31-12-2021 - 08:26

Tác phẩm dự thi viết - vẽ tuổi học trò lần thứ XIII

Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu truyện ngắn "Chiếc nón kỳ diệu" của em Nguyễn Phan Bảo Chi - Tác phẩm dự thi viết - vẽ tuổi học trò lần thứ XIII.

tÁC PHẨM DỰ THI VIẾT - VẼ TUỔI HỌC TRÒ LẦN THỨ XIII

 

 

CHIẾC NÓN KÌ DIỆU

                                        

Mỗi khi nhìn vào chiếc xe đồ chơi gần bàn học, tôi lại nhớ đến chị gái của mình cũng như những lỗi lầm mà mình đã gây ra.

Tôi còn nhớ rất rõ. Hôm đó là những ngày cuối cùng của năm học, nhà trường tổ chức cho học sinh khối năm đi trải nghiệm một số nơi trong địa bàn của tỉnh. Tất nhiên khỏi phải nói, chị em tôi cũng như bạn bè của chúng tôi vui đến nhường nào. Lúc tan trường, tôi đạp xe vội vàng về nhà để xin ý kiến bố mẹ. Bố mẹ tôi gật đầu đồng ý. Sau đó, mẹ lấy từ trong ví ra và đưa cho chị em tôi mỗi đứa năm mươi ngàn đồng và dặn dò: “Mẹ chỉ có từng này. Các con nhớ giữ gìn cẩn thận, đừng để mất nhé!”. Tôi vâng vâng dạ dạ cất tiền vào túi và không quên cảm ơn mẹ rối rít rồi chạy tót lên phòng và lao ngay vào bàn học. Vì vui mừng nên tôi cũng như chị tôi học rất nhanh, chỉ một loáng là đã xong bài tập cô giao. Hơn nữa, vào buổi tối ở gần nhà tôi đang diễn ra hội chợ với nhiều thứ “mới lạ, hấp dẫn, thú vị, gay cấn” làm cho tôi càng thích thú mong trời nhanh tối để được đi xem.

Khi tiếng nhạc phát ra từ khu vực tổ chức hội chợ hòa lẫn âm thanh nhộn nhịp của người đi lại ngoài đường, tôi cùng chị chạy vù xuống bàn ăn và xin phép bố mẹ để đi chơi. Mẹ tôi mỉm cười và dặn với theo: “Các con đi chơi rồi về sớm nhé!”.

Từ bé đến giờ, đây là lần thứ hai tôi được tham gia hội chợ. Rảo bước nhanh về phía trước, tất cả hiện lên trước mặt chúng tôi bây giờ là một thế giới đầy màu sắc. Gian hàng nào cũng trang trí thật bắt mắt bằng những cột đèn lấp lánh hay những chú rồng bảy sắc cầu vồng thi nhau uốn lượn, những chiếc chong chóng quay tít như đang cố sức tạo nên những luồng gió thổi mát lòng người… Chưa hết, những món ăn với các mùi vị khác nhau tỏa ra ngào ngạt như mời gọi người chơi hãy vào thử. Dạo quanh một vòng chị em tôi quyết định dừng lại ở khu vực có nhiều trò chơi. Nào là trò đu quay, trò xe cá, trò tàu lượn samurai, còn có cả trò vòng quay vô cực… Chúng nhiều không đếm xuể! Trong những trò chơi đó, chỉ có duy nhất một trò mà tôi thấy thích nhất, đó là trò chơi “Chiếc nón kì diệu”, và như lời người chủ gian hàng giới thiệu thì đây là trò chơi hấp dẫn, thú vị, gay cấn với luật chơi đơn giản: quay số và thử vận may. Nhiều người nói trò thử vận may rất khó để trúng nhưng sau nhiều lần quan sát mọi người chơi tôi thấy nó dễ, thậm chí còn có thể nói là quá dễ ấy chứ!. Tôi đứng quan sát người ta chơi mà trong lòng cứ nôn nao, hồi hộp và muốn chơi liền. Trước khi chơi, còn được miễn phí một lượt thử vận may, sau đó người chơi chỉ phải chi ra mười ngàn đồng cho một lần và nếu thắng sẽ được thưởng với số tiền ít nhất là năm mươi ngàn, chưa kẻ quay vào ô may mắn thì sẽ được một triệu đồng. Tôi nắm chặt số tiền mẹ cho và nghĩ  thầm: “Một lần chơi biết đâu sẽ gấp năm, gấp mười?”. Và không chút đắn đo, tôi bắt đầu thử vận may của mình. Tôi mua con số đầu tiên và quay. Bánh xe đầy màu sắc xoay tròn trước mắt tôi, tôi quan sát và … Ối! trật rồi!. Tôi  lại tiếp tục mua con số thứ hai và tự nhủ. “Lần này nhất định vận may sẽ đến”. Âm thanh rè rè của bánh quay lại làm tôi hồi hộp. Tôi nhắm mắt, đưa hai tay cầu nguyện. Lại trật sao?. Tôi ngập ngừng mua con số thứ ba và cố quay thật mạnh hơn hai lần trước. Tôi quan sát, bánh xe chạy từ từ và dừng lại ở ô “500 ngàn”, tôi mừng quýnh định nhảy lên thì bỗng nó chầm chậm đi qua ô ấy và nằm gọn ở ô “Chúc bạn may mắn lần sau”. Tôi xám mặt, tức giận: Hừ, lại trật!. Tôi đắn đo một lúc rồi nhìn vào tay mình, chỉ còn lại duy nhất hai mươi ngàn - số tiền mẹ đưa hồi chiều để sáng mai đi tham quan. Làm thế nào bây giờ? Tôi đưa mắt tìm chị tôi, thấy chị đang đọc ké sách ở một cửa hàng gần đó, tôi bỗng nảy ra một ý.

