12-07-2021 - 07:14

Văn tài Thám hoa Phan Kính

Kỷ niệm 260 năm năm mất Đình nguyên Thám hoa Phan Kính (07/7/1761 - 07/7/2021). Tạp chí Hồng Lĩnh số 178 tháng 6 trân trọng giới thiệu bài viết "Văn tài Thám hoa Phan Kính" của Nhà văn Phan Trung Hiếu

Danh nhân Phan Kính, tự là Dĩ Trực, hiệu Tĩnh Trai, sinh ngày 12 tháng 11 năm Ất Mùi (06/02/1715), tại thôn Vĩnh Gia, xã Lai Thạch, huyện La Giang (La Sơn) trấn Nghệ An, nay thuộc xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Vốn sáng dạ, ham học, ông nổi tiếng “thần đồng” từ thủa nhỏ, từng được suy tôn là người đứng đầu “Nghệ An ngũ tuyệt”.

Sau vài lần lận đận chốn khoa trường, năm Quý Hợi (1743), cụ Phan trở lại Thăng Long dự kỳ thi hội cùng với hơn 3000 sĩ tử và được chọn vào thi Đình. Quyển thi của Phan Kính được nhà vua dùng bút son ngự phê “Cho đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ tam danh (Đỗ đầu khoa thi với danh vị Thám hoa) là học vị cao nhất của khoa thi này (do không lấy Trạng nguyên, Bảng nhãn). Sau khi nhận áo mũ Tiến sĩ, dự yến tiệc ở cung vua, Thám hoa Phan Kính về quê vinh quy bái tổ. Văn thân bản huyện La Sơn đã có bức trướng mừng bằng lụa do Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm (thân phụ Đại thi hào Nguyễn Du) người làng Tiên Điền soạn văn với nội dung chúc mừng và ca ngợi:…Tài hoa rực rỡ, danh tiếng lẫy lừng, văn chương càng viết càng hay như thu gom châu ngọc, lý thú diệu kỳ, dùi mài đẽo gọt càng lắm công phu…!.

Năm Giáp Tý (1744), cụ Phan Thám hoa ra kinh đô Thăng Long nhận sắc phong giữ chức Hàn lâm viện đãi chế chuyên việc cung phụng từ lệnh ở bên vua. Kể từ đó, cụ được triều đình tin tưởng, giao giữ các chức vụ như Tuyên úy Phó sứ đi kinh lý trấn Nghệ An, Giám khảo kỳ thi hương, Hiệp đồng trấn Sơn Tây. Đầu năm Nhâm Thân (1752), vua giáng chiếu thăng cho Phan Kính hàm “Đông các đại học sĩ” và lần lượt điều đi nhận chức Đốc đồng trấn thủ sự vụ xứ Thanh Hóa, Thự đốc thị Nghệ An, Đốc đồng Tuyên Quang kiêm thừa Chánh sứ, Kinh lược sứ, Tham mưu nhung vụ đạo Hưng Hóa (gồm các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu và một phần Sơn La ngày nay). Chính trong thời gian hoạt động ở miền biên viễn phía Bắc này (1760), vua Càn Long của nhà Thanh rất mến phục tài trí của Phan Kính nên đã gia phong cho cụ danh vị “LƯỠNG QUỐC ĐÌNH NGUYÊN THÁM HOA”, ban tặng một chiếc áo cẩm bào và hai bức trướng, có ghi dòng chữ “Thiên triều đặc tứ Bắc đẩu dĩ Nam nhất nhân nhi dĩ”. Do làm việc quá sức, qua nhiều gian lao vất vả lại bị nhiễm chướng khí sơn lâm, cụ đã qua đời tại nhiệm sở Hưng Hóa ngày 08 tháng 6 năm Tân Tỵ (7-7-1761), thọ 47 tuổi.

Sắc phong của vua Cảnh Hưng năm 4, 1743 Quý Hợi “Đệ Nhất Giáp tiến sỹ
Cập Đệ Tam Danh Phan Kính La Sơn huyện Lai Thạch xã Lam Sinh”
(Lam Sinh Học trò nghèo) tức là Thám Hoa

Sau nghi lễ phúng điếu tại quân doanh đạo Hưng Hóa, thi hài cụ được rước về kinh đô Thăng Long. Chúa Trịnh Doanh mến phục tài năng và đức độ của nho thần Phan Kính đã cấp lễ vật, tử tuất rất trọng hậu và tự tay đề bức trướng phúng viếng: “LƯỠNG ĐỒ VĂN HỮU VŨ - VẠN LÝ HIỂM VI DI” (Hai đường kiêm văn, võ - Vạn dặm hiểm lại bình). Nhà vua thương tiếc đã ban sắc truy phong chức Hữu thị lang Bộ hình, tước Quỳ dương bá, thụy Trung hiển, giao cho Bộ lễ cùng binh lính hộ tống linh cữu cụ về mai táng tại quê nhà. Năm Quí Mão (1783), vua Lê Hiển Tông phong sắc tôn công thần Phan Kính làm Thành hoàng, gia phong là “Anh nghị đại vương”. Sắc phong mỹ tự viết: “…Tướng công văn tài đứng hàng đầu nho sĩ, võ lược xếp vào loại tướng giỏi, được trong triều ngoài quận kính trọng, là người có danh vọng cao như sao Bắc đẩu trong số các bậc sĩ phu ở trời Nam. Chốn miếu đường cũng như nơi chiến địa đều lẫy lừng tiếng thơm, một miền biên thùy phía Bắc đều khen tài lạ. Từng được ban khen vinh hiển. Sống vẻ vang, chết cũng vẻ vang nên cho được hưởng lộc đời đời…”

