29-04-2023 - 12:11

Những cung đường huyền thoại trên “tuyến lửa” Hà Tĩnh anh hùng

Kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975 – 30/4/2023), Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bài viết “Những cung đường huyền thoại trên “tuyến lửa” Hà Tĩnh anh hùng” của tác giả Nguyễn Ngọc Vượng

Kể từ năm 1959 khi Bộ Chính trị quyết định mở đường Trường Sơn (đường Hồ Chí Minh) để chi viện cho chiến trường miền Nam đến ngày Giải phóng miền Nam 1975, trên địa bàn Hà Tĩnh đã mở được nhiều tuyến huyết mạch nối hậu phương ra tiền tuyến.

Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, Hà Tĩnh được mệnh danh là vùng "chảo lửa túi bom" nằm trên hệ thống huyết mạch giao thông đặc biệt quan trọng trong việc chi viện sức người, sức của từ miền Bắc cho chiến trường miền Nam đã phải hứng chịu hàng trăm ngàn tấn bom, đạn các loại. Chỉ tính riêng trong 3 tháng thời kì đầu của chiến tranh, từ 10/4/1965 - 7/7/1965, dọc theo các tuyến đường mòn của hệ thống Trường Sơn Đông qua địa bàn Hà Tĩnh đã bị máy bay Mỹ đánh phá tới 194 trận, với 1.715 lượt chiếc, ném xuống 20.107 quả bom các loại, chưa kể hàng ngàn quả đạn rốc-két và đạn pháo ca-nông bắn từ biển Đông lên.

Trong đó có nhiều "tọa độ chết" như cầu La Khê tại xã Hương Trạch, huyện Hương Khê, đoạn tiếp giáp với huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) bị đánh 194 lần, với 2.133 quả bom; cầu Trung nằm trên địa bàn huyện Can Lộc gần với khu vực Ngã ba Đồng Lộc bị đánh 154 lần, với 864 quả bom; cầu Kênh trên địa bàn huyện Đức Thọ bị đánh 128 lần, với 973 quả bom; cầu Rác trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên bị đánh 152 lần, với 670 quả bom; đèo Ngang tiếp giáp với huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) bị đánh tới 135 lần, với 1.380 quả bom...

Phà Địa Lợi

Đặc biệt, phà Địa Lợi nằm trên tuyến đường mòn 15A, đoạn qua xã Hương Thủy, huyện Hương Khê bị đánh phá vô cùng tàn khốc! Sự hi sinh, mất mát của quân dân ta trên từng tấc đường là không có gì có thể so sánh nổi.

Anh hùng LLVT Uông Xuân Lý (SN 1940), trú tại tổ 2, phường Trần Phú, thành phố Hà Tĩnh, cựu công nhân lái xe cơ giới 4, Bộ GT&VT, từng tham gia mở nhiều cung đường Trường Sơn, trong đó có đường Trường Sơn Đông 21A, đoạn từ Ngã ba Khe Giao (Hà Tĩnh) đến La Khê sang Quảng Bình, với chiều dài hơn 60km kể lại: Đường Trường Sơn Đông 21A là tuyến giao thông chiến lược đi xuyên đại ngàn, qua nhiều dốc đèo cao và vực thẳm...

Thời đó, những khu rừng này thú dữ rất nhiều, trong lúc đó ban ngày các đơn vị hầu như án binh bất động, mà chỉ tập trung làm việc từ 16 giờ chiều cho tới 8 giờ sáng hôm sau, lại về lán trại. Có không ít người bị hổ ăn thịt, rắn độc cắn, hoặc rốt rét ác tính chết trong rừng... Đặc biệt, năm 1968 chiến tranh ác liệt, có lần ta bị lộ mục tiêu, địch đã tập trung hàng chục chiếc máy bay phản lực ném bom tới tấp xuống đoạn ngã ba Thình Thình, thuộc xã Thạch Điền, huyện Thạch Hà, đốt cháy hàng trăm chiếc xe ô tô trên đường hành quân vận chuyển lương thực, thuốc men... vào miền Nam. Trận oanh tạc đã làm 53 cán bộ, chiến sĩ lái xe của ta hy sinh, trong đó có nhiều cán bộ, chiến sĩ bị chết cháy trong xe không còn nhận thấy hình dạng!

Lần khác, vào năm 1972, sau khi oanh tạc tại khu vực sân bay Li Bi dọc tuyến đường Trường Sơn 22A tại vùng giáp ranh giữa huyện Cẩm Xuyên và huyện Kỳ Anh, hàng chục chiếc máy bay B52 địch bất ngờ quay mục tiêu rải bom tới tấp xuống các đoạn: Km 28, Km 30 và Km 46 đường 21A, gây thương vong cho hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, TNXP và công nhân làm đường của ta. Sau khi bom đạn vừa ngớt, hàng chục con voi rừng rất dữ tợn bỗng xuất hiện, quây lấy lán trại của đơn vị ông như muốn dày nát hết! Trước tình hình đó, một số anh em liều mình nhảy lên xe ủi, nổ máy xua đuổi đàn voi vào rừng.

