08-02-2024 - 00:35

VUI BUỒN MỘT THƯỞ của Nhà văn Đức Ban

Tạp chí Hồng Lĩnh đã trích in giới thiệu Chương 1, Chương 2 và Chương 3 trong Tự truyện “Năm tháng lở, bồi” của nhà văn Đức Ban. Tạp chí Hồng Lĩnh số Tết Giáp Thìn (209+210) năm 2024 trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc Chương 4 “Vui, buồn một thưở” viết về Hội Văn nghệ Hà Tĩnh những ngày đầu tái lập tỉnh Hà Tĩnh (1991).

ĐỨC BAN

Vui, buồn một thuở

 Sáng ngày 21/8/1991, Hội Văn nghệ Nghệ Tĩnh tổ chức phiên họp BCH để thông báo chủ trương chia tách tỉnh và tách Hội. Ngay chiều ấy, BCH Hội Văn nghệ Hà Tĩnh gồm 4 thành viên: Nhà thơ Xuân Hoài, Nhà viết kịch Phan Lương Hảo, Nhạc sĩ Vi Phong và tôi nhóm họp bàn việc tái lập Hội văn nghệ  Hà Tĩnh. Ban chấp hành nhất trí cử nhà thơ Xuân Hoài làm Chủ tịch Hội, tôi làm Thường trực, Sau dó Ban chấp hành bàn tiếp về nhân sự. Văn bản của tỉnh chỉ đạo nguyên tắc chia theo tỷ lệ ½:  Hà Tĩnh 1, Nghệ An 2. Bấy giờ Hội văn nghệ Nghệ Tĩnh có 9 người quê Hà Tĩnh: Xuân Hoài, Đức Ban, Chính Tâm, Phan Trung Hiếu, Đào Phương, Tùng Bách, Hữu Lợi, Trần Văn Kính, Nguyễn Thị Tâm. Trong số đó 3 người xin ở lại Nghệ An là Đào Phương (quê Hương Sơn), Quốc Anh, Trần Văn Kính (quê Đức Thọ), còn Tùng Bách thì chuyển vào Vũng Tàu, Hữu Lợi đi Lâm Đồng. Rốt cuộc vỏn vẹn 5 người về Hà Tĩnh, mỗi tôi và Xuân Hoài là Hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Có câu ca không biết do ai sáng tác lan truyền: “Hà Tĩnh có mười nhà văn/ Xuân Hoài là 1 Đức Ban là 10”. Lại thêm câu ca đáp lại, cũng vô danh: “Nghệ An có nghìn nhà thơ/ Thạch Quỳ là một, Tuyết ngơ (Tuyết Nga) là nghìn”. Một sự thật buồn tủi. Đến sự chia tài sản thì không chỉ buồn tủi mà là cay đắng. Hội Văn nghệ Hà Tĩnh được 1 chiếc xe ôtô Toyota màu trắng cũ, 1 bộ salon gỗ mộc, 1 tủ gỗ ép đựng tài liệu, 2 bộ bàn ghế làm việc,1 chiếc quạt đứng Hoa sen chớm rỉ, 3 bộ ấm chén và chiếc máy chữ Optima. Chiếc xe ô tô được định giá 33 triệu đồng và sau đó ít ngày nhà thơ Xuân Hoài phải ngồi kí cái giấy viết tay khất nợ Hội Nghệ An 20 triệu kèm theo lời hứa hoàn trả trước 30-3-1992.

 Ngày 4-9-1991, Xuân Hoài, Nguyễn Thị Tâm, Phan Trung Hiếu và tôi lên ô tô Toyota, qua phà Bến Thủy theo Quốc Lộ I về Hà Tĩnh. Hôm ấy mưa phùn giăng mắc, gió bấc lạnh buốt. Không gian âm u. Chúng tôi gặp lại những vùng đất, những quãng đường từng gắn bó: Gia Lách, Bấn, Bãi Vọt, Ba Giang, Cày… mà sau 15 năm đã gần như thành xa lạ.  Gần trưa thì xe vào đến trung tâm Thị xã. Nhìn 4 phía  thấy cảnh quan dường như vẫn như cuối năm 1976, ngày chúng tôi ra Vinh, nhỏ bé và dịu dàng. Mấy anh em chúng tôi đứng trước ngôi nhà của Công ty vật tư nông nghiệp thấp, mái ngói trồi trụt, vánh dất mốc mác, dài như một toa tàu, sẽ là trụ sở Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh mà không giấu nổi nỗi ngao ngán.

