01-12-2021 - 10:24

Bút ký ỐC ĐẢO NƠI NGÃ BA SÔNG của ĐINH QUANG LÂN

Tạp chí Hồng Lĩnh xin giới thiệu bút kí ỐC ĐẢO NƠI NGÃ BA SÔNG của tác giả ĐINH QUANG LÂN

ĐINH QUANG LÂN

 

ỐC ĐẢO NƠI NGÃ BA SÔNG

                Bút ký

Được sử sách ghi nhận là một trong những con sông lớn nổi tiếng danh thắng Hà Tĩnh - đó là sông La. Chữ “La” nghĩa là “Lụa”. Hẳn cái cái hình ảnh mượt mà, trong xanh và mềm mại của dòng chảy ấy là một nét đặc trưng của dòng sông quê yêu dấu. Khởi đầu từ bến Tam Soa, nơi gặp gỡ của dòng Ngàn Sâu và dòng Ngàn Phố tạo nên một sông thơ mộng có chiều dài khiêm tốn, chỉ 15 km thôi, đổ nước ra ngã ba Phủ - nơi gặp gỡ của sông La và sông Lam.

Cách ngã ba Phủ chừng 300m, phía bên hữu, từ ngàn đời dòng chảy của sông La và sông Lam đã tạo nên một bãi nổi, đất đai màu mỡ, bà con ở đây quen gọi là Cồn Nhâm, thuộc Tổng Thịnh Quả xưa. Không ai nhớ rõ năm nào, bà con Tổng Thịnh Quả hàng ngày vẫn chèo đò vượt sông La sang Cồn Nhâm để làm ăn, cày cấy đến tối mịt mới về nhà. Đất Cồn Nhâm phì nhiêu, đã trả lại các sản phẩm nông nghiệp như lạc, đậu, vừng, khoai, kê… nuôi cái ăn cho người và gia súc.Từ những ngày xa xưa, trong quá trình tạo dòng chảy bồi lỡ của sông La và sông Lam đã tạo nên một dòng lạch mới, bà con ngư dân ở đây gọi là Eo Bù. Phía Đông hói Eo Bù là bãi Cồn Nhâm. Cơ duyên của bà con làng chài được thiên nhiên ban tặng cho một suối nguồn bình yên. Hói Eo Bù dài chừng 2 km, rộng nhất cũng chỉ mấy con sào, là một nguồn lạch bình yên để bà con hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh neo đậu tàu thuyền.

Chuyện xưa kể rằng: “Vào một đêm trăng sáng, gió từ Cửa Hội mát rượi, miên man thổi, vợ chồng anh Chắt Bộc neo thuyền và thả lưới gần bãi Cồn Nhâm. Về khuya, nước sông lên to, trăng sáng vời vợi, anh Chắt Bộc lần theo từng mắt lưới, thì một con cá to, quẫy mạnh làm chiếc thuyền của hai vợ chồng chao đảo. Phải vất vả lắm, vợ chồng ngư phủ mới đưa được cá lên thuyền. Trở về nhà, vợ chồng ngư phủ rất phấn khởi vì con cá gáy cân được gần 50kg. Không nỡ giết thịt, hoặc đem bán, vợ chồng bàn nhau thả cá trở lại ngư trường và nhận thấy nơi đây như có một điềm lành cho sự tốt tươi trong sinh hoạt và đánh bắt thủy sản. Thế rồi tin lành đồn xa, xóm làng chài hình thành trên bãi Cồn Nhâm từ đó. Buổi chiều sơ khai, Cồn Nhâm chỉ có 12 hộ dân của Nghệ An và Hà Tĩnh, dựng nhà làm nghề sông nước thủa ấy, nhà của bà con chỉ mấy cọc tre dựng lên để che mưa, che nắng. Khi mưa to, nước lũ tràn về, bà con tất thảy lên thuyền. Các cụ Nguyễn Tứ, Phạm Minh, Ngô Thất, Ngô Báo, Nguyễn Huấn, Nguyễn Ba, Phạm Tự…là những người Tiên Phong, ghé thuyền lên bãi Cồn Nhâm dựng nhà, trồng tre quanh làng.

