17-06-2019 - 07:39

Ra mắt phim tài liệu “Ba đứa chúng mình”

Hướng tới kỷ niệm 94 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2019), đạo diễn, NSƯT Phạm Việt Tùng kết hợp với 2 nữ đạo diễn trẻ Thùy Trang, Bích Ngọc đã thực hiện thành công bộ phim tài liệu “Ba đứa chúng mình”. Bộ phim dài 35 phút, tái hiện cuộc hội ngộ và đồng hành trên mặt trận Chính trị, Ngoại giao, Thông tin, Tuyên truyền, Báo chí của ba cán bộ lão thành cách mạng: Nhà báo Tôn Thất Vỹ (tức Nguyễn Minh Vỹ), Nhà báo Lý Văn Sáu (tức Nguyễn Bá Đàn) và Đại sứ Võ Văn Sung.

Ông Nguyễn Minh Vỹ, tức Tôn Thất Vỹ (1914 -2002) tại Huế, xuất thân từ gia đình Hoàng tộc triều Nguyễn. Vì tham gia hoạt động cách mạng, ông bị Tòa án Nam Triều tỉnh Bình Định kết án 7 năm khổ sai và bị Triều đình Huế tước bỏ tôn tịch. Ông tham gia khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi tại tỉnh Khánh Hòa cùng thời điểm Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội ngày 19-08-1945 bằng phương pháp kết hợp đấu tranh chính trị với võ trang, giành thắng lợi nhanh gọn, ít đổ máu.

Khi thực dân Pháp gây chiến ở Sài Gòn - Gia định và nhiều tỉnh thành miền Nam, rồi tiến đánh ra Nha Trang - Khánh Hòa ngày 23-10-1945 nhằm chặn đường tiếp viện của miền Bắc cho miền Nam, ông Tôn Thất Vỹ được bầu làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến tỉnh Khánh Hòa, đã lãnh đạo quân dân Khánh Hòa chiến đấu kiên cường 101 ngày đêm, bảo vệ thành quả cách mạng. Ông Tôn Thất Vỹ cùng với ông Đào Thiện Thi và ông Nguyễn Văn Chi được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa 1 của tỉnh.

Trong các giai đoạn cách mạng sau này, ông được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao các trọng trách: Chủ nhiệm báo Thống Nhất; Tổng cục trưởng Tổng cục Thông tin, kiêm nhiệm Phó Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương; Phó trưởng đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại hội nghị bốn bên ở Paris về chiến tranh Việt Nam suốt gần 5 năm. Đặc biệt, giai đoạn 1968 – 1975, khi ông làm Chủ nhiệm báo Thống Nhất là lúc ông hoạt động báo chí sôi nổi nhất. 

Bà Nguyễn Thị Bình - Trưởng phái đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tham gia Hội nghị bốn bên về hòa bình cho Việt Nam tại Paris giai đoạn 1968-1973, ông Nguyễn Minh Vỹ - Phó trưởng đoàn Đàm phán Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và những người bạn Pháp trong những ngày Hội nghị

Ông Nguyễn Bá Đàn, tức nhà báo Lý Văn Sáu (1924 – 2012), sau khi nghe những lời diễn thuyết tại thành Diên Khánh của ông Tôn Thất Vỹ đã tình nguyện tham gia hoạt động Thanh niên cứu quốc ở Nha Trang. Sau này, ông được chính ông Tôn Thất Vỹ giao nhiệm vụ làm công tác thông tin và là chủ biên tờ báo Thắng (tiền thân của tờ báo Khánh Hòa) – tờ báo có đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của tỉnh. Ông Lý Văn Sáu bén duyên với Khánh Hòa từ đây, và người vợ sau này của ông cũng là người quê Khánh Hòa, được ông Tôn Thất Vỹ đứng ra làm chủ hôn.

Nhà báo Lý Văn Sáu - Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Phát thanh Truyền hình Việt Nam kiêm Tổng Biên tập Đài Truyền hình Trung ương (Đài Truyền hình Việt Nam); nguyên Tổng Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam; nguyên Phó Tổng Biên tập Thông tấn xã Việt Nam

Đại sứ Võ Văn Sung (1928 – 2018) tại Thừa Thiên-Huế. Ông có mặt tại Nha Trang trong đội hình của Đội tuyên truyền xung phong của Việt Minh Trung Bộ vào tham gia kháng chiến tại Khánh Hòa. Như duyên định, ông gặp ông Tôn Thất Vỹ trong một cuộc làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy và Ủy ban kháng chiến tỉnh Khánh Hòa. Ông bắt đầu sự nghiệp báo chí của mình từ đây, nhận quyết định cử làm Trưởng ty Thông tin tỉnh Khánh Hòa. Rồi sau này, là một trong 3 người (ông Lý Văn Sáu, ông Võ Văn Sung, ông Giang Nam) gây dựng tờ báo Thắng trong những ngày đầu của cuộc chiến tranh gian khó.

Đại sứ Võ Văn Sung – Nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp, người đề xuất chọn Paris làm địa diểm đàm phán

Ba con người, ba miền quê nhưng cùng một chí hướng, họ đã gặp gỡ và gắn bó với nhau. Thật đặc biệt, 3 con người tự nhận là người con của Khánh Hoà ấy lại cùng tham gia đàm phán ngoại giao tại Hội nghị Pa-ri về “Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” (5/1968-1/1973), kết thúc quãng thời gian đàm phán hơn 4 năm 8 tháng đầy gian khổ. Lịch sử thế giới chứng kiến một nền ngoại giao siêu cường buộc phải lùi bước trước sức ảnh hưởng của một lực lượng ngoại giao non trẻ. Trong đó, có một phần công lao nhỏ bé của “ba tên Khánh Hòa”: Ông Nguyễn Minh Vỹ - Nguyên Phó trưởng đoàn Đàm phán Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, ông Lý Văn Sáu - Nguyên người phát ngôn của phái đoàn Đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và ông Võ Văn Sung - Nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp.

Lên kịch bản và bấm máy từ đầu tháng 1/2019, sau gần 5 tháng, bộ phim đã hoàn thành và chính thức phát sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa (ngày 2/6), VOV (ngày 20/6), VCT1 (ngày 17/6). Bộ phim có sự phối hợp thực hiện của Đài Phát thanh & Truyền hình Khánh Hòa, Báo Khánh Hòa, Bảo tàng Báo chí Việt Nam và Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa.

Bộ phim là thông điệp nêu cao tấm gương trong sáng về tinh thần yêu nước, về đạo đức cách mạng, về tình nghĩa đồng chí đồng đội đùm bọc yêu thương trong chiến đấu, công tác cũng như trong cuộc sống đời thường của ba người con quê hương Khánh Hòa: Nhà báo Tôn Thất Vỹ, Nhà báo Lý Văn Sáu và Đại sứ Võ Văn Sung.

Theo tuyengiao.vn

. . . . .
Loading the player...