành công trong việc gợi lại những kỷ niệm tuổi thơ gắn liền với cây cầu Mỹ Thịnh bắc qua dòng sông Ngàn Phố với những hình ảnh, chi tiết được miêu tả một cách sinh động, gần gũi
ĐÔI BỜ KỶ NIỆM
Nguyễn Thị Hồng Nhung
Mỗi lần đi qua cây cầu mới bắc ngang con sông Ngàn Phố, nối giữa hai xã An Hòa Thịnh và xã Sơn Tân Mỹ Hà-gọi là cầu Mỹ Thịnh-lặng ngắm nước sông trôi miên man về tận ngôi làng xinh yêu, tôi lại có những cảm xúc dâng trào với nỗi nhớ da diết về những kỷ niệm thời còn được sống trong vòng tay của cha mẹ và sự chở che của làng quê. Nơi ấy nuôi dưỡng và in dấu trong mỗi thế hệ người con xa quê bao kỷ niệm khó quên, đặc biệt đôi bờ sông Ngàn phố như một bấc tranh đủ màu sắc đổi thay theo thời gian.
Làng tôi nằm hửng hờ, gieo neo giữa một vùng đồng bằng nhỏ ở huyện miền núi. Làng tôi và làng bên kia sông cách nhau con sông Ngàn Phố. Bốn mùa phân hóa rõ rệt. Cuộc sống bình dị trôi theo tháng năm. Bao nhiêu người sinh ra, lớn lên học tập, khăn gói rời quê hương đi làm ăn rồi lập gia đình ở một vùng đất mới và có một cuộc sống đủ đầy hơn. Thỉnh thoảng trở về lại hoang hoải nỗi nhớ những kỷ niệm muôn màu được cất giấu trong trái tim. Đó là vào độ mùa gặt, con đường nho nhỏ phủ đầy rơm rạ cho đôi chân trần bước bộ đến trường; là những khi bì bõm giữa đống bùn đất hương vị phù sa sau trận lũ kéo từ thượng nguồn về. Và cũng có khi đôi chân nhẹ bước, hai bàn tay chụm lại hứng những chiếc lá vàng rơi nhẹ trong tiếng gió rì rì của mùa thu; cũng có lúc tưởng chừng lạc vào chốn mê cung hoa trong dịp xuân về… Chao ôi! Làng quê của ngày ấy mới đẹp làm sao.
Nhìn từ trên cao, ngôi làng tựa như chiếc lá dâu tằm dựa mình bên dòng sông. Mùa hè, ánh nắng gay gắt nung nấu nước sông cùng vời nguồn gió Lào thổi về quạt mạnh rồi mang hơi nước bay về phía trời cao bởi thế dòng sông cứ cạn dần. Xuất hiện những bãi bồi giữa dòng sông, màu cát trăng trắng ánh lên như pha lê sáng chói dưới tía nắng mặt trời. Giữa trưa, lũ trẻ con trong làng chẳng chịu nghỉ ngơi. Chúng trốn phụ huynh rón rén ra khỏi nhà, chạy thình thịch về phía bờ sông. Những bộ quân áo lấm lém nhọ nồi, lỗ đổ vài chổ rách nằm ngay ngắn trên bãi cỏ cháy sau thời gian phơi mình dưới chảo lữa. Đứa lớn, đưa nhỏ thi nhau hụp lặn, hò hét làm inh ỏi cả xóm làng, bác lái thuyền đang nhỉ ngơi bên kia sông cũng phải giật mình tỉnh dậy mắng cho một trận. Ấy vậy, chúng dạ vâng rồi vẫn tiếp tục bài cũ của trẻ con hụp lặn, hò hét. Có đứa như ông bà cụ non, tuổi ít nhưng suy nghĩ như người lớn, biết thương bố mẹ không đủ tiền mua thịt cá nên chịu khó mò bắt hến dưới đáy sông. Những con hến ngày hè có thể được chế biến nhiều món ăn ngon: canh hến nấu hẹ, hến xào giá, hến trộn dưa chuột kẹp cùng bánh đa…ăn vào béo ngậy. Khi mặt trời từ từ đi về phía lũy tre, từ trẻ nhỏ đến người già, từ đàn ông đến đàn bà lại í ới gọi nhau ra sông tắm mát. Buổi chiều trên sông quê nhộn nhịp như trẩy hội. Bãi cát trải dài, lấp loáng ánh kim, mấy đứa nhỏ ngồi chỏng xoài đắp thành những cồn cát to nhỏ như để tưởng nhớ những người đã từng bị máy bay B52 vùi lấp ngay trên bãi sông này. Lại có nhóm tụ tập bàn chuyện tìm ra ngôn từ thật đắt, thật ác để chửi mấy đứa bên sông.
