03-08-2012 - 10:12

Diễn văn khai mạc của nhà thơ Hữu Thỉnh tại Liên hoan thơ Châu Á - Thái Bình Dương

VẺ ĐẸP THI CA VÀ HƠI ẤM CỦA TÌNH HỮU NGHỊ
                                         Nhà thơ Hữu Thỉnh
                                  (Chủ tịch UBLH các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam)

          Tôi rất xúc động nhận thấy niềm mong đợi đã được hồi âm. Sự có mặt của đông đảo các bạn văn quốc tế hôm nay thêm một lần nữa chứng minh rằng, ở đâu và khi nào thì tiếng gọi của hoà bình, của tình bằng hữu cũng có sức tập họp to lớn. Đó là một lẽ phải lớn, một hơi ấm bất diệt trong một thế giới còn nhiều ngổn ngang và lo âu của chúng ta. Chúng ta đến đây, dành những giờ phút đầu năm mới để kết bạn và bàn cách góp sức làm cho Châu Á gian nan và vất vả của chúng ta, cho hai bờ Thái Bình Dương của chúng ta cùng sống trong một nền hoà bình bền vững và cùng phát triển trong tình hữu nghị lâu dài. Với lòng chân thành, tôi xin nồng nhiệt chào mừng các bạn đã đến Việt Nam từ 28 quốc gia Châu Á và Thái Bình Dương. Chúc các bạn có những ngày thật thoải mái, hào sảng trên đất nước của chúng tôi và chúc cho cuộc hội ngộ thơ ca của chúng ta thành công tốt đẹp.
          Tôi xin phép được thay mặt tất cả chúng ta cám ơn lãnh đạo chính quyền và nhân dân Quảng Ninh, vị chủ nhà vô cùng mến khách đã dành cảnh quan thiên nhiên kỳ thú và thơ mộng bậc nhất của Việt Nam để chào đón các thi nhân. Hạ Long chọn chúng ta vì chúng ta đã cùng bỏ phiếu cho hoà bình.
          Người ta nói rằng, thế kỷ XIX là thế kỷ của nước Anh, thế kỷ XX là thế kỷ của Châu Âu, và thế kỷ XXI sẽ là thế kỷ của Châu Á. Nếu dự báo trên là đúng thì một câu hỏi đáng được đặt ra, cái gì đã làm cho vận may dịch chuyển từ Phương Tây sang Phương Đông? Và bài học lịch sử đó là gì? Câu trả lời chỉ có thể là, cần phải có những chiếc hàm thiếc để ghìm bớt các tham vọng. Nếu như quyền tự chủ của các dân tộc từ lâu đều được tôn trọng và cùng được sống, được phát triển trong hoà bình, bình đẳng và tự do thì bản đồ chính trị thế giới đã không phải vẽ đi vẽ lại nhiều lần như chúng ta đã thấy. Sửa chữa lịch sử là một hoang tưởng. Nhưng học tập lịch sử là hoàn toàn cần thiết để đem lại sự thăng bằng cho tâm thế hiện tại và nghệ thuật ứng xử các mối quan hệ quốc gia và quốc tế.
         Từ nạn nhân bị xâm lược của chủ nghĩa thực dân trở thành chủ thể của tự do và độc lập, từ đối tượng khai thác thuộc địa trở thành những khách hàng bình đẳng, từ thân phận bị áp đặt trở thành những đối tác có quyền thương thảo trên chính trường quốc tế, châu Á ngày nay đang từng ngày từng giờ thu hút sự quan tâm của toàn thế giới. Thế giới đổ dồn về châu Á không chỉ thuần tuý để tìm kiếm các cơ hội đầu tư, mà còn để khám phá các giá trị văn hoá, hy vọng tìm thấy sự thanh thản tâm hồn. Bởi sự thanh thản tâm hồn luôn luôn là bóng mát của lý trí sáng suốt.
       Nếu trong quá khứ các tôn giáo cố chứng minh có một thiên đường mơ ước trên tiên giới, thì ngày nay, châu Á đang chứng minh rằng, người ta có thể xây dựng những thiên đường ngay trên cõi trần gian. Những con rồng kinh tế làm đảo lộn các sách vở kinh điển, biến một khu vực vốn được xem là sân sau của các cường quốc đã trở thành mặt tiền giao thương của thế giới. Và Thái Bình Dương trở thành bàn cờ chính trị quan trọng nhất của thời đại chúng ta. Đó thật là những sự thay đổi kỳ diệu. Nhưng cuộc sống chỉ ra rằng, sinh mệnh kinh tế luôn luôn cần có sự bảo hiểm của sinh mệnh văn hoá. Cần lắng nghe lời chỉ dẫn của lịch sử để tránh tâm thế thụ động khi mà sự giao tiếp Đông Tây đang mở ra đến hết kích cỡ. Thế giới phẳng có thể rất cần thiết cho thông tin và phát triển, nhưng đồng phục về văn hoá lại là một