Tạp chí Hồng Lĩnh số Tết Giáp Thìn (209+210) năm 2024 trân trọng giới thiệu bài phỏng vấn với đồng chí Nguyễn Trọng Hiếu - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh
Phóng viên: - Hiện nay Tp. Hà Tĩnh đã xây dựng phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 sáp nhập một số phường trung tâm; thành lập mới các phường; đồng thời mở rộng địa giới hành chính. Vậy xin ông cho biết những thuận lợi, khó khăn, đặc biệt là việc tổ chức lại nhân sự bộ máy vị hành chính cấp đơn vị thuộc diện sáp nhập?
Đồng chí Nguyễn Trọng Hiếu: - Tp. Hà Tĩnh là trung tâm hành chính của tỉnh Hà Tĩnh được thiết lập từ năm 1831 dưới triều Minh Mạng thứ 12. Trải qua quá trình hình thành và phát triển đến nay có nhiều sự thay đổi về địa giới hành chính, quy mô dân số và tên gọi đơn vị cơ sở cấp thôn xóm, tiểu khu, khối phố, phường, xã, đường phố... Hiện nay Tp. Hà Tĩnh đã trở thành đô thị loại II và đang phấn đấu lên đô thị loại I là hướng đi tất yếu phù hợp với tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn lực lao động và thực tiễn kinh tế xã hội... ở địa phương. Vì thế, việc sắp xếp một số đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 sáp nhập một số phường trung tâm; thành lập mới các phường; đồng thời mở rộng địa giới hành chính là cần thiết và cũng là nhiệm vụ trọng tâm, căn cứ theo Kết luận số 48-KL/TW, ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH 15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030; Nghị quyết số 117/NQ-CP ngày 30/7/2023 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025; Chỉ thị số 37-CT/TU ngày 25/9/2023 của BTV Tỉnh ủy về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030; Kết luận số 01- KL/BCĐ ngày 03/10/2023 của Ban chỉ đạo tỉnh về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã; Kế hoạch số 424/KH-UBND ngày 26/9/2023 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025; xác định việc sắp xếp ĐVHC cấp xã trong giai đoạn 2023 - 2025 được đánh giá kỹ lưỡng, tính toán đến các yếu tố đồng bộ, tổng thể gắn với định hướng quy hoạch toàn thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trên cơ sở dựa vào yếu tố lịch sử, văn hóa, điều kiện tự nhiên, dân cư, cơ sở hạ tầng, kinh tế xã hội... Do vậy UBND thành phố đã chủ động xây dựng các phương án và thảo luận, thống nhất lựa chọn phương án tối ưu nhất, đảm bảo việc sắp xếp ĐVHC phải gắn với đổi mới tổ chức bộ máy hoạt động hiệu quả, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn.
Sau khi được sự thống nhất trong Thường trực, Ban Thường vụ, Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố, UBND thành phố đã xây dựng đề án đề nghị sở Nội vụ, UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định sáp nhập phường Trần Phú và phường Thạch Linh thành phường mới, đồng thời điều chỉnh 0,07 km2 của tổ dân phố 6, phường Trần Phú vào phường Bắc Hà; sáp nhập phường Bắc Hà với phường Nguyễn Du và 0,07 km2 của tổ dân phố 6 phường Trần Phú để thành lập phường mới; thành lập 4 phường mới trên cơ sở nguyên trạng các xã đã đảm bảo tiêu chí gồm: Thạch Hạ, Thạch Hưng, Đồng Môn và Thạch Trung. Theo đó, các phường mới sẽ có không gian phát triển đảm bảo tính khả thi và giảm các áp lực trong cùng một thời điểm thành phố vừa sắp xếp ĐVHC cấp xã, vừa mở rộng địa giới hành chính.
Ngoài ra Tp.Hà Tĩnh cũng đã xây dựng phương án mở rộng địa giới thành phố, sáp nhập thêm một số xã của các huyện: Thạch Hà, Cẩm Xuyên và Lộc Hà. Qua đó diện tích tự nhiên sẽ có khoảng 220 km2, quy mô dân số sẽ tăng lên gần 1/4 triệu người (thời điểm hiện tại), với 24 - 26 đơn vị hành chính cấp xã, nhằm hoàn thành mục tiêu xây dựng thành phố có quy mô, kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, thông minh trở thành một trong những đô thị trung tâm vùng Bắc Trung Bộ. Đây là phương án đã tính đến trong tổng thể quy hoạch của Tp. Hà Tĩnh về tương lai lâu dài.
Trước mắt đối với việc sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính và giải quyết dôi dư ở các đơn vị thuộc diện sau khi thành lập phường mới, theo dự kiến thừa khoảng 40 cán bộ gồm những người có trình độ đào tạo đạt chuẩn và tuổi đời còn trẻ sẽ gặp không ít khó khăn. Vì thế thành phố đã chủ động phương án không thực hiện tuyển dụng đối với các chức danh công chức cấp phường, xã, và chưa thực hiện bầu bổ sung đối với một số chức danh cán bộ ở một số địa phương khi xét thấy chưa thực sự cấp thiết. Bên cạnh đó gắn với chủ trương tinh giản biên chế, thành phố sẽ vận động và giải quyết chế độ đối với những cán bộ, công chức có nhu cầu trước năm 2024 một cách hợp tình, hợp lí.