Đóng trưa chúng tôi kéo nhau đi dọc đường Phan Đình Phùng, con đường lớn nhất của Thị xã Hà Tĩnh có từ cuối Thế kỷ XIX, để tìm quán cơm. Hết đường rẽ ngang, rẽ dọc mới gặp một quán phở. Xuân Hoài bấy giờ là Tỉnh ủy viên, đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh, người có lập trường tư tưởng rõ ràng, nói: “Đây là thời gian thiếu thốn, gian nan và không phải ngày một ngày hai đâu. Thị xã phải gồng mình đón nhận 73 cơ quan, đoàn thể, tổ chức, đơn vị và mấy chục đơn vị sản xuất, kinh doanh với hơn 2.000 cán bộ, công nhân viên và lực lượng vũ trang. Chỗ ăn ngủ, rồi lương thực, thực phẩm, điện, nước chưa đủ đầy được. Chúng ta cần biết để mà chịu khó phấn đấu.”

Ngay chiều ấy, Phan Trung Hiếu, phụ trách văn phòng phân chia phòng ở. Hôm sau, cô Hà (người mới được nhận vào cơ quan để làm kế toán) và chị Tâm mua sắm nồi niêu song chảo lập một bếp ăn tập thể. Hàng ngày bảy người ngồi quây quần bên mâm cơm. Như một gia đình. 

Làm xong thủ tục khắc con dấu, mở tài khoản, Xuân Hoài nói với tôi tạo dựng cơ quan ngôn luận của Hội văn nghệ Hà Tĩnh là việc ưu tiên hàng đầu.

Ban chấp hành Hội văn nghệ Hà Tĩnh tổ chức phiên họp lần thứ nhất, trong nhiều nội dung cần bàn và quyết định có việc chọn tên tạp chí văn nghệ Hà Tĩnh. Nhiều tên núi, tên sông, tên danh nhân được đưa ra: Sông La, Núi Hồng, Tùng Lĩnh, Tam Soa, Tiên Điền, Nguyễn Du, Nguyễn Phan Chánh… Sau nhiều trao đổi và tham khảo ý kiến các nhà văn, nhà hoạt động văn hóa trong và ngoài tỉnh, chúng tôi chọn Hồng Lĩnh tên một dãy núi từng được tôn vinh là Hoan Châu đệ nhất danh sơn làm tên Tạp chí VHNT Hà Tĩnh. 

Sau đó một Hội đồng Biên tập được thành lập: Nhà Lý luận phê bình Hoàng Ngọc Hiến (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội),G.S Lê Bá Hán (Trường Đại học Sư phạm Vinh), G.S Phong Lê (Viện trưởng Viện Văn học), G.SVũ Ngọc Khánh (Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam), nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh, nhà văn Xuân Thiều (Tạp chí Văn nghệ Quân đội), nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Thái Kim Đỉnh, nhà văn Chính Tâm, nhà viết kịch Phan Lương Hảo, nhạc sỹ Vi Phong, nhà nghiên cứu Lý luận phê bình Hà Quảng, Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Sỹ Châu (Hội văn nghệ Hà Tĩnh).