sự kéo lùi lịch sử. Cần kiến tạo một sự hợp tác sâu rộng để tìm ra những biện pháp hữu hiệu bảo vệ những lãnh địa bất khả xâm phạm của sự đa dạng văn hoá. Mọi toan tính áp đặt và thay thế  cũng như đánh tráo văn hoá vừa trái với tinh thần thời đại vừa làm cho thế giới nghèo đi. Chủ nghĩa duy lý cực đoan phải dừng bước trước những ngôi đền thiêng của tình yêu, của thơ ca, của bếp lửa gia đình, của lòng khoan dung và tinh thần hào hiệp. Trước biết bao biến thiên và bất trắc, Thơ ca cần đem đến sự bình yên cho mỗi con người. Thêm một người được bình yên trong tâm tưởng, thế giới bớt đi một điều bất hạnh.
        Trong sứ mệnh chinh phục con người, thơ ca có những phép mầu nhiệm đặc biệt. Nó biết chọn lựa giữa vô số những sự khác biệt, để tìm thấy những mẫu số chung. Đó là khát vọng hoà bình của các dân tộc và sự thăng hoa của mỗi cá nhân. Được dẫn dắt bởi sự sung mãn nhất của tâm hồn, thi ca có sức mạnh đặc biệt. Nó đánh thức những năng lượng tiềm ẩn, nó chỉ ra cái hạn hẹp cũng như cái vô tận của con người. Nó làm cho mỗi con người tự tin cất bước trong quyền năng của cái đẹp và điều thiện. Nó luôn luôn đặt con người trong trạng thái tự do suy tư và chiêm nghiệm. Chừng nào con người còn khả năng tự do suy tư và chiêm nghiệm thì hiểm hoạ vẫn còn có khả năng được ngăn chặn nhờ những con đê của đạo đức.
        Thiền định dạy chúng ta phép vệ sinh tinh thần trong trạng thái tĩnh. Thơ ca dạy ta phép nuôi dưỡng tâm hồn trong tư thế động. Đó là vẻ đẹp của tư tưởng nhập thế Phương Đông. Và hiệu ứng xã hội mà nó mong đạt tới là đồng điệu và gắn kết. Về điều này, Thơ ca không hề muốn cạnh tranh với tôn giáo, bởi chính Thơ ca đã là một tôn giáo. Tôn giáo của niềm tôn vinh con người. Vì thế, còn con người đúng nghĩa của nó thì còn thơ ca. Mọi dự báo ảm đạm về số phận của thơ ca tách khỏi số phận cao cả của con người chỉ là sự rên rỉ hoảng loạn và tuyệt vọng chưa tìm ra lối thoát.
Thưa các bạn,
           Chúng tôi được biết rằng, dưới tác động của nhiều nguyên nhân khách quan và do sự đòi hỏi của cuộc sống, Thơ ca của các quốc gia đang cùng có sự chuyển động, tự cách tân mạnh mẽ. Thơ ca của đất nước chúng tôi không nằm ngoài xu thế đó. Hoặc rút vào tháp ngà hoặc là trở thành người đồng hành với nhân dân. Thơ ca của chúng tôi chọn phương án thứ hai. Sự lựa chọn đó là tuyệt đối. Và đó cũng chính là truyền thống của thơ ca Việt Nam qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước. Nhờ bám rễ rất sâu vào đời sống của nhân dân, nên thơ ca của đất nước chúng tôi có truyền thống là một trong những loại hình nghệ thuật có khả năng lưu giữ và chưng cất kỳ diệu nhất vẻ đẹp tâm hồn dân tộc. Để làm tròn thiên chức đó, thơ ca nhận lấy trách nhiệm tinh luyện ngôn ngữ dân tộc, làm cho nó trở nên tinh tuý và điêu luyện bậc nhất trong chức năng biểu cảm. Vì vậy, nói rằng ngôn ngữ là di sản văn hoá quan trọng hàng đầu của dân tộc, thì đó cũng có nghĩa là sự tôn vinh thơ ca. Lịch sử phát triển của thơ ca đất nước chúng tôi là lịch sử phát triển theo xu thế mở. Mở với đời sống. Mở với nhân loại. Mở với đời sống, chúng tôi tìm thấy khát vọng, bản lĩnh, vốn sống và tránh khỏi mọi bế tắc. Mở với nhân loại, chúng tôi nghiền ngẫm thơ Đường của Trung Hoa, nâng niu thơ Hai-Ku của Nhật Bản, trân trọng sử thi Ấn Độ và tiếp nhận nồng nhiệt thơ Pháp và thơ Nga cùng bao nền thơ đặc sắc khác. Quá trình tích hợp này qua bộ lọc của tâm hồn dân tộc mà trở nên giàu có và mới mẻ không ngừng. Đại diện ưu tú nhất về sự kết hợp các giá trị dân tộc và nhân loại là Chủ tịch Hồ Chí Minh, người mà cuộc đời và sự nghiệp đã thuộc về những giá trị chung nhất của loài người. Người đã nhiều lần đến Hạ Long, cùng kéo lưới với các ngư dân, thăm