01-06-2020 - 10:18

Nhà văn Phan Trung Hiếu - Văn nghệ Hà Tĩnh

Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu chân dung Nhà văn Phan Trung Hiếu, Chủ tịch Hội liên hiệp VHNT Hà Tĩnh.

 

Bút danh: Trung Hiếu, Bảo Phan

Ngày tháng năm sinh: 02/5/1962

Quê quán: xã Bùi La Nhân, huyện Đức Thọ,  tỉnh Hà Tĩnh.

Chỗ ở hiện nay: Khối phố Hòa Linh, phường Thạch Linh, Tp. Hà Tĩnh.

Hiện là Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh.

Địa chỉ cơ quan: 34B - Nguyễn Công Trứ - phường Tân Giang - thành phố Hà Tĩnh

Điện thoại: 0912019486. Email: trunghieuhtvn@gmail.com

Vào Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Tĩnh, chuyên ngành văn xuôi năm 1992. Vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2005.

* Tác phẩm đã xuất bản:

- Giấc mơ bong bóng (tập truyện đồng thoại, Hội VHNT Hà Tĩnh, năm 1994);

- Mùa chuyển (tập bút ký, phóng sự, NXB Lao động, năm 1998);

- Vườn đất thánh (tập tự truyện cho thiếu nhi, NXB Kim Đồng, năm 2000); tái bản năm 2014

- Hành trang đá (tập thơ, NXB Văn học, năm 2002);

- Chú Nhện đu bay (tập truyện thiếu nhi, NXB Hội Nhà văn, năm 2004);

- Hạt nắng bé con (tập truyện đồng thoại, NXB Kim Đồng, năm 2009);

- Ngôi nhà không có cầu thang (tập truyện, ký, NXB Thanh niên, năm 2009).

- Con chim chích chòe (Tập thơ thiếu nhi, NXB Hội Nhà văn, năm 2014)

 - Dấu thời gian (Tập thơ, NXB Nghệ An, năm 2017)

* Giải thưởng văn học, nghệ thuật, báo chí:

- Giải thưởng của Ủy ban toàn quốc liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2000 cho tập tự truyện” Vườn đất Thánh”.

- Giải thưởng VHNT Nguyễn Du lần thứ II (1995), III (2000), IV (2005), lần V (2010), VI (2015) cho các tập truyện: Giấc mơ bong bóng, Vườn đất Thánh, Chú Nhện đu bay, Ngôi nhà không có cầu thang, Con chim chích chòe.

- Nhiều giải thưởng văn học, báo chí trong tỉnh.

Tác phẩm tự chọn:

QUÀ TẶNG CỦA MẶT TRỜI

     (Rút trong tập”Hạt nắng bé con”- NXB Kim Đồng, 2009)

 

       Có một thời, Mặt Đất luôn xanh thắm bởi cây cối chẳng bao giờ rụng lá. Ngọn gió dài như cái ác-sê của cây đàn vi-ô-lông cứ thổi qua kéo lại trên những chiếc lá tạo ra những âm thanh huyền diệu ngợi ca vẻ đẹp bất tận của cuộc sống. Thường ngày, Mặt Đất cung cấp đều đặn nguồn thức ăn cho muôn loài cây lá. Nhưng ngày lại tháng qua, đất đai lâu mỗi cằn cỗi bạc màu. Những chiếc lá đói ăn không cũn đủ sức ngân nga những bản nhạc vui tươi nữa. Từng nhánh lá khẳng khiu gầy guộc ủ rủ cúi đầu. Chẳng còn cảnh náo nhiệt đùa vui. Thảng hoặc, vọng lên từ đâu đó đôi tiếng thở dài rên rỉ.

Thuở ấy, kề cạnh Mặt Đất là những vị láng giềng giàu có. Ông Mặt Trời có chiếc đĩa vàng rực rỡ. Chị Mặt Trăng luôn khoe trên cổ chiếc vòng bạc lấp lánh. Bấy lâu, được nghe những khúc ca từ Mặt Đất vọng lên, các vị hàng xóm đều lấy làm thích thú. Nay bỗng nhiên im bặt. Vũ trụ trống vắng, buồn tẻ. Một đêm, khi nghe các vòm cây than thở, chị Trăng vội vàng chối khéo:

- Tôi rất mê bản nhạc của các bạn nhưng nào giàu có nỗi gì. Tụi gầy mòn, hao khuyết từng đêm bởi phải ban phát ánh sáng cho các vì sao xa. Chiếc vòng bạc của tôi to tròn và đẹp thế mà giờ đây chỉ còn bé tẹo và mỏng dính như chiếc lưỡi liềm. Tốt nhất là các bạn hãy đến gặp Mặt Trời hào phóng và tốt bụng.

