10-12-2019 - 10:33

Chuyện đọc sách ở Pháp

Tạp chí Hồng Lĩnh số 160 giới thiệu bài viết "Chuyện đọc sách ở Pháp" của tác giả Nguyễn Thị Hương

 

Hồi mới sang Pháp, một trong những điều đập vào chú ý của tôi là có vẻ như người Pháp thích đọc sách. Đâu đâu cũng thấy người đọc sách. Bến tàu, nhà ga, trạm đợi xe buýt, bãi biển, bờ sông, công viên…Mà không phải chỉ có người già rỗi việc. Có rất nhiều người trẻ và con nít. Nếu nhìn bề ngoài mà đoán thành phần thì cũng đủ hạng: người lao động chân tay, người lao động trí óc, người xuềnh xoàng, người trau chuốt…Sống ở Pháp lâu hơn chút nữa, tôi rất ngạc nhiên và thán phục khi thấy hầu như người Pháp nào tôi có dịp tiếp xúc cũng nói hay, nói giỏi, nói suôn, nói dài. Anh thợ quét sơn đến nhà nói chuyện văn chương, triết học cứ tự nhiên như không, chẳng chút gượng gạo nào. Bác nông dân trồng nho về hưu nói những chuyện về thiên văn, chính trị mình chẳng hiểu gì mấy, chỉ biết chắc một điều là bác đã biến những thứ đọc được thành kiến thức của riêng mình. Những lúc như thế thấy thương cho cái thân mình, dân chuyên văn, các môn tự nhiên ví như môn vật lý hầu như chẳng học hành gì, đến kì kiểm tra thầy chỉ yêu cầu học thuộc lòng định lý, đọc càng nhuyễn điểm càng cao, để đến bây giờ «không hiểu gì về điện» theo đúng nghĩa đen trụi lủi của cụm này. Rồi sống lâu lâu ở Pháp, khi đã cùng con đi qua các lớp mẫu giáo, lớp một, khi đã tham gia vào một số hội, đoàn thể ở địa phương và trường học, mới nghiệm ra có lẽ cái sự thích đọc của dân Pháp có nguồn gốc từ một chính sách toàn diện, có hệ thống về khuyến đọc, áp dụng cho mọi cấp học, mọi môi trường. Rồi bỗng thấy cái câu «Ăn cắp sách không phải là ăn cắp» mà thời tuổi trẻ a dua thỉnh thoảng lôi ra trích dẫn để chứng tỏ mình thú vị hóa ra rất nhảm, không chỉ nhảm mà còn «phản động» hết chỗ nói vì đã đi ngược với «đạo đức» sách. Cho đến giờ, những quan sát và cảm nhận của tôi về chuyện đọc sách ở Pháp có thể gói trong hai từ: CHIA SẺ và KHƠI NGUỒN. Hai từ này nghe quen tai, có vẻ như ai cũng nói được, ai cũng biết nhưng đằng sau nó có nhiều chuyện tinh vi, thú vị mà một người thích đọc sách đồng thời cũng từng làm việc trong ngành giáo dục ở Việt Nam ngót nghét 15 năm như tôi thấy có nhiều điều để nghĩ ngợi và so sánh.

SÁCH LÀ CHIA SẺ  

Thành phố tôi sống (không theo cái nghĩa như ở ta, gọi là xã, làng cũng được) là một trong hai thành phố nhỏ nhất của tỉnh Hérault với diện tích 3,43 km2 và số dân là 6785 người. Thế nhưng Hội đồng hành chính dành hẳn cả tòa lâu đài được xây từ đầu thế kỉ 17 làm thư viện đa phương tiện, bao quanh là vườn hoa và rất nhiều cây cổ thụ. Phí thẻ thư viện chỉ có tính chất tượng trưng, giao động từ 5 đến 10 euros tùy đối tượng. Với thẻ của thư viện này, người đọc được truy cập, mượn sách, tài liệu nghe nhìn…miễn phí ở tất cả các thư viện khác của vùng. Chính sách này khuyến khích cả vợ chồng con cái cùng đọc sách, tạo điều kiện dễ dàng cho việc mượn sách, tài liệu khi đi nghỉ ở nơi khác. Mỗi người được mượn 8 đầu sách trong đó có 2 sách mới, 2 tạp chí và một máy đọc kĩ thuật số nhỏ như một cuốn sách bỏ túi nhưng có khả năng lưu trữ hàng trăm quyển sách điện tử. Máy đọc điện tử với nhiều tính năng thông minh thu hút nhiều độc giả trẻ tuổi, thích hợp với những người có vấn đề về nhìn (tăng cỡ chữ, thay đổi phông chữ, điều chỉnh ánh sáng…) hay những người cần tra từ điển, thích ghi chép khi đọc. Thư viện luôn cập nhật một số đầu sách mới, tất nhiên thời hạn mượn được rút gọn xuống chỉ còn một nửa là 2 tuần.