Ngoài tuyến đường Trường Sơn Đông 21A, lực lượng giao thông và các đơn vị TNXP, dân công hỏa tuyến cùng nhân dân địa phương các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh còn mở thêm tuyến đường chiến lược 22A từ Ngã ba Thình Thình vào Quảng Bình. Đây cũng là tuyến đường xuyên qua đại ngàn hiểm trở, có sân bay Li Bi do Liên Xô tài trợ nằm ở khu vực km 11 đến km30, được núi rừng trùng điệp bao quanh.

Đây là sân bay dã chiến nhằm phục vụ chiến trường Quảng Trị - Thừa Thiên.. đặc biệt có nhiệm vụ chống chiến dịch "Lam Sơn 719" của Mỹ - Ngụy, một chiến dịch leo thang táo tợn với âm mưu lập "vành đai lửa" từ Đèo Ngang sang tận Xê Pôn (Lào), nhằm cắt đứt toàn bộ tuyến chi viện của ta vào chiến trường Nam - Trung Bộ và Tây - Nam bộ.

Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, riêng tuyến đường này đã bị giặc Mỹ ném xuống hàng trăm tấn bom đạn. Trong đó có 29 kiểu bom phá, 13 kiểu bom sát thương, 8 kiểu tên lửa đất đối đất...

Ông Dương Hữu Sơn (SN 1945) sinh sống tại xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, nguyên là xạ thủ Tiểu đoàn pháo cao xạ Nguyễn Viết Xuân, từng tham gia chiến đấu bảo vệ sân bay Li Bi cho biết: Có những trận tập kích của địch làm hy sinh hàng trăm người, có người không tìm được xác. Ác liệt nhất là trận trưa ngày 02- 9 -1968, hàng trăm máy bay tiêm kích F105 và FH4 của giặc đã ném xuống đoạn Km 21, làm 34 cán bộ, chiến sĩ đơn vị pháo cao xạ Trung đoàn thép Thủ đô hy sinh và 18 cán bộ chiến sĩ khác bị thương.

Kinh hoàng nhất là sự kiện ngày 07- 01 - 1973, (thời điểm chỉ còn 20 ngày nữa là chấm dứt chiến tranh ở miền Bắc theo hiệp định Paris ngày 27 - 01 - 1973), địch vẫn tập trung hàng loạt máy bay B52 rải thảm bom xuống đoạn km 10- km17 gây thương vong cho quân dân ta hơn 400 người. Trong đó, lực lượng TNXP mở đường tỉnh Nam Hà, công nhân xí nghiệp gạnh Cẩm Xuyên, Cán bộ công nhân Ty kiến trúc Hà Tĩnh tham gia mở đường, san lấp hố bom trên tuyến lửa này có tới 128 người bị chết tại chỗ, chưa kể hàng trăm người khác bị thương nặng.

Ông Đào Văn Tinh (SN 1935), nguyên Giám đốc Sở Thủy lợi Hà Tĩnh, cựu TNXP có nhiều năm hoạt động các các cung đường Trường Sơn ở Hà Tĩnh, hiện sinh sống tại phường Trần Phú TX Hà Tĩnh nhớ lại: “Có nhiều ngày đêm, bộ đội, TNXP, dân công hỏa tuyến bám đường không ngủ. Những lúc quá mệt thiếp đi tỉnh dậy thấy cánh rừng mênh mông đã cháy rụi, trơ trụi vì bom đạn Mỹ”. Vậy nhưng, cán bộ công nhân đơn vị ông cùng các các lực lượng dân công hỏa tuyến và bà con nhân dân địa phương không quản gian khổ, hừng hừng khí thế mở những con đường huyền thoại.

Di tích lịch sử nơi đóng quân của Bộ đội Trường Sơn trên cung đường mòn HCM (15A) tại xã Hương Đô (Hà Tĩnh)

Trong hệ thống các tuyến đường Trường Sơn đi qua địa bàn Hà Tĩnh, chúng ta không thể không nhắc tới con đường lịch sử 15A hay còn gọi là đường mòn Hồ Chí Minh. Đây chính là con đường xuất hiện đầu tiên từ năm 1959 được bắt đầu từ km0 tại Tân Kỳ (Nghệ An) đi qua Hà Tĩnh và xuyên suốt qua nhiều địa phương khác, vào tận Bình Phước. Con đường này đã gắn với những địa danh nổi tiếng trên đất Hà Tĩnh như Ngã ba Đồng Lộc, phà Địa Lợi, La Khê, bến Tam Soa... trong đó phải kể đến sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái TNXP Ngã ba Đồng Lộc đã trở thành biểu tượng về tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.

Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Tĩnh dâng hương ở Ngã ba Đồng Lộc

Trong 16 năm (1959 - 1975) với sự xuất hiện của những cung đường Trường Sơn vĩ đại, ngành vận tải quân sự Trường Sơn - đường mòn Hồ Chí Minh đã vận chuyển được 1.349.000 tấn hàng hóa. Riêng 4 tháng cuối, trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 đã chuyển vào chiến trường miền Nam hơn 110.000 cán bộ, chiến sỹ và 230.000 tấn vật chất các loại...

Trong đó, phải nghi nhận sự đóng góp vô cùng quan trọng của những người tham gia mở và bám trụ trên các cung đường Trường Sơn qua địa bàn Hà Tĩnh. Chính họ đã góp phần cùng quân, dân cả nước ta dệt nên bản tráng ca bất tử, về huyền thoại đường mòn Hồ Chí Minh!

 

 Nguyễn Ngọc Vượng

. . . . .
Loading the player...