Cầu Mỹ Thịnh
Bên kia sông, bãi dâu trải dài bạt ngàn xanh mơn mởn như một tấm gương phản chiếu ánh trời xanh. Cứ chiều về, mấy đứa lại đạp xe ven theo đường tám cũ, vòng qua bãi dâu, để xe ngay ngắn giữa bãi cát, lao về con sông hụp lặn và không quên buông lời trêu chọc lũ chúng tôi bên này. Có đứa chống hai tay lên hông, vênh mặt cười nhạo; có đứa chổng mông sang đối phương thách thức. Hai bên nói nhau chí chóe, chẳng bên nào chịu nhường bên nào và chưa có hồi kết thúc. Mỗi chiều buông xuống, hai bên lại tự khịa chuyện chửi nhau. Tưởng chừng chúng tôi mãi mãi hận thù nhau nhưng ngược lại càng trân trọng, nhớ về nhau với những ký ức đẹp đẽ nhất. Ôi, kỷ niệm trong sáng, hồn nhiên này làm sao quên được! Nay mỗi đứa một nơi, có gia đình đông đủ con cháu vẫn mong mỏi tìm bóng dáng đối thủ năm nào nhưng chỉ còn là hoài niệm.
Ngày nay, không còn cánh đồng dâu mà thay vào đó là những hàng phi lau kiên cố cho đàn chim bay về làm tổ. Và không còn bãi cát thoai thoải xuống lòng sông như tấm cầu trượt cho lũ trẻ phi vào dòng nước trong veo mà thay vào đó là bờ kè đá kiên cố giữ chặt hàng cây và cho mấy ngôi nhà không bị trôi theo dòng nước lũ. Người ta thường nói mùa thu đến mang theo giai điệu buồn bởi khí trời nhuộm sắc vàng trên lá, héo úa, tàn tạ còn gió trời đẩy lá cuốn đi về đâu hay chôn vùi đâu đó rồi bị lãng quên, cuối cùng thành lớp mùn đất nuôi dưỡng cây. Mùa thu trên quê tôi chẳng ai buồn quan tâm cây kia rụng bao nhiêu lá mà là một nỗi lo mùa mưa bão. Thường vào tiết trời tháng tám âm lịch, những cơn bão hình thành từ ngoài biển đông cuồn cuộn lao vào đất liền, vượt qua núi Hồng Lĩnh, tạt qua làng bẻ gãy mấy cành cây, vật lộn với tiểu đội ngô chưa kịp trổ bông khiến chúng nằm ngã nghiêng la liệt trên cánh đồng. Sau chuyến ghé qua làng, bão đổ bộ lên thượng Lào, hình thành một vùng áp thấp gây mưa cục bộ. Mưa từng trộ, mưa xối xả, nước sông dâng lên, kéo về hạ lưu, tràn vào các vùng thấp trũng, ngập nhà cửa. Với kinh nghiệm vốn có của người xưa để lại, mỗi khi nước dâng lên, cả làng lại rủ nhau lùa đàn trâu bò về núi cao tránh lũ. Mấy đứa trẻ trong làng lại gói cơm, rang lạc, rang ngô, thêm bộ bài… rủ nhau chăn trâu chăn bò đến tối mịt mới được bố mẹ chở về bằng thuyền ba ván. Thuyền lướt qua con suối, nước cuồn cuộn, sủi bọt, đục vàng như hăm dọa những người có trái tim sắt đá ngồi trên con thuyền đó. Năm tháng trôi qua, những người từng vượt lũ trên con suối ấy vẫn giữ tinh thần thép. Một số người về với thế giới bên kia do những nguyên nhân khác nhau: tuổi cao, bệnh tật, tai nạn xe cộ…chứ không phải bị lũ cuốn đi. Người làng tôi như những khóm tre đĩnh đạc đầu làng: gan dạ, dũng cảm, kiên cố, lớp này tàn lại có lớp khác mọc lên.