Phóng viên: - Người dân Tp. Hà Tĩnh rất quan tâm đến các dự án đầu tư mang tính đột phá về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vậy trước ngưỡng cửa năm Giáp Thìn (2024) cũng được coi là năm "bản lề" về kế hoạch 5 năm (2020 - 2025) của thành phố, ông có thể cho biết mục tiêu kế hoạch đề ra và các giải pháp tiếp theo?
Đồng chí Nguyễn Trọng Hiếu: - Thời gian vừa qua, UBND thành phố đã hết sức quan tâm chỉ đạo các địa phường, đơn vị, phối hợp tốt với các sở, ngành triển khai thực hiện các dự án trọng điểm có ý nghĩa quan trọng trên địa bàn như: "Dự án Hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu” sử dụng vốn ADB với tổng mức đầu tư 140 triệu USD; Dự án đường vành đai phía Đông; Dự án đường Xuân Diệu kéo dài đoạn từ đường bao khu đô thị Bắc đến đường Ngô Quyền và sẽ triển khai dự án đường Xô Viết Nghệ Tĩnh kéo dài về phía Đông... tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, thực hiện tốt công tác huy động nguồn lực, đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông, hệ thống thoát nước, cơ sở hạ tầng kỹ thuật nội thị; tập trung chỉnh trang đô thị; đầu tư hạ tầng y tế, giáo dục cũng như hạ tầng thiết yếu khác. Nhìn chung, các công trình dự án được đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm, giải quyết được một phần tồn tại, hạn chế lâu nay, đặc biệt là khả năng tiêu thoát nước của các tuyến mương chính được tăng cường, tình trạng ngập úng giảm rõ rệt; nhiều tuyến phố được chỉnh trang...
Một góc thành phố Hà Tĩnh
Tuy nhiên để đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và giảm thiểu tối đa những phát sinh đối với một đô thị có xuất phát điểm thấp như Tp. Hà Tĩnh không phải là bài toán đơn giản. Điều này đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của từng người dân trên địa bàn. Để thực hiện tốt mục tiêu đề ra, Tp. Hà Tĩnh đã khuyến khích, tạo điều kiện các thành phần kinh tế phát triển; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; ứng dụng những thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, siết chặt kỷ luật, kỷ cương gắn trách nhiệm người đứng đầu; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm tăng cao mức độ hài lòng của dân cư.
Tp. Hà Tĩnh cũng đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc điều chỉnh Quy hoạch chung và vùng phụ cận giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng thành phố sinh thái xanh hướng biển, thành phố carbon thấp, thông minh, có bản sắc riêng; đáp ứng yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu, ngập lụt, triều cường; đáp ứng quá trình gia tăng dân số và quy mô dân số trong tương lai; đồng bộ với nhiều ngành, lĩnh vực mang lại chất lượng sống tốt nhất cho người dân. Hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân trên 11%/năm, thu nhập bình quân đầu người đến năm 2030 ước tính đạt 120 triệu đồng/ năm; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển công nghiệp, mở rộng các ngành nghề thủ công truyền thống gắn với công tác bảo vệ môi trường; cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng; chú trọng thu hút, khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực phát triển đô thị, cấp thoát nước, môi trường đô thị; phát triển nhà ở xã hội và nhà ở cho người có thu nhập thấp; xây dựng công trình phúc lợi, các dự án đầu tư lĩnh vực nông nghiệp đô thị và phát triển nông thôn. Đặc biệt trong những năm qua Tp. Hà Tĩnh đã chú trọng huy động nguồn lực, tập trung đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng gắn với cải tạo kiến trúc - cảnh quan, phát triển đô thị thông minh, hiện đại. Cụ thể đầu tư hoàn chỉnh hệ thống các tuyến giao thông chính kết nối với các hệ thống giao thông quốc gia, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải; kết nối mạng lưới hạ tầng đô thị với vùng phụ cận; từng bước thay thế hệ thống chiếu sáng chủ yếu bằng đèn Led; xây dựng nhiều công trình có kiến trúc đẹp, độc đáo mang tính biểu tượng và hình ảnh của thành phố để tạo điểm nhấn; kêu gọi xã hội hóa trồng, bảo vệ cây xanh với mục tiêu để thành phố trở thành đô thị theo hướng “rừng trong thành phố” và “thành phố trong rừng”; phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai Đề án thí điểm đô thị thông minh tại Tp. Hà Tĩnh giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển văn hóa - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh. Trong đó chú trọng việc xây dựng bản sắc riêng của người dân "Thành Sen" với phương châm "phố văn minh, người dân lịch sự"; phát triển phong trào thể thao quần chúng nâng cao chất lượng cuộc sống; đầu tư và nâng cao thiết chế thể thao đảm bảo điều kiện rèn luyện thể chất; xây dựng dựng các trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia, đảm bảo giáo dục và đào tạo đồng bộ, toàn diện, vững chắc, môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, hạnh phúc, tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp chiến lược phát triển giáo dục thành phố theo Nghị quyết số 03/NQ-ThU và Đề án “Phát triển giáo dục và đào tạo Tp. Hà Tĩnh đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập đến năm 2025 và những năm tiếp theo”; củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các trạm y tế phường, chú trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút cán bộ y tế; quan tâm các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng; hỗ trợ sinh kế, đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động, giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo; củng cố quốc phòng, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Phóng viên: - Trong những năm gần đây mặc dù gặp nhiều khó khăn thách thức nhưng Tp. Hà Tĩnh vẫn đạt được nhiều thành tựu lớn về kinh tế - xã hội, đời sống vật chất tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Vậy xin ông cho biết nguyên nhân nào dẫn đến thành công trên?
