25-05-2023 - 09:52

KỶ NIỆM ĐI SUỐT CUỘC ĐỜI TÔI

Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ngày 19/5/1890 tại làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2023), Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu bài viết Kỷ niệm đi suốt cuộc đời tôi của tác giả Nguyễn Viết Dưỡng.


KỶ NIỆM ĐI SUỐT CUỘC ĐỜI TÔI
                                   Nguyễn Viết Dưỡng

 

Ngày đó, tôi đang công tác tại Đội Cảnh sát khu vực 3 Công an Hai Bà Trưng, Hà Nội. Đơn vị tôi có 13 đồng chí do đồng chí Lê Quang Thảo làm Đội trưởng và các đồng chí Bùi Cự Việt,  Lê Duy Nghị làm Đội phó. Lớp trẻ chúng tôi chiếm 2/3 đội, tuổi mười tám đôi mươi mới học ra trường thay thế cho lớp đàn anh đi phục vụ chiến trường miền Nam (đi B). Tôi là cảnh sát khu vực phụ trách 3 khối phố thuộc Ô Đống Mác cuối phố Lò Đúc.
Buổi tối ngày mồng 2/9/1969, tôi xuống trực khai báo hộ khẩu tại hầm nhà bằng số 41 xóm Tân Trào (trước nhà máy nước Lương Yên). Trong lúc tôi đang làm việc, vào khoảng 21 giờ, có mấy cụ già cùng vài đồng chí đảng viên đến trụ sở gặp hỏi riêng tôi: “Bác Hồ đã từ trần rồi có phải không?”. Tôi cũng chưa biết tin đó, chỉ nghe nói Bác mệt. Mà thực tế ngày 2 tháng 9 năm ấy không khí lạ lắm, người đi quanh hồ Hoàn Kiếm đông chật như nêm. Người ta xì xào bàn tán: “Tại sao mít tinh mừng Quốc khánh năm nay vắng Bác? Không diễu hành, diễu binh, không bắn pháo hoa, không thấy chỗ nào biểu diễn văn nghệ?”. Ai cũng chung tâm trạng lo lắng. Cả ngày mồng 3, không khí bao trùm nặng nề và nghe thông báo Bác bị đau nặng. Sáng sớm mồng 4, anh em Công an Hà Nội có lệnh tập trung để làm nhiệm vụ đặc biệt. Trong lúc mọi người đang hồi hộp đón nhận nhiệm vụ thì đồng chí chỉ huy yêu cầu tất cả vào hội trường và nhận được tin Bác Hồ đã từ trần vào 9 giờ 47 phút ngày 3/9/1969 sau một cơn đau tim nặng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh mất ngày 2/9/1969, nhưng do trùng ngày Quốc khánh - ngày vui lớn của dân tộc, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá III đã quyết định công bố lùi lại một ngày là 3/9/1969. Hai mươi năm sau, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VI tại Thông báo số 151, ngày 19/8/1989 đã công bố lại đúng ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời - ngày 2/9/1969.

Bác Hồ trên đường đi Chiến dịch Biên giới. Ảnh: Tư liệu

Khi nhận được tin Bác từ trần, tất cả chúng tôi ai cũng rưng rưng nước mắt, có đồng chí khóc nức nở. Chúng tôi được phát mỗi người một chiếc băng tang theo đúng quy định của Ban lễ tang Nhà nước. Đó là một dải vải màu đỏ, kích thước dài 6cm, rộng 3cm, phía trên có một dải vải màu đen may đè lên dài 6cm, rộng 1,5cm. Những ngày lễ tang, mọi người đeo ở ngực trái bên trên túi áo. Chúng tôi tiến hành vào làm lễ viếng Bác, sau đó ra vị trí làm nhiệm vụ. Tổ chúng tôi được bố trí trên các trục đường có loa phóng thanh, các ngã tư đường phố, góc chợ đông người. Đúng 5 giờ 30 phút ngày 4/9/1969, Đài Tiếng nói Việt Nam phát bản tin đặc biệt. Giọng phát thanh viên nghẹn ngào, đọc chầm chậm từng từ một “Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vô cùng đau đớn báo tin để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta biết: Đồng chí Hồ Chí Minh - Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã từ trần...”.
Tin sét đánh đó làm mọi người choáng váng. Dưới chân những cột loa truyền thanh công cộng, dòng người đứng, ngồi chen chúc nhau cùng òa lên khóc nức nở. Trong các công sở, nhà máy, công trường, trong từng gia đình, từ người già đến trẻ em không ai cầm nổi lòng mình, những giọt nước mắt trào ra cùng tiếng khóc với nỗi đau xé lòng. Có những người vì quá xúc động mà ngất xỉu, anh em Công an chúng tôi vừa làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự, vừa phải lo đưa họ đi cấp cứu. Cả Hà Nội lúc bấy giờ bao trùm không khí tang tóc, đau thương, ảm đạm. Không ai nói với ai nhưng không sao giấu được nỗi buồn, chỉ đưa mắt lặng nhìn nhau. Và bất chợt, có ai nhắc tới Bác là mọi người lại òa lên khóc nức nở. Không ai bảo ai mà cơ quan nào, nhà nào cũng thấy lập bàn thờ Bác, khói hương nghi ngút. Đài Tiếng nói Việt Nam liên tục phát về tiểu sử tóm tắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Thông báo của hội nghị liên tịch; Lời kêu gọi của Ban Chấp hành Trung ương và điện chia buồn của các nước anh em.
Đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa...”.
Hầu như cả tuần chịu tang Bác, trời mưa tầm tã. Mặc cho vậy, buổi tối nào đường phố vẫn chật ních người. Dòng người từ khắp nơi đổ về Ba Đình, đường Trần Phú, Hoàng Diệu, Hùng Vương, Quán Thánh, Lê Hồng Phong, Điện Biên Phủ,... Bà con và bộ đội đứng chật như nêm, ai cũng khăn mùi soa che miệng, tay cầm thẻ hương gục đầu vào nhau, nước mắt hòa với nước mưa tràn xuống mặt. Các đồng chí Công an dàn hàng ngang để giữ trật tự cũng nghẹn ngào nức nở theo. Đồng bào dồn về Ba Đình mỗi lúc một đông, không ai để ý những gì đang diễn ra xung quanh, nỗi đau cuốn hết tâm trí mọi người. Bộ đội mặc quân
 
phục mới tinh, quân hàm đỏ chói đứng thành hàng thẳng tắp dọc đường Hoàng Diệu chờ đợi vào viếng Bác. Cán bộ các ngành, các cấp ở khắp nơi, nhân dân ở các khối phố đại diện cho các đoàn thể quần chúng cũng lần lượt thứ tự kéo về hội trường Ba Đình để viếng Bác. Ai cũng hướng về phía nhà sàn Phủ Chủ tịch - nơi Bác đã nhiều năm sống và làm việc, giờ đây đang yên giấc trong tình thương yêu của cả thế giới. Thương nhớ Bác, tôi giữ chiếc băng tang mãi đến bây giờ. Coi đây như là một vật kỷ niệm thiêng liêng của đời mình cùng với lời hứa: “Con nguyện học tập gương Người/ Kiệm, cần, liêm, chỉnh sáng ngời niềm tin”!

 

N.V.D

. . . . .
Loading the player...