20-07-2022 - 10:19

Hợp âm trầm tháng 7

Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2022). Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu tùy bút “Hợp âm trầm tháng 7” của Nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú.

       Tháng 7 linh thiêng, tháng 7 tri ân, tháng 7 nghĩa tình. Cứ mỗi dịp tháng 7 về trong lòng mỗi người ai cũng lắng lại khúc ca bi tráng một thời chiến tranh khói lửa. Một gam trầm da diết, sâu lắng ngân lên vang vọng và lan tỏa bởi “Bài ca không quên” được tấu lên bởi những phím đàn trắng như những nấm mộ trắng liệt sĩ trong nghĩa trang. Đó là âm vang của những cuộc đời chưa bao giờ yên nghỉ. Đó là đội hình hàng dọc, hàng ngang như đang hành quân. Đó là giai điệu thiết tha trầm lắng bi hùng vọng lên từ đất, ngân xuống từ trời. Đó là ngổn ngang mây trắng bời bời trước bức bối cơn dông với những chùm sấm cuối trời xa với những rạch chớp như lửa đạn. Hợp âm trầm tháng 7 chính là tiếng lòng đồng vọng mà mỗi thanh âm mang cả tiếng sông, tiếng núi, khúc bổng, khúc trầm. Sao có thể cầm lòng được trước thổn thức khúc ca “Màu hoa đỏ”: “Có người lính - Mùa xuân ấy ra đi từ đó không về - Dòng tên anh khắc vào đá núi - Mây ngàn hóa bóng cây che - Chiều biên cương trắng trời sương núi - Mẹ già mỏi mắt nhìn theo”. Các anh đã hóa thân vào đất nước, đã tạc thành “Dáng đứng Việt Nam” (Lê Anh Xuân), các anh đã “Chúng con chiến đấu cho người sống mãi Việt Nam ơi!” (Nam Hà)

       Tôi bồi hồi khi giở lại những trang thơ viết về đề tài thương binh - liệt sĩ lặng đi khi trải dài dọc theo các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm có nhiều bài thơ, tứ thơ khá xúc động và sống mãi trong lòng bạn đọc qua bao thế hệ khi viết về những ngôi mộ liệt sĩ. Đó là một “Viếng bạn” của Hoàng Lộc (Thời kỳ chống Pháp) và sau này ông cũng là liệt sĩ. Câu thơ nghẹn ngào trong tiếng nấc: “Khóc anh không nước mắt - Mà lòng đau như thắt - Gọi anh chửa thành lời - Mà hàm răng nghiến chặt”. Đó là “Mồ anh hoa nở” của nhà thơ Thanh Hải (Trong kháng chiến chống Mỹ). Ngôi mộ được đắp bằng những bó hồng tươi: “Hoa hồng nở và nở - Hương thơm bay và bay” dù quân thù ngăn cản. Hoa hồng biểu tượng cho tình yêu hạnh phúc, hoa hồng thắm tươi như dòng máu liệt sĩ. Đó là ngôi “Mộ gió” của Trịnh Công Lộc (Trong cuộc chiến với kẻ thù trên biển để bảo vệ lãnh hải Tổ quốc). Câu thơ như lớp lớp sóng biển trào dâng: “Mộ gió đây - Giăng từng hàng, từng lớp - Vẫn hùng binh giữa biển đảo xa khơi”. Và ai về Quảng Trị trở lại sông Thạch Hãn sao mà cầm lòng được trước những câu thơ rút ruột của cựu chiến binh Lê Bá Dương đã nghẹn thắt: “Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ - Đáy sông còn đó bạn tôi nằm - Có tuổi 20 thành sóng nước - Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm”. Đứng trước nghĩa trang liệt sỹ khi “Thăm mộ chiều cuối năm” nhà thơ, người lính Nguyễn Thái Sơn đã có một ứng cử cao cả nhân văn. Bài thơ tứ tuyệt 4 câu ngắn gọn cô đọng đã lan tỏa bao vòng sóng âm thanh như một khúc ca bất diệt từ một tình huống: “Vạt đồi yên nghỉ bao đồng đội - Nhang trầm một thẻ biết làm sao”. Bỗng xuất hiện bất ngờ một động thái ân tình biết bao: “Thắp hương đành cắm nơi đầu gió” để cho trầm hương chia đến từng ngôi mộ: “Hương khói đừng quên nấm mộ nào”. Vâng, chúng ta không quên, không bao giờ được quên các anh, những nấm mộ đã có danh hay còn khuyết danh nhưng không bao giờ vô danh bởi tên tuổi các anh sống mãi với non sông đất nước, với tổ quốc thân yêu máu thịt của mình.