hỏi các thợ lò làm việc dưới các hầm than và tặng quà cho các cháu nhỏ. Chính Người đã dạy chúng tôi trân trọng giá trị tinh hoa của các màu da như trân trọng các giá trị văn hoá của các dân tộc anh em trên đất nước chúng tôi. Người đã chứng minh một cách tuyệt đẹp thơ ca là khí phách, lương tâm và danh dự dân tộc. Người biết làm giàu thi hứng của mình bằng sự tiếp nhận Thơ ca châu Á, châu Âu, châu Mỹ mà Người đọc được từ nguyên bản, đồng thời truyền lại niềm say mê đó cho chúng tôi. Tới đây, chúng tôi muốn dừng lại chốc lát để bày tỏ lòng biết ơn của chúng tôi tới các dịch giả đã chuyển tải rất thành công nhiều tác gia lớn của thơ ca thế giới thành ra các hiện tượng thi ca tồn tại lâu dài trong tiếng Việt.
Thưa các bạn,
           Trong những năm chiến tranh ác liệt nhất, ngay cả khi lọt vào vòng ngắm của các họng súng tầm gần và tầm xa, chúng tôi vẫn luôn cảm thấy hoà bình đang ở trước tầm tay. Thơ ca dạy chúng tôi hy vọng. Vì không phải là những kẻ chỉ dạo chơi trong chiến tranh nên chúng tôi nói đến hoà bình với tất cả sự thiêng liêng cháy bỏng của một dân tộc từng chiến đấu. Và hôm nay chúng ta gặp nhau tại đây, trời biển, con người, tất cả không còn gợn chút gì của thuốc súng. Nhưng xin các bạn không chỉ nhìn mà hãy cảm. Hãy cảm, tức là bằng trực giác của thơ ca, các bạn sẽ thấy có bao nhiêu nước mắt sau một nụ cười, bao nhiêu máu đã đổ để đến được một cái bắt tay. Và vì có quá nhiều sự trả giá nên những gì trên đất nước của các bạn là bình thường thì ở đất nước chúng tôi là rất khác thường, những gì ở đất nước các bạn là hàng ngày thì ở đất nước chúng tôi trở nên rất đặc biệt. Con người đặc biệt, cuộc sống đặc biệt, tình bạn, tất nhiên, rất đặc biệt.  Tình bạn đặc biệt, thậm chí rất đặc trưng, vì các bạn, nhân danh lương tâm của loài người đã đến với chúng tôi ngay từ những năm tháng khó khăn nhất.
         Hoà bình là tài sản vô giá của loài người. Nó là vật báu trao tay qua nhiều thế hệ. Hoà bình được làm ra trên các nghị trường, trên những nụ cười, trên bước đi của các em nhỏ và qua những lời tỏ tình không bao giờ cũ. Với Thơ ca, hoà bình là một niềm say mê, một cảm hứng sáng tạo vô hạn trong tình yêu con người. Có bao nhiêu con đường đến với Thơ ca thì có bấy nhiêu sáng kiến để bảo vệ và củng cố hoà bình. Với Thơ ca, bầu trời đẹp nhất là bầu trời dưới đôi cánh của chim bồ câu. Hoà bình là khởi nguồn cho mọi khởi nguồn, là điều kiệu của mọi điều kiện.
         Thế giới của Thơ ca vô cùng rộng lớn và tinh diệu. Chúng ta hãy cùng nhau tìm ra cách ứng xử tương xứng với những điều kỳ diệu đó. Cần phải đến với nhau nhiều hơn nữa. Tâm tình. Cởi mở. Đối thoại. Phải dành sự quan tâm xứng đáng cho công tác dịch thuật và xuất bản các tác phẩm của nhau. Phải làm cho Thơ ca nhân loại đến với  các bục giảng, đến với mọi sinh hoạt cộng đồng và mọi con đường riêng tư nhất. Với tiến bộ của thông tin, thế giới đến ở ngay trong mỗi căn nhà, thế thì Thơ ca, tại sao không?
        Vui mừng vì được sống, sáng tạo và mộng mơ tại châu Á đang trở thành một trung tâm mới của thế giới. Điều đó, đối với các nhà thơ chúng ta có ý nghĩa gì? Chúng ta hy vọng trung tâm mới này của thế giới phải là một mẫu mực đáng kính của sự chung sống hoà bình, của tình đoàn kết, hữu nghị, đồng thuận và phát triển của các dân tộc; Và hai bờ Thái Bình Dương sẽ là những khu vườn khoe sắc bình yên và bất tận của các nền văn hoá.
        Vì tất cả những gì đang được khởi động một cách tốt đẹp, xin chúc sức khoẻ các bạn và chúc cuộc gặp mặt của chúng ta thành công.
 

                                                                                                                Xin cám ơn!

. . . . .
Loading the player...