30-08-2020 - 08:11

Một dòng sông lặng lẽ chảy giữa dòng đời

Nhà thơ Đinh Phạm Thái sinh ngày 5 tháng 1 năm 1939 ở xã Sơn Hòa, Hương Sơn Hà Tĩnh. Ông vốn là GS TSKH ngành kim loại màu, Nhà giáo nhân dân, Giảng viên Trường đại học Bách khoa Hà Nội nhưng rất say mê và có những thành tựu về thi ca đáng ghi nhận. Những năm đầu thập niên sáu mươi thế kỷ trước, ông từng có tên trong tuyển thơ “Sức mới” bên cạnh các thi sĩ sau này thành các cây đa, cây đề của làng thơ Việt đương đại: Bằng Việt, Vũ Quần Phương…Mặc dù có nhiều thi phẩm được chọn vào những tuyển thơ sáng giá: Tuyển tập thơ lục bát Việt Nam (NXB Văn hóa & Thông Tin, 1994), Thơ Hà Tĩnh Thế kỷ XX (Hội VHNT Hà Tĩnh, 2000) .. nhưng trước khi chạm tuổi tám mươi, ông chỉ mới trình làng hai thi phẩm: Sóng loang xa ( NXB Văn học, 1990), Ngấn nước ( NXB Hội nhà văn, 1999). Trong cuộc thi “Thơ lục bát” do báo Giáo dục & thời đại tổ chức (1998), ông đạt giải nhì (giải cao nhất) với bài thơ “Cái roi ngày ấy”. Năm 2006, ông được kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam.

    Thành đạt về mọi phương diện, nhưng ông rất giản dị, dễ mến, dễ gần. Đặc biệt, ông rất quý tôi, luôn xem tôi như tri âm tri kỷ. Mỗi lần từ Thủ đô về thăm quê, ông thường ghé đến nhà tôi chơi để chia sẻ bầu tâm sự về chuyện văn, chuyện đời. Mãi đến lúc sắp chạm tuổi tám mươi, ông mới quyết định in tập thơ văn “Mệnh thủy”, xem như kết tinh những thi phẩm văn phẩm ông tâm đắc và ngỏ ý nhờ tôi viết lời giới thiệu. Tôi đang loay hoay không biết mở đầu thế nào bởi trước đó tôi chưa viết lời giới thiệu cho tập thơ văn của ai bao giờ. Vốn tính cẩn thận, trong một chuyến về quê ông đến tôi và chia sẻ những điều ông muốn gửi gắm qua “Mệnh thủy” và nói thêm: Khi trao đổi với nhà xuất bản Hội nhà văn muốn tìm người viết giới thiệu “Mệnh thủy”, ông Giám đốc bảo rằng không ai thích hợp hơn Lê Quốc Hán (vừa là đồng hương, vừa là những nhà khoa học tự nhiên mê thơ!). Đêm ấy, như lên đồng, tôi thức suốt đêm viết liền một mạch “Một dòng sông lặng lẽ giữa dòng đời”. Lời giới thiệu này được mở đầu trong “Mệnh Thủy”  - NXB Hội nhà văn, 2017).            