 Chỉ riêng mỗi tháng 9 và 10 năm 1991, đã có 80 tác giả trong tỉnh và 70 tác giả ngoài tỉnh gửi bài về Hồng Lĩnh. Mừng vui lẫn lo lắng là tâm trạng của chúng tôi trong những ngày khởi đầu ấy. Tâm trạng ấy có căn nguyên của nó. Bấy giờ Chủ nghĩa xã hội ở Liên xô và Đông Âu sụp đổ, những biến động chính trị, đặc biệt là xu hướng đa nguyên, đa đảng chưa xuất hiện trên báo chí như một vấn đề chính trị, nhưng nó đã nóng lên trong dư luận và trong các diễn đàn sinh hoạt của Đảng. Ngày 24-8-1989, bế mạc hội nghị Trung ương Đảng khóa VI, kỳ họp thứ 7 ở Sài Gòn, Tổng Bí thư Nguyễn văn Linh nói: “Tình hình trong nước và trên thế  diễn biến phức tạp (…) trong một số cán bộ đảng viên xuất hiện một số tư tưởng lệch lạc, sai lầm, nếu không sớm ngăn chặn và khắc phục có thể dẫn tới những tác hại không nhỏ”. Những chủ trương trong Nghị quyết TW5 về văn học nghệ thuật bị soi chiếu, xem xét lại. Trong thời tiết chính trị ấy, với vai trò Tỉnh ủy viên, Xuân Hoài cẩn trọng từng câu chữ trong bài vở. Ông bảo: “Chớ để sa sẩy”. Đầu tháng 12, Xuân Hoài cùng tôi ôm bản thảo, lên xe khách ra Hà Nội, nhờ Hữu Nhuận, Trưởng Ban thư ký Tòa soạn Báo Văn nghệ rà soát lại lần cuối. Cảm thấy an tâm, Xuân Hoài giao việc in ấn lại cho tôi, rồi nhảy xe khách về Hà Tĩnh.

Nửa tháng trời tôi ăn nhờ, ở đậu lúc thì nhà Hữu Nhuận, lúc thì nhà Từ Thành, Tháng 11 đưa bản thảo và ma két vào nhà in Khoa học Kỷ thuật ở phố Nguyễn Khuyến trúng giai đoạn áp Tết nhà in chen chúc Lịch tờ, lịch Bloc, mãi ngày 16 tháng chạp Hồng Lĩnh mới in xong. 

 Vẫn cái xe cũ, xộc xệch, tài sản được chia ngày tách Hội, máy khật khừ, lốp mòn, ác quy quá hạn sử dụng. Xe xấu, đường xấu, trầy trật, bần bật mãi chập tối xe chở Hồng Lĩnh mới về đến sân cơ quan trong tiếng hò reo của anh chị em trong cơ quan và một số Hội viên khu vực Thị xã. 

Lúc ấy, tôi đã xúc động nghĩ rằng, sẽ không bao giờ quên được Hồng Lĩnh số 1. Đấy là đêm mưa phùn, lành lạnh áp Tết Nhâm Thân 1992. Hồng Lĩnh số 1 cỡ 16 x 24, dày 86 trang, in xong và nộp lưu chiểu tháng 1-1992. Lời nói đầu, như là tôn chỉ mục đích của Tạp chí VHNT Hà Tĩnh, chúng tôi viết: “Hồng Lĩnh sẽ là diễn đàn văn hóa - văn nghệ của Hội văn nghệ tỉnh Hà Tĩnh- vùng đất sinh ra, nuôi dưỡng và lưu giữ những tâm hồn lớn như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Phan Huy Ích, Nguyễn huy Tự Võ Liêm Sơn, Nguyễn Phan Chánh, Xuân Diệu…Hồng Lĩnh là nơi gặp gỡ đầy tâm huyết với trách nhiệm công dân của văn nghệ sỹ vào sự nghiệp đổi mới của đất nước. Hồng Lĩnh cũng là đất thể nghiệm những sáng tạo VHNT vì con người của đội ngũ văn nghệ sỹ trong cả nước. Ra đời vào đầu Xuân Nhâm Thân, đúng vào lúc Đại hội Tỉnh Đảng bộ, Hồng Lĩnh càng nhận thức sâu sắc vai trò tất yếu của Đảng Cộng sản Việt Nam trong lịch sử dân tộc, trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và trong sự phát triển văn học nghệ thuật, khai thác tiềm năng văn hóa. Hồng Lĩnh sẽ chiến đấu cho sự nghiệp đổi mới của Đảng và nhân dân ta.

