13-03-2025 - 01:50

Tác giả Nguyễn Thị Hằng

Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu chân dung tác giả Nguyễn Thị Hằng, sinh năm 1987, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh. Hội viên Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh, Chuyên ngành: Văn xuôi

Tác giả Nguyễn Hằng

 

Họ tên: Nguyễn Thị Hằng

Bút danh: Nguyễn Hằng

Ngày sinh: 10-01-1987

Quê quán: Thạch Hội, Thạch Hà, Hà Tĩnh

Nơi công tác: Trường Đại học Hà Tĩnh

Hội viên Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh, Chuyên ngành: Văn xuôi

Năm kết nạp: 2024

Địa chỉ liên lạc: Trường Đại học Hà Tĩnh, số 447 đường 26/3, Thành phố Hà Tĩnh

Điện thoại:0914.20.9966                                 Email: hang.nguyenthi@htu.edu.vn

Tác phẩm đã công bố:

- Tháng Mười của mẹ

- Thiêng liêng hai tiếng đồng bào

- Tháng Tám gọi Thu về

- Thương mùa lúa chẽn đòng đòng

- Mỗi tháng Bảy về

- Mùa vàng quê tôi

- Sen hồng tháng Năm

- Trăng quê

- Hương bồ kết

- Tháng Ba mùa hoa gạo

- Ngọt ngào màu nắng tháng Ba

- Nhớ vị hành muối ngày Tết

Giải thưởng:

  • Giải khuyến khích cuộc thi Viết vẽ tuổi học trò lần thứ V - Năm 2002
  • Giải Ba cuộc thi Viết vẽ tuổi học lần thứ VI - Năm 2005
  • Giải Khuyến khích cuộc thi viết về Mối tình đầu của tôi do Báo Việtnamnet tổ chức - Năm 2011
  • Giải Ba cuộc thi viết Sâu nặng ân tình do Báo Cựu Chiến binh Việt Nam phối hợp Hội gia đình Liệt sĩ Việt Nam tổ chức - Năm 2017

Tác phẩm tự chọn:

 

Tháng Mười Hai đong đầy thương nhớ

                            Tản văn

Tháng Mười Hai, mùa đông chính thức tràn về mang theo cái lạnh rét buốt thịt da. Vạn vật như đông cứng trong giá lạnh, cố gắng tìm chốn nương mình tránh những cơn gió đông bắc tái tê. Tâm thức mọi người đều muốn xích lại gần nhau hơn, sưởi ấm cho nhau bằng những cái nắm tay thật chặt, những bữa cơm sum vầy ấm áp hay đơn giản chỉ là trao nhau những nụ cười thân thiện, chất chứa yêu thương. Những chiều đông mưa phùn gió bấc, một mình ngồi trầm lắng bên tách cà phê nóng hổi, lặng nhìn màn mưa lun phun qua cửa kính, lòng tôi lại bồi hồi trong xuyến xao cảm xúc. Những chiêm nghiệm về cuộc sống hối hả trong năm qua, những điều đã thực hiện và chưa hoàn thành, những kết quả được và mất, những người đã đến và đi trong cuộc đời. Người ta nói tháng Mười Hai là tháng của hoài niệm và yêu thương hẳn vì như thế.