Hầu như tất cả các thành phố, làng xã ở Pháp đều tổ chức ít nhất hai lần trong năm, thường vào dịp đầu đông và đầu hè, một hoạt động gọi là vide grenier (kiểu như dọn kho) trong một khuôn viên công cộng, khuyến khích người dân đem những thứ không cần hay không thể dùng nữa bán với giá rất rẻ cho những người cần. Tôi và bà hàng xóm thường tận dụng những dịp ấy để mua sách và đồ chơi. Sách thì còn mới, còn đẹp mà rẻ như cho. Người bán sách và đồ chơi thường là các em nhỏ, số tiền thu đượcđược bố mẹ cho làm tiền tiêu vặt. Việc cho các em tự lựa đồ đi bán, tự sắp xếp bày biện đồ, tự trao đổi với người mua, tự thu tiền…có tác dụng giúp các em tăng tính độc lập, tính thực tế,ý thức giữ gìn sách vở, đồ chơi, tính tiết kiệm, ý thức chống lãng phí, khả năng tổ chức sự kiện, khả năng chia sẻ. Đối với những người thích sách thì những dịp như này là cơ hội để nhấm nháp thú săn sách mà không phải «đau bao tử» về số tiền bỏ ra. Người yêu sách còn có thể lùng mua sách ở các chợ trời, họp thường xuyên vào các ngày cuối tuần ở một số địa điểm nhất định. Tờ nhật báo và tuần báo địa phương cũng dành trọn một trang cho việc đăng thông báo «dọn kho» và nơi họp chợ trời.

Một trong những bằng chứng đẹp của việc chia sẻ sách là đem sách để vào những nơi dành cho việc đó. Khi mới sang Pháp, tôi rất ngạc nhiên khi thấy có rất nhiều chòi nhỏ cỡ chuồng chim cu được trang trí xanh đỏ sặc sỡ với lời mời chào: Mời bạn lấy. Những chòi này được đặt gần bến xe buýt, bến tàu điện, công viên, trường học…Lúc đầu tôi thấy hiểu theo nghĩa đen thì tiện lợi quá nên háo hức lấy về đọc và sau đó cất vào tủ sách nhà mình. Sau này dần giác ngộ tôi thấy đó là việc làm vô nghĩa và cũng học cách mang trả lại, đôi khi còn đưa sách của mình ra chỗ đó. Nhưng tự bản thân thấy việc loại sách, cho sách cũng không hẳn dễ dàng. Lại thấy phục một chị bạn. Chị có một nguyên tắc áp dụng cho tất cả mọi thành viên trong gia đình: nếu ai muốn mua một cái gì mới (quần áo, sách vở, đồ chơi…) thì trước đó phải loại được một đồ vật cùng loại. Sách loại thì chị đem ra chòi, đồ loại chị gom lại sau đó đem đến những hội đoàn tương trợ người có hoàn cảnh khó khăn. Cũng nhờ vào những chòi sách đó mà có lần tôi lấy được 10 cuốn tạp chí Paris Match xuất bản năm 1954, chuyên đề về Điện Biên Phủ. Lần này thì tôi giữ cho mình. Chồng tôi còn vui sướng hơn cả tôi, bảo: Đó là số phận, số phận đã đặt chúng vào tay em. Công dân gương mẫu Pháp đã nói như thế thì tôi thấy cũng chẳng cần áy náy nữa!

