15-10-2023 - 07:04

Truyện ngắn TÌNH CHA  của TRẦN HẬU THỊNH

Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu Truyện ngắn TÌNH CHA  của TRẦN HẬU THỊNH

tRẦN HẬU THỊNH

TÌNH CHA       

                  Truyện vừa

Ngày nắng như ngày mưa, cuối tuần như đầu tháng, chừng năm giờ là gã Hách bật dậy khỏi giường, chẳng kịp ăn uống gã vớ cái điếu cày, vân vê mấy sợi thuốc lào đen ngòm như hắc ín tra vào nỏ rồi châm lửa co người réo một hơi. Gã chếnh choáng, miệng hổn hển, mắt lờ đờ nhìn làn khói dìu nhau bay dạt vào mọi ngõ ngách, rồi lặng lẽ tan biến trong không gian tĩnh mịch. Một buổi sáng như bao buổi sáng, âm thanh tiếng điếu cày réo lên sòng sọc hòa trong tiếng vọng của đoàn tàu chở khách đi qua ga.

Sau cơn say chếnh choáng là nhịp sống bon chen của một ngày mới. Gã dúi cái điếu cày xuống gầm bàn rồi thả lỏng chân tay, trả cơ thể về trạng thái bình thường. Tai gã lại gióng lên nghe tiếng còi tàu vào ga. Trước lúc vận hành chiếc xích lô ra ngõ, như một thói quen, gã cúi nhìn gia cảnh. Một góc sân nhếch nhác là cái chuồng lợn chừng hai mét vuông. Trong ấy có con lợn mạ mang bầu lứa thứ chín, thở phì phò miệng trào ra đống bọt trắng hễu như tổ ễnh ương. Thời kỳ thai nghén của con nái già cỗi trông thật đáng thương. Trong nhà hai con, thằng anh mười lăm, thằng em lên mười một. Cả hai đứa mặt mày lem luốc đang gác chân lên nhau ngủ ngon lành. Đầu giường cái quạt Hoa Sen đã xỉn màu mệt mỏi, khậc khậc từng tiếng như trẻ ho gà đang khua những vòng tròn bán khuyên cố xua đẩy bầu không khí hôi hám ra khỏi gian nhà chật chội và giỗ dành giấc ngủ cho hai đứa con đang thời tuổi ăn, tuổi lớn. Âu trời sinh thì trời dưỡng, gã nghĩ vậy.

 Đang nhìn trời cầu vận may thì gã có điện thoại khách quen nhờ ra ga chở hàng. Mừng quá, với gã đây là một cơ hội không thể bỏ qua. Dụi mắt nhìn lại hai con, gã chụp lấy cái nón đội đầu, oằn mình ngồi lên xích lô nhìn về hướng nhà ga. Tiếng còi tàu thao thiết cất lên như mời gọi. Một chốc nữa gã sẽ tiếp cận với đám người xôm tụ cùng bao điều xung đột đày ải của cuộc đời - cãi vã, chặt chém hứa hão, … vô vàn thứ tạp âm hỗn độn của thiên hạ nằm dưới sự hoạnh họe của đồng tiền.

 Kiếp mưu sinh thấp hèn của kẻ sống bằng nghề rướn cơ chân, thở bằng miệng gã chỉ biết hy vọng những niềm vui đơn sơ ngắn ngủi. Biết vậy nhưng giữa phố xá gã chẳng có niềm hy vọng nào hơn ngoài lời động viên của chiếc loa phường và tấm bằng công nhận gia đình đạt chuẩn văn hóa của thành phố. Gã há miệng rít một hơi rồi oằn mình đặt bàn chân lem lúa, to bè bẹ như hai cái quạt mo lên bàn đạp. Chiếc xích lô rời con hẻm để lại những âm thanh rum rúm của lá vàng gãy nát dưới hai vòng lốp.

Mẹ kiếp! lại gặp đàn bà. “Gặp đàn bà ở nhà hơn đi”. Tự dưng hai đầu gối gã trở nên lười biếng. Gã ra giọng chợ trời, chửi đổng mấy câu khi gặp điều trái khoáy. “Biến nhanh cho tôi nhờ, hai mẹ đốp kia ơi!”