Hồng Lĩnh mong được làm chiếc cầu nối với các vùng văn hóa trong cả nước và chờ đợi sự đón nhân đầy mến mộ của bạn bè gần xa. Hồng Lĩnh sẽ luôn cố gắng để xứng đáng với tình cảm yêu thương ấy

Trọn một ngày, anh em đóng gói Tạp chí Hồng Lĩnh để chuyển cho nhà thơ Nguyễn Đỗ, đại diện Tạp chí Hồng Lĩnh ở Sài Gòn và nhà thơ Nguyễn Quốc Anh ở Thành phố Vinh, nhà Lý luận phê bình Hữu Nhuận ở Hà Nội và gửi các tác giả, các cá nhân, đơn vị đặt mua từ trước. 

Ba tháng sau xuất bản Hồng Lĩnh số 2, chuyên đề Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Họa sỹ Nguyễn Phan Chánh…

Dạo ấy, ngày nào chúng tôi cũng nhận được lời chúc mừng và góp ý rất chân thành của bạn đọc xa, gần. Chuyên mục Thư về Hồng Lĩnh của Tạp chí bao giờ cũng in kín hai trang. Xin trích một số lời trong hàng chục bức thư ấy.

Ngay số Hồng Lĩnh đầu tiên đã chứng tỏ các anh đã nắm trong tay khá nhiều yếu tố thành công. “Đối thoại” như thế là rất giỏi. Tôi đã đưa Hồng Lĩnh cho một số anh em đọc. Anh em rất hoan nghênh. Xin gửi lời chúc mừng đến anh em văn nghệ Hà Tĩnh” (Nhà thơ Giang Nam; Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - Trích thư 12 - 3 - 1992).

Tôi đã nhận được Tạp chí Hồng Lĩnh. rất mừng và rất hoan nghênh…Tôi rất ít dịp được về Hà Tĩnh, trừ mấy lần về thăm gia đình anh Phạm Ngọc Cảnh gần thị xã và gia đính anh Xuân Thiều bên sông La. Tạp chí gợi lên trrong tôi nhiều hình ảnh đẹp đẽ của tỉnh nhà qua những lần đó. (Vũ Cao - Nhà thơ, Hội Nhà văn Việt Nam - Trích thư ngày 8 - 4 - 1992).

Đọc 2 số Hồng Lĩnh thì thấy mấy điểm: In đẹp, bìa đẹp, giấy tốt, bài vở đậm màu sắc quê hương. Các cây bút phần nhiều đều là cây nhà lá vườn mà vì là cây nhà lá vườn nên lá vườn xum xuê, tươi tốt. Chúng tôi tin rằng Tỉnh ủy và UBND tỉnh tiếp tục tạo điều kiện cho Tạp chí ra đều, phản ảnh được mượt mà khí thế đang vươn lên của quê hương núi Hồng - Sông La” (Huy Cận, nhà thơ, Chủ tịch Hội liên hiệp VHNT Việt Nam).

Đã nhận được thư và tiền các ông gửi. Quý hóa quá. Nhà đang lúc túng. Cảm ơn phong cách làm báo cẩn thận, chu đáo của các bạn. Hôm Tết, anh Xuân Đài (Một người Hà Tĩnh khí khái ở Thành phố Hồ Chí Minh ) đi về quê ăn Tết có ghé Huế. Ngô Minh đưa Hồng Lĩnh ra khoe, thế là ông anh nằng nặc xin cho bằng được. Ngô Minh bảo: “Anh là dân Hà Tĩnh, anh phải mua mới phải”. Anh đồng ý mua bằng bia Hu đa. Một chầu bia lấy rẻ cũng ba chục ngàn. Đó là chiến công của Hồng Lĩnh số 1 do các bạn gửi cho Ngô Minh ở đất Huế” (Nhà thơ Ngô Minh - Phóng viên báo Thương Mại ở Miền Trung.)

Tôi đã đọc một vài số Tạp chí. Tôi rất mừng và xin gửi lời khen ban quản lý và các cộng sự và các nhà văn cộng tác. Sau đây tôi xin tặng một bài tôi viết từ năm 1940, nếu quý hữu muốn sử dụng trong tạp chí, tôi xin bằng lòng. Tôi cũng muốn mua đều các số Hồng Lĩnh, gửi bằng Bưu điện. Nếu được tôi sẽ bảo bà con bên nhà trả tiền mua. Chúc quý Tạp chí thịnh vượng” (G.S Hoàng Xuân Hãn - Paris - Pháp).