Chia sẻ sách còn là chia sẻ ý tưởng, cảm xúc về sách. Những buổi chia sẻ như này thường được tổ chức bởi thư viện và một đơn vị kiểu như Nhà văn hóa ở ta nhưng hoạt động rất bài bản, có tôn chỉ rõ ràng. Cứ tối thứ 6 của tuần cuối cùng của tháng, họ tổ chức những buổi sinh hoạt cho nhiều nhóm đối tượng khác nhau: trẻ em dưới 8 tuổi, thiếu niên, người lớn…Ở đó mọi người đươc tự do phát biểu suy nghĩ, cảm xúc, ấn tượng liên quan đến những quyển sách, vở kịch, bộ phim đã đọc và xem trong tháng. Bà giám đốc thư viện nhận xét rằng cứ sau mỗi buổi sinh hoạt như thế này, số lượng người đến thư viện mượn sách, mượn băng đĩa tăng hơn lên. Đó là một trong những hiệu ứng tích cực của việc chia sẻ sách – chia sẻ để khơi nguồn đọc. Nói đến khơi nguồn là nói đến rất nhiều những hình thức lớn, nhỏ nhằm mục đích giáo dục lòng yêu thích sách cho học sinh được nhà trường và thư viện phối hợp tổ chức một cách có hệ thống suốt từ mẫu giáo đến trung học.

HỌC SINH PHÁP ĐƯỢC KHƠI NGUỒN ĐỌC SÁCH NHƯ THẾ NÀO?

Khi con tôi học lớp mẫu giáo bé, cứ thứ 6 hàng tuần cháu được mượn một quyển truyện tranh từ thư viện của trường và phải trả lại vào thứ 5 tuần kế sau. Vậy là hành trang đi học ngoài cái túi nhỏ xíu để vài thứ đồ cần thiết còn có một cái xắc gọi là xắc thư viện và tên xắc thư việnphải được đề hẳn hoi bằng mực không trôi ở mặt ngoài xắc. Tôi để ý thấy con rất tự hào và vui thích mỗi lần được mang cái xắc thư viện này. Trong hai ngày cuối tuần dù bận mấy bố mẹ cũng phải dành thời gian đọc quyển sách thư viện đó cho con vì cô giáo có thể yêu cầu bất cứ trò nào kể lại nội dung, cảm xúc về quyển sách đã mượn. Hình thức này buộc các bố mẹ lười đọc cũng phải cố đọc ít nhất quyển sách mượn của con nếu không muốn con bị lạc lõng ở lớp và không muốn bị mang tiếng với cô giáo.

Rồi bắt đầu từ mẫu giáo nhỡ cho đến hết mẫu giáo lớn, ngoài việc mượn sách hàng tuần ở thư viện trường, tháng nào cô trò cũng dành một buổi rồng rắn kéo nhau đến thư viện thành phố. Ở đó, các cháu được tiếp xúc và làm quen với hệ thống tổ chức thư viện, được tự do chọn sách trong khu vực sách thiếu nhi, được tham gia rất nhiều hoạt động do thư viện tổ chức. Từ tiểu học đến trung học, tần suất đến thư viện thưa hơn nhưng việc học sinh tham gia các hoạt động phối hợp với thư viện vẫn luôn được xem là một hoạt động quan trọng của nhà trường.

