12-07-2019 - 08:09

Cây đa chết lúc nửa đêm về sáng - Tạp chí Hồng Lĩnh số 155

Tạp chí Hồng Lĩnh số 155 giới thiệu truyện ngắn "Cây đa chết lúc nửa đêm về sáng" của Nhà văn Đức Ban.

1. Vài mảnh ký ức

Huyện Lộc Nhân, tỉnh N. có xã Nghĩa Thượng kéo dài chừng ba cây số dưới chân rừng Giăng Màn. Tên Nghĩa Thượng có thời làm cách mạng sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, còn thì trước đấy vùng đất này là Làng Dưng; cái tên nghe ra sự vô tình với vẻ đìu hiu, xa vắng. Thế nhưng thiên hạ không mấy ai nhắc tới Nghĩa Thượng  mà cứ Làng Dưng đầu cửa miệng mỗi khi cần chỉ vùng đất bán sơn địa này. Làng Dưng khá sầm uất. Hầu hết là nhà xây tường gạch lợp ngói đỏ bám dọc các nẻo đường. Giữa làng có một nhà hàng bán cháo lòng, phở gà ta kèm tạp hoá. Nhà hàng xây đá ong, mái đổ bê tông, sàn lát gỗ rộng có đến trăm mét vuông, một nửa nằm trên dệ đường làng, một nửa gác trên dãy cột bê tông cắm chân dưới hồ nước um tùm  bèo tây hoa tím. Dãy rèm đan bằng phên nứa chống lên trập xuống thay cho cửa ra vào. Chếch về phía trái dăm mét là cây đa cổ thụ, tán lá phủ kín một vùng rộng lớn. Gốc đa bành ra những mảng như những tấm phản, còn rễ luồn lách dưới đất khiến mặt đường bê tông nổi lườn, nổi ụ. Nhờ bóng râm của cây đa mà nhà hàng Hai Râu thành nơi gặp gỡ của dân làng Dưng và cả người các làng khác. Cây đa thành chứng nhân những vui, buồn thời cuộc, nhân tình thế thái và bao chuyện trên trời dưới biển, kim cổ, đông tây.

Từ nhiều năm trước tôi đã là khách quen của nhà hàng Hai Râu. Mỗi lần về Nghĩa Thượng lấy tư liệu viết báo, ông Chủ tịch xã đều tiếp tôi ở nhà hàng ấy, bên cây đa ấy, đến mức tôi thuộc cách uống rượu của dân bán sơn địa và quen mùi vị đặc trưng của các món ăn.

2. Vai trò người phục vụ

Sáng nay, phòng Chủ tịch uỷ ban xã đóng cửa, tôi gõ cửa phòng Thư ký. Một thanh niên ngồi  trước cái màn hình máy tính đang phát sáng. Tôi đưa cái thẻ Nhà báo về phía anh ta. Anh ta liếc mắt nhìn, rồi nói liếng thoắng:

- Ôi, anh. Em đã đọc nhiều bài của anh, cả bài anh viết về xã em mấy năm trước. Lần này anh lại về, tin là lại có bài mới. Anh ngồi xuống đi, có nước chè xanh trong ấm ấy. Anh thông cảm, xã thời cơ chế thị trường, hội nhập, việc chèn lên việc. Anh cho biết chương trình công tác để em sắp xếp lịch.  

 Tôi nói:

- Một buổi làm việc với Chủ tịch xã; sau đó đi thực tế.

Anh Thư ký thở dài nhẹ:

- Gặp và làm việc với Chủ tịch phải đăng ký trước. Mà sáng nay, Chủ tịch họp ở Huyện. Thế nên, anh đi thăm địa phương, ngoài làng Dưng là trung tâm xã, còn các làng khác như làng Giang Phúc, làng Thuận Yên…mỗi làng mỗi vẻ. Đúng 11 giờ kém anh về đây, Ủy ban mời cơm ở nhà hàng Hai Râu. Khách của xã bao đời nay đều ăn uống ở đó.

 Tôi nói:

- Chú tin với Chủ tịch Hanh là có nhà báo Nguyễn Đăng muốn gặp.

Anh Thư ký có vẻ ngạc nhiên:

- Ông Hanh thôi rồi. Người thay ông ấy làm Chủ tịch là chị Tề. Mà như em đã nói, sáng nay chị ấy đi vắng.

