04-06-2020 - 07:14

Pho sử thi đẹp đẽ

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Huỳnh Văn Thuận, công chúng được gặp lại cố họa sĩ qua những bức ký họa đơn sơ, mộc mạc. Nói như Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn, đó là những nét chì cẩn trọng nhưng không kém sự rung động của cảm xúc tạo hình. Đó là pho sử thi đẹp đẽ để lớp người hôm nay được chiêm ngưỡng, trải nghiệm, hiểu xu thế phát triển của mỹ thuật Việt Nam.

Họa sĩ đa tài

“Hàng trăm bức vẽ được tập hợp lại bởi các nhà sưu tầm, như một nén tâm nhang tưởng nhớ cha tôi, người mà suốt cuộc đời vốn rất trầm tính, kiệm lời, chỉ biết vẽ là vẽ” - ông Huỳnh Lê Tuấn, con trai họa sĩ Huỳnh Văn Thuận chia sẻ về tuần triển lãm “100 mùa sen nở”, đang diễn ra tại Nhà đấu giá Chọn, 63 Hàm Long, Hà Nội.

Nhắc tới Huỳnh Văn Thuận, người ta nghĩ ngay đến thế hệ rất ít họa sĩ Việt Nam được học và tốt nghiệp ở cả hai trường mỹ thuật danh giá do người Pháp sáng lập từ đầu thế kỷ XX. Đó là trường vẽ Gia Định (thành lập năm 1913 ở miền Nam) và trường Mỹ thuật Đông Dương (thành lập năm 1925 ở miền Bắc). Danh tiếng của ông gắn với loại hình tranh sơn khắc, hình ảnh đời sống thường nhật được ông đặt vào tranh bố cục chặt chẽ, và công phu đến từng chi tiết. Đặc biệt, với tác phẩm sơn khắc năm 1958 “Thôn Vĩnh Mốc”, họa sĩ Huỳnh Văn Thuận đã để lại cho mỹ thuật Việt Nam một kiệt tác.

Cùng với tranh sơn khắc, Huỳnh Văn Thuận là một trong những cây bút vẽ cổ động chất lượng. Một trong những công trình sáng tác của ông lưu lại cho tới nay là bản phác thảo được Hồ Chủ tịch lựa chọn làm biểu tượng của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Ông cũng đã góp công cùng các họa sĩ Lê Phả, Bùi Trang Chước vẽ đồng tiền riêng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Các tờ tiền 10 đồng đỏ, 10 đồng tím và các mẫu tem năm 1965, 1967, 1970 khiến công chúng càng yêu mến họa sĩ. Ông có nhiều tranh được Bác Hồ chọn làm tặng phẩm cho các nguyên thủ quốc gia và nhiều tranh được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Cuộc đời sáng tác của họa sĩ Huỳnh Văn Thuận được giới mỹ thuật đánh giá cao

Với triển lãm lần này, công chúng không gặp lại Huỳnh Văn Thuận trong những sáng tác nổi danh ấy, mà ở mảng ít được biết đến hơn - tranh ký họa. Cần mẫn lao động nghệ thuật, bằng bút chì, mực nho, bột màu, thuốc nước... ông ghi chép về những nơi đã đi qua, đã sống, lao động và chiến đấu cùng với đồng bào, đồng chí. Gần 100 ký họa chì được trưng bày phản ánh hành trình sáng tạo của họa sĩ trong nhiều thời khắc, giai đoạn lịch sử khác nhau: Kháng chiến chống Pháp, sau năm 1954 ở miền Bắc, tại địa đạo Vĩnh Linh, trên đường mòn Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ và cả thời gian sau năm 1975. Nhân vật trong tranh là những con người bình dị: Vệ quốc đoàn, bộ đội, dân quân, du kích, nông dân, các “mế”, các chị, thanh, thiếu niên... trong sinh hoạt đời thường như nấu cơm, học hát, chơi đàn, đọc báo, diễn tập, lau súng, ngắm bắn, thu giữ và phân phối chiến lợi phẩm, quan sát giặc... Từng bức tranh như kể câu chuyện quê hương, đất nước, có khoảnh khắc bình yên, cũng có gian khổ, khắc nghiệt thời chiến.