Hai người đàn bà không những không chịu lùi mà còn thản nhiên bước vào. Gần chạm mặt, một người trút bỏ khăn trùm, giọng vui vẻ: “Anh Hách hả, sợ gặp gái chớ gì?”

Như không tin vào mắt mình, gã há hốc miệng rồi ồ lên ngạc nhiên: “Trời ơi! Cô Phương, cô Hạnh hả. Ngọn gió nào thổi hai em tạt vào con hẻm tội tình này. Có đến 4 năm rồi ấy nhỉ”

Cô Hạnh thản nhiên: “Ba năm chín tháng tròn anh ạ. Bởi bọn em sang Hàn đã 3 năm rưỡi, rồi về nước ba tháng. Còn anh bỏ nghề nuôi lợn nái chuyển sang đạp xích lô từ bao giờ vậy?”. “Vẫn duy trì cả hai!”

Vừa trả lời gã dịch lùi cái xích lô sát vào bờ hiên vào nhà kéo giật hai con ra khỏi giấc ngủ ngon lành của chúng nó. Gã nói: Xin lỗi hai cô, tôi có khách quen chờ ngoài ga. Họ vừa gọi. Tôi không thể bỏ qua cơ hội này. Hai em thông cảm, giao xong hàng chốc nữa anh về.

Gửi lại khách cho hai con, Gã ngồi lên xích lô và lật đật ra đi. Hai bánh xe chầm chậm quay trong vòng đời hối hả.

*

Cách đây 5 năm, gia đình gã có đủ bốn thành phần. Hai vợ chồng và hai con nhỏ. Thằng anh lên mười và thằng em sáu tuổi. Bề ngoài nhìn vào thường nghĩ là mẫu gia đình hạnh phúc, nhưng sự đời tất cả tại nghèo. Do không chịu nổi cảnh túng quẫn, lại thấy thiên hạ ra đi dễ đổi đời nên vợ gã bỏ nhà đi làm bồi bàn cho một quán ba ở Thái Lan. Thật may mắn cho người đàn bà đang tuổi hồi xuân, sau hai tháng chị được một ông chủ ở Băng Cốc dẫn về nhà làm dịch vụ đẻ thuê. Ông chủ người Thái đang thời sung mãn gặp được người đàn bà đang giai đoạn xuân thì, như nắng hạ gặp mưa rào thế là chị quên luôn người chồng ốm o, mà ngày này qua tháng khác mang hơi thở nồng nặc thuốc lào. Chị quên luôn cái ngõ hẹp sớm sớm chiều chiều có âm thanh của lá mục rúm nát dưới hai làn bánh lốp của chiếc xích lô mà thường ngày cùng người chồng lũi thủi đi ra rồi lặng lẽ quay về. Chị không còn nhớ tiếng tàu chợ thao thiết và tiếng bánh goòng khô chốc vào những buổi sáng, thứ âm thanh mang đến cho chị niềm hy vọng từ cái túi áo đen sờn trắm khẳm mùi mồ hôi của chồng. Chị cũng không còn nhớ cảnh ngói hở mè cong, giường nghiêng chiếu nát sau những buổi chiều trời đổ cơn giông, cuốn theo bao lá vàng rơi lả tả.

Không mong chờ gì thêm từ người đàn bà đó nữa, gã quyết định quay cua cuộc đời, ngoài nghề đạp xích lô, gã mở thêm nghề nuôi lợn nái. Nghề này tuy vất vả, nhọc nhằn nhưng gặp thời cũng một vốn bốn lời. Gã cũng ân hận để con đi theo nghề cha. Nhưng ở đời lực bất tòng tâm. Dù sao cũng là người cha, nhưng cha thiên hạ thì tạo cơ hội cho con cái ăn học đàng hoàng, trưởng thành từ trường chuyên lớp chọn, tương lai ăn trên ngồi trước, còn gã lại tìm cho đứa con ngoan khi phải bỏ học để chọn nghề lấy nước rác đổ vào máng cho lợn. Bao hôm đạp xích lô về thấy đám học trò cùng trang lứa, chúng nó tung tăng reo hò hồn nhiên chí chóe là gã bầm gan tím ruột, mà không biết mình sẽ bù đắp cho con bằng cách nào đây. Gã càng đau đáu khi giữa dòng đời nghiệt ngã chưa bao giờ nghe con trai ca thán oán trách điều gì. Ánh mắt ngây thơ sớm vướng quầng thâm bụi bặm chỉ làm nó cứng cáp hơn. Về đêm khi những giọt nước mắt ngấm vào da thịt gã lặng lẽ kê gối cho hai con và không quên đuổi mấy con muỗi ra khỏi màn.