Nghe những lời nói đó, cỏ cây mong đêm tàn nhanh. Buổi sáng, Mặt Trời chống gậy trèo lên đỉnh núi còn phủ đầy sương. Theo thói quen, ông thường ngồi nán lại trên mỏm núi đá để uống trà và lắng nghe bản nhạc được phát từ những tán lá xanh vừa thức giấc.

Nhưng bữa nay, khi chén trà ban mai đó cạn đến tận đáy, vẫn chẳng thấy đâu những giai điệu ngọt ngào kia. Ông đưa mắt nhìn xuống và nom rõ trên bờ mi của những chiếc lá bất động những giọt nước mắt thổn thức qua đêm vẫn còn đọng lại. Từ trên cao, Mặt Trời vọng hỏi:

- Tại sao các con lại khúc? Cớ gì mà các con không múa hát? - Ngước nhìn trời cao, những chiếc lá buồn bã đáp:

- Chúng con đói! Mặt đất nghèo quá không nuôi nổi. Không ai cứu giúp, chúng con sẽ chết mất.

Mặt Trời bỗng động lòng trắc ẩn:

- Lẽ nào Mặt Đất nghèo đến thế? Ta không thể chịu nổi sự im lặng khủng khiếp này? Ta cần được nghe những lời ca điệu múa. Ta sẽ gửi quà tặng cho các con.

Những chiếc lá xúc động run rẩy. Chúng nóng lòng muốn biết món quà tặng của Mặt Trời. Chúng lại lắng nghe tiếng nói của ông Trời:

- Ta sẽ tặng cho các con những đồng tiền vàng. Hãy dùng nó mà mua thức ăn của Đất.

Một món quà tặng đến bất ngờ. Những chiếc lá cùng ồ lên vui sướng.

Mặt Trời như thả nói tiếp:

- Món quà của ta không phải là một sự ban phát hoang phí và dễ dãi. Ta sẽ gửi từng ít một trong các tia nắng. Hãy chịu khó đón bắt và gom chúng lại. Đến độ, những chiếc lá sẽ chín vàng. Đấy là những đồng tiền do các con tự làm ra và hãy gửi về cho Đất. Nào! Ai muốn trở thành những đồng vàng ấy?

Cả vòm cây xao động. Từ chiếc lá to già cuối gốc đến chồi non mới hé đầu cành đều nhất loạt giơ tay. Ông Mặt Trời lúng túng, khoát tay vội nói:

- Thế là tốt! Nhưng tất cả đều muốn hoá vàng thì ai sẽ ở lại trên cây mà múa hát? Vả lại, ta đâu có của cải nhiều đến thế! Thôi, bây giờ thế này, lần lượt từ lớn đến bé, từ già đến trẻ, hãy thay nhau gánh vác trách nhiệm này.

Từng chùm lá đưa mắt nhìn nhau và tất cả đều gật đầu ưng thuận. Mặt trời liền rời núi, rẽ đám mây mù bảng lảng quanh mình. Ông nhón bốc những hạt nắng vàng trong chiếc đĩa khổng lồ và gieo xuống Mặt Đất. Từng chùm hạt nắng vun vút lao đi lấp loáng. Những chiếc lá xoè tay hứng bắt món quà của Mặt trời. Chúng gom góp những hạt nắng mỏng manh li ti ấy, lặng lẽ chuyển về ủ lại trên những chiếc lá già. Cứ thế, say sưa, cần mẫn.

Cho tới một ngày, khi những giọt vàng góp được đã xếp kín chỗ, chiếc lá cuối cành chuyển sang màu vàng rực. Cả vòm cây bịn rịn chia tay với người bạn của mình. Một ngọn gió từ phương nào chợt đến, gỡ nhẹ chiếc lá vàng ấy rời cành. Chiếc lá trùng triềng bay xuống đất. Mặt Đất hoan hỉ đón nhận chiếc lá - tiền vàng mang hình trái tim từ trên cây gửi xuống và lệnh mở cửa kho chứa nguồn thức ăn dự trữ chuyển đến từng gốc cây. Chót vót trên cao, những chiếc lá được tiếp sức lại rung rinh xào xạc.

Mãi cho đến tận bây giờ, Mặt Trời hào phóng ấy vẫn không bao giờ quên thả xuống Mặt Đất những sợi nắng vàng - món quà tặng cho những khúc ca của muôn loài cây lá.

                  

 

 

GIẾNG LÀNG

                 (Rút trong tập” Vườn đất Thánh”, NXB Kim Đồng, 2000)                                                                               

      Giếng nằm cạnh đình làng Đoài hoang phế, t­ường vôi meo mốc, sứt sẹo lỗ chỗ. Đã từ lâu, đình chẳng còn là nơi hội hè tế lễ mà dành làm chỗ cho bọn trẻ lớp vỡ lòng ngồi học. Trên nóc đình, hai con nghê đá ngoảnh mặt vào nhau ngoác miệng c­ời. Bên phải ngôi đình tàn tạ ấy là cái giếng làng, nư­ớc trong leo lẻo.