 Ngày ấy và mãi về sau này, tôi thường nghĩ lời khen chân tình dành cho Hồng Lĩnh đã góp phần quan trọng giúp chúng tôi tự tin vượt qua những gian nan, thiếu thốn và cả những mặc cảm tỉnh lẻ, tỉnh nhỏ để toàn tâm toàn trí cho công việc phát triển văn chương nghệ thuật. 

Hơi nóng của không khí đổi mới đang nguội dần. Dẫu đang giữa một đời sống xã hội bề bộn, ngổn ngang với bao nhiêu thân phận khổ đau, chìm nổi nhưng Hồng Lĩnh vẫn mượt mà, mát mẻ. Ít những tác phẩm quan tâm tới những vấn đề ngổn ngang, bết bát của hiện thực như truyện ngắn Chí phèo tìm họ của Thái Vĩnh Linh, Khẩu súng mệt mỏi của Nguyễn Quang Thân …

Đại hội V và kỷ niệm 25 năm thành lập Hội Văn nghệ Hà Tĩnh diễn ra vào đầu năm 1994. Ban chấp hành nhiệm kỳ (1994 - 1998) gồm 9 người: Sỹ Châu, Thái Kim Đỉnh, Xuân Hoài, Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Quang Minh, Vi Phong, Lê Anh Tuấn, Hà Quảng và tôi. Tôi được bầu làm Chủ tịch, Sỹ Châu, Phó Chủ tịch và Hà Quảng, Trưởng Ban Kiểm tra. 

Tháng 6 năm ấy, tôi chuyển vợ con từ Vinh vào Hà Tĩnh. Xưa, từ Vĩnh Lộc ra Vinh, 5 người lỏng lẻo trong cái thùng xe tải, nay thì 4 người và cũng lỏng lẻo trong thùng xe tải. Vợ tôi được Phòng Giáo dục Thị xã nhận về dạy ở Trưởng tiểu học Thạch Quý. Con trai đầu và con trai thứ vào học Trường Phan Đình Phùng.

Chuẩn bị cho Đại hội VI của Hội sẽ tổ chức vào năm 1999, năm cuối cùng của thế kỷ XX, Cuối năm 1997, tôi đưa vào kế hoạch việc Nghiên cứu văn học Hà Tĩnh Thế kỷ XX. Ý tưởng này tôi và nhà thơ Xuân Hoài đã nung nấu từ ngày mới tái lập Hội Văn nghệ Hà Tĩnh, nhưng ngân sách Hội một năm tất tật mọi hoạt động gói gọn vài trăm triệu đồng, nên không thực hiện được. Sau cuộc họp Ban Thường vụ tôi lên gặp Tiến sỹ Nguyễn Xuân Tình, Giám đốc Sở khoa học Công nghệ Hà Tĩnh, đề xuất đưa “Nghiên cứu văn học Hà Tĩnh Thế kỷ  XX” vào kế hoạch thực hiện các đề tài khoa học cấp tỉnh. Tiến sỹ Nguyễn Xuân Tình, học ở Nga về, nhiệt tình và chu đáo với mọi việc, mọi người. Ông nói: “Ngổn ngang những vấn đề kinh tế, xã hội cần nghiên cứu để ứng dụng vào đời sống phục vụ cho phát triển. Nhưng tỉnh mới tái lập, đội ngũ trí thức, các nhà khoa học còn ít lại chưa thực sự tâm huyết trong công tác nghiên cứu. Đề tài nghiên cứu văn học Hà Tĩnh đăng ký năm nay là duy nhất trong của Khoa học xã hội nhân văn. Tôi ủng hộ.”  

Nhóm thực hiện đề tài được thành lập gồm nhà LLPB Hà Quảng ở Sở Giáo dục, Nhà LLPB Đặng Lưu ở Đại học Sư phạm Vinh và tôi chịu trách nhiệm Chủ nhiệm. Trước đây cũng đã có một số người quan tâm về nội dung nghiên cứu văn học Hà Tĩnh nhưng mới chỉ là những bài viết, những chuyên luận về một giai đoạn văn học, một đề tài, một thể loại, một tác giả, một tác phẩm. Lần này, chúng tôi tập trung nghiên cứu tổng thể văn học một thế kỷ- thế kỷ XX:

Tác nhân lịch sử, địa - văn hóa tác động tới văn học Hà Tĩnh thế kỷ XX:  Bối cảnh Địa - lịch sử; Truyền thống văn hóa;

Các sự kiện lịch sử và những biến động chính trị.

