01-06-2021 - 07:14

Bài bình thơ thiếu nhi HẠT THÓC NGOAN của Nhà thơ Nguyễn Văn Thanh

Nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bài thơ HẠT THÓC NGOAN của tác giả Bảo Ngọc qua lời bình của nhà thơ Nguyễn Văn Thanh

                                                    BÌNH THƠ THIẾU NHI

 HẠT THÓC NGOAN

 

Những hạt thóc bé nhỏ

Vừa nứt nanh nảy mầm

Ruộng bùn mẹ trang phẳng

Gieo vàng dưới nắng xuân

 

Vụt lớn thành cây mạ

Theo tay lúa thẳng hàng

Đợi mưa và sấm gọi

Là phất cờ rất nhanh

 

Đồng xanh thơm nắng gió

Mồ hôi cha trên đồng

Hạt thóc thành cây lúa

Cả thảm vàng trĩu bông

 

Ơi hạt thóc bé nhỏ

Vượt những chặng đường xa

Từ đôi tay của mẹ

Bao cổng trời mở ra

 

               Bảo Ngọc

LỜI BÌNH

     Chúng ta lại găp nhà thơ Bảo Ngọc, phóng viên báo Thiếu niên và Nhi đồng để cùng tìm hiểu cuộc hành trình của hạt thóc. Qua bài thơ “Hạt thóc ngoan”, một trong ba mươi tám bài thơ hay in trong tập thơ viết cho các cháu Thiếu nhi “Gõ cửa nhà trời” của chị.

    Các em bưng bát cơm ăn dẻo và thơm ngon nhưng phần lớn các em thiếu nhi nhất là các em ở thành phố chắc chưa biết được vòng đời của hạt thóc làm thành hạt gạo bắt đầu từ đâu. Bây giờ chúng ta cùng tìm hiểu nhé.

    Hạt thóc đang thực hiện cuộc hành trình dài ba, bốn tháng của mình (tùy theo giống) “Những hạt thóc bé nhỏ / Vừa nứt nanh nảy mầm / Ruông bùn mẹ trang phẳng / Gieo vàng dưới nắng xuân.” Dưới bàn tay của mẹ như phép thuật phù thủy nhiệm mầu hạt thóc sinh sôi nảy nở chuyển đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác trong một thời gian ngắn. Mới là hạt thóc nứt nanh nay đã: “Vụt lớn thành cây mạ /Theo tay lúa thẳng hàng .”  Ở khổ thơ này các em cùng tìm hiểu ẩn ý của nhà thơ trong hai câu thơ cuối và chúng ta cùng khám phá thêm nhé: “Đợi mưa và sấm gọi / Là phất cờ rất nhanh.” Tại sao mưa đi kèm với sấm sét thì cây lúa lại phát triển nhanh? Từ ngàn xưa ông cha ta đã đúc kết trong câu ca dao “Lúa chiêm lấp ló đầu bờ / Hể nghe tiếng sấm phất cờ mà lên.”  Sau này khi khoa học phát triển, chúng ta mới hiểu ra rằng từ những tia lửa điện của sấm chớp, đi kèm theo mưa  tạo nên các phản ứng hóa học trong khí quyển chuyển hóa chúng  thành  muối đạm giúp cho cả ruộng lúa đồng loạt phát triển nhanh chóng như có ai đó phất cờ kêu gọi.

   Khổ thơ thứ ba mượt mà, êm ả như hơi thở làng quê: “Đồng xanh thơm nắng gió / Mồ hôi cha trên đồng / Hạt thóc thành cây lúa / Cả thảm vàng trĩu bông.” Từ hàng ngàn hạt thóc mẹ gieo và quá trình chăm sóc, hàng ngàn cây mạ nhỏ đã đẻ thêm nhiều nhánh tạo nên cả thảm lúa vàng rực tận chân trời.  Một hạt thóc gieo xuống đất đã trả về cho người hàng ngàn hạt mẫy. Các em phải tự suy nghĩ xem để cho  đồng xanh thơm mùi lúa chín cha mẹ đã phải gửi trả lại biết bao nhiêu giọt mồ hôi cho ruộng cho đồng.

    Nhà thơ Bảo Ngọc với cảm thức của mình về hạt thóc dẫn dắt chúng ta đi suốt chặng đường dài từ khi hạt thóc mới nứt nanh cho đến khi thành cả thảm lúa chín vàng. Ngôn ngữ thơ giản dị dễ hiểu, nhưng giàu hình ảnh và nhiểu ẩn ý, chiều theo liên tưởng của người đọc. Chẳng hạn chỉ một từ “vàng” ở khổ thơ trên “ Gieo vàng dưới nắng xuân”  người đọc dễ dàng  nhận thức được rằng “vàng” là danh từ vì mẹ đã gieo những gì quý giá nhất xuống luống đất để đợi ngày bội thu. Nhưng  xét theo cả khổ thơ thì “vàng “ chỉ là tính từ khi ngầm chỉ sắc thái của “Những hạt thóc bé nhỏ” khi mẹ gieo chúng xuống đất.

    Cả bài thơ “Hạt thóc ngoan” chỉ có bốn khổ thơ năm chữ nhưng sáng lấp lánh và hồn nhiên như tâm hồn của nhà thơ Bảo Ngọc dành cho các cháu thiếu nhi vậy. Chị ấy mở ra đường đi cho “hạt thóc” và cùng các cháu đón đợi ngày trở về với niềm vui gấp bội  của bạn ấy nhé! “Ơi hạt thóc bé nhỏ / Vượt cả chặng đường xa / Từ đôi tay của mẹ / Bao cổng trời mở ra”.

                                                                                     15-5-2021

                                                                                 Nguyễn Văn Thanh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

. . . . .
Loading the player...