Giếng làng to như­ cái ao lớn tr­ước v­ườn nhà tôi. Bốn bề là những dãy dứa dại rậm rạp. Vút lên những tàu lá xanh thẫm như­ những chiếc l­uỡi c­ưa, lởm chởm gai nhọn. Bọn trẻ chúng tôi th­ờng đến ngắt lá dứa để bẻ xếp thành hình súng lục, đồng hồ, chong chóng. Phía đông bờ giếng là mấy gốc giới già lão, nổi u sần sẹo, bạc phếch. Đến mùa, nhú ra từ đám lá giới xanh mư­ng ram ráp những chùm quả chiu chít vàng hươm. Quả giới béo múp míp nh­ hạt ngô, ăn ngọt lừ. Đổ nhoài lên mặt giếng, những chùm quả giới rung rinh, lúc có sóng lại nhoè đi như­ những đàn bư­ớm vàng.

N­ước giếng xanh màu rong rêu mọc lan man tận đáy. Giếng làng ít khi vắng tiếng người. Ngư­ời ta mang sào có buộc ngạnh chữ thập đến khoắng rong về cho lợn ăn. Những bữa động trời, những con ốc bư­ơu treo mình nổi trên mặt giếng bằng cái miệng xám nâu như­ cái lá mục. Chị Hiền tôi buộc cái kiềng mây vào đầu sào nứa, đứng trên bờ mà vớt. Có những con ốc tinh quái nghe động đã vội khép miệng, thả mình như­ chiếc dù lặn xuống đáy. Mớ ốc vớt đ­ược đem về  nấu om với chuối xanh, ăn tốn cơm đáo để. Anh em nhà thằng Thanh, đôi khi có cả Bài què nữa lại th­ường hay đến giếng làng để câu ếch bằng mồi hoa bí, hoa bầu. Nó buông mồi ở gần mép n­ước, nhắp lên nhắp xuống nh­ư để chọc thèm bọn ếch lì lợm ngồi ẩn trong các hang hốc. Chẳng biết vì ngứa mắt hay háu đói, thi thoảng có chú ếch dại dột nào đó lại phóng ra đớp mồi. Thế là, hấp! Một cú giật ngư­ợc kéo chàng ếch da lốm đốm màu nâu bay lên khỏi lùm cây rậm rịt. Cu cậu vật giãy, bốn chân chới với nh­ưng không thoát khỏi đ­ược cái ngạnh câu chữ U sắc lẻm. Thằng Thanh quờ tay chộp ngang bụng ếch, ngoái ng­ược l­ỡi câu ra khỏi miệng thắt vào bụng ếch một sợi dây rồi buộc vào một gốc cây cạnh đó, Buộc kỹ càng thế mà có lúc có con vẫn tìm cách chuồi khỏi thòng lọng lủi mất. Nghe nói thịt ếch béo và thơm như­ thịt gà. Bổ béo ở đâu chả biết như­ng nom bộ da rằn ri nhơn nhớt đã thấy ơn ớn.

Đến giếng làng, tôi chỉ thích trèo lên các bụi giới tìm quả chín ăn hay đi vòng quanh bờ sục sạo tổ chim. Khi nào rỗi thì xách cái cần câu có cái phao bằng đốt chổi đót đứng ở cửa giếng có ghép những bậc đá ong mà trêu chọc lũ cá. Chỉ mỗi cái mồi tép hay cái chót đuôi cào cào mắc vào l­ưỡi câu thả xuống là cả lũ cá bé tí xúm xít lao vào con mồi mà rứt rỉa làm cái phao bập bềnh, nhay nháy. Không thèm chấp lũ cá nhóc lỏi này, tôi nhẫn nại đợi thêm. Chẳng phải lâu, trong cái đám cá hung hăng kia sẽ có một chú nhỉnh hơn sấn vào bặp cái mồi kéo đi. Cái phao ngóc dựng lên, rê ngang một tí rồi lún xuống, hút sâu vào đáy nư­ớc. Đó là lúc không thể chờ thêm. Một cú giật xéo lôi lên một chú cá cấn chỉ nhỉn hơn ngón tay cái, thân ngắn chũn nh­ưng mập ú. Loại này ăn chả bõ miệng, đem n­ướng lên phần chú Miu già là hợp.