Thắp hương tri ân anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót tại xã Cẩm Quan (Cẩm Xuyên). Ảnh: Quang Diện

       Hợp âm trầm tháng 7, chúng ta đi từ Bắc vào Nam gặp bao nghĩa trang liệt sĩ. Đó là nghĩa trang Điện Biên Phủ có 4 ngôi mộ có tên trong đó có tới 640 phần mộ không tên. Trong 4 ngôi mộ có tên là anh hùng Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai trong trận đánh mở màn ngày 13-3-1954 và anh hùng Trần Can hy sinh ngày 7-5-1954 lúc chiến dịch toàn thắng. Các anh đã về đây cùng chung chiến hào đánh lấn với áo trấn thủ 36 đường chỉ may ngang dọc như độ nén quả bộc phá mà trái tim là kíp nổ nụ xòe. Các anh sống mãi với hình ảnh người lính phất cao lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” trên tấm huy hiệu Điện Biên Phủ lấp lánh phập phồng theo nhịp đập trái tim người lính. Và Vị Xuyên hôm nay, ta đứng lặng người trước hàng hàng bia mộ bên sườn núi đá vôi nham nhở còn khét lẹt mùi khói đạn thuốc súng chưa tan. Qua Ngã ba Động Lộc, 10 ngội mộ của 10 trinh nữ TNXP như 10 phím đàn rung đến cõi lòng sâu thẳm, nghẹn ngào tiếng gọi “Cúc ơi” trong bài thơ gọi hồn liệt sĩ của người bạn đồng đội Yến Thanh: “Tiểu đội đã về xếp một hàng ngang - Cúc ơi, em ở đâu không về tập hợp”. Cái hàng ngang 9 cổ quan tài phủ quốc kỳ màu đỏ chỉ chờ Hồ Thị Cúc, người được tìm bới sau cùng. Bây giờ trong nghĩa trang các cô vẫn quây quần bên nhau hàng trước, hàng sau cùng chung đội ngũ dưới tán cây bồ kết. Mỗi nấm mộ là một phím đàn, một cuộc đời, một số phận nhưng có một tên chung đều là TNXP đều là “Còn chưa kịp ngõ lời yêu” hy sinh ở tuổi đôi mươi khi còn quá trẻ. Và “Hang 8 cô” ở Quảng Bình bị bom Mỹ đánh sập chặn lối cửa hang như một hộp đàn giữ lại, nén lại bao âm thanh nghẹn tắt cuối cùng để từ đó âm vang một hợp âm trầm day dứt khôn nguôi. Chỉ trong một địa bàn eo thắt miền Trung của 3 tỉnh: Quảng Bình - Hà Tĩnh - Nghệ An mà đã có 3 địa chỉ đỏ ngoài Ngã ba Đồng Lộc, Hang 8 cô là “Huyền thoại Truông Bồn” - Tất cả họ hy sinh dù thời điểm khác nhau nhưng tình huống lại bất ngờ hiếm có ít ai ngờ tới. Đó là khi chỉ còn vài giờ nữa sẽ là điểm mốc thời gian 0 giờ ngày 1-11-1968 giặc Mỹ sẽ thực hiện “ném bom hạn chế” trên miền Bắc thế mà 13 TNXP ở ngã ba Truông Bồn hy sinh trước cánh cửa ước mơ. 10 cô gái Đồng Lộc trong buổi chiều định mệnh khi tốp máy bay Mỹ đã bay ra biển bỗng một chiếc quay lại ném quả bom còn sót xuống 10  chiếc nón trắng như 10 cánh cò trắng muốt trong màu đất đỏ bụi đường bên sườn đồi núi Trọ Voi bạt ngàn hoa sim tím. Ôi màu hoa sim, cái màu hoa bình dị chắt chiu từ đá sỏi, từ nắng lửa gió Lào để dâng cho đời những quả sim mật ngọt những màu hoa màu tím thủy chung tinh khiết. Và Trường Sơn, có một Trường Sơn náo nức, trẻ trung, phơi phới: “Đường ra trận mùa này đẹp lắm - Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây” (Phạm Tiến Duật). Có một Trường Sơn hào hùng với khí thế: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước - Mà lòng phơi phới dậy tương lai” (Tố Hữu). Nhưng chiến tranh đi qua có một nghĩa trang Trường Sơn với hàng ngàn bia mộ quy tập theo từng địa danh địa phương còn bao ngôi mộ chưa tên, còn bao hài cốt nằm trong hẻm đá, khe suối. Đêm đêm đom đóm chập chờn, ngày ngày bướm trắng dập dờn. Tiếng chuông ngân vang với tán cây bồ đề bên nghĩa trang tỏa bóng. Ở đó có: “Mười nghìn tấm bia, còn mười nghìn nữa - Mười nghìn đồng đội nằm rải Trường Sơn - Mười nghìn hài cốt chưa về khói hương” (Nguyễn Hữu Quý). Nhà thơ quân đội Nguyễn Đức Mậu đã từng có một thống kê xót xa lòng trong trường ca “Sư đoàn”: “Nếu đồng đội về đây đông đủ - Sư đoàn tôi sẽ thành mấy sư đoàn”.