Tôi bỗng có cảm giác hụt hẫng. Một Chủ tịch xã giỏi giang, có uy tín với dân sao chưa hết nhiệm kỳ đã thôi việc. Tôi chưa kịp hỏi thì anh Thư ký đã đứng dậy, gập máy laptop, nói:

- Ông Hanh không còn là Chủ tịch thì anh có gặp nữa không?

- Có…- Tôi đáp, lòng thoáng buồn.

- Để em lo. Là nói chuyện anh gặp ông Hanh ấy. Có điều không gặp ở đây được. Ông ấy chẳng đặt chân vào cổng Ủy ban đâu, trừ họp Đảng bộ.

- Ở nhà hàng Hai Râu đi -Tôi nói - Trước đây chúng tôi đã thường ngồi ở đó.

- Vậy nhé. Em sẽ đón ông ấy đến… 

Tôi đứng trước cổng Ủy ban nhìn ngang, nhìn dọc. Đường làng chắc là sắp mở rộng, đất đá đổ đầy hai bên chỉ còn một lối nhỏ cho người và xe thô sơ đi lại. Đã thế, một con mương xây dở dọc theo dệ đường, nắp bê tông và gạch đỏ ngổn ngang. Không gian trống trải, nhưng nhức nắng. Không nhìn ra cây đa cao, tán lá xanh ngày nào, tôi đi vòng vèo trong làng đến được nhà hàng anh Hai Râu đã thấy ông Hanh ngồi trước cửa.

3. Những chuyện không vui

Thấy tôi ông Hanh đứng dậy đi ra tận mấy tấm ván bắc qua mương nước làm cầu, nhìn tôi thân thiện và nói:

- Về lúc nào? Vẫn nhớ người cũ xưa này à?  

- Nhớ chứ ạ. –Tôi nói.

-  Quý hoá, những năm năm rồi -  Ông Hanh bỗng thở dài- Anh vẫn thế, tôi thì gìà đi, thành kẻ vô tích sự rồi.

Tôi gượng cười, nói:

- Sao lại nói vậy. Làng quê ngày nay người trẻ ra Thành phố, lên Khu công nghiệp, làng xã cậy nhờ vào lực lượng cán bộ hưu trí vừa trải biết, vừa có phẩm chất, kinh nghiệm.

- Nói thì nghe xuôi tai…-Ông  phẩy tay - Ta vào trong  ngồi. Tiếc là nó chết mất rồi. 

Tôi giật mình, hỏi:

- Bác bảo ai chết?

- Cây đa.

- Bác làm tôi giật thột.- Tôi thở pháo, bỗng nhớ ngày trước cũng ở nơi này, tôi và ông không ngồi trong nhà mà kéo bàn ghế ra gốc đa dưới bóng râm, hứng gió ngoài đồng thổi vào nghe cả hương lúa, hương cỏ và cả mùi phân bò khô.. Chỗ ấy nay là con mương thành đổ bê tông rộng hơn sải tay chạy qua, hun hút mất vào lùm cây xanh phía xa. Vẫn còn lại cái gốc đa giống tảng đá buồn bã nhô lên giữa hồ nước. Tôi nói thành tiếng cái suy nghĩ chợt đến:

- Đa là loài cây thọ lắm cơ mà. 

Lão Hanh có vẻ suy tư:

- Thế mới có chuyện mà nói.

- Chuyện gì ạ?

- Chuyện làm đường, đào mương, xây cống ấy. Người ta chặt đứt hết rễ của đa, những rễ chạy trong lòng đất, dưới đường làng còn lại những rễ bám vào bùn nhão trong hồ nước; thế nên nó đổ. Bám vào đâu mà chẳng đổ. Nó đổ vào lúc nửa đêm về sáng. May là vào giờ ấy nhà hàng vắng khách.  

Tôi nói:

- Bao nhiêu năm mới có được một cây cổ thụ. Sao người ta không dịch chuyển mương nước mà tránh nó đi?

- Dân cũng nghĩ thế nhưng không ai mở miệng. Quen thế rồi. Xứ này im lặng có lợi ích nhà báo ạ. Ông Hanh nhìn trước ngó sau, vẻ lúng túng - Mà thôi. Chuyện dài, sâu xa lắm. Rồi người làng này sẽ kể.

 Tôi không gạn hỏi thêm. Có hỏi cũng vô ích. Ông ta đã không thích nói thì hỏi nữa cũng chỉ nhận được im lặng.

