09-08-2023 - 22:57

Truyện ngắn PHÓNG SANH của Tác giả Lê Thị Kim Sơn

Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu Truyện ngắn PHÓNG SANH của Tác giả Lê Thị Kim Sơn

LÊ THỊ KIM SƠN

PHÓNG SANH

                             Truyện ngắn

Dì luôn hỏi nó "vậy có ác hôn con? Có ác hôn con? Lũ chim ngoài kia được bay tơi bời vui vẻ vậy, mình bắt nhốt con này trong chuồng như vậy có tội nó hôn con?”, nó làu bàu, “tội gì dì? nó được ở trong lồng đẹp, được cho ăn mỗi ngày, có phải lo bị người ta bắn, có phải đi kiếm ăn gì đâu, ở thế này sướng thí mồ thì có chứ tội gì.”. Dì nó bần thần, nhìn con chim nhảy nhót trong lồng, ríu theo đàn chim trong lồng mà cứ “ủa, vậy hả, vậy là không sao thiệt hả?”. Đấy là câu chuyện duy nhất nó thấy dì hỏi nó, còn lại, dì kiệm lời, nó cũng trở nên kiệm lời, vì trong nhà này ai cũng kiệm lời nên nó quen luôn.

Nó tới ở nhà gì năm nó 12 tuổi, nhà nó nghèo quá trời, nghèo đến nỗi nó chả còn nhớ mình đã được ăn bữa cơm nào cho ra hồn chưa cho đến khi lên ở nhà dì. Vậy mà dì vẫn kêu nhà nó sướng, kêu nhà nó hay khi thấy ba nó, má nó với anh hai chụm người lại quây quần bên rổ khoai mì mới dở, người nhem nhuốc vừa ăn vừa trò chuyện, vừa cười đùa, dì cười kêu nhà nó sướng mà ứa nước mắt. Nó chỉ nghĩ, chắc dì nói chơi, chứ sướng phải như dì kìa, đi về nhà nó mà đi bằng xe ô tô con, có tài xế đàng hoàng, ăn bận thì sang trọng thôi rồi. Nó thích thú áp mặt vào cái áo lụa của dì, nếm cảm giác mát rượi, chứ không thô nhám như áo bà ba của mẹ, của nó, người dì thơm thơm, cái mùi thơm hiền hiền, dễ mến mà nó không tả được, chỉ thấy thích hít hà thôi. Nên khi nghe dì mở lời xin cho nó lên ở với dì nó sướng rơn, vui vẻ đòi má cho đi theo dì bằng được.

Dì lấy dượng Bảy năm dì mười sáu tuổi, nghe nói khi ấy gì thuộc dạng là hoa khôi của làng, đám cưới cũng rình rang mớ năm mớ bảy. Không rình rang sao được khi mà dượng Bảy là con trai độc nhất của nhà ông  Bân Phú - chủ đại lý hột vịt lộn tỉnh bên, dượng Bảy hiền lành, ít nói, tướng tá cao ráo đẹp trai, nên ngày cưới của dì, ai cũng trầm trồ khen vô. Dì với mẹ nó chỉ là họ hàng xa, nói như ba nó, xa đến nỗi bắn mấy đường đạn bác may ra mới tới, nó thì không cần biết, chỉ cần biết đi sang nhà ở với dì, giúp việc nhà cho dì chỉ là cái cớ còn ở nhà với dì cho vui, cho có thêm tiếng con trẻ nên nhà nó cũng ngậm ngùi cho nó đi.

Có với nhau 2 mặt con, đủ nếp đủ tẻ, Lành và Tài. Được bà con bên chồng bảo lãnh đi Mỹ từ năm thằng Tài lên mười, con Lành lên tám, ông bà Bân Phú mất rồi, nên chỉ còn dì dượng, đi ra đi vô, đụng mặt nhau hoài nên chán quá, đem thêm nó về nuôi cho vui. Mà nó thấy cũng đúng, dì với dượng hòa thuận quá, đi ra đi vô đụng mặt nhau gật đầu một cái chiếu lệ, còn không thèm ừ hử, hay hỏi một câu cho đỡ trống. Ăn cơm cũng mỗi người một đầu bàn, lặng lẽ gắp, lặng lẽ ăn, không nói chuyện, không trao đổi, không như nhà nó quây một mâm bé tin hin, gắp qua, xớt lại cho nhau con cá cơm thôi mà cũng ồn ào, rinh rang nguyên bữa. Nên bữa ăn, nó cứ thấy xót xót, nhìn đồ ăn ê hề mà cũng không biết nói gì, ở với dì dượng một đỗi, nó cũng trở nên im lặng như dì, dượng, không cần thiết phải trao đổi nhiều, không nói nhiều, mất hẳn vẻ lanh lợi khi nào nó cũng không hay.