Từ buổi sơ khai ban đầu, đến năm 1959, bà con trên ốc đảo Cồn Nhâm không một cấp chính quyền cụ thể nào quản lý, mọi giấy tờ, sổ sách, hộ khẩu… ai ở làng nào, xã nào, huyện nào thì về quê cũ xin xác nhận, giải quyết. Ở Hà Tĩnh, bà con chài lưới đến từ các huyện dọc sông như Đức Thọ, Hương Sơn và Nghi Xuân. Ở Nghệ An, bà con đến theo dọc dài sông Lam như Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương. Vì làm nghề đánh bắt thủy sản, bà con Cồn Nhâm lấy đêm làm ngày theo quy luật của đa số loài cá. Sáng đêm giăng lưới, thả câu bắt cá. Khi mặt trời ưng ửng ở phía đằng đông, bà con mải miết chèo thuyền đến các chợ để bán sản vật, mua gạo và các nhu yếu phẩm thiết thực cho gia đình.

Năm 1959, Ủy ban nhân dân xã Đức Quang, huyện Đức Thọ chủ trì vận động bà con thành lập tổ đội nghề cá để giúp nhau trong cuộc sống và trong đánh bắt thủy sản. Mãi đến 4 năm sau, Cồn Nhâm mới tổ chức đại hội thành lập HTX nghề cá lấy tên Tiến Đa. Còn nhớ ngày 05/8/1964 loạt bom của máy bay giặc Mỹ ném trúng kho xăng Hưng Hòa, thành phố Vinh làm cháy bảy ngày đêm liền. Từ trạng thái thời bình chuyển sang thời chiến. Ban thường vụ huyện ủy Đức Thọ có chủ trương thành lập 3 HTX vận tải đường sông bao gồm: HTX Tiền Phong (xã Đức Quang), HTX Sông La (xã Đức Giang) và HTX Bồng Sơn (xã Đức Hồng) để vận chuyển hàng hóa bằng đường sông. HTX nghề cá Tiến Đa chuyển phần lớn lao động trẻ, đa số là đàn ông sang HTX vận tải Tiền Phong làm nhiệm vụ mới huyện giao. Số bà con còn lại, chủ yếu là lao động già yếu, phụ nữ vẫn bám trụ kiếm con cá con tôm nuôi sống gia đình.

Chiến tranh ngày càng ác liệt, bà con Cồn Nhâm tích cực tham gia chở hàng, vũ khí từ Hải Phòng, Lạch Kèn, Cửa Hội theo dọc sông Lam và sông La về bến Tam Soa, về bến đò chợ Hạ để xe ô tô chuyển vào vùng núi xã Đức Hòa, xã Đức Lạc cất dấu chờ vận chuyển vào các chiến trường. HTX vận tải Tiền Phong buổi đầu chỉ có 5 chiếc thuyền Mành trọng tải 10 tấn và 20 chiếc thuyền con trọng tải 0,5 tấn của bà con tự nguyện đóng góp để vận chuyển hàng hóa. Tại Đại bản doanh của HTX Tiền Phong, 5 chiếc thuyền Mành chuyên vận chuyển gạo Bốn Vỏ do Trung Quốc và Triều Tiên sản xuất, viện trợ. “Bốn Vỏ”, nghĩa là gạo được đóng gói trong 4 lớp bao nilon dán kín chống thấm nước. Bốn Vỏ được tàu biển thả trôi trên biển, theo con nước thủy triều dạt vào bờ, vào các cửa sông, cửa biển. Bà con lao động dùng thuyền nhỏ vớt lên thuyền Mành chở theo sông Lam, sông La về bến đò chợ Hạ…

Hói Eo Bù là một lợi thế của ta, nhưng cũng là mục tiêu bắn phá vô cùng ác liệt của máy bay giặc Mỹ. Eo Bù là một khúc quanh non chừng 2 km. Chiều rộng của Eo Bù trở thành một kho lâm sản cấp tỉnh của nhà nước. Nơi đây chứa hàng vạn m3 gỗ các loại, được tập kết từ núi rừng của huyện Hương Khê, huyện Hương Sơn về đây để đóng các loại phà chiến lược qua sông như Bến Thủy, Linh Cảm, Địa Lợi, Phà Danh ở Quang Bình, Phà Ghép ở Thanh Hóa…