Đồng chí Nguyễn Trọng Hiếu: - Có thể nói trong những năm qua Tp. Hà Tĩnh cũng như các địa phương khác trong cả nước phải chịu những khó khăn thách thức lớn bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, chiến tranh ở Đông Âu... nhưng với sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận cao của người dân nên mức tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021 - 2023 và thu ngân sách đạt kết quả cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. So với đầu nhiệm kỳ, tỷ trọng thương mại - dịch vụ tăng từ 61,75% lên 63,5%. Riêng năm 2023 tốc độ tăng tổng giá trị sản phẩm trên địa bàn đạt 11,87%; thu ngân sách đạt 1.132 tỷ đồng, bằng 108,95% kế hoạch, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 6.223 tỷ đồng (bằng 112% kế hoạch). Bên cạnh đó các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, văn hóa, y tế, an sinh xã hội được nâng cao, quốc phòng - an ninh được giữ vững; công tác đối ngoại được mở rộng...
Để có được những kết quả đó ngay từ đầu nhiệm kỳ, UBND thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt. Cụ thể thành phố đã phân tích, đánh giá khách quan, nhận diện rõ các mặt còn tồn tại, hạn chế, xác định rõ các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm. Trên cơ sở đó, tích cực đổi mới, chủ động tham mưu, đề xuất các cơ chế chính sách; chủ động tiếp cận, tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài; kịp thời ban hành cơ chế, chính sách phù hợp nhằm phát huy nội lực, khuyến khích, hỗ trợ phát triển toàn diện trên các lĩnh vực như: Cơ chế hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, huy động tốt nguồn lực trong nhân dân để đầu tư các hạ tầng thiết yếu, cơ chế hỗ trợ phát triển nông nghiệp đô thị, thúc đẩy phát triển mạnh các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, tích tụ ruộng đất; nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, đẩy mạnh giáo dục mũi nhọn, hỗ trợ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người cao tuổi; tổ chức lực lượng, huấn luyện, hoạt động và bảo đảm chế độ, chính sách cho Dân quân tự vệ; chủ động làm việc với các sở, ngành, tháo gỡ tồn đọng, giải quyết các kiến nghị; tranh thủ tối đa sự quan tâm của các sở, ban, ngành để thực hiện đạt hiệu quả những nhiệm vụ liên quan trực tiếp phát triển kinh tế - xã hội; đánh giá toàn diện, khách quan, đề ra các giải pháp, lộ trình và giao trách nhiệm cụ thể các cấp, các ngành để tập trung thực hiện; xây dựng và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả cơ chế phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa UBND với UBMTTQ và các đoàn thể, tạo sự đồng thuận, thống nhất khi triển khai thực hiện, đảm bảo sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuẩn hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu chung của thành phố, từng bước kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu của tỉnh; 100% văn bản được tiếp nhận, chuyển, giao xử lý, ký số ban hành đúng quy trình và chuyển qua môi trường mạng. Triển khai 100% dịch vụ công trực tuyến theo danh mục do Chính phủ quy định; nâng cấp Cổng thông tin điện tử thành phố, phát triển các kênh trao đổi, cung cấp thông tin giữa chính quyền và Nhân dân.
Bước vào năm Giáp Thìn (2024) với bao thách thức phía trước nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội lớn mà Đảng bộ, chính quyền và người dân Tp. Hà Tĩnh đang hồ hởi đón nhận và cùng đồng sức, đồng lòng siết tay nhau xây dựng quê hương Thành Sen ngày một giàu đẹp văn minh.
Phóng viên: - Xin cám ơn ông và chúc mừng Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân thành phố Hà Tĩnh bước vào năm mới ấm no, hạnh phúc và nhiều thành công mới!
Thành Sen (thực hiện)