17-04-2022 - 08:33

Truyện ngắn HƯƠNG BẠCH ĐÀN của Nguyễn Xuân Diệu

 

NGUYỄN XUÂN DIỆU

 

HƯƠNG BẠCH ĐÀN

 

      Truyện ngắn

 

 

- Có phải anh là kỹ sư mới về xây dựng con đê ni? Răng buổi trưa anh không ngủ, vô rừng mần chi rứa?

- Còn em? - Duy mỉm cười nhại lại - Rứa răng buổi trưa em cũng không ngủ?

- Mùa đông ở đây rau ít. Phải mua rau của người buôn từ thành phố về, chế biến cho các cháu ăn, sợ rau không sạch, em cứ lo lo là. Thấy chỗ này ít cát, có đất màu, em tranh thủ cuốc vỡ, trồng thêm vài luống rau. Đất cát pha nên ngày nào cũng phải tưới tắm cho rau. Có rau tự mình trồng để cho các cháu ăn, mình yên tâm hơn anh ạ.

Nghe cái giọng Hà Tĩnh nằng nặng, thật thà của em, Duy bật cười. Anh định buột ra câu hỏi nhại em nhưng kìm lại được. Trời lạnh thế mà em đứng dậy đưa tay lau mồ hôi trán. Chiếc khăn voan màu đỏ vắt hờ trên bờ vai mềm mại, hứng gió bay bay như một dải mây ấm từ đâu sà xuống vai em bồng bềnh…!

- Ra là cô giáo hiền

*

Đó là những ngày mùa đông hình như đã ngấp nghé đâu đó trong màu nắng tím hoàng hôn phía chân trời cuối thu ngan ngát. Anh - kỹ sư thuỷ lợi Lê Thế Duy - được về xây dựng con đê biển Nghi Hà. Một buổi trưa gió bấc ào ào thổi, bầu trời thả xuống những sợi tơ vàng giá buốt như sắc màu cổ tích. Anh em ra mặt đê về nằm ủ trong chăn ấm, tán chuyện dưới đất, trên trời. Tò mò, Duy thả bộ vào rừng phòng hộ biển và bất chợt gặp em - nàng tiên - cô giáo ấy. Với chiếc thùng tưới nước trong tay, em đang lui cui bên cánh rừng bạch đàn lộng gió. Duy đánh bạo đến gần.

Thế rồi từ hôm đó, Duy cứ sốt ruột chờ đến buổi trưa, khi anh em ngủ cả, tong tả đi vào rừng tìm đến mảnh vườn rau cổ tích để “tình cờ” được gặp em, để được cùng em nhặt từng cọng cỏ, được cùng em chặt thêm cành cây bạch đàn làm hàng rào ngăn trâu bò thả rông, giữ rau. Những mầm rau lấm tấm đã nhú lên man mát trên màu cát trắng, lấp lánh nụ cười hai đứa. Duy ngẩn ngơ nhìn em. Cái màu nắng vàng hanh hao như cũng ấm hẳn cùng niềm vui của em. Có một trưa mùa đông như thế, ngỡ như chuyện cổ tích, bất ngờ từ cái màu vàng sóng sánh, từ trong màu xanh bạch đàn, em hiện ra. Em! Dáng người hiền thục, nền nã. Mái tóc dài óng ả bờ vai. Chiếc áo len bó sát thân hình con gái mà đường eo mềm như một nét vẽ. Chiếc khăn voan màu lửa vắt hờ trên chiếc cổ tròn màu sứ trinh nữ. Ôi chao! Gần 30 tuổi đời Duy chưa hề thấy tiên giáng trần bao giờ. Hay em là nàng tiên? Dù Duy biết đó là nàng tiên - cô giáo anh diễm phúc được gặp trong đời.

Con đê biển sắp đến chặng cuối cùng thì Duy được lệnh trở về Hà Nội. Chiều ấy cũng gió, cũng giá rét, cũng vàng nắng trên rừng bạch đàn. Hoa bạch đàn nở bung nở thơm đến nồng nàn.

- Đợi anh nghe em! - Duy bồi hồi - Anh sẽ về!