Một thời chiến tranh, một thời bom đạn, bà con HTX Tiền Phong phải dùng thuyền nan để vận chuyển hàng hóa. Dọc các sông Lam, sông La máy bay giặc Mỹ ném hàng ngàn quả Thủy Lôi hòng ngăn chặn Việt Nam vận chuyển hàng hóa bằng đường sông. Những quả thủy lôi của giặc Mỹ to như con bò mộng, đen nhẽm và sắc lạnh. “Vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, bà con Tiền Phong không dùng thuyền gỗ vì có đinh sắt tạo lực hút để thủy lôi phát nổ. Những chiếc thuyền nan bé nhỏ có tải trọng tải 0,5 tấn vượt hàng trăm cây số ra Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa… nhận hàng. Từng đoàn thuyền nan nhỏ bé nom như chiếc lá tre mong manh trên sông, trên biển. Trên những “chiếc lá” ấy là những công nhân vận tải của Tiền Phong có lòng quả cảm, có trái tim nhiệt huyết vì Tổ quốc thân yêu. Khi thuyền nan nhỏ, không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa, các lao động Tiền Phong được lệnh ra Vách Bắc nhận thuyền Dạ để chở hàng. Vách Bắc, thuộc tỉnh Bắc Ninh bây giờ - thuyền Dạ đi theo sông ra cửa biển Ninh Cơ về cập bến Chợ Hạ. Thuyền Dạ đóng bằng gỗ mũi nhọn và dài. Phía sau thuyền Dạ là một cái bụng phình to chừng 15m2 chứa được 7 tấn hàng. Thuyền Dạ là một cải tiến quan trọng của Việt Nam mà Hoa Kỳ không thể biết. Từ đinh sắt chuyển sang đinh gỗ, đinh tre nên thuyền Dạ không thể “cắn câu” thủy lôi của Mỹ. Ông Nguyễn Trường Sinh là một cán bộ trẻ và năng động, được bà con trong thôn bầu làm thôn trưởng Tiền Phong tâm sự: là bậc hậu sinh được các lớp cha, anh kể lại: HTX Tiền Phong đã thành lập đội quân cảm tử vượt sông. Tất cả các chuyến đi, HTX đều tổ chức lễ truy điệu sống cho bà con xã viên. Sau mỗi chuyến hàng, thuyền về vị trí tập kết bà con phải đánh chìm thuyền xuống Eo Bù để tránh máy bay địch phát hiện.

Sau hòa bình thống nhất đất nước, bà con ngư dân và HTX Tiền Phong có sự hồi sinh mạnh mẽ. Các loại thuyền được đóng to hơn, phát triển thuyền xi măng cốt sắt, các loại xà lan trọng tải từ 30-50 tấn ra đời. Năm 1988, HTX Tiền Phong có tàu vận tải biển vỏ sắt có trọng tải 150 tấn, do ông Lê Quang Hòa làm chủ nhiệm. Đất nước đổi mới về nhiều mặt, năm 1990 là cái mốc đáng nhớ của bà con Cồn Nhâm, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, HTX Tiền Phong giải thể  đã vận chuyển gần một triệu tấn hàng hóa và vũ khí như: gạo, nhu yếu phẩm, súng đạn các loại… góp phần cùng các chiến trường đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Các xã viên HTX vận tải Tiền Phong trở về trên bãi Cồn Nhâm, làm nghề chài lưới trên sông La, sông Lam như ngày nào. Cụ Nguyễn Văn Rê đã 85 tuổi, một thời xông pha trên sông nước, xuôi ngược các dòng sông không ít tự hào được phục vụ kháng chiến, đã ngân nga một câu quen dùng và rất đúng với Cồn Nhâm: “Gạo chợ, nước sông -  Củi đồng, chè rú…”. Năm 1978, một trận lụt rất to, các ngôi nhà ở Cồn Nhâm ngập sâu trong biển nước. Cụ Lê Nin chèo thuyền đi trên nóc nhà tình cờ vớt được một hộp thiếc khóa kín, sơn son thiếp vàng rất đẹp. Cụ mở ra xem, bên trong là một sắc phong đời nhà Lê “Phó đô đốc chỉ huy sứ” cho cụ Đào Giao ở làng Kim Môn, Tổng Thịnh Quả. Cụ Lê Nin mừng lắm, báo tin vui với bà con khắp làng. Giữa mênh mông sóng nước, không tự nhiên sắc phong trôi dạt vào Cồn Nhâm? Hẵn là điều lành mà trời đất ban tặng cho ốc đảo Cồn Nhâm? Cụ Lê Nin đã vận động bà con gom góp tiền bạc, lòng tin và quyết tâm về tinh thần, xây đền thờ tế thần và tất thảy bà con dân làng đã làm lễ tự nhận “Phó đô đốc chỉ huy sứ Đào Giao” là thành hoàng làng trên đất Cồn Nhâm. Theo cụ Đào Văn Hạ năm nay 76 tuổi, ngụ ở làng Kim Môn - xã Tùng Châu ngày nay nhớ lại: cụ Đào Giao quê gốc ở tỉnh Hải Dương vào vùng Thịnh Quả - huyện Đức Thọ thế kỷ thứ XVII dẹp giặc vùng Nghệ Tĩnh, lập nghiệp và tạ thế tải Tổng Thịnh Quả. Cụ được đời nhà Lê sắc phong “Phó đô đốc chỉ huy sứ”. Năm 1978, sắc phong bị trôi theo dòng nước lụt. Mãi đến năm 1990 dân làng biết mới đến Cồn Nhâm xin về yên vị tại đình Kim Môn.