Văn học yêu nước của các nhà Nho; Văn học yêu nước của các chiến sỹ cách mạng vô sản; Văn học của các trí thức tiến bộ; Văn học Hà Tĩnh từ Cách mạng tháng 8 - 1945 đến ngày thống nhất đất nước 1975; Văn học Hà Tĩnh giai đoạn 1975 - 2000.

Mất gần một năm, qua nhiều lần Hội thảo, công trình nghiên cứu Văn học Hà Tĩnh thế kỷ XX mới được Hội đồng Khoa học Hà Tĩnh nghiệm thu và được đánh giá xuất sắc xứng đáng làm tài liệu nghiên cứu cho các nhà hoạt động chính trị, các nhà quản lý, đội ngũ hoạt động văn hóa và sinh viên, học sinh.

 Xong đề tài nghiên cứu khoa học, tôi và Sỹ Châu, Trung Hiếu cùng anh em cơ quan bắt tay vào công việc chuẩn bị cho Đại hội VI của Hội.

Sau này Lịch sử Hà Tĩnh; tập II; NXB Chính trị Quốc gia viết về Hội văn nghệ giai đoạn này như sau: “Đại hội VI Hội văn học nghệ thuật Hà Tĩnh (nhiệm kỳ 1995 -2000) họp từ ngày 28 đến 29 -1-1999). Đại hội đã long trọng đón nhân Huân chương lao động hạng III của Nhà nước trao tặng. Đại hội đã ôn lại chặng đường 30 năm phấn đấu và trưởng thành của Hội văn học nghệ thuật Hà Tĩnh. Trong chặng đường lịch sử vẻ vang đó, hàng ngàn tác phẩm văn học nghệ thuật hiện đại đã ra đời góp phần tích cực vào việc  xây dựng nền văn hóa Hà Tĩnh và cùng với nó là một lực lượng hùng hậu gồm nhiều thế hệ văn nghệ sỹ tập hợp trong tổ chức Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Tĩnh…”

Những năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần thứ XV nhiệm kỳ (2000 - 2005), mọi lĩnh vực kinh tế xã hội Hà Tĩnh có bước phát triển khá, “Từng bước thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo được một số bước đột phá, phấn đấu thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo” (Lịch sử Hà Tĩnh; tập 2, trang 509; NXB Chính trị Quốc gia, 2021).

Yêu quê hương, yêu nghề, anh chị em văn nghệ sỹ Hà Tĩnh, đặc biệt là cán bộ văn phòng Hội, quên gian nan thiếu thốn, tập trung xây dựng phong trào sáng tác và phát triển đội ngũ. Những năm ấy, không khí văn nghệ ở Hà Tĩnh lành mạnh, sôi nổi. Hội văn nghệ và Tạp chí Hồng Lĩnh thành một địa chỉ văn hóa tinh thần của nhiều người. Nhiều cây bút có tên tuổi xin về công tác ở Hội. Năm 1992, có Nguyễn Xuân Hải (Báo Hà Tĩnh), năm 1993 là Sỹ Châu - Thông tấn xã Việt Nam, năm 1994 là Nguyễn văn Hùng (Khoa Văn, Đại học Sư phạm Vinh), Phạm Việt Thư (Hội Văn nghệ Nghệ an), Năm 1995 là Bùi Quang Thanh (Sở Giao thông vận tải), Võ Minh Châu (Phòng Giáo dục Kỳ Anh), Lê Duy Văn (Quân đội), rồi Phan Tùng Lưu (Công ty Đường 1)...