 Các chương trình giáo dục mới ở tiểu học khuyến khích giáo viên thực hành thường xuyên một hình thức đọc được gọi là đọc văn chương, để giúp học sinh khám phá và mở rộng thêm những hứng thú đọc mới, ngoài việc đọc những đoạn trích nhỏ trên lớp. Bộ Giáo dục Pháp đưa ra một danh sách gợi ý về các tác phẩm văn chương cần đọc trong nhà trường cho mọi cấp học, giáo viên có thể căn cứ vào đó để hướng dẫn học sinh chọn sách đọc. Đọc ở đây được hiểu là đọc toàn bộ tác phẩm. Danh sách này rất dài và đa dạng về thể loại. Lấy ví dụ số đầu sách của danh sách tác phẩm văn học ban hành năm 2018 cho đối tượng học sinh tương đương với lớp 1, lớp 2 và lớp 3 ở ta: truyện minh họa: 163, truyện tranh: 29, bài hát thiếu nhi và trò chơi ngôn ngữ: 15, truyện cổ tích – ngụ ngôn – thần thoại: 35, thơ: 34, tiểu thuyết – truyện ngắn – kí sự: 70, kịch: 14 (nguồn: liste-de-reference-des-ouvrages-cycle-2-vd-21012019-1063160.pdf). Ngoài ra, giáo viên, tùy theo «tạng» của mình, có thể tự do đưa thêm những bài đọc mang tính cập nhật với thực tế mà không bị bất cứ ràng buộc về chương trình nào. Tôi biết cô giáo của con tôi là một người quan tâm đến môi trường nhờ những bài đọc cô ra về nhà: lần thì về cháy rừng Amazon, lần thì về chuyến sang thăm Mỹ bằng thuyền buồm của Greta Thunberg. Trong trường học, có thể nói học sinh được «bao bọc» bởi sách, sách có mặt ở khắp nơi. Ở trường tiểu học của con tôi, trong mỗi lớp có một góc đọc, sàn rải thảm kèm thêm mấy cái gối phồng để các em có thể ngồi, nằm, dựa đọc sách một cách thoải mái. Trường còn dựng riêng một căn nhà gỗ nhỏ trang trí rất dễ thương để các em đến đọc sách. Về phần mình, thư viện phối hợp với nhà trường và các đối tác khác tổ chức những hoạt động liên quan đến sách và đọc sách với mục đích kéo thêm độc giả đến thư viện, giúp học sinh tiếp cận một cách đọc khác. Ở đây tôi chỉ nêu một số hoạt động mà mình được trực tiếp chứng kiến hoặc nghe kể lại.

Hoạt động: Đi tìm kho báu ở thư viện.

Kho báu ở đây là một cái hòm gỗ đựng những viên sô cô la nhỏ - phần thưởng cho những chiến binh săn sách.Đây là trò chơi tìm sách theo chỉ dẫn. Để tìm một quyển sách, các em có 5 chỉ dẫn về nội dung, chủ đề, tác giả, thể loại, nhà xuất bản…được sắp xếp theo kiểu cụ thể hóa dần đối tượng tìm kiếm. Nếu đội nào chỉ cần dùng chỉ dẫn đầu tiên mà tìm được quyển sách cần tìm thì sẽ được ghi 5 điểm. Trong trường hợp không tìm được, đội đó sẽ phải quay lại người cầm chịch để lấy chỉ dẫn thứ hai và cứ tiếp tục như thế. Cứ mỗi lần thêm một chỉ dẫn là bị trừ một điểm. Trò chơi này giúp các em hiểu thêm về cách sắp xếp, bố trí sách ở thư viện. Được dịp tiếp xúc với những chỉ dẫn đa dạng về sách sẽ khiến các em chú ý đến những thể loại sách khác, kích thích các em mở rộng gu đọc sách của mình. Trò chơi này cũng là một cách để giúp những bạn đọc nhỏ tuổi thu nhận một số kinh nghiệm để từng bước trở thành độc giả có kinh nghiệm sau này: đoán định, đánh giá nội dung, phong cách, sự hấp dẫn qua việc sử dụng lời giới thiệu ở bìa 4, qua việc lướt qua các trang sách. Đây cũng là một hoạt động có tác dụng phát triển tinh thần đồng đội qua các tương tác và chia sẻ.

