26-12-2022 - 07:32

Tùy bút MỘT THỜI ĐỂ NHỚ của Tác giả Ngô Đức Hành

Tạp chí Hồng Lĩnh số 196 tháng 12 năm 2022 xin trân trọng giới thiệu Tùy bút MỘT THỜI ĐỂ NHỚ của Tác giả Ngô Đức Hành

NGÔ ĐỨC HÀNH

MỘT THỜI MÃI NHỚ

                                                                                           Tùy bút

Mỗi lần về quê, tôi thường đến thăm những người bạn thuở thiếu thời. Chúng tôi giờ đã thành ông, thành bà, tụ tập lại ngồi kể cho nhau nghe chuyện con, chuyện cháu. Rốt rồi cũng quay về chuyện ngày xưa, chuyện đi lính. Gì chứ, chuyện đó đầy, quê tôi từng “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”... tha hồ mà kể.

Lịch sử còn ghi, để cùng quân, dân cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, Hà Tĩnh đã bổ sung một lực lượng lớn cho quân đội, hàng chục ngàn thanh niên nam, nữ, chiếm hơn 10% dân số toàn tỉnh; huy động hàng trăm ngàn dân công hỏa tuyến, hàng chục ngàn thanh niên xung phong. Bổ sung cho các chiến trường hàng chục tiểu đoàn, hàng chục đại đội bộ đội địa phương. Riêng trong quý I năm 1975, quân và dân Hà Tĩnh đã huy động 3 trung đoàn, 2 tiểu đoàn, 5 đại đội, với hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ, hàng chục ngàn tân binh lên đường vào Nam tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, góp phần quan trọng làm nên đại thắng mùa xuân. Các đơn vị lực lượng vũ trang Hà Tĩnh đã tham gia chiến đấu trên các chiến trường, đánh hàng trăm trận, lập nên nhiều chiến công. Quê tôi là đất anh hùng, sinh ra và nuôi dưỡng những người anh hùng.

Đó là những trang vàng, các thế hệ hôm nay cần biết, nâng niu.

Tôi tự hào về quê hương, không chỉ thị trấn Nghèn, không chỉ huyện Can Lộc mà cả Hà Tĩnh, về một thời “hoa lửa”. Tôi còn nhớ như in, thời chiến tranh, thanh niên nam nữ ra đồng, vai vừa vác cày, vác cuốc vừa vác sung. Hà Tĩnh từng là “huyết mạch giao thông”, từng là “tọa độ lửa”. Tôi còn nhớ như in trên đỉnh rú Nghèn có Đại đội thanh niên trực chiến bên khẩu pháo 12,7 ly... Cùng pháo binh của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân Nghèn đã tham gia bảo vệ vùng trời quê hương. Chia lửa với chiến trường miền Nam, chắc tay súng, vững tay cày. Trong thời kỳ chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, quân và dân Hà Tĩnh đã bắn rơi hàng trăm máy bay các loại, bắn chìm, bắn cháy hàng chục tàu chiến, tiêu diệt và bắt sống nhiều giặc lái, nhiều tổ, toán biệt kích, thám báo. Lịch sử còn ghi trận đầu thắng Mỹ 26/3/1965, quân và dân Hà Tĩnh đã bắn rơi 9 máy bay Mỹ ngay trên bầu trời Thành Sen. Ngoài nhiệm vụ chiến đấu, quân và dân Hà Tĩnh đã đào đắp hàng triệu m³ đất, đá để san lấp hố bom, khắc phục cầu đường; mở nhiều tuyến đường mới với chiều dài hàng trăm km, sửa chữa hàng trăm km đường bị đánh phá, rà phá hàng chục ngàn quả bom, đạn các loại, giữ vững mạch máu giao thông, chi viện kịp thời cho các chiến trường đánh Mỹ.

Khi tôi lớn lên, đủ tuổi để có thể tham gia bộ đội thì đất nước đã thống nhất được 3 năm. Tôi còn nhớ thời bé, thi thoảng chạy đi xem đám cưới. Hôn trường cô dâu, chú rể nào cũng có những câu khẩu hiệu của sự khát khao. “Anh ra đi như chim vỗ cánh / Em ở nhà đảm việc hậu phương”- đó là một trong những câu trang trọng. Thời ấy, hạnh phúc nhất là được ra trận tuyến đánh quân thù, (Lời của anh hùng Lê Mã Lương).