Những lúc thấy bố và anh đi thu nước rác về cho lợn thằng út lại bỏ sách vở đứng nhìn. Dưới con mắt non nớt, ở đây bao thứ dư thừa mà thiên hạ bỏ lại là bấy nhiêu tấm lòng hữu hão của họ dành cho gia đình mình.

Nhìn vào mớ đùi gà, cổ vịt, rau giá nổi tềnh phềnh ngập ngụa trên tầng nước vàng ệnh là gã lại nghĩ về bao câu chuyện mông lung hê hả, túy lúy bên bàn tiệc. “Tại sao thiên hạ học hết sách mà không biết suy bì tính toán. Nấu nướng, bưng bê kiểu gì để thừa mứa đến vậy để rồi lại đổ vào “máng lợn”. Cắt đứt luồng suy nghĩ vu vơ gã đánh mắt nhìn về cái chuồng lợn. Thấy con nạ giòng ụt ịt ngút ngoắt cái đuôi lượn vòng chờ chực bên cái máng trống trơn là gã như bị mang ơn bao tấm lòng hảo hữu hảo của thực khách lúc cuối chiều nơi quán nhậu mụ Lành.

Trước khi lật đật đặt nồi cháo hỗn hợp lên bếp để ninh nhừ, gã hướng ánh mắt yêu thương vô bờ bến về đứa con trai cả. Tuổi ấy đáng lẽ nó phải hướng mặt về nơi bảng đen phấn trắng. Nhưng không. Tuổi đời nó sớm tiếp cận bao điều thị phi, chửi vả, thậm chí những lời tục tĩu người đời. Nhìn nó vô tư trong ngần trong giấc ngủ ngon, nước mắt gã lại tuôn rơi khi biết bất lực của kẻ sinh thành. Tuổi thơ nó bị số phận đánh cắp hay người cha đã khép lại tuổi đời chớm nở của nó. Vậy mà chưa bao giờ gã nghe nó càm ràm, ca thán một câu hay trách cứ cha mẹ một tiếng. Đã thế nhiều hôm nó còn bảo cha nên ngủ sớm để nồi cháo lợn mặc con trông. Gã lặng lẽ lên giường nhưng đâu có ngủ. Tiếng một cành cây khô thay chiếc đũa cả khua lục khục trong nồi cháo làm gã day dứt, gã lại lồm cồm bò dậy đứng bên con rồi bần thần rít một hơi thuốc lào, hòa mùi khói vào trong không gian mờ mịt, chỉ có khói và bụi than.

Vẫn giọng trầm buồn gã nói với con nhưng thực lòng là một niềm an ủi: “Nghề nào cũng đáng quý cả, đừng lừa kẻ khó là được rồi”

Nghe lời tâm sự của bố và anh, thằng em không biết từ lúc nào đã rời góc học tập đi ra. Nó sà vào lòng bố. “Nhà ta dù khó khăn đến mấy con cũng phải học bố ạ. Không kém bọn bạn để nhà ta khỏi bị coi khinh. Con thấy người có học sau này thường là người sang trọng. Vì người ta có học nên tiền trong túi họ nhiều”. Bố khom lưng thở miệng đấy ạ.

Gã cười vui trong hai hàng nước mắt sung sướng nhưng trong lòng nặng nỗi lo toan.