Chúng tôi ngồi trong góc phòng, bên cái bàn gỗ mặt lát kính màu cánh gián. Im lặng một lúc rất lâu. 

Nắng chiếu xiên qua rèm cửa thành từng luồng xuyên giữa khói bếp và hơi thuốc lởn vởn. Ngoài tôi và lão Hanh có hơn chục người xúm xít quanh hai cái bàn bi-a. Cạnh đấy ba người ăn mặc sang trọng ngồi gác chân lên ghế uống bia chai. Đủ các giọng nói, cười. Anh Hai Râu hất đầu chào tôi. Nghĩa là anh ta  chưa quên tôi. Lát sau anh bê đến một đĩa dồi  lợn hơi bốc nghi ngút và một chai rượu trắng đặt lên bàn, xong đưa bàn tay nhầy mỡ nắm tay tôi lắc lắc:

- Vẫn thế, như năm trước về đây, nhà báo không có tuổi hay sao ấy, Chủ tịch Hanh nhỉ.

Ông Hanh nhăn mặt:

- Tao có Chủ tịch đâu nữa.

- Ờ…Tôi quen mồm. - Hai Râu gãi đầu, rồi quay nhìn tôi hỏi - Đường sá. mương máng đang dở dang, khó đi nhà báo nhỉ? Mai kia anh về xã sẽ có một con đường nhựa rộng 8 mét thẳng từ Thị trấn qua làng về nhà người ấy

Tôi định hỏi người ấy là ai thì ông Hanh đã nổi cáu:

- Lắm lời. Thêm đĩa nữa đi. Ngứa chân răng...

Chủ quán quay vô bếp, ông Hanh lẩm bẩm - Chuyện người ấy về làng hay ở Thành phố là việc riêng của họ.

Anh Hai Râu trở ra, đứng sau lưng ông Hanh, lắc lắc đầu, rồi nói như nói với mình: 

- Đương chức thì quyền biến, nghi hưu thì không ở Thành phố mà về làng lấy đất xây nhà, xây cửa làm Thái Thượng hoàng… 

- Lắm lời - Lão Hanh đập tay xuống bàn.

Anh Hai Râu lại lắc đầu.

Lúc này, âm sắc giọng nói, cử chỉ đập tay lên bàn, ông lại là ông Hanh Chủ tịch hồi nào. Cái phẩm tính quan chức, dù là cấp xã nó cứ tự nhiên thành đặc trưng của tính cách con người là thế. Trong số các Chủ tịch xã tôi từng biết ông Hanh là nhân vật hiếm. Sau mười năm đi đánh giặc, trở về học xong Đại học nông nghiệp, làm đủ việc trước khi trúng Chủ tịch xã. Ông đã góp công sức đưa cái xã này ra khỏi danh sách xã yếu kém nhất huyện, còn phấn đấu để  thành xã điển hình. Đang thế thì ông nghỉ. Người thay ông là cô Tề. Cô Tề là con gái bà Trần Thị Lãm, anh hùng thời chống Mỹ, có tên trong sách Lịch sử. Sau chiến tranh bà Lãm không trở về làng Dưng mà chuyển sang làm lãnh đạo Ty Lao động Ngoảnh đi ngoảnh lại gần bốn chục tuổi vẫn một mình. Rồi bà đột ngột xin nghỉ việc. Bà cũng lại không về làng Dưng mà đi đâu không ai biết. Chục năm sau, có nhiều người về sửa sang vườn tược, dựng một ngôi nhà gỗ cao to trong vườn cũ của bà Lại mấy năm sau nữa, bà Lãm về nhà cùng một cô con gái. Được một thời gian thì bà mất, cô Tề còn lại một mình. Cô lên thành phố làm việc gì đấy, thỉnh thoảng dân làng Dưng thấy cô xuất hiện trên ti vi.  

Minh họa: HÀ LÊ

Tôi lựa lời rồi hỏi:

- Tôi hỏi thật, cái chuyện ông lên huyện rồi ông nghỉ việc, khoai môn nó ra làm sao?