Cơ chế thị trường hàng ngày tác động dữ dội vào đời sống, sự bất công trong thu nhập của bộ phận cán bộ công chức ngày càng lộ rõ. Nhuận bút không đủ tiêu vặt và ăn sáng. “Cơm áo không đùa với khách thơ”, tâm huyết với văn chương, yêu Hội, yêu Tạp chí Hồng Lĩnh nhưng một số người vẫn phải dứt áo ra đi, tìm bến đỗ mới. Sau Đại hội Hội VI của Hội được hai năm, năm 2003, Bùi Quang Thanh chuyển sang Báo Bảo vệ Pháp luật, Võ Minh Châu sang Báo Tiền Phong, Phan Tùng Lưu về Văn nghệ Trẻ. Năm 2004, Phạm Việt Thư ra Báo Nông nghiệp Việt Nam, Nguyễn Văn Hùng về Sở Văn hóa Thông tin Nghệ an.

Dàn tác giả có uy tín nghề nghiệp vơi dần. Một sự trống vắng trong đờì sống văn chương nghệ thuật. 

Tôi tiếp nhận Nguyễn Thị Nguyệt từ Trường PTTH Cẩm Bình về, Quỳnh Nga và Hải Vân sinh viên Khoa Văn Đại học Vinh tốt nghiệp bằng đỏ. Hoài Thanh, cử nhân Hán Nôm. Dẫu thế vẫn chưa bù đắp được sự hụt hẫng về lực lượng sáng tác, biên tập, về công việc chuyên môn những người ra đi để lại.

Sau công trình khoa học nghiên cứu văn học Hà Tĩnh thế kỷ XX, Ban Thường vụ Hội quyết định làm hai tuyển tập Văn xuôi và Thơ để góp phần đánh giá tổng kết 100 năm văn chương Hà Tĩnh. Hội đồng Biên tập được hình thành gồm: nhà LLPB Ngô Vĩnh Bình, nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh, nhà nghiên cứu Văn hóa Thái Kim Đỉnh, nhà thơ Xuân Hoài, nhà thơ Lê Thành Nghị, nhà văn Nguyễn Quang Thân, nhà văn Xuân Thiều, nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú và tôi. 

Tuyển tập Văn Thế kỷ XX họp mặt 32 nhà văn Hà Tĩnh từ Hoàng Ngọc Phách sinh năm 1896 đến Như Bình sinh năm 1972. Lời nói đầu Văn Hà Tĩnh Thế kỷ XX do GS Phong Lê chấp bút: “Trong tôi biết bao điều muốn được trang trải lên mặt giấy khi trước mặt là bộ Tuyển 100 năm Văn xuôi thu nhỏ của đất quê.100 năm đầy biến động và bất ngờ như chưa từng diễn ra trong lịch sử. 100 năm mà mỗi chặng đường của nó là một bước ngoặt, một nhảy vọt mà người trong cuôc cũng ít ai có thể hình dung nổi. Cuối thế kỷ trước sau hy sinh của lãnh tụ Cần Vương Phan Đình Phùng (1895), tôi nghĩ đến những nhà Nho trong phong trào Duy Tân. Rồi tiếp đến là thế hệ có cả Nho học và Tây học với gương mặt tiêu biểu là Võ Liêm Sơn. Sau Võ Liêm Sơn là Hoàng Ngọc Phách - nghiêng về Tây học. Và sau Hoàng Ngọc Phách là Phạm Khắc Hòe và Nguyễn Tạo, Hoàng Xuân Hãn và Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Đổng Chi và Xuân Diệu… Một sự nối dài, cứ thế, càng về sau càng dồn dập, càng đông cho đến cuối thế kỷ.Dường như nguồn mạch trữ tình vốn lúc nào cũng dào dạt trên mảnh đất Lam Hồng, vẫn không chút vơi cạn khi chuyển sang thế kỷ XX, để làm dấu ấn riêng của Xứ Nghệ (Tên gọi chung của Nghệ Tĩnh); trong đó không cần phải tinh tế lắm cũng có thể nhận ra  dấu ấn riêng của Hà Tĩnh, dải đất trải từ bờ Nam sông Lam đến chân Đèo Ngang. Nơi đã làm nên sự khởi động và đưa lên đỉnh cao của dòng văn trữ tình - Lãng mạn với Hoàng Ngọc Phách và Xuân Diệu cũng là nơi không vắng thiếu tiếng nói thật của Ngạc Am, cùng tầm quảng bác và chiều sâu học thuật nơi Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Khắc Viện… Có phải 100 năm Văn xuôi Hà Tĩnh đi - về trên cả hai bờ ấy là hội tụ vào trong lòng nó cả hai nguồn mạch ấy!.Như thói quen thường có, tôi gắng nhẩm cho đủ những tên tuổi quen thuộc từng đi trước, từng đồng hành, hoặc đến sau mình trong hành trình của cách mạng và hai cuộc kháng chiến đã qua. Những tên tuổi bao giờ cũng gợi một niềm thương mến riêng, một sự gắn bó riêng, chỉ có thể giải thích bằng tình quê hương trong cái nghĩa thật thắm thiết và cụ thể của nó. Cái danh sách ấy tôi tin là không mờ nhật, thậm chí còn đậm nét so với bất cứ đâu. Họ - những người từng viết về đất quê hoặc không phải chỉ viết về đất quê; họ - một đời thường xuyên đi - về với đất quê hoặc luôn phải xa quê. Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng theo tôi, có lẽ không ai không khao khát và mong mỏi, qua những trải nghiệm riêng mà tìmđến những vấn đề có ý nghĩa nhân sinh và thế sự trong sự sinh tồn của đất nước và con người.(…) Mong cho quê nhà một đời sống vật chất và tinh thần xứng đáng với những cần lao và nỗ lực của con người - những con người dường như không thời nào, không thế hệ nào vắng thiếu tiềm năng văn thơ”.