Nước lũ từ thượng nguồn ào ạt đổ về, chọc mạnh vào lớp cát hai bên bờ sông tuồn về lưu vực ngàn sâu, cuốn theo hàng cây đẩy về sông Lam và tạo một lớp sâu hoắm với nước xoáy cuồn cuộn. Người ta làm kè đá để bảo vệ cây và những ngôi nhà ven sông. Dân chèo thuyền ba ván lướt ngang dòng nước, lao thẳng vun vút giữa lòng sông vớt củi rều chất đầy thuyền. Với kinh nghiệm của người dân vùng nước lũ, họ còn biết buộc chặt những cây gỗ lớn vào thoen thuyền rồi cầm chắc tay vụt qua lớp sóng sủi bọt cuồn cuộn về phía bờ. Lũ rút nhanh để lại hai bên bờ sông những khúc gỗ, củi rều, gà, lợn…tấp bạt ngàn lên hàng dâu và khóm tre chênh vênh giữa lòng sông. Nước lũ rút, trẻ con trong làng lại rủ nhau ra sông nhặt nhạnh lớp củi rều đem về phơi khô. Mỗi nhóm có khoảng vài đứa lớn nhỏ thi nhau ai có nhiều bó củi hơn. Thỉnh thoảng, cả hội lại quay mặt sang bên kia sông í ới trêu chọc mấy đứa cũng đang nhặt củi giữa hàng dâu nghiêng ngả. Khoảng cách giữa những đứa trẻ hai bên sông quá xa thì làm sao có thể nhìn rõ mặt nhau như mùa hè. Bóng dáng nhỏ dần, âm thanh nhạt nhòa nhưng vẫn cố nhớ gọi nhạu. Muốn gặp cũng phải đợi đến mùa hè năm sau bởi mùa đông hơi nước chẳng chị bay đi, nước sông cầm chừng và sâu.
Mùa hè hạn hán, thu về nước sông tràn trề còn mùa đông lạnh thấu xương. Nước sông đủ đầy, trong xanh tĩnh lặng nhưng mấy ai đủ sức chịu thò bàn chận xuống lòng sông khuấy nhẹ và thưởng thức cái rét dẫn về đau nhức khắp da thịt. Trải qua mùa rét cắt da cắt thịt, một số đứa nhà nghèo khoác chiếc áo len được thừa hường từ đời bố mẹ, anh chị với những vết khâu nhăm nhút, bạc màu. Còn đứa trẻ con nhà giàu có thêm quần áo ấm mới tinh mỗi khi chuyển mùa nhưng con số đó chỉ đếm đầu ngón tay. Lũ trẻ con trong làng tôi dù giàu hay nghèo đều có điểm chung: hiền lành, thật thà, chăm chỉ, có ý chí quyết tâm và tinh thần đoàn kết cao. Giữa trưa mùa đông, cả lũ ra bờ sông. Cảnh hụp lặn, hò hét và trêu chọc mấy đứa bên kia trở nên yên ắng, được thay thế bằng hành động rải lá chuối làm chiếu và chơi các trò chơi dân gian: ô oan quan, oẳn tù tỳ, đi chợ về chợ, nhảy dây, dung dăng dung dẻ…. Buổi trưa mùa đông chìm trong tiếng kèn lá du dương, tiếng chim hót rang rảng trên cây, tiếng gợn sóng trên mặt sông và cả khoảng khắc của mấy đứa mọt sách ngồi ôn bài như đang hát…Chiều đông về, làn khói lảng bảng trên những ngôi nhà tranh, mùi cơm nếp phảng phất cay nồng cánh mũi, ấm nước chè xanh hàn huyên đủ chuyện…Làng ven sông như ngôi nhà nhỏ giữa bầu trời đông âm u nhưng lắng đọng những niềm vui.