Từ ngày đi lấy đồ thừa, tại các nhà hàng cha con gã thường lui tới quán nhậu bà Lành Tông nằm sâu trong một khu đô thị mới. Thực đơn nơi đây chủ yếu dành cho những khách sang trọng, hoặc dân làng chơi chích choác. Chẳng rõ nguyên nhân từ đâu quán lại dạt về đây hai cô gái nhà quê trẻ như măng làm hầu bàn. Tuy gạo quê không bằng gạo Thái, nhưng gái làng lại được lắm kẻ ngó dòm. Từ đó lượng khách VIP tràn về đông nghìn nghịt. Quán được khoác lên mình cái tên quán “Nai vàng”. Thực khách đến đây ít khi nhìn thực đơn mà chỉ cốt dòm ngó và gạ gẫm. Gã nghe mụ Lành nói có kẻ còn cá cược với bà cả cây vàng nếu dụ được con trẻ để khai thác cái trinh của nó. Và cơ hội đó như đang chờ vào sự kiên trì, tài ba của những tay làng chơi thuộc hạng, hoặc những kẻ lưu manh giả danh trí thức.

Thông thường các quán có tiếng tăm thì khách càng đông và tất nhiên đồ thừa vương vãi càng nhiều. Để giữ miếng ăn hàng ngày cho con lợn, cha con gã lại thường xuyên lui tới, mở rộng quan hệ bằng những nụ cười xởi lởi, hoặc lúc rỗi thì xách than bổ củi để lấy lòng bà chủ. Cũng từ đây cha con gã lại có dịp làm quen hai cô gái bồi bàn. Hai kiếp người khốn khó gặp nhau nên dễ bề thân thiện. Bù đắp lại sự kiên nhẫn ấy hai cô hầu bàn lại tận thu đồ thừa để dành cho cha con gã. Mỗi bài học không có đáp án cụ thể nhưng sống trên đời ai ai cũng phải biết lấy phương thức sinh tồn của mình để trải nghiệm, nó như một chân lý. Cũng từ đó trường đời đã dạy cho hai bố con những bài học từ thanh củi khô đến những vò nước rác. Và nữa, cần thiết có những lúc phải dấu tiếng ẩn mặt né tránh cái nhìn không hài lòng của các bậc quan khách đang bù khú vạch kế thăng thân ở bàn tiệc.

Như mọi ngày, khi đèn đường bật sáng gã lại rong ruổi vừa đạp xe, vừa huýt sáo như cố đẩy cái mùi hắc bám của hơi thuốc lào đang ớn đọng ra khỏi khoang miệng rồi chở hai xô đồ thừa về nhà. Hôm nay do sơ suất thế nào, lỗi của cha hay lỗi của con thì không rõ. Con nạ giòng đang ăn ngon lành thì bỗng dưng ho khạc dữ dội. Sau đó nó quay ra nằm vật xuống sàn giãy bần bật. Một lúc thì thấy xuất hiện một dòng máu đỏ tươi từ trong miệng chảy ra, nom thật thảm hại. Gã Hách hốt hoảng, khoác chân lên vai chạy gọi thú y. Khi họ có mặt tại chuồng thì đã muộn. Tội nghiệp con lợn mang thai đã tắt thở. Xoa nắn chốc lát tay thú y nói: Nó bị hóc xương hay vật cứng gì đó làm rách cuống họng. Đắc sách nhất lúc này là đi gọi hàng xẻo kẻo mất giá.

Cầm tiền, gã lại tự trách bản thân và lòng như lửa đốt. Chẳng biết làm gì hơn gã tự an ủi mình, năm nay hạn Thái Bạch, của tán tài ngài bình yên. Gã thẫn thờ gã động viên hai con: Hai anh em, tắm rửa, sáng nay bố con mình đi ăn phở gia truyền. Bố sẽ chi cho mỗi đứa một trăm nộp tiền điện thoại. Số còn lại, ngày mai bố phải về quê tìm mua con lợn nái khác để tái đàn các con ạ.