Xa em rồi, nhiều đêm, nhiều đêm lắm đang ngủ, Duy bỗng bàng hoàng tỉnh giấc, khi nghe ngoài trời trở gió. Giữa Hà Nội phồn hoa mà tiếng gió cồn cào xa vắng nghe như tiếng biển gọi, nghe như tiếng sóng cồn, như tiếng gió bạch đàn. Đâu đó trong bâng khuâng hoa sữa, hương bạch đàn lãng đãng như thực, như mơ. Đêm nay cũng vậy, Duy bồn chồn ngồi bật dậy. Thế mà đã hai năm rồi. Hai năm. Duy đã đi, đã đến với bao con đê biển, đê sông trên đất nước rộng dài, đã gặp biết bao cô gái, đã gặp biết mấy nụ cười. Hai năm, công việc của người kỹ sư thuỷ lợi lúc nào cũng bận rộn, dù trong lòng không lúc nào nguôi thương nhớ, nhưng Duy không một lần gọi điện cho em. Tuổi trẻ chưa đủ chín để Duy bồng bột cho rằng im lặng cũng là một cách nói. Hương cũng thế. Có thể do tự ái, em cũng không một lần gọi điện cho Duy. Dù làm ra vẻ phớt đời, nhưng đêm đêm một mình trong căn phòng ấm áp dành riêng cho kỹ sư của mình, anh lại cồn cào nỗi nhớ em. Em đã trở thành một khoảng trống trong lòng Duy không thể khoả lấp. Nỗi nhớ cứ như con sóng vậy, có bao giờ nguôi vỗ. Vậy mà từ Hà Nội vào Nghi Hà đâu có xa xôi gì mà anh vẫn chưa một lần trở lại. Ngay đến ngày 20 tháng 11, ngày tôn vinh nghề giáo của em, Duy cũng chẳng hề có hoa tươi, chỉ gửi được một chiếc thiệp mừng. Hai năm, chắc em sẽ thất vọng, sẽ buồn nhiều lắm. Khi xa cách, chẳng hề liên lạc với nhau, người ta thường đổ lỗi của mình cho trăm ngàn lý do, lý trấu trên đời. Toàn những lý do có cánh cả. Nhưng trớ trêu thay, họ đâu biết, cái lỗi lớn nhất là mình đã vô tình bỏ quên đi một kỷ niệm, mà không, bỏ quên một tình yêu mà trái tim mình không thể nào quên được! Duy trở dậy mở toang cửa sổ. Cái lạnh chỉ se se ùa vào phòng mà sao bữa nay Duy thấy buốt giá quá. Và lạ thật, một mùi hương là lạ đã lâu rồi anh không gặp quấn quýt trong phòng. Phải rồi, Duy nhận ra đó là mùi hương bạch đàn! Mùi hương cứ sóng sánh quanh anh như thể đưa tay vốc thành nắm được…!

*

Một trưa thứ hai vừa khánh thành xong con đê biển Tiền Hải, Duy lên xe trở về Hà Nội. Uể oải bước vào phòng làm việc của mình, theo thói quen, anh mở điện thoại. Một cái tin đập vào mắt anh: “Một toán học sinh tiểu học Nghi Hà rủ nhau đá bóng trên bờ biển. Hai học sinh được cứu sống còn cô giáo bị sóng cuốn đi.” Từ trước đến giờ Duy không tin lắm vào những thông tin trên mạng, nhưng tự dưng lần này đọc xong Duy thấy tim mình đau nhói, đầu óc choáng váng. Tự dưng anh ngồi đờ đẫn không biết mình phải làm gì. Nghi Hà là quê của Hương, em là cô giáo ở đó, buổi trưa em thường ra tưới rau…liệu cô giáo đó…? Anh luống cuống dò danh bạ, lập cập tìm tên Hương. Bấm gọi hai ba lần chỉ nghe tiếng “tút tút”, rồi tiếng cô gái “số máy quý khách không liên lạc được…”. Hốt hoảng, Duy như người mất hồn, chạy xuống lầu, nói với mẹ đi công tác miền Trung đột xuất rồi chạy ra bến, bắt xe về Nghi Hà. Dọc đường anh câm lặng cố không nghĩ đến những điều đang day dứt trong lòng. Trở chiều, trước mắt anh, con đê và rừng bạch đàn kỷ niệm kia rồi. Vẫn tiếng sóng vô hồi vỗ tự ngàn đời. Vẫn cái nắng đầu đông rắc những sợi tơ vàng ký ức. Cái màu vàng qua năm tháng chẳng hề nhạt phai. Duy vụt chạy đến bãi rau ngày nào chứa chan kỷ niệm, nơi anh chia tay em. Thấy anh đứng chết lặng trước vườn rau, một người đàn bà luống tuổi ăn mặc như một cô giáo đi đến, lặng lẽ cúi chào anh:

- Anh là kỹ sư Duy?

- Vâng! Chị…chị là cô giáo Hạnh phải không ạ?

- Dạ phải! Thế là anh đã về! Hương nó nhắc anh nhiều lắm. Hôm nào cũng nhắc. Sao anh đi lâu thế mà chẳng tin tức gì cho Hương?