Căn nhà rộng rinh, trống trải thấy mà thèm, thèm cái hơi người, thèm cái nụ cười bừng sáng như nhà của mọi người mà không có, vì hai đứa nhỏ đi nước ngoài mất rồi. Mà ngộ một nỗi, thường thì nó thấy đàn ông mới chơi chim kiểng, nhưng nhà dì thì ngược lại, dượng Bảy không hề chơi chim, hay tỉa cây cảnh, hay uống trà mà dì nó mới là người mê điều đó. Dì thích ngắm nhìn như yêu quý nó lắm, chăm sóc nó hằng ngày, ve vuốt, ngắm nó tắm, ngắm nó rỉa, dì cứ kêu nó lại để xem con chim tắm cùng dì. Và lạ một nỗi nữa, nhà dì nuôi chim mà lại nuôi mèo, con mướp nhà dì trơn lông mượt da, cứ gừ gừ trong cổ và quấn quanh dì miết. Nhưng con mướp không hề dám lai vãng quanh dượng Bảy, vì lạ một nỗi dượng Bảy hiền vậy mà mỗi khi con mướp lại gần định ve vẩy, định thân thiết với dượng thì dượng lại rất thẳng chân đá cho nó một phát, hằn học, tức tối.

Mà những con chim mà dì chăm chút rất hay chết, cứ vài tháng lại một con chết, có khi một tháng, có khi chỉ được vài ba tuần. Các con chim khi thì bị mèo vồ, khi thì tự dưng bị chết xơ xác, thiểu não, vương những cái lông mảnh bên cạnh lồng. Dì khóc rất thảm thương, gương mặt xinh đẹp của dì căng mọng lên và nước mắt cứ trào ra, trào ra như suối, dượng chắc xót dì, cứ gắt um lên, rồi loay hoay lôi con chim ra khỏi lồng vứt ra cho con mướp. Con mướp sẽ rất chóng, liếc con mắt xanh ngọc của nó về phía dượng, rồi như một thế rình mồi đột ngột, nó lao vào vồ con chim dượng vừa vứt ra, đồng thời khéo léo né cú đá mà dượng phóng tới dành cho nó, như một phản xạ có điều kiện. Dì vẫn mải miết khóc, dượng lẳng lặng treo lại cái lồng lên, rồi đi ra nhà ông Sáu, đầu đường, lại mua về cho dì một chim, thế vào con chim cũ, rồi dì lại nguôi ngoai, sau vài ba ngày đau khổ, rồi dì lại vui mừng chăm sóc con chim mới, để vài tháng, hay có khi vài tuần sau, vòng quay lại lặp lại. Nó lắc đầu ngán ngẩm, quét những sợi lông còn vương vãi của con chim tội nghiệp để chôn xuống một gốc cây kiểng trước sân.           

Dượng Bảy cũng lạ, là đàn ông con trai mà không rượu chè, gái gú, cũng không chăm chim, cá hay cây kiểng, mà chỉ cắm đầu làm ăn buôn bán. Đi suốt với cánh buôn mối trai tráng của mình, dượng về nhà cũng lặng thinh, nó chưa nghe dì và dượng nặng lời với nhau lần nào mà luôn nhẹ nhàng, lịch sự với nhau, chắc cung cách nhà giàu nó vậy, nó chắc lưỡi, quay đi khi nhìn thấy dượng tỉ mẩn ngồi thay con chim mới vào lồng cho dì. Con chim cũ mới chết hôm qua, khi dượng trở về sau chuyến đi dài ngày để bàn công chuyện làm ăn, dì khóc sưng mặt, nằm quay vào tường, không buồn ăn uống ỏ ê gì với nó. Dượng vẫn thinh lặng, ra đầu ngõ nhà ông Sáu, mua con chim đem về thế con chim bạc mệnh cũ. Nhưng cũng có lần, nó thấy dượng bần thần trước cái lồng chim khuyên thở dài, rồi đưa tay mở cửa lồng, cái cửa mới mở lên nửa chừng thì khựng lại, con chim nhỏ hoảng loạn trong lồng, ríu mạnh hơn khi thấy người lạ, nó thấy con mắt dượng rưng rưng rồi lại như quyết liệt, dượng sập mạnh cái cửa lồng xuống, quay lưng vô sập nằm ủ rũ.