Làng tôi có một thanh niên khi đủ tuổi tòng quân, đi khám nghĩa vụ quân sự, rất không may anh không trúng tuyển. Học giỏi, cao lớn, chỉ hiềm bệnh tim. Bệnh tật được giữ bí mật, nhưng không “trúng” bộ đội, thì cả làng biết. Nhiều năm sau đó, anh không lấy nổi vợ. Anh “ế sưng, ế sỉa” cũng vì nguyên nhân ấy. Mãi sau này anh mới lấy được vợ. Vợ anh không nằm trong số những “nữ tú” quê nhà, dù rằng lúc đó anh đã trở thành thầy, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Vinh. Nó cũng là câu chuyện của thời, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Tổng kết cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, huyện Can Lộc có hàng chục ngàn người tham gia cách mạng, trong đó hơn 17.000 người là bộ đội và thanh niên xung phong. 3.276 người con quê hương đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường; có 2.014 thương binh, 1.115 bệnh binh. Năm 1994, cán bộ và nhân dân Can Lộc, sau đó, lần lượt 23/23 xã, thị trấn cũng đã được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Huyện nhà có 187 bà mẹ được truy tặng và trao tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 4 người con quê hương được phong tặng danh hiệu anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trong số những thanh niên làng nằm xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc có chú tôi, liệt sỹ Nguyễn Đức Trân. Chú không ngã xuống trên chiến trường B,C... mà ngã xuống ngay trên quê hương. Thời đó, bảo đảm giao thông là một mặt trận. Đó là thời, cả Hà Tĩnh sống và hành động “Sống bám đường, chết kiên cường, dũng cảm”, “Xe chưa qua, nhà không tiếc”, “Máu có thể đổ nhưng đường không thể tắc”... Bao nhiêu nhân dân, liệt sỹ thanh niên xung phong. Họ thực sự “Sống bám đường, chết kiên cường, dũng cảm”.

Mỗi tên đất, tên làng ở Can Lộc mang trong mình những chiến tích, cứ thế đi vào lịch sử. Đó là xã "Thép" Tiến Lộc gắn với tên Làng K130; đó là Đồng Lộc đã trở thành "Ngã ba soi đường cho thế kỷ phong ba". Ngoài sự hy anh dũng của 10 cô gái thanh niên xung phong tại chiến trường Đồng Lộc còn là gương các anh hùng La Thị Tám, Nguyễn Tiến Tuẩn, Nguyễn Tri Ân, Cao Bá Tuyết, Vương Đình Nhỏ cùng hàng trăm chiến sỹ các lực lượng và Nhân dân đã anh dũng hy sinh để bảo đảm mạch máu giao thông.

Bạn bè tôi ở quê, những người từng nhập ngũ, bây giờ đều tham gia Hội Cựu chiến binh. Can Lộc cũng là nơi Hội Cựu chiến binh hoạt động hiệu quả. Đi qua những năm tháng gian khổ của chiến tranh, trở về cuộc sống đời thường, những cựu chiến binh, họ đã và đang nêu gương sáng trong cộng đồng, gương mẫu trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Họ sống nghĩa tình lắm, “chất lính” vẹn nguyên. Nói đến tình người lính năm xưa, tôi cứ nghĩ mãi về bà Tâm, một cựu chiến binh Khu phố 2 của Nghèn. Bà thông gia của bố tôi. Em trai tôi là con rể bà. Vườn nhà bà có nhõn một cây vải. Mùa thứ hai có quả. Khi em trai tôi hái xuống, bà nhắc: “Con để phần, chia cho hàng xóm mỗi nhà một ít”. Khổ. Em trai tôi bảo đại ý, bây giờ có ai ăn đâu bà. Từ dạo xóa vườn tạp, ai cũng trồng cây ăn quả trong vườn. Bà Tâm biết vậy, hiểu vậy, nhưng không mang sang biếu hàng xóm, bà áy náy. Trưa bà đội mê nón, lội bộ giữa trưa hè, bà đến từng nhà. Bà vui khi “hoàn thành nhiệm vụ”. Nhà bà Tâm khá rộng rãi, thoáng mát. Vợ chồng con trai mà một con gái út làm ăn, lập nghiệp ở phía Nam. Bà cũng đi theo nuôi cháu gần 15 năm nay. Đây là năm đầu tiên bà trở lại quê nhà. Ngôi nhà, chỉ có một mình bà. Vì nhà bà và gia đình con rể “cách nhau chỉ dậu mùng tơi” nên sinh hoạt gần như một nơi. Hai năm trước, một lần về quê, thăm bà, tôi gặp đội công tác một đơn vị khảo sát đo đạc ngoài Bắc vào thực hiện dự án ở địa phương. Bà cho 5 anh em thuê ở, mỗi tháng chỉ lấy tiền nhà “gọi là”. Trong nhà có thứ gì, bà mang cho “nhắc phần” các chú. Con gái thấy mẹ vất vả, mới nhắc: “Mẹ cứ đối xử với người thuê nhà như đối xử với khách rứa?”. Bà mắng: “Thế ngày xưa bộ đội ở nhà dân, ai lấy tiền?”. “Chịu bà luôn! Bà nói đúng nhưng không hợp hoàn cảnh bây giờ?!”, con rể lắc đầu. Nói với mẹ vậy, như em trai tôi và con gái bà thống nhất: “Bà thích làm gì kệ. Sướng rọt bà là được”.