Về sự nghiệp thơ văn, Phan Thám hoa là người ham khảo luận, sáng tác. Rất tiếc, gia tài văn thơ của cụ lâu ngày bị thất lạc, còn lại không nhiều. Các tập sách: “Kinh truyện tự sự” “Sách văn lược cú” và tập thơ “Dĩ trực thi tập” nay đã thất lạc, chỉ còn lại hai bài văn thi Hội và thi Đình, tấm văn bia từ đường họ Phan và một số bài thơ chữ Hán còn lưu ở Viện Hán Nôm. Về sáng tác thơ Nôm của cụ thì mới tìm thấy bài “Vinh cổ thái lao tế Khổng Tử ở Văn Miếu Quốc Tử giám” và bài “Văn tế sống cô Nhiễu” tương truyền do cụ sáng tác.

Là một cây bút thơ chữ Hán tài hoa, cụ Phan nổi tiếng với những bài thơ tức cảnh, cảm hoài trước vẻ đẹp của thiên nhiên. Trong thơ, cụ gửi gắm bao nỗi xót xa, nuối tiếc của một con người muốn đem sức lực và tài trí ra giúp đời mà hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ còn có nhiều trói buộc, dèm pha, hãm hại. Lúc cụ về chầu triều bằng đường thủy, cửa Thần Phù thuộc Thanh Hóa đã hiện lên trong mắt cụ như một bức tranh nhiều ý vị: Thỏ phách hi vi thẩn ảnh trầm/ Lưỡng hoài hương tứ lưỡng nan câm (Cấm)/Hoa phong động khẩn nhàn khai lạc/Triều khiết phong yêu tự thiển thâm/Nhất hoạn phong trần thùy tự ngã/Trung lai sơn thủy tích do câm (Kim)/Như hà triều thị năng tuyền thạch/Nghĩ hướng từ lang đạo thử tâm (Dịch thơ: Bóng thỏ lờ mờ lẫn bóng mây/Tình quê, dạ khách, khó khỏa khuây/Hoa đầy cửa động khai rồi rụng/Triều ngập sương non, cạn lại đầy/Gió bụi cảnh ai như cảnh mỗ/Núi sông ngày trước vẫn ngày nay/Ước gì triều thị kiêm rừng suối/Muốn tới Từ lang ngỏ ý này)

Những năm đầu thập kỷ 40 của thế kỷ XVIII, danh sĩ Đặng Trần Côn (tác giả Chinh phụ ngâm) trong thư gửi bạn họ Phan ở Lai Thạch mời đến chơi xuân có đoạn: “… Học sâu như biển. Kình nghê vùng vẫy trận văn. Lời sắc như dao,  phù dung tơi bời ngọn bút. Tình vừa đằm thắm, vật vốn thanh cao, người với văn chương cùng tài lỗi lạc….”

Tuy nhiên, con người học vấn uyên bác và tài hoa văn chương lỗi lạc một thời ấy lại không chuyên tâm vào sự nghiệp sáng tác mà chỉ mong đem hết sức mình vào sự nghiệp an dân giữ nước, “dập tắt lửa Tần”, “vững phù vạc Hán”. Lý tưởng dùi mài chữ nghĩa đến khi thực thi công trạng, Phan Kính là  bậc sĩ đại phu, toàn tâm vì sự nghiệp chính trị, còn chuyện thơ phú và văn chương chỉ là để “an ủi nỗi quạnh hiu” như trong bài “Dư đồng khảo Nguyễn Quýnh”: “Hữu hoài tương ước tại vân tiêu/Suất nhĩ từ hàn úy tịch liêu/Nguyệt tự vô tình nhân tự não/Hữu thùy trước nhãn hữu thùy liêu” (Bản dịch của Bùi Hạnh Cẩn: Đường mây mong ước hẹn hò nhiều/Lấy chuyện văn từ bớt quạnh hiu/Tráng tự vô tình người tự não/Có ai để mắt, có ai riêu)

