Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu Tùy bút THÀNH SEN MÙA SEN NỞ của Ngô Đức Hành
NGÔ ĐỨC HÀNH
THÀNH SEN MÙA SEN NỞ
Tùy bút
Tôi còn nhớ, lần đầu tiên có mặt ở thị xã Hà Tĩnh, đấy là lần qua phố để đến xã Thạch Hòa thi Đại học. Đó là năm 1977. Tất cả, đến giờ với Thành Sen, tôi vẫn chỉ là kẻ được gặp “thoáng qua”, nhịp cảm trong tâm hồn vẫn là “trăng khuyết” bởi tôi là người Hà Tĩnh, nhưng xa quê từ lúc mới hơn 17 tuổi và xa mãi đến tận bây giờ…
*
Thuở Hà Tĩnh còn là một phần của Nghệ Tĩnh, tôi được theo chân nhà báo Dương Thanh Tùng đến tư gia nhà nghiên cứu về Hà Tĩnh, ông Thái Kim Đỉnh. Tôi vẫn nhớ hình ảnh ông gầy gò, thư tịch. Ngôi nhà của ông lợp bằng lá cọ, nền đất, mát lạnh dung tuyền.
Ông Thái Kim Đỉnh kể lại rằng, tên gọi Thành Sen có từ thuở vua Gia Long cho xây thành Hà Tĩnh. Trong thành có nhiều hồ nước, hai hồ bán nguyệt trước Hành cung và Dinh Tuần, cạnh Dinh Bố chính có hồ Thành, đến mùa hè sen nở rộ, hương thơm toả ngát cả vùng. Do đó người ta gọi Thành Hà Tĩnh là Thành Sen.
Ngoài ra, còn có những truyền thuyết khác, nhưng đều liên quan đến loài hoa này. Lại có người cho rằng thành được xây bởi kiểu thành Vô - băng trông giống như bông sen tám cánh, nên gọi như thế. Dù lý do gì đi nữa thì tên gọi Thành Sen đã có từ trong lịch sử, “định danh” thành phố Hà Tĩnh từ trong lịch sử.
*
Tôi sinh ra và lớn lên ở Nghèn. Từ thị trấn huyện lỵ Can Lộc vào thành phố Hà Tĩnh không xa. Rong ruổi cùng chiếc xe máy, nhắm mấy đầm sen từ Tiến Lộc, Thạch Linh, Thạch Long... là tới. Tuổi thơ tôi, từng đi bộ ba năm trời từ thị trấn Nghèn lên thị trấn Đồng Lộc học cấp ba. Những năm tháng đó đã từng ngơ ngác với các đầm sen thuộc Kim Khánh Vĩnh (tên mới của các xã Kim Lộc, Khánh Lộc, Vĩnh Lộc), Xuân Lộc, Trung Lộc trên con đường đến trường. Sen nở cùng tiếng ve, ríu ran quê nhà.
Ngắm mùa sen trên quê hương, những trang lịch sử hào hùng của quê hương hiện về. Trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, quân và dân Hà Tĩnh đã bắn rơi 267 máy bay các loại, bắn chìm, bắn cháy 34 tàu chiến, tiêu diệt và bắt sống nhiều giặc lái, nhiều tổ, toán biệt kích, thám báo. Trong đó, tiêu biểu nhất phải kể đến trận đầu thắng Mỹ 26/3/1965, quân và dân ta đã bắn rơi 9 máy bay Mỹ ngay trên bầu trời Thành Sen.
Đây thực sự là chiến công đặc biệt xuất sắc, có ý nghĩa hết sức to lớn nhằm cổ vũ mạnh mẽ khí thế quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ của quân và dân ta, tạo tiền đề vững chắc cho quân và dân Hà Tĩnh lập công xuất sắc trong suốt quá trình chống Mỹ cứu nước.
Với quyết tâm "Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến" ,"Sống bám trụ cầu đường, chết kiên cường dũng cảm", "Xe chưa qua, nhà không tiếc"…, quân và dân Hà Tĩnh đã trụ bám kiên cường ở những trọng điểm, quyết giữ vững mạch máu giao thông, đảm bảo sự chi viện toàn diện, liên tục, mạnh mẽ của hậu phương cho tiền tuyến, góp phần to lớn vào thắng lợi của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.
Tôi từng bừng tỉnh giấc ngủ giữa tiếng bom rơi, đạn nổ. Tôi từng giật mình khi người lớn chặt cây, dỡ nhà... ra sông Nghèn để cứu cầu, cứu phà cho xe qua.
Và tôi nhớ hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trên đất Thành Sen.