Bà Tâm vốn là một sỹ quan quân đội. Chồng bà cũng là bộ đội, tham gia đánh Mỹ và chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Môi trường quân ngũ và gia phong của một gia đình, hình thành nên tính cách bà. Bà luôn hướng đến sự “đủ đầy” trong quan hệ với hàng xóm, láng giềng, người đời; không riêng với ruột thịt. Tiếp xúc với bà tôi cứ nghĩ mãi. Liệu bà có phải là “người xưa”, phương ngữ Nghệ gọi là “người đời sơ”? Tức là tốt, thánh thiện, không hề nghĩ xấu về ai, càng không bao giờ làm việc xấu. Tôi cứ nghĩ mãi, nghĩ mãi...Tôi quả quyết chứ không hề mơ hồ rằng, những người từng đi qua chiến tranh, họ sống bọc đùm, sẻ chia, giàu lòng nhân ái. Là phụ nữ tuổi cao, khi còn sống, không tham gia được việc nặng nhọc; nhưng vận động con cháu, tham gia họp hành, đóng góp xây dựng nông thôn mới thì bà Tâm là người hết lòng. Bà vừa mất, nhưng hình ảnh của bà trong dân Khu phố 2 mãi còn.

Không riêng cựu chiến binh Thị trấn mà Hội Cựu chiến binh Can Lộc là một hội mạnh, 7.500 hội viên. “Nhiệm kỳ 2017 - 2022, các cấp hội đã vận động cán bộ, hội viên ủng hộ, quyên góp được gần 160 triệu đồng, xây mới được 6 nhà và nâng cấp được 2 nhà; kết nối các nhà hảo tâm doanh nghiệp xây mới, nâng cấp được 117 nhà tình nghĩa. Hội Cựu chiến binh Thị trấn Nghèn cũng hoạt động hiệu quả”, ông Trần Đình Thọ, tân Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Can Lộc phấn khởi chia sẻ.

Can Lộc là huyện thứ hai của Hà Tĩnh, sau Nghi Xuân đạt chuẩn “Huyện Nông thôn mới”. Trong thành tích chung, có đóng góp của Hội Cựu chiến binh. Trong phong trào ấy, toàn Hội đã hiến hàng chục ngàn m² đất và nhiều công trình, vật dụng để mở rộng hành lang giao thông. Họ còn tham gia hàng ngàn ngày công, sửa chữa, làm mới nhiều tuyến đường giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi nội đồng, trồng và bảo quản hàng ngàn cây xanh ở các công sở và trên các trục đường giao thông nông thôn.

Những mảnh vườn được cải tạo, quy hoạch, xây dựng phù ở Can Lộc, đầu tiên cũng là của những cựu chiến binh. Họ đã khơi dậy phong trào trong toàn hội và có sức lan tỏa ra cộng đồng.

Hà Tĩnh đã thay đổi, đang hàng ngày vững bước trên con đường no ấm. Can Lộc quê tôi đang phấn đấu đạt chuẩn huyện “Nông thôn mới nâng cao”. Không có những người đã ngã xuống, những người đã ra trận hôm qua, hẳn nhiên không có cuộc sống thanh bình hôm nay.

Tôi biết ơn họ, biết ơn những người lính, trong đó có bạn bè tôi. Biết ơn những người lính hôm nay, đang bảo vệ đất nước, quê hương; vì khát vọng thiêng liêng: Việt Nam hùng cường.

                                                                                                          N.Đ.H

Tượng đài Xô Viết Nghệ Tĩnh ở huyện Can Lộc. (ảnh nguồn ITN)

. . . . .
Loading the player...