Cô giáo lặng lẽ nhìn anh, lâu lắm mới ngậm ngùi:

- Vùng ni khi thuỷ triều xuống, bãi biển mịn và rộng lắm, bọn trẻ thường chọn làm sân chơi. Trưa đó bọn trẻ trong làng rủ nhau ra đá bóng. Trái bóng bất ngờ bị một em đá bay xuống nước. Cả bọn nhảy xuống lấy. Trời nồm nên sóng to. Lũ trẻ tranh nhau bơi đến chộp. Quả bóng như vờn lũ trẻ, cứ bồng bệnh dạt vào lại chuồi ra. Cứ như trò ú tim, chộp mãi không được, hai đứa trẻ và quả bóng rơi vào vùng nước xoáy, bị nước cuốn ra xa. Hương đang tưới rau ở đó, trông thấy vội chạy đến, nhảy xuống cứu. Cả hai em được Hương cứu sống. Nhưng sóng quần dữ quá, cô bị kiệt sức. Chú ơi, biển đã đưa Hương đi mất rồi…!

Duy nghe tiếng chị như vọng về từ nơi nào xa lắm. Không thể thế được! Hương không thể mất dễ dàng như thế được! Duy đau đớn khuỵ xuống, quỳ sụp trên bãi cát, mặc cho những con sóng ào ạt xô bờ, vỡ tung, bắn té tát vào cả quần áo mình; mặc cho những cơn gió từ ngoài đại dương tràn đến lạnh buốt. Duy muốn thét lên một câu gì đó mà anh không còn hiểu điều gì. Cho tới lúc này Duy mới biết rằng anh yêu Hương biết bao. Duy mới thấm thía rằng vắng em, cõi đời này trở nên trống trải lắm. Ngay cả cái vườn rau, cả cái đồi bạch đàn kia cũng trở thành hoang vắng quá! Cô giáo Hạnh đau đáu nhìn anh, âm thầm gạt nước mắt. “Hương ơi!” Duy ngước cặp mắt hoang hoải lên thảng thốt gọi tên em! Trước mặt anh bên bờ biển, rừng bạch đàn như nép vào nhau giơ những cái lưng bạc phếch. Sóng bạc đầu lớp lớp duềnh lên kết thành những vòng hoa trắng. Những chùm hoa bạch đàn phơn phớt vàng oằn mình trong gió, tuôn muôn ngàn cánh hoa xuống như mưa rơi. Rồi bỗng trong màn mưa hoa đang rơi rơi xuống mặt đồi, em đột ngột hiện ra, lặng lẽ nhìn anh mỉm cười. Quần áo em chỉ một màu trắng muốt, trong suốt, mỏng mảnh như sương khói. Bước chân em như đang lướt trên thảm hoa, như đang bay trong màn mưa hoa ấy. Cả người em đẫm một mùi hương…

Duy đờ đẫn đưa tay dụi mắt. Rõ ràng anh đã nhìn thấy em. Em đã đứng trước mặt anh, mỉm cười với anh. Thế rồi em bỗng tan biến đi trong màn mưa hoa bạch đàn, đột ngột như khi em đến. Tim Duy thắt lại, đau nhói. Bồi hồi, bất giác anh đưa tay mở túi áo ngực, lấy chùm hoa bạch đàn em trao ngày trước được ép khô trong lần giấy bóng kính ra nâng niu soi lên mắt. Chùm hoa ánh lên trong màu nắng vàng đầu đông như một nhành san hô rực rỡ. “Hoa bạch đàn nếu biết giữ, giữ càng lâu, hương càng nồng nàn, anh ạ!”

Trong bất chợt tiếng em, gió đồi bạch đàn bỗng tự dưng cồn lên như bão. Cái lạnh trên đồi bỗng tê buốt như chưa lạnh thế bao giờ! Anh bỗng thấy hương bạch đàn thấp thoáng hoài phía trước. Mùi hương bạch đàn thoảng trong gió, nồng nàn như tình yêu chưa nói, khắc khoải như nỗi mong chờ...! Trong cuộc đời, có những kỷ niệm làm cho người ta không sao quên đi được. Nó như một vết khắc vào trái tim. Kỷ niệm ấy đôi khi chỉ là một sắc nắng vàng đầu đông, cái sắc nắng vàng chi mà vàng thế, cứ chói lên trong cái lạnh buốt xương da. Rồi như bay ra từ cái màu vàng ảo giác ấy, một mùi hương bạch đàn, thoạt đầu là lãng đãng rồi ngất ngây say, để cho lòng ta mang theo suốt một đời…

Nhà sáng tác Đà Lạt 7 tháng 4 năm 2021

                                                                               N.X.D

ảnh nguồn ITN

. . . . .
Loading the player...