Tháng Mười Hai đọng lại trong tôi thật nhiều kỉ niệm về người Cha kính yêu của mình - Một người thương binh, cựu chiến binh đầy oai hùng. Chiến tranh đã không thể cướp đi mạng sống của người chiến sĩ đặc công mưu trí, dũng cảm, dày dạn chiến công ở chiến trường Bình-Trị-Thiên khói lửa nhưng đã lấy đi của Cha tôi một ngón tay cái và để lại trên người Cha đầy những vết sẹo nham nhở. Mỗi kỳ đông rét mướt hay những hôm trái gió trở trời, mảnh đạn găm trong đầu lại hành hạ Cha với những cơn đau buốt nhức nhối không thôi. Bao lần đưa Cha đi bệnh viện là bấy nhiêu lần bác sĩ lắc đầu bó tay: “Mảnh đạn nằm ở vị trí quá nhạy cảm, không thế lấy ra vì dễ gây ra hậu quả khó lường”. Cha con tôi lục tục kéo nhau về, thấy mặt tôi buồn thiu, Cha lại động viên: “Ta chấp nhận sống chung với lũ thôi con ạ. Ngày xưa bom đạn đì đùng không nhắm trúng được Cha, giờ mỗi mảnh đạn bé xíu này thì nhằm nhò chi mô con”. Nhìn Cha cười lạc quan mà lòng tôi quặn thắt. Thương Cha một đời quân ngũ vào sinh ra tử vất vả là thế, giờ được nghỉ ngơi lại không được bình an khi thường xuyên bị những cơn đau ghé thăm, hành hạ.

Tôi nhớ khi anh em tôi còn bé, Cha đã phải vất vả bươn chải sớm hôm để lo cho đàn con thơ đủ cái ăn, cái mặc, được đến trường học chữ bằng bạn bằng bè. Thương các con bơ vơ sớm mất đi hơi ấm của tình mẹ, Cha sống cảnh “Gà trống nuôi con”, vừa làm cha, vừa làm mẹ để nuôi con cho đến tuổi trưởng thành. Lời hứa của một sĩ quan  đối với người vợ đầu gối tay ấp trước lúc lâm chung cũng thiêng liêng như lời thề “Quyết tử để tổ quốc quyết sinh” của người lính trước giờ ra trận. Cha tôi đã kiên trì, bền bỉ lèo lái con thuyền của gia đình vượt qua muôn trùng khó khăn, sóng gió để anh em tôi được học hành đỗ đạt thành tài, để mẹ tôi được ngậm cười nơi chín suối. Tôi nhớ ai đó đã từng nói rằng, lời hứa của một quân nhân có sức nặng ngàn cân quả thật không hề sai.

Tháng Mười Hai đong đầy thương nhớ ( Minh họa: Mi-a)

 

Chúng tôi lớn lên, học được từ người chiến sĩ cộng sản là Cha những lẽ đời đầy nhân nghĩa, từ bài học về tình yêu thương, đoàn kết “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”... đến bài học làm người “Đói cho sạch rách cho thơm”, “Đói trong bụng không ai hay, mặc áo rách tay người ta thấy”.... Cha luôn sẵn lòng giúp đỡ người xung quanh, chẳng bao giờ lên án hay ghét bỏ bất kì ai, lúc nào cũng nhìn vào mặt tốt của người khác để ngợi khen, động viên và khuyến khích, giúp họ ngày càng tiến bộ. Có lẽ vì đức tính nhân ái, giàu lòng bao dung ấy mà dù đi đến đâu, Cha cũng luôn được mọi người quý trọng. Cha đã trở thành tấm gương sáng để các con và đồng đội noi theo, là kim chỉ nam soi đường giúp chúng tôi đi đúng hướng và là chốn trở về ấm áp mỗi khi các con mệt mỏi trước giông bão cuộc đời.

Cha tôi là cả khoảng trời đong đầy yêu thương vời vợi trong trái tim của anh chị em tôi. Nhưng “sinh-lão-bệnh-tử” là quy luật tuần hoàn của cuộc sống không ai có thể thay đổi được. Để rồi cuối cùng, sau bao nhiêu tiếc thương, chúng tôi cũng đành chấp nhận việc Cha đã rời xa chúng tôi về miền mây trắng đoàn tụ cùng mẹ. Để mỗi tháng Mười Hai về, kỉ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, chúng tôi lại thao thiết trở mình trong nỗi nhớ thương Cha khắc khoải. Lại ngước nhìn bầu trời cao xanh trên kia mà ngỡ như Cha Mẹ đang dõi theo chúng tôi mỉm cười.

Một tháng Mười Hai đong đầy nỗi nhớ lại đang về…

                                                               

                                                                      Nguyễn Hằng

. . . . .
Loading the player...