Hàng năm, cứ đến mùa thu, thôn Tiền Phong là rốn lũ của huyện Đức Thọ. Riêng về bão, lụt, có thể nói Tiền Phong là nơi “Đi trước về sau”. Hơn 10 năm qua, diện mạo NTM nơi ốc đảo Cồn Nhâm đã có nhiều thay đổi. Năm 1999, tỷ lệ hộ nghèo ở đây chiếm 65%, nhưng 12 năm sau, năm 2021 tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo ở thôn Tiền Phong còn 8%, vẫn là một tỷ lệ nghèo cao nhất huyện Đức Thọ. Tổng diện tích đất Cồn Nhâm chỉ 2,1 ha với 92 hộ dân và 270 nhân khẩu, có lẽ thôn Tiền Phong có đặc thù nhỏ nhất về diện tích và ít nhất về hộ dân của tỉnh Hà Tĩnh! Nhưng nơi đây đã có 8 liệt sỹ (3 Liệt sỹ chống Pháp - 5 Liệt sỹ chống Mỹ) trong đó có 2 Liệt sỹ vận tải của HTX vận tải Tiền Phong là Liệt sỹ Trần Đắc và Liệt sỹ Trần Quế. Chỉ một vuông đất rộng 2,1 ha, thôn Tiền Phong có tới 2 bà mẹ Việt Nam anh hùng cùng dòng là mẹ Nguyễn Thị Tâm (mẹ) và mẹ Đậu Thị Thiu (con dâu).

Cả thôn Tiền Phong hiện nay có 92 hộ dân, nhưng có tới 35 hộ gia đình chưa có đất ở. Cả 35 hộ dân đều lấy thuyền đánh cá làm nhà ở. Cuộc sống và học tập của 35 hộ gia đình lênh đênh trên thuyền chài hết sức khó khăn. Bởi vậy việc lên bờ để an cư lạc nghiệp của bà con thuyền chài là một khát vọng chính đáng nơi ốc đảo Cồn Nhâm.

Sau nhiều năm kiến nghị, tin vui đến với bà con thôn Tiền Phong. Huyện Đức Thọ đã lập dự án An Sinh được tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt, cấp đất cho các hộ ở dưới thuyền làm nhà ở, tôn cao và mở rộng đường vào làng để cải thiện đời sống cho bà con làng chài.

Chúng tôi bước lên chiếc thuyền máy rẽ sóng trên sông La. Thôn Tiền Phong lùi lại, với 57 ngôi nhà ở của dân và một đình chùa thờ thần của làng ở ngay hàng thẳng lối, tựa như một phố nhỏ trên ốc đảo thân yêu. Gió từ phía Cửa Hội vẫn miên man thổi làm tan biến những giọt mồ hôi còn đọng lại trên vai áo. Cồn Nhâm xa dần. Thôn Tiền Phong khuất dần sau lũy tre xanh giữa sóng nước nơi ngã ba sông…

                                                                                        Đ.Q.L

Sông La (ảnh nguồn ITN)

. . . . .
Loading the player...