Sau khi cầm tiền bán lợn ăn nằm cò ro trong nhà gã cảm giác chân tay như dài ra. Lúc rỗi cha con lại thay nhau nhặt rau, đãi gạo. Hết thú vui lại rải chiếu đánh bài ù chung hội với hai con để vay kiếm nụ cười hiếm hoi trên khuôn mặt gầy gò sạm đen trước tuổi. Gã lại cười khi bị hai con búng băm bắp vào dái tai nhưng trên khuôn mặt không dấu nỗi nét ưu tư phiền muộn.

Một đêm trôi qua thật hãi hùng. Những ngày tiếp theo làm gì đây? Thằng anh nghỉ học đã hơn một năm. Rồi không việc làm sẽ là thảm họa cho tuổi đời mới lớn. Gã trút một hơi thở dài não ruột. Khi nhìn về cái chuồng lợn bỏ trống huơ trống hoắc cả tháng nay. Gã lại thấy nhơ nhớ cái mùi hèm, mùi chua thum thủm của nồi cháo và tiếng cháy lách cách những thanh củi trong cái lò than đen ngòm bám đầy tro bụi. Nhớ những chiều muộn, đêm khuya khi hai bố con lật đật, vừa chở đồ thừa về tới cổng là nghe tiếng ụt ịt của con nạ giòng chờ đợi trong chuồng và cảnh thằng út chong đèn ngồi trước bậc thềm chờ anh và bố.

Tiền bán lợn chẳng được là bao nhưng lại cứ thất thoát dần nên gã lại thấy bất an cho cuộc sống lâu dài. Gã lại tiếc nguồn thức ăn mà thiên hạ hằng ngày nhơi nhá trên bàn tiệc. Nỗi lo lớn nhất là mỗi khi nghĩ về thằng anh. Nó đã bước sang tuổi mười sáu, nữ thập tam, nam thập lục, tuổi này ra ngoài rất dễ rạn vỡ do bọn xấu lôi kéo lợi dụng. Cổng trường khép lại là bao cánh cửa khác đồng loạt mở ra. Rồi dạo này trên khuôn mặt nó những nốt mụn trắng xuất hiện ngày càng nhiều. Về đêm khuya khoắt lại ôm điện thoại lướt bấm như đang hẹn hò cùng ai đó đến canh ba mới ngủ. Nhàn cư vi bất thiện, cũng có hôm nó bỏ cơm chiều lặng lẽ đi chơi thâu đêm mà không thèm báo với bố một câu. Nó càng lặng lẽ, gã càng buồn thương. Nếu xui xẻo mà trượt chân rơi vào ổ chích choác thì nguy. Trời cho ông những đứa con hiền lành, chịu khó, khỏe mạnh thế là phúc ba đời. Nhưng vô tình mình biến nó thành đứa lang bang lêu lổng thì người cha này có đáng sống không. Không thể để con trượt dài theo năm tháng thì cũng xin đừng để nó xếp gối quỳ xin thiên hạ. Mình không tìm được việc làm cho con để nó kiếm niềm vui trong lao động lúc này là mình bỏ nó. Nghĩ vậy trưa hôm đó, sau bữa cơm khếu kháo gã xòe đếm lại tiền rồi bỏ túi lấy băng găm cẩn thận, phóng xe về quê với ý định nhờ ai đó mai mối cho một con nái khác.

 Chuyến mãi hành trong hy vọng bấp bênh nhưng gã lại thấy vui hơn bao giờ hết. Bỏ xa thành phố gã thấy trong lòng rạo rực như sống lại một thời trai trẻ ở quê. Vui, vui là phải chứ mấy đời ăn lộc nhà quê giờ lại về trong hơi ấm của tình đất, tình người, lòng nào lại không vui. Đồng nội ngập tràn hương cỏ và hương lúa phơi mau làm gã ngây ngất như quên đi những bon chen ở phố phường và vụn vặt của gia đình.

Về tới quê gã may mắn gặp được một con tơ mới phối giống đẹp như tranh Đông Hồ. Bắt bỏ rọ có người hỏi như nghi ngờ “Dân quê chứ ở thành phố như chú mà cũng nuôi heo à. Chắc mua để buôn chứ!” Gã không trả lời, lòng phấn khởi, liền bắt tay mọi người rồi chở lợn về nhà.