       Hợp âm trầm tháng 7 khi từ Trường Sơn ra với Trường sa. Ôi biển Tổ quốc thân yêu trong bọt ngầu sóng trắng dựng lên bao tượng đài trắng. Đó là con đường mòn Hồ Chí Minh trên biển mà tôi gọi là con đường thức: “Bỗng thức dậy trong ta - Biển muôn đời vẫn thẳm - Sóng muôn đời vẫn trắng - Muối muôn đời vẫn mặn - Máu muôn đời vẫn thắm - Con đường mòn trên biển - Có mòn đâu”. Các liệt sĩ của đoàn tàu không số xương cốt đã hóa thành san hô nằm dưới đáy biển. Và trên các đảo nhỏ khơi xa còn có bao ngôi mộ gió. Ở nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo) có bao liệt sĩ, chí sỹ cách mạng nằm xuống bên giấc nôi sóng biển êm đềm. Một Võ Thị Sáu kiên trung bất khuất hy sinh khi còn rất trẻ, ngôi mộ linh thiêng của “Cô Sáu” khiến quân thù khiếp đảm run sợ. Hợp âm trầm của biển cả vỗ về mà thăm thẳm biết bao. Nhìn lên trời cao tôi bắt gặp sắc cầu vồng tháng 7 bắc từ đất liền ra biển lung linh và kỳ diệu. Ánh cầu vồng giao thoa bao nỗi niềm, đan xen bao tâm trạng. Cầu vồng tháng 7 chính là ánh xạ hào quang của sự hy sinh mất mát. Cầu vồng ảo ảnh nhưng lan tỏa một khát vọng, một ước ao da diết của những người đã ngã xuống với người đang sống hôm nay…

Hà Tĩnh, ngày 14 tháng 7 năm 2022

N.N.P

. . . . .
Loading the player...