Ông Hanh như chưa ra khỏi tâm trạng buồn bực nào đấy, lặng đi một hồi lâu rồi mới nói: 

- Huyện điều tôi lên huyện, tôi xin, họ lại bàn tôi nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ Chủ tịch khi chưa hết nhiệm kỳ, tức là chưa hết thời gian tôi làm Chủ tịch ghi trong quyết định bổ nhiệm. Tôi mới nói, muốn vậy thì tìm cái khuyết điểm gì đấy của tôi rồi thì kỷ luật cắt chức đi. Chuyện ấy thì không thể. Thế là nhì nhằng. Sau tôi nghĩ lại, các ông ở huyện cũng là thừa lệnh nên tôi chiều; thứ nữa, khỏi mang tiếng để đời là tham quyền cố vị…Tôi mới viết đơn xin thôi. Lậptức  người ấy đưa cô Tề về và chỉ đạo Hội đồng nhân dân xã bầu Chủ tịch. 

Một số người biểu lộ sự đồng tình, số khác phản đối. Không khí trong làng, ngoài xã nóng lên. Ông Hanh giải thích cho những người chung quanh về việc thay đổi cán bộ là sự thường tình của công tác tổ chức bằng thứ giọng chậm, ấm áp biểu lộ tình cảm trân trọng của ông đối với bà Lãm. Cô Tề tìm gặp ông Hanh cười cười nói như đùa, như thật rằng, đừng bắt tôi chịu ơn ông nhé.

- Người ấy là ai?- Tôi hỏi.

- Anh biết rồi còn hỏi.

- Làm sao tôi biết được.

Ông Hanh ngoảnh nhìn ra hồ bèo tây. Rõ là ông tránh né câu chuyện ông vừa khơi ra. Tôi không buông những suy nghĩ cựa quậy trong đầu:

- Lúc nãy anh Hai Râu còn bảo …

- Dào, nghe gì thằng ấy - Ông ngắt lời tôi - Bao nhiêu lần khổ vì cái miệng rồi vẫn không tỉnh ra. Tên nó còn một khoanh tròn đen viền quanh trong sổ hộ tịch của xã đấy.

Vừa lúc đó anh Thư ký Ủy ban xuất hiện nói với tôi là chị Chủ tịch đã về, mời tôi đến làm việc.

Tôi đứng dậy, bắt tay ông Hanh.  Ông cười cười nói:

- Trở lại nhé..

Tôi nói, tôi còn ở lại xã lâu lâu. Ông ghé tai tôi thì thào cẩn thận, cẩn thận. Tôi chẳng biết ông bảo tôi cẩn thận cái gì.

4. Vị trí kẻ phục vụ

Cửa phòng Chủ tịch vẫn đóng. Tôi và anh Thư ký đứng nơi thềm. Mấy lần nhìn ra cổng, rồi anh ta quay lại lắc đầu, lầu bầu:

- Chẳng coi ai ra gì…

- Anh bảo ai cơ?- Tôi hỏi.

- Tất nhiên là không phải anh. Để tôi gọi lần nữa xem sao.

Anh ta đưa cái điện thoại to như một quyển sách lên, bấm bấm. Có cuộc nói chuyện qua điện thoại nhưng tôi không nghe rõ.

Lát sau anh quay về phía tôi:

- Chị Tề bảo, đang bận sẽ về muộn và giao cho em làm việc với anh. Anh hỏi gì em trả lời, nhưng chỉ được quyền trả lời các vấn đề về nông thôn, nông nghiệp. Mời anh vào phòng em.

Tôi nói:

- Chẳng hỏi gì đâu. Anh thấy cần nói với nhà báo chuyện gì của làng, của xã thì nói, bằng không thì thôi. Tôi ra ngồi ở nhà hàng Hai Râu cũng ối chuyện để nghe.

- Thời dân chủ mà.

- Phải. 

-Sáng nay anh gặp những ai rồi? -Anh Thư ký uỷ ban bỗng hỏi.

Tôi nói tôi gặp ông Hanh và anh chủ quán Hai Râu. Anh ta nói, ông Hanh sẽ chẳng thốt ra những chuyện hay ho cho nhà báo nghe đâu. Các bô lão từng trải biết nhiều, khôn lắm. Ông ấy tuột cái chức Chủ tịch có nguyên do từ người bạn là đồng đội cũ. Thì cũng bầu bán, cũng phiếu trắng, phiếu hồng, dấu đỏ, nhưng…mà thôi, em không nói nữa đâu. 

- Bạn ông ấy là ai? -Tôi gợi.

Anh Thư ký im lặng không đáp.