Tác giả Đinh Phạm Thái

                                                        
    Vì sao cả ba tác phẩm của thi sĩ Đinh Phạm Thái (Sóng loan xa, Nhấn nước, Mệnh thủy) đều gắn liền với sông nước? Phải vì ông cất tiếng khóc chào đời bên dòng sông Ngàn Phố xanh trong, "chảy êm đềm như dáng đi của mẹ". Vùng đất Gôi, Choi văn vật này đã sinh ra biết bao nhà văn hóa lớn gắn với những dòng họ lớn: Nguyễn Khắc, Đinh Nho, Hà Huy, Tống Trần… Bản thân nhà thơ thuộc dòng họ Đinh Nho. Ông là em ruột thi sĩ - liệt sĩ Quỳnh Dao (Đinh Nho Diệm), một trong bốn thi nhân Thơ mới (1939 - 1945) quê Hà Tĩnh mà không ít lần ông nhắc đến với một lòng thương yêu kính trọng vô bờ. Con gái vùng này đẹp nổi tiếng cả nước, với da trắng mịn màng, dáng đi khoan thai thong thả. Có người giải thích vì xưa phần nhiều họ làm nghề chăm tằm dệt lụa suốt ngày bên khung cửi, có người giải thích vì nước Ngàn Phố đầu nguồn nên nhiều chất sắt đã mài mỏng làn da các cô, cũng có người cho rằng ngã ba sông là cỗ máy điều hòa nhiệt độ diệu kỳ nhất, mà quê ông gần bến Tam Soa - Ngã ba Linh Cảm, nơi hội tụ của Ngàn Phố, Ngàn Sâu và La Giang. Dài dòng để bạn đọc hiểu rằng vì sao hình ảnh dòng sông với những cô gái xinh đẹp dịu hiền lại hiện ra suốt trong thơ văn ông đẹp và nhiều đến vậy. Đây là "sông Ngàn Phố loi thoi" với hình ảnh "con đò đôi mắt lá răm" đẹp đến nao lòng, kia là dòng sông Ngàn Phố dưới những trận gió Lào khốc liệt đang "uốn cong như đòn gánh" vẫn không ngăn nổi "em khỏa mình trên sóng/ tóc bời bời xõa xuống vai nâu". Sau này, đi đến phương trời nào, sống trên mảnh đất nào, hễ gặp sông thơ ông lại tung tăng như cá gặp nước, như diều gặp gió. Sống giữa Thủ đô Hà Nội gần trọn cuộc đời, ấn tượng nhất của đất Tràng An thanh lịch vẫn là " Sông Hồng bỏ lại Hồ Tây". Vào cố đô Huế, ông viết nhiều về Sông Hương, hẳn núi Ngự cũng phải phát ghen (lẽ ra phải là "Dạ thưa xứ Huế bây giờ/ vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương" như thi sĩ Bùi Giáng chứ). Điều lạ đọc thơ ông thấy ít nói đến núi. Phải chăng có một mái núi thân thương nào đó luôn song hành lặng lẽ cùng Mệnh thủy đủ để che chở và nâng bước cho ông. Sau này khi được đi năm châu bốn biển, ông vẫn bị dòng sông mê hoặc. Đến Viên Chăn thủ đô nước bạn Lào xinh đẹp, hình ảnh ấn tượng nhất của ông là "Mê Kông chảy rắn thần phun lửa". Qua nước Nga trước những bông tuyết rơi rơi và những dãy bạch dương xào xạc, ông vẫn tưởng tượng "Sông hóa hạc êm đềm trôi nhẹ" của thi hào Êxinhin. Tôi có cảm tưởng rằng nếu không gặp sông, hồn ông như cá mắc cạn, như diều bặt gió, không thể cất lên lời ca. Thơ ông đề cập đến nhiều mảng đề tài, nhiều số phận, nhiều vùng đất với các địa danh khác nhau trong nước và trên thế giới. Bài thơ nào cũng có hình ảnh dòng sông, ít nhất là dòng sông tưởng tưởng hay "dòng sông cuộc đời".                                            
    Đinh Phạm Thái trung thành với bút pháp truyền thống. Những bài thơ hay nhất của ông đều được viết theo thể lục bát hay ngũ ngôn. Thi ảnh đan kết giữa thực và ảo, giữa hiện tại và quá khứ, giữa hiện tại và tương lai.  “Trăng mơ” là một trong những bài thơ hay với những thi ảnh như thế: 
Anh dọc theo sông Cả
Nước mênh mông tận trời
Đi tìm đồng xu nhỏ
Ngày xưa em đánh rơi

Đồng xu nằm khuất nửa
Bên bờ em rong chơi
Như vầng trăng bé bỏng
Gác trên nhành cỏ tươi
    Bài thơ được sáng tác vào năm 1988 và xuất hiện đầu tiên trong tuyển tập “Những gương mặt thơ mới” (NXB Thanh niên, 1994) với tiêu đề “Vầng trăng bé bỏng” và còn có hai câu kết: “Bỗng bàng hoàng tỉnh dậy/ Giấc mơ chết trong đời”. Ba mươi năm sau, trong “Mệnh thủy”, nó xuất hiện dưới cái tên “Trăng mơ” và hai câu kết bị bỏ. Bài thơ trở nên ảo diệu hơn, lung linh hơn.