- Chị Lam ơi chị có đem theo tiền mẹ cho lúc sáng không?. Chị cho em mượn chơi tiếp trò kia đi. Đến khi thắng, em sẽ trả chị gấp đôi mà.

- Không được, chị phải cất dành mai còn đi tham quan với lớp nữa chứ. Thôi, đêm nay mình dạo thế là vui rồi, bây giờ chị em mình về đi!

Nhưng tôi vốn là một đứa đã thích cái gì là phải có bằng được, nên tôi cứ một mực nài ép chị tôi. Tôi xăm xăm thò tay vào túi quần chị và nói:

- Vậy chị cho em mượn một nửa số tiền của chị cũng được!

Không còn cách nào khác, chị Lam cầm tiền lên và lấy một tờ đưa cho tôi. Còn lại, chị cuộn tròn, bỏ vào túi. Tôi mừng quýnh giơ tay ra để lấy nhưng rồi rụt tay lại:

-  Cái gì? Chỉ mười ngàn thôi á?.

Tôi thấy vậy và không chịu. Trong nhà, tôi là út nên mỗi lần tôi gây “áp lực” với ai, người đó đều phải nhịn. Chưa kể, Chị Lam - tôi gọi là chị nhưng thực ra chị chỉ ra khỏi bụng mẹ sớm hơn tôi vài phút - thì không bao giờ bắt tôi được điều gì rồi. Ngay cả bố mẹ tôi, khi tôi muốn làm gì lắm lúc cũng phải chiều tôi nữa là. Vì thế, thấy chị chỉ đưa chừng ấy tiền, tôi nói:

- Sao chị lại đưa em ít thế?

- Em xem, chị chỉ có năm mươi ngàn mẹ cho hồi chiều để mai đi tham quan cùng lớp mình. Cho em một nửa, mai chị lấy gì mà đi? Mà bố mẹ biết thể nào cũng mắng đấy. Mà trò chơi ấy em không thắng được đâu.

Tôi quay mặt đi, miệng dẩu ra làm vẻ sắp khóc. Thấy vậy, chị lại ngập ngừng đưa tay vào túi lấy cho tôi thêm mười ngàn nữa, nhưng tôi vẫn thấy chừng đó chưa đủ nên tôi ngồi xuống ôm mặt khóc. Mọi người đi ngang qua đó đều quay lại nhìn chị em chúng tôi. Lúc này, có lẽ vì bất lực trước yêu sách của tôi hay sợ mọi người bàn tán nên chị dúi tất cả số tiền của chị vào tay tôi rồi bực tức nói:

- Thôi này, mày cầm lấy cả đi mà chơi cho thỏa thích, tao chẳng thèm! Từ nay trở đi tao không thèm chơi với đứa tham lam vừa thiếu hiểu biết như mày nữa. Ở đó mà chơi với trò chơi lừa đảo ấy, tao về nhà đây!

Nghe chị nói thế, tôi òa khóc lên. Tôi nói:

- Về nhà em sẽ mách bố là chị lấy hết tiền của em để chơi trò chơi, chưa kể còn nhiều lần chị đánh em khi bố mẹ không ở nhà nữa.

Bỏ ngoài tai những lời dọa nạt của tôi, chị Lam tức giận chạy nhanh ra khỏi chỗ ấy và đi về phía cổng hội chợ. Còn lại tôi chơ vơ với số tiền của chị trên tay, tôi toan ra về nhưng nghĩ lại, thấy vẫn ấm ức vì bị thua và tôi muốn lấy lại những gì đã mất nên lại tiếp tục chơi. Sau nhiều lần chơi, cuối cùng tôi cũng trúng khi quay đúng vào ô “phần thưởng”. Nhưng, gì thế kia? Phần thưởng mà tôi nhận được chỉ là chiếc ô tô nhựa bé tí ti mà tôi đoán giá của nó cũng chỉ khoảng hai ba ngàn, chẳng bù được một phần cho số tiền của tôi cũng như tôi đã lấy từ chị tôi. Cầm lấy phần thưởng từ chủ cửa hàng, mặt tôi méo xệch. Tôi hoang mang nhìn xung quanh và lao nhanh ra khỏi khu vực ấy đi về phía cổng, bỏ lại đằng sau những tiếng chào mời, những âm thanh vẫn xập xình đầy bí ẩn.