Xem ra anh ta muốn nói gì đấy, nhưng lo sợ cái gì đó, ở đâu đó.

Chăm chăm nhìn tôi với ánh mắt thăm dò, rồi như cái bản mặt tôi có vẻ tin được, anh ta nói:

- Mấy năm nay, xã em có nhiều công trình, dự án lớn. Em nói không ngoa có hôm cả xã như một công trường, như là cách mạng, lại có hôm như biểu tình... Ông Hanh nói gì với anh không? Không à. Em biết mà…  

- Và anh cũng thuộc típ người ấy? - Tôi hỏi.

- Không riêng gì em, người xã này lâu nay thế cả. 

Tôi thốt lên:

- Thế thì buồn quá. 

Anh Thư ký Ủy ban bỗng im bặt, mặt tái đi. Anh ta thì thào:

Đã về. Chị Tề về. - Nói xong thì xô ghế đứng dậy đi ra thềm. Tôi nghe tiếng anh ta nhỏ nhẹ, hơi run - Nhà báo đang chờ chị…

5. Những xúc động đan cài

Tôi hình dung ra một Cô Tề cao to, gương mặt thô, giọng nói nặng. Tôi đã nhầm. Chị Chủ tịch trước mặt tôi mảnh mai, khuôn mặt dễ ưa, giọng nói ngọt xớt. Chỉ mỗi đôi lông mày nằm ngang như một nét kẻ và đôi môi cắn chỉ mỗi khi dứt lời nói thì mím chặt lại.

- Anh thông cảm. - Cô Tề  nói - Sáng nay phải lên làng Đoài, sang làng Giang để dẹp ồn ào về quy hoạch sân Gôn, rồi cả cái chuyện vặt cây đa làng  bị bật gốc đổ xuống hồ nước…Chuyện thường ngày ở xã nhà báo ơi. Tôi đã để anh phải chờ. Có gì cần anh cứ đề đạt.

Tôi nói:

- Có đơn kiện lãnh đạo Nghĩa Thượng. Toà soạn phân công tôi về tìm hiểu thực tế.

Khuôn mặt xinh đẹp của cô Tề chợt ửng đỏ, khoé môi run run, ngực phập phồng. Tôi đoán cô bị xúc động. Rồi sau ba hơi thở dốc, cô nở một nụ cười trên đôi môi mỏng:

- Nội dung đơn thư ra làm sao?

- Nhiều thứ lắm…

- Anh cho tôi biết người nào ký tên vào cái đơn ấy?

- Nặc danh mà.

- Thế thì không chấp; luật pháp cũng nói thế.- Cô Tề khoát tay, giọng bỗng căng ra, dồn dập - Có gan thì chường mặt ra với nhau chứ gì giấu giếm như mèo dấu…

Cô ngưng đột ngột. Rồi như thấy sự nổi nóng vô duyên của mình, cô lại nhoẻn miệng cười, một nụ cười đẹp dù tâm trạng chắc đang bấn loạn. Cô ta nói tiếp - Xã nghèo, dân tứ xứ tụ về, đã thế một phần ba là thương bệnh binh, gia đình chính sách. Lại thêm một số phần tử luôn gây mất đoàn kết cái mà báo chí các anh gọi là diễn biến hoà bình ấy mà. 

Cô Tề nhìn thẳng vào mắt tôi, nói:

- Nhà báo là người mẫn cảm, nhưng hiểu dân ở đây không dễ đâu…  Anh gặp ông Hanh chưa? Rồi chứ gì? Đấy những con người từng có chức tước lấy gốc đa làm nơi tụ tập... Khổ lắm thôi. Bầu cử xong, tôi dẹp…Tôi dẹp. Cô im bặt, đôi môi mím chặt lại.

Một lúc lâu sau, cô nở một nụ cười. Một nụ cười phải nói là dịu dàng và đẹp. Cô kéo ngăn bàn lấy ra một tập tài liệu nói là báo cáo quý I của xã. Cô trao vào tay tôi. Không hiểu sao bàn tay cô nằm gọn trong bàn tay tôi. Nóng hổi. Hơi nóng dường như từ cái khe hở trên khuôn ngực phập phồng của cô …Cô rụt tay về, chớp chớp mắt, nói:

- Trưa rồi, có gì nữa ta để sang chiều anh nhỉ? Chiều tôi dẫn anh đi thăm Trường học, Nhà mẫu giáo, làng nghề, tối ta lên Thị trấn uống cà phê.- Cô nhìn tôi rồi đứng dậy nhẹ nhàng đi ra cửa. Đôi vai tròn lẳn, tấm lưng thon thả…biến mất sau cánh cửa.

