13-04-2023 - 08:09

Tùy bút RẠO RỰC THÁNG TƯ của Tác giả Nguyễn Xuân Diệu

Tạp chí Hồng Lĩnh số 200 phát hành tháng 4/2023 trân trọng giới thiệu Tùy bút RẠO RỰC THÁNG TƯ của Tác giả Nguyễn Xuân Diệu

kỷ niệm 48 năm ngày giải phóng miền nam (30/4/1975 -30/4/2023)

            NGUYỄN XUÂN DIỆU

RẠO RỰC THÁNG TƯ

                                                                          Tùy bút

 

Chẳng hiểu sao cứ mỗi độ tháng Tư về, trái tim tôi cứ bổi hổi, lòng tôi lại rạo rực lạ lùng. Tháng Tư là tháng sinh nhật của tôi. Tháng Tư cũng là tháng tôi xếp bút nghiên theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường nhập ngũ. Tôi nhớ, khi đến tuổi cắp sách tới lớp vỡ lòng, mẹ âu yếm ôm tôi vào lòng: “Ngày mẹ sinh con, bố đang đánh giặc ở Điện Biên Phủ. Các cô, các chú quê mình đi dân công hỏa tuyến ngoài đó gặp bố, bố dặn rằng: “Dù sinh con trai hay gái, cũng đặt tên là Điện Biên. Để mà nhớ…!”

Nghe mẹ nói, với cái tuổi lên năm, tôi thật sự không hiểu tại sao bố lại nói “Để mà nhớ…”. Hôm bố về phép, tôi ngây thơ hỏi: “Bố đặt tên con là Điện Biên để mà nhớ…Răng lại để mà nhớ? Mà Điện Biên ở mô hở bố?”. Bố cười xoa đầu tôi: “Điện Biên ở xa lắm, tận miền Tây Bắc đất nước mình con ạ. Ở đó không có biển như quê mình, chỉ có rừng, có núi, có đèo Pha Đin cao vút… Điện Biên Phủ là một chiến dịch lịch sử, ngày ấy tuân lệnh của Bác Hồ, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy bộ đội ta phá đá mở đường cho đại quân ta vào chiến dịch. Ở đó có đồi Him Lam, đồi A1…vv bộ đội ta phải đào hào đánh lấn, giành giật với quân Pháp từng tấc đất suốt 56 ngày đêm. Ở đó có cánh đồng Mường Thanh, nơi thằng tướng Đờ-cát-tơ-ri cùng toàn bộ quân xâm lược Pháp phải kéo cờ trắng ra hàng. Thắng trận Điện Biên không những giải phóng cho một nửa đất nước mình khỏi ách thực dân, mà còn giúp các dân tộc bị áp bức trên thế giới vùng lên giành độc lập. Bố nói “để mà nhớ” là vì rứa đó.          

Tháng Tư là tháng sinh nhật của tôi. Điện Biên là tên bố đặt cho tôi. Tháng Tư trong tuổi ấu thơ của tôi là vậy. Rồi tôi lớn dần lên. Để đến độ hè về, trong cái nắng chớm hè tháng Tư, dưới bầu trời cháy rực màu phượng vĩ, tôi cứ thấy rạo rực, bổi hổi trong lòng…!

Cũng như mọi miền quê khác, những năm tháng cả nước lên đường đánh giặc cứu nước, là hậu phương trực tiếp với tiền tuyến lớn, Hà Tĩnh quê tôi chìm trong bom rơi, đạn nổ, trong tiếng gào rú của máy bay đế quốc Mỹ. Sân trường vẫn đỏ màu hoa phượng mỗi tháng tư về, nhưng vắng hoe, vắng hoắt. Chúng tôi sơ tán vào làng, lên núi, đào đất, đắp lũy, dựng lán, tiếp tục học hành. Tháng Tư gió Lào cuốn bụi; những vầng bụi sạm đen màu khói bom, khói súng; những quầng bụi úa vàng màu lửa cháy bốc lên từ những mái nhà tranh từng một thuở yên bình…Lũ trẻ chúng tôi không còn nước mắt để khóc trước những thi thể của người thân, của thầy, cô giáo, của bạn bầu cùng lớp sau những trận bom man rợ của giặc Mỹ. Tháng Tư trong tôi chẳng còn bình yên nữa mà đã nhuốm màu đỏ của máu, của lửa; đã nhuốm cái mặn chát của nước mắt. Một ký ức đầy yêu thương và căm giận!

Năm tôi tròn 18 tuổi và đang theo học năm cuối cùng của trường cấp 3 Nghi Xuân (bây giờ là trường Phổ thông trung học Nguyễn Du). Cùng với nhiều bạn bè trang lứa, chúng tôi gác mơ ước giảng đường Đại học, theo chí người xưa “gác bút nghiên…” tình nguyện tòng quân. Ngày tôi lên đường, bố tôi đang đánh giặc ở miền Nam. Mẹ tôi rơm rớm nước mắt quàng vào cổ tôi tấm vải dù hoa bao năm cất kỹ dưới đáy rương. Giọng mẹ nghèn nghẹn:

- Tấm vải dù chiến lợi phẩm này bố con mang về từ chiến trường Điện Biên Phủ. Hôm nay con đi đánh giặc theo chân bố, mẹ trao lại cho con. Những mong bao giờ con cũng như có bố mẹ bên mình, che cho con khỏi mũi tên, hòn đạn, nâng bước con đi chân cứng, đá mềm…!