Theo quy luật của tự nhiên, bốn mùa luân chuyển, thời gian vĩnh hằng, con người đổi thay theo thời gian với mái tóc thêm nhiều sợi bạc cùng vết chân chim đan lồng nhau. Duy chỉ có sự cần cù chăm chỉ, chịu khó, lam lũ chính là hồn cốt của làng. Dẫu đi bất cứ nơi đâu, mỗi khi nhắc đến dân ven sông xã Sơn Thịnh người ta lại dành cho làng tôi cơn mưa lời khen với những phẩm chất vô cùng đáng quý, đặc biệt con gái Sơn Thịnh có làn da trắng hồng, khuôn mặt thanh tú, hiền lành và thủy chung. Ai lấy được gái Sơn Thịnh về làm vợ, hạnh phúc cả đời. Sơn Thịnh được xem là cái nôi của nghề đan lát, làm nón. Là những nghề nổi tiếng nhưng thu nhập thấp, làm chỉ vì đam mê và muốn giữ lại một nét đẹp truyền thống của quê hương. Về sau, nhiều anh chị có tay nghề, họ cũng rời quê đến một vùng đất khác với công việc mới có thu nhập cao hơn. Chỉ còn lại nghề trồng lúa nước và hoa màu cũng dư dả, đủ nuôi sống qua ngày nhưng vất vả, cực nhọc. Bến sông, mỗi mùa lạc về, họ mang ra sông rữa sạch rồi đưa về phơi khô; mùa gặt hè thu, họ lội qua dòng sông để đến ruộng đồng bên kia sông thu hoạch những hạt thóc vàng ươm mang về…Bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu niềm vui và cả những vất vả lo toan cuộc sống của những đứa con từng trải qua bên dòng sông Ngàn Phố luôn sống mãi trong tim.
Mùa xuân về trên quê xinh đẹp biết bao, ngàn hoa dại đua nở ven sông: xuyến chi sắc trắng dịu dàng, cỏ may mảnh khảnh đung đưa nhẹ nhàng trong làn gió thoảng…Dòng sông trong xanh nhưng không có những bãi bồi để lũ trẻ trong làng lội qua sông dễ dàng như ngày hè. Mặt nước sông sóng gợn vũ điệu thính phòng và những anh chàng cá, nàng tôm như những vũ công trượt patin trên nền nước lòng sông mà khán giả là lũ trẻ con chúng tôi. Có đứa dõi theo cặn kẽ, tỉ mĩ để rồi viết lên những trang thơ văn tuyệt sắc đi vào lòng người….
Giờ đây, đôi bờ sông Ngàn Phố chỉ còn là kỷ niệm. Không còn bãi cát chạy dài dọc theo con sông, bãi dâu bạt ngàn hun hút, không còn mấy đứa nhỏ chao chát bên kia sông và bên này sông, cũng chẳng còn âm vang inh ỏi giữa trưa hè hay mấy trò chơi dân gian náo loạn ngày đông. Ngày nay, đựợc sự quan tâm của chính quyền địa phương, và cả những người con xa quê thấu hiểu nổi khổ của dân nên đã chung sức xây bờ kè đá kiên cố chạy dọc ven sông. Làng ven sông khoác lên chiếc áo mới nhân tạo rực rỡ, sạch đẹp hơn với đường bê tông chạy dọc sông, hàng cây xanh tốt và hoa đủ màu sắc. Nhưng đôi bờ sông vẫn mãi là những kỷ niệm đẹp, trong veo, giản đơn, là cái hồn để mỗi khi chúng tôi tìm về.
N.T.H.N