Trong không gian văn hóa của người Việt, giếng làng là một phần quan trọng không thể thiếu khi là biểu tượng sống động của một làng quê truyền thống, mang vẻ đẹp dung dị, gần gũi với mỗi người. Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu tản văn Giếng làng – cội nguồn nỗi nhớ làng xưa của tác giả Nguyễn Hằng, trường Đại học Hà Tĩnh.
Giếng làng – cội nguồn nỗi nhớ làng xưa
Trong tiềm thức của mỗi một người dân làng quê Việt Nam thế hệ 8X trở về trước, dường như ai cũng lưu giữ bóng hình của chiếc giếng làng cổ xưa với bao kỷ niệm thân thương. Nơi ấy, biết bao thế hệ đã gắn bó những tháng ngày tuổi thơ, để rồi chẳng biết tự bao giờ, giếng làng trở thành mạch nguồn sâu thẳm của nỗi nhớ quê hương, là nơi lưu giữ muôn nẻo hồn quê của những ngày xưa cũ.
Giếng làng quê tôi nằm ở ngay giữa làng, bên cạnh cây bần xanh tươi tỏa bóng mát bốn mùa. Ôm trọn lấy giếng là lũy tre ngà đã nhiều năm tuổi, thân tre óng lên màu vàng hươm với những đốt dài dóng giả. Giếng được đào rộng chừng năm sải tay ôm của người lớn với thành giếng được xếp những phiến đá tổ ong lớn nhằm giữ cho nước giếng luôn được xanh trong và để chống rong rêu. Xung quanh giếng được lát xi măng rộng chừng hai mét để phục vụ người dân đến sinh hoạt. Trên thành giếng đối xứng đóng hai chiếc móc sắt cố định để buộc dây gàu, tránh việc lỡ tay làm gàu bị tuột dây rơi xuống giếng.
Giếng làng bốn mùa nước trong vắt và mát rượi, đáy giếng in rõ nền trời xanh thẳm. Những khi vắng người, mặt nước tĩnh lặng, chúng tôi thường nhìn xuống đáy giếng soi mình vào bóng nước. Vào mùa hè, khi nguồn nước mưa tích trữ đã cạn kiệt, người dân làng tôi thường ra giếng làng gánh nước về đổ vào những chiếc chum sành, vại sành dự trữ để nấu ăn và sinh hoạt hằng ngày. Nhà tôi vốn đông người, Cha tôi xây hẳn một chiếc bể xi măng cỡ lớn để chứa nước. Mỗi khi hè đến, thời tiết nắng hạn, oi bức; bể chứa nước mưa cũng cạn dần. Sau giờ học, anh em tôi có trách nhiệm đi lấy nước từ giếng làng về đổ vào bể. Thuở ấy, nhà có mỗi chiếc xe đạp thồ cũ cha mang từ chiến trường về, anh trai tôi sáng tạo dùng hai chiếc cọc tre buộc vào sau yên xe đạp rồi dùng hai chiếc can nhựa 30l đặt lên để chở nước. Chị em tôi khi ấy còn nhỏ tuổi, chiều chiều rủ nhau mang quần áo đến giếng làng tắm giặt, mang theo cả thùng sắt và đòn gánh để gánh nước về. Tắm giặt xong, hai chị em múc đầy nước vào thùng, luồn đòn gánh vào quai thùng rồi mỗi đứa một bên khiêng về. Đường từ giếng làng về nhà tôi khá xa, hai chị em đứa cao đứa thấp, chân bước không đều nên nước thường bị xóc, bắn hết ra ngoài. Có nhiều hôm về đến nhà, nước trong thùng chỉ còn non nửa. Tiếc công, chị gái tôi nghĩ ra cách bẻ mấy cành bần cho vào thùng nước, nhờ vậy nước không còn bị sánh ra ngoài. Những bận đi chăn bò cạnh bờ đê dẫn nước tưới cho đồng ruộng, chúng tôi lại rủ nhau nhảy ùm xuống tắm rồi sau đó đòi bò về qua giếng làng thì sà vào tắm lại. Tối về nhà, da tay da chân nhăn nheo, bạc thếch vì ngâm mình trong nước quá lâu.