Đó là lúc 6 giờ 30 phút ngày 15/6/1957, đoàn xe của Bác vào đến thị xã Hà Tĩnh. Đông đảo các tầng lớp nhân dân đứng hai bên đường phố Phan Đình Phùng phấn khởi, vui mừng vỗ tay đón Bác. Cùng đi với Bác có đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Uỷ viên Bộ Chính trị, đồng chí Trần Quốc Hoàn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công an, đồng chí Hoàng Văn Diện, Uỷ viên Thường vụ Khu uỷ, Chủ tịch Ủy ban Hành chính Liên Khu 4. Đó là thời điểm thật đặc biệt, nhân dân Hà Tĩnh cùng đất nước vừa trường kỳ kháng chiến thành công, xây dựng và phát triển kinh tế sau Chiến thắng Điện Biên phủ, chuẩn bị bước vào giai đoạn khác của ý chí giành độc lập tự do, “cả nước hành quân cả nước cùng ra trận”.
Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đang trao đổi với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trong lần có mặt duy nhất trên đất Thành Sen, trở thành hình ảnh lịch sử. Phía sau Bác, một ngôi nhà lá đơn sơ, có hồ sen đang trổ cánh, tỏa hương.
Nơi đó bây giờ là Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. 66 năm qua, câu nói của Bác Hồ: “Phải làm cho Hà Tĩnh nổi bật lên” đã và đang trở thành hành động của người dân Hà Tĩnh, người dân Thành Sen. Hà Tĩnh đã và đang nổi bật về nhiều mặt, phát triển công nghiệp, xây dựng nông thôi mới nâng cao, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, coi trọng các giá trị văn hóa nơi “quê mình, quê thơ”.
Thành Sen, không chỉ tháng 5, quanh năm mùa sen trổ!
Tôi nhớ mãi mùa sen năm năm 1991, khi Hà Tĩnh vừa mới tái lập. Ban đêm, tôi lang thang ngắm nhìn thị xã. Con đường Phan Đình Phùng được rải đá cấp phối, rỗ hà. Ánh trăng dù không sáng lắm nhưng cũng đủ làm lu mờ hết những ngọn đèn thưa thớt, đỏ quạch trên con đường chính của thị xã. Vậy là đã 32 năm trôi qua.
Cùng với tỉnh Hà Tĩnh, Thành Sen - địa danh có từ trong lịch sử nhưng thành phố Hà Tĩnh thì rất trẻ, đã có diện mạo hoàn toàn mới. Thành phố trẻ Hà Tĩnh đã và đang tập trung mọi nguồn lực phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị; hoàn thiện và nâng cao các tiêu chí đô thị loại III theo quy định tại Nghị định số 72/2001/NĐ-CP của Chính phủ. Thành phố Hà Tĩnh đã hoàn chỉnh hạ tầng Khu đô thị Bắc Nguyễn Du, Khu đô thị hai bên đường bao phía Tây (giai đoạn I); khởi công xây dựng Khu đô thị Hàm Nghi, TECO, HUD, Nhà máy Sản xuất phân hữu cơ từ rác thải tại Cẩm Xuyên. Thực hiện các dự án như: nâng cấp, xây dựng các tuyến đê; cải thiện môi trường đô thị miền Trung... Không gian đô thị hiện đại, kết nối đã hình thành. Nói “không ngoa”, thành phố trẻ Hà Tĩnh như cô gái trẻ đến tuổi trăng tròn, mơn mởn sức sống và khát vọng.
*
Nhà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh có lẽ thuộc số người yêu Hà Tĩnh đến quay quắt. Ông vắt hết những giọt sinh lực cuối cùng của cuộc đời để nghiên cứu về văn hóa Hà Tĩnh. Công trình ông để lại còn chứng minh, ông là người đi bộ giỏi nhất Hà Tĩnh. Hai ông Thái Kim Đỉnh và Dương Thanh Tùng đã trở về miền “trời xanh, mây trắng” từ lâu; nhưng tôi tin ở miền Đài Sen, cực lạc ấy, ông tự hào sen Thành Sen vẫn luôn ở đúng mùa.
Ngày kỷ niệm 48 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước vừa qua (30/4/1975-30/4/2023), 132 năm Ngày sinh nhật của Chủ tịch Hồ Chí Minh sắp đến (19/5/1890 – 19/5/2023). Đất nước này, dân tộc này thật hạnh phúc, vì đó là thời điểm mùa sen trổ. Tháng 5, người Hà Tĩnh nhớ Bác.
N.Đ.H
Bạch liên (Ảnh: Lê Khánh Thành)