Con thuyền thơ của cụ luôn hướng về một bến: Lý tưởng và sự nghiệp làm cho “quốc thái, dân an”, “thái bình, thịnh trị”. Điều này thể hiện rõ trong các bài thơ ngẫu hứng cảm tác hướng về những sự kiện đương thời như “Quân vây ổ giặc Ngũ Phúc, một ngày trước ba mươi tết, gió mưa từ sáng tới tối, hoài cảm viết thơ”, “Đêm ba mươi tết, nơi chinh chiến miền Tây, chợt viết”, “Hành quân qua núi Biều ngâm” (ở Thanh Hóa)…Cụ Phan Thám hoa có một chùm thơ thù tạc rất nổi tiếng, nhưng không phải là thơ vịnh nguyệt thưởng hoa mà để tiễn các thượng quan về hưu trí như Tham Tụng (Tể tướng) Thượng thư, Quận công, Thị độc, Thị lang, Hầu tước. Những bài ấy viết ra nhằm ca ngợi các bậc lương tướng đã làm tròn sứ phận được giao và vẽ ra cái cảnh an nhàn được hưởng ngày Nghiêu tháng Thuấn. Ngoài ra, cụ còn có một số bài thơ trao đổi với Thanh triều và đặc biệt là dành cho Tham phủ họ Hoa - người cùng đỗ Thám hoa khoa Quý Hợi. Nội dung những bài thơ trên một mặt ca ngợi uy vũ của quân đội thiên triều, công lao của các vị tướng ngày trước, mặt khác kín đáo nói về trách nhiệm chung của cả hai nước là phải giáo hóa an dân vùng biên ải và cũng mong ngày thắng lợi “ai nấy lại cưỡi ngựa trở về”.

Trong số 32 bài thơ của Phan Kính có một chùm 3 bài bình luận về đề tài lịch sử. Trong bài “Đắp trường thành”, phần mở đầu khen vua Tần biết lo nghĩ xa nhưng kết thúc lại chê vua Tần:Đắp oán chỉ mệt nhọc (dân) vì lo phòng giặc ngoài/ (Thực ra) cái vạ diệt Tần đã sẵn ngay sân tường (nhà)”. Bài: “Gái cung Tần” chê trách vua Tần xa hoa hiếu sắc: “Mười hai hàng lan can châu ngọc ken đầy như hang động/ Ba ngàn son phấn lụa là gấm vóc giăng mắc”

Có thể xem thơ Phan Kính thuộc loại trữ tình chính trị trong dòng thơ chính luận đặc sắc trong nền văn học nước nhà. Cảm quan chính trị trong thơ Phan Kính thể hiện ở mong ước hoài bão: Từ nhân dân đến quan lại được sống bình yên, thấm đều ơn mưa móc trong cảnh ngày Nghiêu tháng Thuấn, thể hiện đường lối chính trị “An dân trị quốc”, trên nền tảng “đại trung chí chính”. Ước mơ đó làm nên cái gốc rễ cảm xúc và là cái kết thúc đẹp đẽ của phần lớn các bài thơ.

Năm 1992, nhà thờ Phan Kính tại xã Song Lộc được Nhà nước ta xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia. Tên cụ đã được chọn đặt cho đường phố ở thành phố Vinh, Thị xã Hồng Lĩnh và lấy làm tên của trường tiểu học của xã Song Lộc, Can Lộc. Điều đặc biệt là ngoài quê hương Hà Tĩnh, có một số địa phương cũng lập đền, miếu thờ. Đã hàng trăm năm nay, tại xóm Cầu xã Khánh Thiện, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình có một ngôi đền thờ Ngài quan Thám hoa Phan Kính. Qua nhiều thăng trầm trong lịch sử, ngôi đền này đã nhiều lần được trùng tu tôn tạo. Năm 2017, ông Nguyễn Đăng Thành - Phó Chủ tịch thường trực Hội doanh nhân Cựu chiến binh tỉnh Ninh Bình - người con quê xã Khánh Thiện đã phát tâm công đức kêu gọi bạn bè, con em đồng hương xây dựng lại Đền thờ quan Thám hoa, một danh nhân người con nổi tiếng của quê hương Hà Tĩnh với tổng số tiền gần 2 tỷ đồng và trong tháng 3 năm 2021, tiếp tục huy động công đức để đúc tượng đồng cho cụ. Tại quê hương của cụ, con cháu dòng họ Phan Vĩnh Gia cùng bà con đồng tộc Phan cũng đã làm được nhiều điều để gìn giữ, phát huy của một di tích lịch sử văn hóa  được xếp hạng quốc gia. Ông Phan Bình, Chủ tịch Hội đồng gia tộc Phan Vĩnh Gia là người tâm huyết với việc họ. Ngoài tâm huyết, công sức, ông từng bỏ ra hàng trăm triệu đồng để lo cho việc tôn tạo, chỉnh trang đền thờ, nhà truyền thống. Mới đây, trong điều kiện ngân sách Nhà nước đầu tư quá hạn hẹp, ông bàn với con cháu quyết định dành 1 tỷ đồng từ tiền bán nhà để lo việc xây thêm một số hạng mục của Đền thờ cụ Tổ Phan Kính.

Theo kế hoạch, cuối tháng 6 năm 2021, UBND huyện Can Lộc phối hợp với Sở VHTT&DL và dòng họ Phan Vĩnh Gia có kế hoạch sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 260 năm ngày mất danh nhân Lưỡng quốc Đình nguyên Thám hoa Phan Kính - một người con họ Phan Hà Tĩnh nổi tiếng về tinh thần hiếu học, tài học, một nhà thơ chính luận đặc sắc, một vị quan với đức sáng liêm chính, công bình.

 P.T.H

 

. . . . .
Loading the player...