Tôi còn nhớ vào những năm 1990, khi ấy, chúng tôi còn là học sinh tiểu học, đời sống người dân quê tôi còn nhiều vất vả, khó khăn; chỉ có một vài nhà kinh tế khá giả là đào được giếng dùng riêng còn lại đều sinh hoạt bằng nguồn nước chính lấy từ giếng làng. Công việc nhà nông bận rộn, các bà, các mẹ thường tranh thủ đi gánh nước từ lúc sáng sớm tinh mơ hoặc khi trời chiều buông xuống. Bởi vậy, hai thời điểm đó là lúc giếng làng đông đúc người tụ tập nhất. Kẻ tắm rửa, người giặt đồ, người lấy nước…hai chiếc gàu hoạt động hết công suất vẫn không kịp phục vụ. Nhiều người đi tắm phải mang theo gàu nhà đi để tránh việc phải xếp hàng chờ đợi. Tiếng nói cười rôm rả của người lớn, tiếng nô đùa của con trẻ, tiếng đòn gánh kêu kĩu kịt, tiếng bước chân gánh nước thoăn thoắt… hòa quyện lại thành một thứ thanh âm rất đỗi đặc trưng, quen thuộc của làng xóm vào mỗi buổi chiều muộn..
Giếng làng (Minh họa: Hoàng Đặng)
Điều thật đặc biệt của nước giếng làng tôi là dùng nấu nước chè xanh thì nước chè lên màu xanh ngắt, uống vào lẫn cả vị chan chát và ngon ngọt đầu lưỡi; dùng nấu cơm thì hạt cơm chín tới màu trắng tinh… Bố tôi bảo, xưa kia khi đào giếng có mời thầy phong thủy đến chọn vị trí nên giếng làng đào đúng mạch nước ngầm được lọc qua vùng đá cuội nên mới thanh trong và ngọt mát như vậy. Mỗi buổi hội làng, các cụ cao tuổi lại có dịp ngồi quây quần trò chuyện bên ấm chè xanh đặc vị rồi nhỏ to bàn chuyện nước, chuyện làng, chuyện con cháu, dòng họ, miệng không ngớt tấm tắc khen nước chè ngon.
Bao nhiêu năm đã trôi qua, làng quê xưa giờ đổi khác rất nhiều. Đường làng không còn là con đường đất ngoằn nghoèo nữa mà được mở rộng, bê tông hóa hoặc thảm nhựa phẳng lì, hai bên đường được trồng hoa giấy hoặc những hàng rào xanh vô cùng đẹp mắt. Kinh tế phát triển, đời sống của người dân quê tôi được nâng cao, hầu hết mọi người trong xóm đã chuyển sang dùng nước máy, chẳng còn cảnh gồng gánh đi lấy nước từ giếng làng như những ngày xưa. Vắng bóng người qua lại, giếng làng trở nên bình yên, nằm tĩnh lặng soi bóng trời mây. Chương trình nông thôn mới được triển khai, nhiều lũy tre làng được chặt hạ, nhiều cây cổ thụ bị đốn bỏ để đảm bảo đường quang ngõ thoáng nhưng người dân quê tôi vẫn chủ trương giữ lại giếng làng - nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm về một thời gian khó của biết bao thế hệ. Giếng làng giờ được tu sửa, tôn tạo và giữ gìn sạch sẽ, như giữ lại nét văn hóa làng quê thời cũ đã hằn sâu, in đậm vào ký ức mỗi người. Cũng như hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình, giếng làng đã trở thành biểu tượng của hồn quê gắn liền với làng quê Việt Nam thời xưa. Hình ảnh thân thương ấy đã ăn sâu, bám rễ vào tâm hồn những người dân quê hồn hậu, trở thành cội nguồn của nỗi nhớ làng xưa... như lời ca dao mộc mạc, hữu tình lột tả:
"Tròn tròn giếng nước gốc đa
Ai gần nhớ ít, ai xa nhớ nhiều"
Nguyễn Hằng