Tạp chí Hồng Lĩnh số Tết Quý Mão (197+198) trân trọng giới thiệu bài viết “Những bài học làm người” của Vũ Tuấn Dũng (Đọc HẠT MẦM MÙA XUÂN của Trần Đăng Đàn)
Một ngày đầu thu, Trần Đăng Đàn đem đến cho tôi bản thảo tập thơ viết cho thiếu nhi “Hạt mầm Mùa xuân”, bảo tôi đọc rồi cho vài nhận xét. Tôi đã say mê đọc tập thơ của anh, thích thú và cuốn hút bởi thế giới trẻ thơ trong “Hạt mầm mùa xuân” quả thật rất gần gũi và đáng yêu, hồn nhiên và sinh động.
Thơ anh thiên về kể nhiều hơn tả, gợi liên tưởng suy ngẫm nhiều hơn tỉa tót nhâm nhi cảm xúc. Mỗi bài thơ là một câu chuyện thú vị: chuyện tình cảm quê hương gia đình bầu bạn, chuyện vui cô trò ở trường ở lớp, chuyện mẹ gà ấp iu vịt con, chuyện thằn lằn cứu hộ, chuyện Cún và Miu, chuyện Thỏ và Rùa, chuyện Quạ khoang, Gõ kiến, chuyện Gà trống Ve sầu, chuyện mùa chim di trú, chuyện làng trên thảo nguyên v.v…Và đằng sau những câu chuyện ấy là những bài học về lòng hiếu thảo biết ơn, về tình thân ái sẻ chia đùm bọc, về lòng nghĩa hiệp, về sự ứng xử văn hóa…
Tôi thích thơ anh ở cách tư duy hướng thiện. Con Quạ trong truyện cổ tích là hiện thân của sự tham ăn và độc ác. Câu chuyện Thỏ và Rùa chạy thi trong truyện ngụ ngôn ám ảnh bài học nhớ đời về sự thất bại và mối hận truyền kiếp của Thỏ. Nhưng qua thơ anh, Quạ đã phát tâm ngày ngày đi làm từ thiện, Thỏ và Rùa trở nên gắn bó thân thiết, giúp đỡ nhau trong hoạn nạn khó khăn. Câu thành ngữ “Ăn ở với nhau như chó với mèo” của người đời trở nên lạc hậu trước tình bạn tâm giao của cặp đôi đáng yêu Miu và Cún… Nhiều bài thơ trong tập thơ đã đạt được mục đích tích hợp những nội dung cần giáo dục. Ví như chuyện cụ Rùa ra phố thấy xe cộ như mắc cửi không dám qua đường thì có Thỏ Trắng chạy đến dịu dàng lễ phép: “Cụ đưa tay cháu dắt / Đi theo dòng kẻ ngang”. Câu chuyện vừa ấm tình vừa lồng ghép được một bài học về luật giao thông. Những bài thơ như “Tiếng chim ở phố” hay “Mùa chim di trú” đằng sau nội dung cụ thể còn ẩn chứa thông điệp về bảo vệ môi trường. “Làng thảo nguyên” với cuộc sống yên bình của những Chuồn chuồn Cào cào, Châu chấu, Nhái bén, Ếch xanh, cùng những Kiến hành quân và Dế mèn nghệ sỹ là một bức tranh sinh động làm ta liên tưởng đến ý thức đồng hành trong phong trào xây dựng Nông thôn mới. Bài “Chơi ô ăn quan” gọi về kỷ niệm tuổi thơ qua đó mà gửi một lời nhắc nhở: “Tìm vui giải trí/ Chơi ô ăn quan/ Đừng bao giờ tập/ Chơi trò ăn gian”.
Trong “Hạt mầm Mùa xuân”, tác giả đã đề cập nhiều đến vấn đề về kỹ năng sống như kỹ năng giao tiếp, cách ứng xử văn hóa lịch thiệp…Sự hối hận của Trống Choai đối với Trống Cồ (Chuyện Gà trống choai), lời xin lỗi và cám ơn của Thỏ Xám với Cụ Rùa (Chuyện vui Thỏ Xám), hành động đầu tiên của Mầm Xuân khi thức dậy là cất lên lời chào (Hạt mầm Mùa xuân) và việc cô bé học trò sám hối cúi nhặt lời chào mình lỡ đánh rơi (Lời chào)… làm ta cảm thấy ấm lòng. Biết nhận lỗi và nói lời xin lỗi, biết tri ân và nói lời cám ơn, biết nở nụ cười và lời chào thân ái…, đó là những kiến thức giáo khoa đầu tiên cần thiết cho tất cả mọi người, nhất là cho trẻ nhỏ.
Tục ngữ có câu “Dạy con từ thuở còn thơ”. Với tập thơ “Hạt mầm Mùa xuân”, tác giả muốn gửi gắm một điều gan ruột trong việc hình thành nhân cách cho trẻ:
“Rồi lớn lên đi hoc
Phải tích lũy suốt đời
Bài đầu tiên cần thuộc
Là bài học làm người”
(Dạy con)
Thơ Trần Đăng Đàn giản dị chất phác như chính con người anh, không cầu kỳ về hình thức ngôn từ câu chữ: “Mình quen quê kiểng đi rồi/ Quen tình khoai sắn quen lời lúa ngô”(Bóng thơ - TĐĐ). Vì thế thơ anh dễ đi vào lòng người, nhất là lứa tuổi thiếu nhi.
Viết giữa mùa trăng Trung thu 2022
Vũ Tuấn Dũng