Nó cũng từng bắt gặp dì đứng bần thần trước lồng con khuyên nhỏ như vậy, nhưng cái nhìn của dì không đoán được, cái nhìn pha trộn giữa nước bùn đang vẩn lên dưới dòng mương bẩn và dòng nước trong, tinh khiết, rạng ngời của cơn mưa đầu mùa trổ xuống. Nó thấy dì khóc, rồi cũng như dượng, nó thấy dì định rút cái cửa sập mở lồng cho con khuyên, và cũng chỉ được nửa chừng thì dì nghiến răng, sập cửa lồng xuống. Nó biết, đó là lúc dượng lại mải đi làm ăn, chắc dì nhớ dượng và mấy đứa nhỏ, nên dì khóc, vậy thôi. Có an ủi cũng vậy, dì dễ xúc động, nên nó thôi không lại gần mỗi khi dì khóc, để dì khóc cho đỡ buồn. Dượng cũng biết vậy, nên mỗi lần dì khóc đều trầm ngâm không nói gì, chỉ quay người ra nhà ngoài, cái dáng của dượng cũng như bị trĩu xuống, nghiêng nghiêng và xô dạt đến kì dị.

Mưa rả rích, mái ngói xối nghe đằm đằm, gió rít nhẹ qua đầu hồi êm ả, dượng lại phải đi mối hàng, ánh mắt dượng cứ bần thần không ngẩng lên nhìn dì, mà dì cũng quen rồi, dượng đi thành nếp, hai đứa con ở xa thành nếp, những con chim của dì bị chết cũng thành nếp rồi, nên dì vẫn đều đặn sống hàng ngày, đều đặn làm những công việc hàng ngày. Cơn ác mộng vật vờ bám lấy dì, dì thấy chồng dì, dượng Bảy, bị xích như một con chó ở chân bàn thờ họ, toàn thân lõa lồ những vết tím đen, những đường lằn ngang dọc, có vết rướm máu, có vệt toác miếng da dài khô xỉn máu, dượng nằm co ro, úp mặt xuống nền gạch nâu láng bóng, thở nặng nhọc thành tiếng, đôi mi căng mọng không kém đôi mi dì. Dì muốn lao vào đỡ lấy dượng, nhưng không thể, đôi chân dì đã hóa đá hay bị đeo đá mà không thể nhúc nhắc nổi, chỉ đứng đó dương mắt ra nhìn người kia tạt nước vào dượng Bảy, rồi lại lấy quất roi tới tấp vào dượng Bảy, dượng vẫn đang thinh lặng, không dãy dụa, không kêu gào. Dì mất tiếng, dì lọt vào xoáy nước ào ạt trào dâng, xoay vòng trong đó, nghe tiếng rú rít bên tai mình “ đồ quỷ dữ, thoát ra khỏi người con tao đi mà, thoát ra đi mà”, tiếng rú rít trào dâng đó hất văng dì lên, đẩy dì nhẹ hồ lên cao, trào dâng đợt sóng mới, rồi hụt chân rơi sâu xuống vực. Dì mướt mồ hôi bật dậy, sờ tay sang bên giường, lạnh ngắt, căn nhà chỉ còn dì, dượng lại đi. Dì nhìn đầu giường, chiếc đồng hồ mới thong thả điểm ba nhịp, dì không dám nằm tiếp, sợ lại va phải giấc mơ kia, sợ cảm giác như bị bóng đè ú ớ không thành tiếng, sợ cảm giác hụt chân chới với để thoát ra khỏi giấc mơ. Dì khoác áo, ra nhà ngoài, đôi chân bước nhẹ qua nhà ngang, đi qua hành lang dài bên hông nhà, con mướp ở đâu ra, nhẹ nhàng quấn lấy chân làm dì yên lòng hơn.

Mái đầu bạc trắng quỳ xuống chân dì, tiếng khóc đùng đục của người đàn ông mới lục tuần mà bạc phơ mái tóc mới xót xa làm sao, đôi vai mạnh mẽ góc cạnh như Từ Hải của người đó rung lên bần bật bên đầu gối dì. Người đó xin dì thứ lỗi, người đó mong dì chịu đựng, người đó xin dì đừng bỏ đi, đừng bỏ ngôi nhà này. Đừng hé lộ với bất kì ai về cái thân thể bất động mới lao vào tường đến nứt toác đầu, dù bị đánh đến bầm dập, đến tơi tả mà nhất định không chịu nói mình sai, nhất định không thay đổi sở thích kì lạ của mình. Tất cả đều là đừng, những từ đừng bó buộc lấy dì, đến cả ngày dì vuốt mắt cho người đàn ông đó, đôi mắt cũng chỉ hiện lên một từ đừng trôi nổi, ám ảnh và quyền lực, chi phối dì, bện bã lấy dì, để dì chỉ có sống, còn sống thoi thóp như con cá mắc cạn mà không thể chết.