Hoạt động này có nhiều biến thể của nó như: Kỹ thuật chú voi (tìm những quyển sách về chủ đề voi trong tất cả sự đa dạng của nó: khổ sách, hình thức sách, chất liệu sách, màu sắc, thể loại…qua đó giúp các em hiểu về cách bố trí sách ở thư viện, về sự khác nhau trong tổ chức nội dung tùy thuộc vào từng thể loại diễn ngôn); Đi tìm mẹ sách (cho một số trang phô tô lấy từ những quyển sách nào đó và phải tìm đúng quyển sách chúng thuộc vào); Đô-mi-nô sách (cho trước 2 quyển sách có một điểm chung, tìm quyển sách thứ 3 có một điểm chung về màu sắc, về tên tác giả, về nhà xuất bản, về tên nhân vật trên bìa, về số lượng từ trên tiêu đề… với một trong hai quyển sách cho sẵn và cứ tiếp tục như thế); Vòng quanh thế giới cùng với 80 quyển sách (tìm 80 quyển sách trong đó bối cảnh diễn ra ở 80 nước khác nhau, đánh dấu lên bản đồ thế giớicùng với một sợi len buộc phiếu tên sách, tác giả, nhà xuất bản).

Việc kích gợi lòng yêu thích sách có lẽ chẳng mấy khó khăn đối với những học sinh tự bản thân đã mang sẵn niềm ham mê sách. Vấn đề là làm sao cho những em có vấn đề về đọc và ít hứng thú với sách trở nên thích sách và qua đó cải thiện khả năng đọc hiểu của mình. Chính các hoạt động thông qua trò chơi diễn ra trong một thời gian dài và đều đặn như vừa kể đã mang lại những hiệu ứng tích cực cho những đối tượng học sinh này. Ở đây, thư viện và nhà trường gặp nhau ở một điểm: việc bắt ép hay tuyên truyền lộ liễu học sinh yêu sách và thích đọc sách là bất khả, muốn kích thích học sinh đọc sách thì phải làm sao cho việc đọc sách mang lại một ý nghĩa nào đó và đem lại niềm vui và chỉ có qua niềm vui thì học mới hiệu quả.Ở đây tôi chỉ kể một hoạt động dành cho đối tượng học sinh này.

Hoạt động: Đỡ đầu ở thư viện

Người đỡ đầu là học sinh cấp 2, người được đỡ đầu là các bé mẫu giáo. Điểm chung của hai đối tượng này là không đến hoặc không thường xuyên đến thư viện. Học sinh mẫu giáo thì không thể tự đến nếu không có bố mẹ hay cô giáo đi kèm. Học sinh cấp 2 ở đây thuộc thành phần các em có vấn đề về đọc và không thích sách nên việc đến thư viện cũng rất hãn hữu, thường chỉ bó hẹp trong những buổi đến thư viện cùng nhà trường. Mỗi anh chị đỡ đầu kí một «hợp đồng» với các điều khoản rõ ràng: cam kết mỗi tuần một lần, vào giờ hoạt động buổi trưa đến tận lớp mẫu giáo đón một em nhỏ và dắt đến thư viện; cam kết giúp em bé có những hành vi ứng xử tốt ở thư viện: biết tôn trọng sách qua việc không có những hành động thô bạo với sách, biết sắp xếp sách đúng chỗ của nó; cam kết kể chuyện hay đọc sách cho em bé, khuyến khích em có hứng thứ học đọc để có thể tự đọc sách sau này…Giáo viên cấp 2 và mẫu giáo là những người chọn cặp đỡ đầu dựa trên đặc tính riêng của mỗi học sinh. Sau một số buổi gặp gỡ ở thư viện, các giáo viên ghi nhận có một sự biến đổi rõ rệt cả trong hành vi ứng xử và học tập ở những học sinh cấp 2 này. Việc tin tưởng giao cho các em trách nhiệm kèm cặp em nhỏ khiến các em cảm thấy tự tin hơn ở bản thân, thấy giá trị của bản thân mình, tìm cách «làm đẹp» hình ảnh của mình trước các em nhỏ, và một khi động thái này được khởi động, việc giúp các em nhận thức về những hạn chế trong kĩ năng đọc của mình để từ đó thiết lập một chiến lược học tập và bổ khuyết những chỗ yếu kém trở nên dễ dàng hơn nhiều. Nhà trường và thư viện không yêu cầu các em quan tâm một cách trực tiếp đến sách mà yêu cầu quan tâm đến các em nhỏ qua sách. Sách trở thành phương tiện để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Dần dần, nhờ tiếp xúc thường xuyên với sách, sách thay đổi cương vị của mình, trở thành bạn, đồng minh của các em. Các em tìm thấy niềm vui trong việc đọc sách và ý nghĩa của việc đọc sách. Kết luận sư phạm rút ra là không phải việc biết đọc tạo nên hứng thú đọc mà chính hứng thú đọc thúc đẩy việc ham muốn học đọc.