Chắc thấy tôi mãi nhìn theo cô Tề, anh Thư ký nhếch môi:

- Thế mà vẫn chưa có chút tình vắt vai.

6. Sự cố được báo trước

Tôi không thực hiện được chương trình đi cùng cô Chủ tịch chưa chồng xinh đẹp vì chiều ấy trời đột ngột đổ mưa. Mưa tiểu mãn xối xả từ trưa tới chập choạng tối không dứt lấy một giây. Gió bắc hun hút thổi, mưa lớn hơn và có vẻ còn kéo dài. Con đường trước cổng uỷ ban ngập nước. Mương thoát nước bên đường mới xây, nước lẫn bùn đen cuồn cuộn chảy. 

Cô Tề và cán bộ nhân viên uỷ ban đóng cửa phòng đi về các làng. Họ không cho tôi theo, bảo mưa gió nguy hiểm. Còn một mình, tôi khoác ni lông ra nhà hàng Hai Râu. Ông Hanh đang ngồi một mình nhìn trời mưa qua ô cửa trổ trên bức tường phía hồ bèo tây. Ông ngoảnh nhìn xoáy vào mặt tôi, suồng sã:

- Anh gặp cô Tề rồi phải không? Biết mà. Hẹn hò chi không?

Tôi tránh cái nhìn xoi mói của ông thì lại gặp ánh mắt Hai Râu. Người tôi bỗng nóng ran lên, cứ như những ý nghĩ, những tưởng tượng chẳng lấy gì làm trong sáng của tôi lúc nhìn khe hở trên ngực cô Tề không chỉ ý nghĩ, tưởng tượng mà là một sự thật vừa trải. Như nhận biết tâm trạng tôi, ông Hanh bẻ câu chuyện sang hướng khác:

- Chưa năm nào có tiết tiểu mãn kinh khủng như năm nay.

Mưa mỗi lâu mỗi mạnh, quất ràn rạt trên mái nhà. Nước từ đường tràn cả vào quán chảy băng băng dưới bàn, ghế, xô tung cánh cửa ngách ào xuống hồ nước. Bỗng tiếng ùm ào, ùm, ào nối nhau thành chuỗi át cả tiếng mưa, gió.

- Mương nước sập. - Ông Hanh kêu lên, mặt bỗng méo xệch.

7. Cảnh cuối

Tiếng còi ô tô riết róng từ phía Thị trấn tới. Rồi một chiếc xe có cái chữ thập đỏ chói bên thành lừ đừ chạy trên mặt đường ngập nước. 

- Việc gì vậy? - Ông Hanh đứng phắt dậy. - Chú mày ra xem cấp cứu ai ?

Anh Hai Râu để đầu trần chạy về  hướng chiếc ô tô cứu thương. Tôi và ông Hanh đứng trên thềm nhà nhìn theo. Gió và mưa ran rát trên mặt. Tiếng còi ô tô vẫn rú dài. Rất lâu sau anh Hai Râu từ ngoài đường nhảy qua mương nước, xô cả vào tôi, hổn hển:

- Xe chạy thẳng vào nhà người ấy. Có chuyện gì đấy ở trong nhà ấy.

Ông Hanh hỏi, vẻ lo lắng:

- Có thấy cô Tề về đó không?

- Không ạ -  Anh Hai Râu đáp rồi rũ nước mưa trên áo, đi vào nhà. Ông Hanh theo sau. Tôi nghe ông Hanh nói với anh Hai Râu:

- Chú chạy đi tìm cô Tề bảo cô ấy về nhà ngay, bỏ mọi thứ mà về..

Anh Hai Râu:

- Biết ả ta ở đâu mà tìm?
 Ông Hanh:

- Ở chỗ nào…thì cũng trong cái xã này.

Anh Hai Râu chạy ra đường.

Ông Hanh quay lại nhìn tôi, hỏi:

- Tôi đã nói với anh chuyện riêng cô Tề chưa nhỉ ?.

 Tôi lắc đầu ./.       

                                                                   

2018

Đ.B

. . . . .
Loading the player...