Dòng sông lặng lẽ ( Ảnh: Kim Thanh Trần)


    Nhiều khi ông đẩy thi tứ ra xa giữa  ảo và thực, giữa quá khứ và tương lai với một khoảng cách xa hơn, tới khoảng cách vô hạn giữa cõi người  hữu hạn và vũ trụ vô cùng vô tận: 
MAI SAU

Em ơi trời đã muộn rồi
Hoàng hôn xin tím một trời biệt nhau
Chỉ là cát bụi mà đau
Nói chi muôn triệu tinh cầu chơi vơi

Ước mai sau nước mắt trời
Lại buông hai giọt ra đời hai ta
Một bài thơ đẹp toàn bích (!).
Nói như thế không có nghĩa thơ Đinh Phạm Thái chỉ toàn “ru với gió/ mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”. Trái lại, thơ ông thấm đẫm tình yêu quê hương đất nước, tình yêu nhân thế mà trước hết là những người ruột thịt mên thương. Bài thơ sau kết tinh những tình yêu như thế: 
CÁI ROI NGÀY ẤY   

Ngày nào con nghịch con chơi
Bỏ nhà đi suốt một hơi tối ngày
 Làn roi rơi xuống thân gầy
Làm đau tay mẹ làm cay mắt bà

Bây giờ con ở đâu xa
Nắm xương không cửa không nhà mãi đi
Trường Sơn một dải xanh rì
Đất đen, đất đỏ, đất gì chôn con

 Chân run, quờ chiếc gậy mòn
Sợ cầm phải cái roi còn đâu đây
   Không phải ngẫu nhiên mà bài thơ đạt giải nhì (giải cao nhất) của cuộc thi “Thơ lục bát” do báo “Giáo dục & Thời đại tổ chức” (1997 – 1998). Theo nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi (Thư ký Hội đồng), các thành viên Hội đồng chung khảo với những nhà thơ trứ danh nổi tiếng về thể thơ lục bát: Tố Hữu, Trần Đăng Khoa … đều đánh giá cao bài thơ “Cái roi ngày ấy” và nhất trí xếp vào giải cao nhất. Viết về đề tài “Ghi ơn các thương binh liệt sĩ”, đến nay ít bài thơ vượt qua “Cái roi ngày ấy”. 
    Ngoài thi ca, Đinh Phạm Thái còn thử nghiệm viết văn xuôi. Trong “Mệnh thủy”, ông trình làng chín mẩu chuyện ghi lại trong cuộc đời sống và chiêm nghiệm của ông. Chúng rất bí ẩn nhưng cũng rất thực vì ông đưa ra những tư liệu chính xác để chứng minh. Đó không phải là những câu chuyện một thời bị gán nhãn "mê tín dị đoan", chúng gần với những thí nghiệm mà ông một nhà khoa học chân chính trực tiếp chứng kiến. Theo ông, chúng thuộc loại những hiện tượng chưa giải mã được chứ không phải không bao giờ giải mã được. Ông tin rằng với sự phát triển mạnh mẽ của thời đại công nghệ thông tin hiện nay, với cuộc cách mạng tin học 0.4 sắp tới, trong một tương lai gần, tất cả bức màn bí mật kia sẽ được vén lên, chí ít cũng được những chùm ánh sáng tâm linh soi rọi. Là nhà khoa học tự nhiên văn ông ngắn gọn, khúc chiết. Nó lại rất hấp dẫn vì ông là nhà thơ đích thực. Những câu chuyện của ông có kết thúc bất ngờ và thú vị. Chẳng hạn câu chuyện Cây cau lùn kể về câu chuyện ông đã tình cờ "tự" chữa khỏi bệnh nan y của thời đại - bệnh ung thư - ông gặp phải nhờ trước đó ông đã dời thành công cây cau lùn trong nhà thờ họ ở quê như thế nào. Rồi ông tình cờ gặp dòng chữ "Kowloon" (đọc là "cau lùn") trên một ngõ phố ở Hà Nội bao lần đi qua không thấy.   “Cái roi ngày ấy”.
     Năm nay, bước qua tuổi tám mốt, ông vẫn sáng tác đều vừa hứa hẹn trình làng một thi phẩm mới, vừa cố gắng (dưới dạng ngẫu văn) vén bức màn bí mật về)  những hiện tượng vừa quen vừa lạ về Con người và Vũ trụ mà trước kia ông chưa giải mã được. 

Lê Quốc Hán
 

. . . . .
Loading the player...