Những hoạt động tôi vừa kể cho thấy vai trò rất quan trọng của thủ thư. Thủ thư không phải là người giữ sách mà là người bắc cầu văn hóa, họ đóng vai chủ động trong việc khơi nguồn đọc sách. Hồi mới sang, thấy cái thư viện đẹp, nghĩ mình vốn thích sách, cũng bằng cấp như ai, lại tiện chăm con nhỏ nên tôi định bụng xin vào làm chân thủ thư của thư viện thành phố. Đến khi tìm hiểu mới ngã ngửa là quá khó. Thứ nhất, không có chuyện xin mà phải thi bốn vòng: 2 vòng viết và 2 vòng nói, với hội đồng chấm gồm 63 thành viên. Có nhiều ngạch thư viện. Lấy ví dụ về một ngạch năm tôi mới sang (2015): số người đăng kí là 3770, số người có mặt là 1137, chỉ tiêu đậu là 8, tỉ lệ đậu là 2,2%. Những người thi là những người có bằng đại học trở lên. Sau khi đậu cũng chưa được đi làm ngay mà phải đi học 18 tháng nghiệp vụ. Khi xem báo cáo cáo của hội đồng và các bài viết đạt điểm cao trên site của Bộ Đại học, Nghiên cứu và Canh tân mới thấy mình có ở Pháp thêm 20 năm nữa cũng chưa chắc đã đậu.

 Chuyện dạy cách đọc và học văn ở Pháp cũng có nhiều điều đáng kể nhưng tôi không đề cập đến ở đây. Chỉ xin lấy một ví dụ là con tôi, hiện tại là học sinh lớp 2 chẳng phải đợi đến đại học mới được học khái niệm «điểm nhìn» như mẹ nó. Ngay từ học kì 2 của lớp 1, cô giáo đã đem khái niệm này vào dạy trong giờ đọc hiểu. Trước đó, trong suốt học kì 1, cô tập hợp học trò vào góc đọc và dành 15 phút đầu giờ chiều đọc truyện tranh cho các em nghe. Đọc xong, cô chỉ đặt những câu hỏi rất khách quan, kiểu như: «Các em có gì để nói không?» chứ không áp đặt ý kiến của mình. Việc đó thành một nghi thức lặp đi lặp lại, học trò dần dần biến mình thành một tác nhân tích cực của hoạt động trao đổi này và có thể phát biểu ý kiến của mình một cách tự do dưới sự dẫn dắt của cô giáo. Để dạy khái niệm đó, cô giáo dùng nhiều kiểu truyện tranh: một số cặp truyện tranh có cùng nội dung nhưng được kể dưới nhiều điểm nhìn khác nhau, một số truyện trong đó có sự lệch pha giữa văn bản và hình ảnh, một số truyện trong đó sự thay đổi điểm nhìn được thể hiện qua việc thêm màu sắc vào hình minh họa đen trắng… Chính học sinh là người phát hiện ra các điểm khác nhau đó, tranh luận về chúng và cô giáo dẫn dắt để dạy khái niệm điểm nhìn.

Quay trở lại với hai từ chia sẻ và khơi nguồn mà tôi dùng làm điểm tựa cho bài viết này. Thật ra mọi hình thức chia sẻ cũng là để khơi nguồn và một khi đã được khơi nguồn thì chỉ muốn chia sẻ. Viết bài này tôi không nhằm mục đích chứng minh tính ưu việt của văn hóa và giáo dục Pháp mà chỉ muốn chia sẻ những điều được chứng kiến, hy vọng có thể khơi được một cái nguồn nhỏ nhoi nào đó ở những người quan tâm đến việc đọc của con em mình.

                                                                                      N.T.H

. . . . .
Loading the player...