    Ra đến phía cổng, tôi ngạc nhiên khi thấy chị tôi vẫn chờ tôi ở đó. Chị nhìn tôi không nói năng gì. Tôi cũng cúi mặt xuống, im lặng và lẽo đẽo theo chị trên con đường về nhà mà lòng mình nặng trĩu. Tôi bắt đầu lo lắng và có chút sợ hãi. Một trăm ngàn đồng -  bằng cả mấy gánh rau của mẹ - chứ có ít gì đâu!. Vân vê chiếc ô tô bé tí trong tay, tôi muốn bóp nát nó. Bỗng, ngôi nhà thân quen của gia đình tôi hiện lên. Tôi phải làm gì để trả cho chị số tiền mà tôi đã đổ vào trò chơi?. Tôi phải nói với bố mẹ ra sao nếu chị mách? Ngày mai làm sao đi cùng bạn đây?... Những câu hỏi ấy cứ quanh quẩn trong đầu tôi. Lê từng bước chân nặng nề vào nhà, chúng tôi lí nhí chào bố mẹ. Con Rex lao ra vui mừng vẫy đuôi rối rít khi thấy chủ về, tôi lấy chân hất nó ngã dụi về phía cổng. Rồi chị tôi đi một mạch vào phòng. Đứng ở sân liếc vào phòng khách, tôi thấy bố đang ngồi trước màn hình tivi. Một nỗi sợ xâm chiếm hồn tôi như một luồng điện chạy qua người khiến tôi rùng mình. Tôi cố trấn tĩnh rồi lẳng lặng đi xuống bếp và nép ở cửa. Mẹ tôi với dáng vẻ quen thuộc vẫn đang lặng lẽ buộc lại mấy bó rau, xếp lại mấy quả bầu để chuẩn bị cho buổi chợ sớm ngày mai. Khi mẹ quay ra, bất chợt chạm phải ánh mắt hiền từ của mẹ, những giọt nước mắt trong tôi trào ra. “Mẹ!... Mẹ!... Chị Lam…Chị Lam…”. Tôi vừa kể lể vừa cố khóc thật to. Chưa bao giờ tôi thấy mình tệ hại như lúc này. Nghe tôi nói vậy, bố tôi từ ngoài phòng khách đi vào rất tức giận. Vừa kéo cánh cửa bếp, bố tôi quát ầm lên:

- Cái Lam đâu rồi, hư thật đấy! Sao lại dám lấy tiền mẹ cho đi tham quan để chơi trò chơi hả?

Từ trong bếp nhìn ra, tôi tưởng bố chỉ mắng thế rồi thôi. Nào ngờ, bố vội vàng vào góc cửa lấy ngay cái roi, mặt đầy tức giận:

- Nằm ngay xuống giường kia! Nằm xuống!

Nghe tiếng bố quát, nép trong góc phòng tôi run lẩy bẩy. Bố đánh chị Lam thật rồi. Tôi vội mếu máo nói vọng ra:

- Chị ơi, chị trốn đi, trốn đi không bố đánh chết đấy!

Nhưng chị Lam không chạy. Chị từ từ nằm xuống. Tiếng roi vút đen đét vào lưng, vào mông chị khiến tôi giật nảy mình. Chắc chị đau lắm.

Đúng lúc đó, các bạn lớp chúng tôi cũng đến để bàn bạc những nội dung chuẩn bị cho bài viết mà cô giáo giao sau buổi ngoại khóa. Thấy chị tôi đang nằm úp trên giường bị đòn, cả đám sợ xanh mắt, đứng như trời trồng. Đứa nào đứa nấy nhìn nhau im thin thít và lảng dần ra về. Chắc vì các bạn của chúng tôi không biết phải làm gì, phần vì sợ và cũng tránh cho chị tôi không phải xấu hổ.

Một lát sau, tôi nghe tiếng chị tôi mếu máo:

- Con xin lỗi bố mẹ, lần sau con không dám bắt nạt em và tự ý lấy tiền để chơi như thế nữa ạ!

Cuối cùng, bố mẹ tôi cũng tha cho “lỗi lầm” của chị tôi. Chị vừa đi rửa mặt vừa thút thít khóc. Thấy chị đi vào phòng với vẻ mặt buồn rười rượi,  tôi hối hận vô cùng. Tôi vội vàng chạy theo chị:

- Chị Lam ơi, chị Lam! Em xin lỗi chị! Em biết lỗi của mình rồi!

Chị nhìn tôi không nói năng gì và lên giường nằm. Tôi cúi đầu lặng lẽ theo sau và suy nghĩ về “dấu ấn” buồn trong đời.  Ngoài kia, tiếng nhạc xập xình, tiếng mời chào của những của hàng trong đêm hội chợ vẫn vọng về quanh đây…

              (Nguyễn Phan Bảo Chi, Lớp 6B, Trường THCS Hoàng Xuân Hãn, Đức Thọ, Hà Tĩnh)

 

. . . . .
Loading the player...