Tuyển Thơ Hà Tĩnh thế kỷ XX tập hợp 120 tác giả, từ Đậu Quang Lĩnh sinh năm 1870 đến Đinh Thu Hiền sinh năm 1974. Lời nói đầu Tuyển tập Thơ Hà Tĩnh do nhà thơ Huy Cận viết, nguyên văn như sau: “Việt Nam là đất Thơ, Hà Tĩnh là đất Thơ. Cha ông ta thường nói: “Giang sơn tụ khí” không chỉ theo nghĩa địa lý phong thổ mà theo trầm tích văn hóa giống nòi qua các thời đại ở từng vùng và cả đất nước. Không phải ngẫu nhiên mà đất Kinh Bắc sinh ra Cao Bá Quát, Hà Nam sinh ra Nguyễn Khuyến, thành Nam sinh ra Tú Xương… Đất Thăng Long sinh ra Hồ Xuân Hương. Nhắc đến miền Trung thì “Giang  sơn tụ khí”sinh ra Đặng Dung, Phan Kính, Nguyễn Du, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Công Trứ ở Hà Tĩnh. Bình Định sinh ra Đào Tấn, Nam Bộ sinh ra Nguyễn Đình Chiểu, Trịnh Hoài Đức, Học Lạc… Thế kỷ XX thơ Việt Nam có bước phát triển vượt bậc từ Nguyễn Khuyến, Tú Xưng Tản Đà, Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu, Võ Liêm Sơn, đến các nhà “thơ mới”. Riêng Hà Tĩnh đã góp vào phong trào thơ mới với nhiều thơ xuất sắc hàng đầu: Xuân Diệu, Huy Cận, Thái Can. Các nhà thơ mới còn tiếp tục sáng tác đồi dào  sau cách mạng. Sang kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, có cả hai ba thế hệ thơ tiếp nối. Hà Tĩnh còn là đất duyên thơ. Nhiều bạn không phải quê Hà Tĩnh nhưng yêu đất Hồng Lĩnh đã có những bài thơ hay. Phải chăng thơ Hà Tĩnh đằm thắm tình quê hương, sâu lắng tình đời và canh cánh bên lòng thân phân con người ở quê nhà và trong dòng thời đại. Chắc hẳn thơ Hà Tĩnh sẽ tiếp thu được tinh thần nhân bản sâu đậm của giống nòi”.

Tháng 2 năm 2000 thì in xong cả hai tuyển tập.   

Cho đến hôm nay đã hơn 20 năm trôi qua, tuyển tập Văn và Thơ Hà Tĩnh thế kỷ XX, theo tôi là hai ấn phẩm có giá trị nhất trong các tuyển tập văn chương Hà Tĩnh 100 năm qua. (Còn nữa)

                                                                                                            Đ.B

. . . . .
Loading the player...