Thấy bố bì bật, hai con tranh nhau ra đỡ xe và xách lợn bỏ vào trong chuồng. Gã thở phào nhẹ nhõm vớ cái điếu cày réo một hơi rồi nằm vật xuống giường, trái tim đập rộn ràng trong lồng ngực.

Ngắm nhìn con lợn một chốc, biết không còn thức ăn thằng anh nhanh nhảu đèo hai cái xô tới quán bà Lành. Con lợn giống mới mua về, vốn quen lối sống đạm bạc, rau cám nhà quê, thỉnh thoảng mới được bữa hèm chua mát miệng. Nay lên thành phố toàn đồ ngon vật lạ, nó hốc hồng hộc ăn. Nửa tháng sau nó béo ra nần nận, tai lá mít, đít lông bàn, lông mượt như nhung. Hai dãy vú bóng bẩy bày ra đều đặn như bầu giàn. Gia đình gã lại chuẩn bị nghinh đón một lứa lợn bột sắp ra đời.

Một điều kỳ lạ, kỳ lạ đến diệu kỳ, đã làm hai bố con ngạc nhiên và kêu rống lên như không tin vào mắt mình, khi đang xộc tay vào chậu thức ăn thằng anh phát hiện ra một cái vòng vàng nằm dưới đáy nồi. Nó tò mò đưa lên xem. Gã giành lấy và thốt lên sung sướng như thánh vận vào thân “Các con ơi! Đây là vàng. Ôi giời ơi! Vàng thật!”

Trời chạng vạng, khi cha con trở lại bàn ăn, thằng anh trầm tư bảo bố, có lẽ phải tìm người trả lại cho họ. Cứ nghĩ nhà mình chết con lợn, dù đã bán được ba triệu mà bao đêm bố còn tiếc không ngủ được. Huống chi họ vô cớ mất cả chỉ vàng. Nhưng biết ai mà trả. Thôi cứ xem như đây là chút lộc trời an ủi những tháng năm vất vả nhọc nhằn. Gã thận trọng đi vào chỗ bàn thờ, nhẹ nhàng nâng cái li hương lên rồi nhét chỉ vàng xuống dưới. Gã thắp một nén nhang khấn bái nhờ tổ bá, tổ thúc, đường cô, đường bá lâu nay nương náu ở đâu về giữ giùm, rồi lên giường cao gối một giấc ngon lành. Mờ sáng biết thằng út đã đi học, gã gọi thằng anh, dặn dò tỉ mỉ: Chỉ vàng bố bỏ dưới ly hương. Bố dặn con nhỡ nay mai bố mệnh hệ gì, anh em con lấy ra mà dùng. Đời bố không có gì để dành cho các con cả.

Hai ngày nghỉ xác, gã bảo con trai chở đến quán bà Lành.

Quái lạ. Hôm nay quán đóng im lìm. Hai bố con đẩy cửa bước vào thì gặp ngay cặp mắt đỏ ngầu của mụ ta.

Gã nhanh miệng: Quán sao hả chị?

Mụ Lành quắc mắt: Bố con ông hôm nay rảnh quá, ăn mặc lịch sự ghê. Tôi đang hỏi tội hai con kẻ cắp.

Vừa trả lời, mụ ta cức chỉ tay vào hai cô hầu bàn đang xét nét ở góc tường: “Đồ ăn cháo đá bát. Hôm qua tao lơ đểnh tí, bọn nó quẵm mất chỉ vàng. Ngoài ra lâu nay mất tiền lặt vặt không tính.”

- Ai vậy chị Lành?

- Còn ai vào đây nữa!

Vừa nói hai hàm răng mụ nghiến trèo trẹo với cặp mắt đảo liên hồi như chảo chớp rồi chỉ vào mặt hai cô hầu bàn: “Ngày mới đến mặt lép da nhăn như ma đói, giờ trơn lông mượt da lại giở trò ăn trộm”.