Tấm vải dù thành màu lá ngụy trang trên những nẻo đường tôi ra trận. Chúng tôi hành quân trên những con đường vắng màu hoa phượng, chỉ có tiếng ve sôi nhức nhối trên những cánh rừng tơ tướp, xác xơ bom đạn, chất độc hóa học… Chúng tôi hành quân suốt những tháng tư mưa rừng tầm tã, réo gào tiếng suối đại ngàn. Tấm vải dù của bố tôi mang về từ Điện Biên choàng màu xanh cho tôi đỡ nắng, che cho tôi đôi mắt rình rập của kẻ thù. Tấm vải dù thành chiếc chăn truyền hơi ấm cho tôi những đêm ngủ rừng, những khi tái xanh cơn sốt rét. Rồi một ngày tháng tư, đứng trước hàng quân, người chỉ huy của của chúng tôi nói nghiêm trang:

- 21 năm trước, cha anh ta đã làm nên một Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Nối bước cha anh, tháng Tư này nhất định chúng ta sẽ làm nên một Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu bằng chiến dịch mang tên Bác kính yêu ngay tại Sài Gòn!

Chúng tôi - những người lính trẻ mang hào khí Điện Biên vào trận. Tuân lệnh Đại tướng Tổng Tư lệnh: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa! Táo bạo, táo bạo hơn nữa! Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!”. Những đoàn quân băng qua những miền đất chói chang mặt trời tháng tư, băng qua đạn lửa quân thù tiến thẳng về Sài Gòn. Trong cuộc hội quân của ngàn năm ấy, dưới bầu trời tháng tư chói chang ánh nắng phương Nam, dưới một trời cờ hoa lộng lẫy tháng Tư, bố con tôi gặp nhau giữa Dinh Độc Lập. Một người cha - người lính Điện Biên năm xưa; một người con - người lính cùng tuổi với chiến dịch Điện Biên ôm choàng lấy nhau. Bố vỗ vỗ vào vai tôi, cười vui mà rưng rưng:

- Vậy là bố con mình đã được gặp nhau giữa thành phố mang tên Bác trong ngày vui đại thắng. Chúng ta đã ra đi từ quê hương Xô Viết đến Điện Biên Phủ rồi tiến thẳng tới Sài Gòn. Có hạnh phúc nào bằng, phải không con!

Tôi say sưa nhìn bố, nhìn mọi người, sung sướng cười mà không sao ngăn được dòng nước mắt hạnh phúc!

*

…Bây giờ, sau bao năm cầm súng tôi đã trở về với đời thường, về với quê hương Hà Tĩnh yêu dấu của mình, bạn cùng ruộng đồng, nương rẫy…Ngày tôi trở về, bố ân cần nắm tay tôi dặn: “Người Hà Tĩnh quê mình dũng cảm, cần cù, chịu thương, chịu khó, nhưng khí hậu thì khắc nghiệt, đất đai thì cỗi cằn, nên còn nghèo lắm. Phải biết biến hào khí tháng Tư oai hùng thành sức mạnh, thành động lực cùng người dân quê mình nghĩ ra cách làm giàu cho quê hương!” Và, đã nhiều tháng Tư đầy ắp kỷ niệm đến với cuộc đời tôi, đến với quê hương tôi. Sau nhiều đêm trăn trở, tìm kiếm cách làm ăn, tôi đã trở thành một ông chủ trang trại vùng gió Lào – cát trắng ăn nên, làm ra. Trang trại của tôi, quê hương Nghi Xuân, quê hương Hà Tĩnh của tôi vững vàng trong công cuộc đổi mới của Đảng, trong công cuộc “ xây dựng nông thôn mới”, đang tiến lên “xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu”, khởi sắc từng ngày. Tháng Tư năm nay, một tháng tư đầy nắng, đầy gió; một tháng Tư rạo rực hào khí 48 năm Đại thắng mùa xuân, thống nhất đất nước. Như trẻ lại cái thuở cắp sách tới trường; như trẻ lại cái ngày ôm súng cùng Đại quân tiến vào Sài Gòn tháng 4 – 1975 lịch sử, tôi đưa tay hái một nhành phượng vĩ, thoăn thoắt bước trên những nẻo đường quê hương. Bầu trời trên đầu tôi xanh mênh mông, những cơn gió tháng Tư ào ạt, phóng khoáng. Bên đường tôi qua trên quê hương Hà Tĩnh đang “xây dựng nông thôn mới – nông thôn mới kiểu mẫu” những giàn giáo công trường cao vút như chạm tới mây trời bên màu xanh sinh sôi của ruộng đồng, núi non, bến cảng… giữa màu nắng lộng lẫy, miên man…Rạo rực tháng Tư!

                                                                                                    N.X.D.

10h45' ngày 30/4/1975, xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, đánh dấu sự toàn thắng của cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước - Ảnh: tư liệu

. . . . .
Loading the player...