Theo nhà phê bình mỹ thuật, họa sĩ Quang Việt: “Đối với Huỳnh Văn Thuận, tranh vẽ bằng bút chì là những tác phẩm đích thực có thể lập nghiệp cho một họa sĩ. Vả lại, cùng với thuốc nước, cây bút chì cũng rất phù hợp với sở thích vẽ và bố cục tại chỗ trước cảnh thực, việc thực, người thực của ông”.

100 mùa sen nở

Họa sĩ Trần Huy Oánh cũng là một tên tuổi gắn bó với tranh ký họa, ông bảo, tranh ký họa có tính chất trực tiếp, diễn tả cái bất chợt trong hình ảnh, trong cảm xúc của người vẽ, cho nên đầy tính chân thật. “Ngắm nhìn những tác phẩm ký họa của Huỳnh Văn Thuận, người ta thấy ở cụ sự tôn trọng lịch sử, tôn trọng sự thật. Ngay cả các bức chân dung, ta xem và cảm thấy đó là con người cụ thể chứ không phải hình hài chung chung. Vì cụ đã cố gắng ghi từng chi tiết, biểu hiện được tính cách và đặc điểm của từng nhân vật. Ấy là cái quý của họa sĩ một thời”.

Điều quý giá ấy, đối với họa sĩ Trần Huy Oánh khi nhắc về cố họa sĩ Huỳnh Văn Thuận, còn là kỷ niệm khi ông gặp người thầy giáo dẫn đoàn sinh viên vẽ về cải cách ruộng đất ở Nam Định. “Lúc bấy giờ, tôi còn là học sinh, cũng đã tham gia vẽ và ghi được ấn tượng, nhưng phải đến khi gặp cụ, học cái cách mà cụ ân cần chỉ dạy cho học trò, tôi mới vỡ lẽ nhiều điều về hội họa. Đấy cũng là lần đầu tiên tôi biết đến trường mỹ thuật, là dấu ấn để tôi xác định con đường của mình. Lần này, gặp lại cụ qua những bức tranh, tôi càng thấm thía giá trị nghệ thuật mà cụ cùng thế hệ họa sĩ một thời đã gây dựng được. Hình ảnh trong tranh vừa là tư liệu, vừa là lịch sử cách mạng, lịch sử nghệ thuật, vừa gợi mở những bước đi tiếp theo cho con cháu”.

Ký họa chì "Diễn tập trước giờ khai hỏa"

Những gợi mở đó đến từ nét vẽ cẩn trọng nhưng không kém sự rung động của cảm xúc tạo hình. Nói như Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, ấy chính là pho sử thi đẹp đẽ, để hôm nay, chúng ta có dịp được chiêm ngưỡng, trải nghiệm, được hiểu về tinh thần cống hiến cho mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Cuộc đời của họa sĩ Huỳnh Văn Thuận trải theo hành trình dặm dài của dân tộc, qua năm tháng khốc liệt, mà con đường gian truân của đất nước cũng là gian truân của chính những người lao động nghệ thuật. Bởi vậy, là những tác phẩm đầu tư công phu hay dù chỉ là nét đơn sơ bằng chì cũng đều lưu lại cảm xúc và vẻ đẹp của người Việt, phong cảnh Việt, thể hiện tình yêu nước Việt.

“100 mùa sen nở - tròn 100 năm ngày sinh của họa sĩ Huỳnh Văn Thuận. Có thể nói cuộc đời, sự nghiệp của ông đúng như tên gọi của triển lãm, đủ phản ánh một cuộc đời cống hiến, bất kể ở lĩnh vực hội họa hay đồ họa. Tôi cho rằng, tình cảm của ông đối với hội họa sẽ mãi là vẻ đẹp đại diện cho rất nhiều thế hệ họa sĩ Việt Nam thời mỹ thuật Đông Dương. Gặp lại vẻ đẹp từ ngọn bút tài hoa như vậy, chúng ta hôm nay có dịp cảm nhận những giá trị đơn sơ nhưng quyết định đường đi nước bước của mỹ thuật Việt Nam hiện đại”, ông Lương Xuân Đoàn nói.

Nguồn tin: Daibieunhandan.vn

. . . . .
Loading the player...