Hai cô gái run rẩy, nước mắt ràn rụa, níu vào bố con gã Hách như cầu mong một sự cưu mang hoặc minh oan cho họ.

Để sớm giải tỏa sự nghi ngờ oan nghiệt đang đè lên thân phận người cùng khổ gã Hách vội vã: Chị! Chị ơi! Thả họ ra đi. Em nhặt được chỉ vàng của chị. Giờ để em bảo con về nhà đưa đến ngay.

Hai cô gái thở phào nhẹ nhõm như gặp được vị cứu tinh giữa chốn trần gian. Họ ôm lấy gã trong nghẹn ngào sung sướng.

Đúng hẹn, đứa con gã đem chỉ vàng đến. Mụ Lành vẻ mặt tức tối quay về hướng hai cô hầu bàn, miệng lẩm bẩm: Bây giờ tụi bây ở lại làm, hay về?

Hai cô gái cùng đề nghị: Mong chị thanh toán tiền công để về trong sáng nay!

Mụ Lành lại lẩm bẩm: Vị chi là mỗi đứa hai tháng rưỡi, hai đứa là năm tháng.

Như ngẫm ngợi điều gì, mụ kéo hai cha con gã Hách vào một góc kín trong nhà rồi nói với người con trai: Cha mày ngu lắm. Đời người khổ nhất là khi phải sinh ra từ những người cha, người mẹ ngu đần. Chắc đời cháu khổ lâu dài. Được vòng vàng không biết ngậm miệng đi. Nghèo như  ma đói mà còn làm nhân đạo. Chúng mày nhân đạo với ai giữa thời buổi này. Để bây giờ, tiền công tao phải chi trả cho chúng nó gần ba chỉ. Vô tình bố con mày lại trượt luôn một chỉ.

Hai người con gái nhận được tiền công nhanh chân rút khỏi bầu không gian rối ren, động loạn, mà họ cũng không kịp cảm ơn cha con gã.

*

Giao xong món hàng cho khách, gã lật đật đạp xích lô về nhà. Tới nhà gã không thấy Cô Hạnh với cô Phương đâu. Chẳng biết làm gì hơn gã lại vớ cái điếu cày réo một hơi rồi lăn ra giường phấp phổng nằm chờ. Đang loay hoay thì thấy hai cô và thằng anh đi chợ về.

Cô Phương nhanh miệng: “Trưa nay chị em tôi đãi bố con anh” miệng nói tay làm, cô đi vào bếp. Lâu rồi bếp núc thiếu bàn tay nội trợ đàn bà, hôm nay gã mới thực sự thấy bữa cơm thi vị và ngon lành. Sau bữa cơm đầm ấm họ đưa cho gã một tập tiền mà gã nằm mơ cả năm cũng không thấy. Gã đưa ra đếm có tới năm chục triệu.

- Cho tôi vay hả. Biết bao giờ trả được?

- Cô Hạnh xua tay: Khoản tiền này anh cầm lấy để nuôi thằng út ăn học nên người. Hai năm nữa nó phải vào đại học. Chúng ta tuy phận nghèo nhưng không thể vô ơn. Còn thằng anh sang năm bọn em cũng bảo lãnh sang Hàn Quốc đi làm. Ở đâu mà chẳng phải làm thuê hả anh. Nhưng làm cho nước ngoài còn có cái tích lũy. Là thằng đàn ông phải biết bôn ba mới có chí khí chứ ở nhà dậm dịt nuôi heo với bố biết khi nào lớn được.

Lại hai năm nữa trôi qua. Hai đứa con gã cùng ra đi: Đứa đi làm thuê ở xứ Hàn. Đứa ra Hà Nội học, chiều chiều nhìn ba chiếc gối chung một mùi mồ hôi xếp ngay ngắn đầu giường gã lại ngậm ngùi. Thế là chúng nó đã đủ lông đủ cánh thoát ra khỏi căn nhà tế bần để ta lại trong cô đơn quạnh quẽ, bao truân chuyên của cuộc đời. Phận làm cha được như thế là hạnh phúc của đời gã.

                                             T.H.T

. . . . .
Loading the player...