Cần câu buộc bằng chỉ trắng của tôi chỉ săn đ­ợc những con cá be bé ấy. Đứng ở bờ giếng, nghe tiếng cá quẫy ùm ùm ở đằng xa mà thèm. Có hôm, đang cầm cần câu đứng trêu chọc lũ cá bé tẹo ở cửa giếng thì tôi phát hiện ra một ổ tràu con mới đẻ. Chúng đông ơi là đông, xúm xít quây vòng lại thành đám dày sít. “Mẹ của bọn chúng thế nào cũng lảng vảng ở gần đó” - Thằng Thanh nói thế và ù chạy về nhà xách ra cái cần câu gieo. Cần câu gieo chỉ dài độ hơn sải tay, một đầu có gắn  cái khuy chì chừa lỗ tròn để luồn chỉ cư­ớc. Chỉ câu không buộc sẵn ở ngọn cần mà cuộn vòng lại gọn ghẽ trên ống lon bơ. Chỗ sát l­ưỡi câu, còn đ­ược đính thêm mẩu chì để cho đầm tay khi liệng mồi.

Vừa tới nơi, thằng Thanh vội vàng móc từ trong cái ống nứa một con nhái. Hắn cho l­ỡi câu vào miệng nhái và móc xéo một nhát qua bụng. Thân nhái đ­ợc vuốt lên trùm gần kín l­ưỡi câu, ngạnh câu phía d­ưới đít nhái đ­ược nối với một ống cỏ. Đứng trên bờ giếng, tay trái cầm ống dây, tay phải Thanh lắc dứ con nhái lấy đà rồi xít mạnh về phía tr­ước. Nghe tiếng loẹt roẹt của chỉ câu tuột khỏi ống bơ. Cú gieo mồi ấy xa bờ dễ đến hai mươi th­ước, quá chỗ ổ tràu con màu đỏ đồng. Thanh chỉnh h­ướng cần, guồng tay thu dây câu vào cái vỏ bơ ch­a xả hết dây. Đằng xa, chú nhái sau khi rơi tõm xuống đã động đậy và bắt đầu l­ướt loi choi trên mặt nư­ớc. Những chỗ không bị vư­ớng vào đám cỏ chư­a bò lan man, chú nhái - con tàu ngầm bé tí rẽ sóng chạy băng băng. Và chuyến đầu đã về không. Thanh nắn chỉnh lại con mồi, ống cỏ. Lại một cú vút và tiếng chỉ câu xổ ra xoèn xoẹt. Điểm rơi của cú nhảy dù ngoạn mục ấy xa hơn ban nãy, chếch sang trái nữa sải tay. Thanh rê mồi qua chỗ có ổ tràu con. Nó lắc giật thế nào mà con nhái trông như­ còn sống, nhảy chồm chồm trên mặt n­ước vẻ khiêu khích. Có chuyện rồi! Đằng ấy đã có tiếng quẫy, nổi lên một váng sóng lớn. Thanh nhớm lỏng dây câu một chút rồi bặm môi giật mạnh. Chỉ câu thẳng băng. Một chú tràu l­ng đen bóng to bằng cổ chân tôi hoảng hốt nhảy dựng lên rồi văng tõm xuống nư­ớc để lại một vùng sóng to hơn cả chiếc nong phơi lúa. Hỏng rồi! - Thằng Thanh ngẩn mặt giọng tiếc rẻ. Nó tiu nghỉu kéo cái chỉ câu nhẹ bẫng. Cú đớp của con tràu mẹ đã dứt mất gần một phần thân sau con mồi, làm ống cỏ giập nát. Thanh tháo cái mồi nhái cụt đuôi ấy ném xuống lòng hói bên cạnh, càu nhàu:

- Tràu mẹ sợ rồi, phải chờ ít lâu nữa cho nó quên đi đã!

Con cá tràu mẹ đã thoát hiểm nhờ cú giật vội vàng, “hơi non mồi” của một tay câu khá sành sỏi. Chắc cả hai đều đã có bài học cho riêng mình. Tôi không dám chắc con tràu mẹ sẽ an toàn mãi mãi trong giếng làng. Làng tôi có bao nhiêu là cần câu. Thoát đ­ược lần này đã là mừng. Ít ra, cũng để con tràu mẹ có thêm thời gian mà chăm sóc cho lũ con còn bé dại lớn thêm chút nữa. Mà nhanh lắm! Chỉ cần lớn bằng cái đầu đũa, các chú tràu con đã thay bộ cánh đỏ đồng bằng màu xanh đen có cái yếm trắng xẹo qua trước bụng. Đấy là lúc các chú đã có thể đi kiếm ăn một mình, tự ý nhao lên đớp thở khí trời và góp thêm những tiếng quẫy vui tai trong không gian vang lừng âm thanh của giếng làng.               

                  

           

 

. . . . .
Loading the player...