Bàn thờ ông bà Bân Phú vẫn còn vấn vít hơi nhang dì thắp đầu tối, dì đứng lặng nhìn bàn thờ, ngắm gương mặt quắc thước, điềm nhiên của ba chồng dì, dượng Bảy thừa hưởng nhiều nét của ông từ đôi lông mày rậm đen lưỡi mác, cái sống mũi cao, hơi gãy nửa chừng, đôi môi dày, có vệt chẻ ở giữa, cái hàm rộng, bạnh ra kiêu hùng với hàm râu quai nón, đôi mắt sáng luôn ấm áp nhìn vào người đối diện. Dì thở dài, lâu lắm rồi dì không thấy lại ánh mắt ấm áp đó của những người đàn ông trong ngôi nhà này. Dì bước lại, khêu ngọn đèn cho lớn hơn một chút, châm thêm mấy cây nhang, dì muốn nghe mùi trầm cho nhẹ lòng lại. Dì lầm rầm khấn, lời khấn vọng bên tai dì thật lạ, “ba ác lắm, sao ba lại bắt con như vậy? Sao ba đối xử với vợ chồng con như vậy, ba xích chồng con như con chó, mà chỉ thoáng chốc vì nhiệm vụ của dòng họ, chỉ có như vậy thôi, còn con, ba nỡ xích con cả đời như con chó giữ nhà như vậy mà được sao ba?”. Dì quay đi hoảng loạn, ai đang nói, ai đang nói những lời bất kính vậy? Sao dì có thể nghe thấy những tiếng thì thầm khủng khiếp vậy, hay là dì bị điên mất rồi, hay dì bị ma nhập như con người trong mơ dì thấy, dì sợ hãi lùi lại, chân dì không chạm vào con mướp nữa, mà chạm vào sợi xích, tiếng vang nặng nề của sợi xích khi bị dì chạm phải khiến dì giật bắn người. Là thật, tại sao chân bàn thờ lại có sợi xích, dì run run, điếng người, mồ hôi thi nhau nhỏ giọt giọt xuống gáy dì, lạnh toát. Sao cả căn nhà chỉ còn trơ trọi mỗi dì thế này?

Dì nhào ra ngoài trời mưa, dì bỏ trốn, mà bỏ trốn ở đâu? Con mướp đâu rồi? Con mướp bỏ dì mà đi mất rồi? Dượng Bảy cũng đi rồi, thằng Tài, con Lành cũng đi rồi, ông bà Bân Phú cũng đi rồi, đi đâu hết trơn rồi? Dì hoảng loạn, chạy sang nhà ngang, mưa ướt nhẹp người dì, dì cạy cửa nhà ngang, sao cái cửa hoài không mở được, dì loay hoay vặn, cái cửa gỗ cài then ngang bằng gỗ lim đen thui, năng trịch, cứng ngắc, dì tông vào cửa hòng thoát thân, con chim bên lồng hoảng loạn, nhảy ríu lên. Phải rồi, dì còn con chim, dì phải cứu nó, dì phải đem nó đi, dì phải giải thoát con chim khỏi ngôi nhà này. Dì lao lại phía lồng, dì đỡ cái lồng xuống. Con chim hoảng loạn, nó giãy dụa, lao đầu vào góc lồng, nó cũng không định vị được phương hướng giống dì, dì phải làm nó trấn tĩnh lại đã, dì phải ngăn nó không lao đầu vào mấy cái nan lồng đến nứt toác đầu chảy máu như con người trong giấc mơ của dì đã.

Mở cửa lồng, dì cẩn thận len nhanh bàn tay mềm mại của dì về phía con chim đang hoảng sợ, dì nắm lấy nó nhẹ nhàng, nỗi sợ hãi của dì xẹp xuống như không hề có. Dì bỗng nhiên vui vẻ khi nắm con khuyên trong tay, con khuyên đã bớt hoảng sợ hơn, khẽ đạp nhẹ đôi chân nhỏ xíu vào tay dì như báo hiệu đã an toàn, dì nở nụ cười, nắm nó trong tay, nghe nhịp đập phập phồng khe khẽ của sự sống trong tay. Rồi trong nháy mắt, nụ cười hiền lành của dì biến mất, một khuôn mặt méo mó dị dạng hiện ra, khuôn mặt của một con quỷ, với cái nghiến răng nghe két lên rợn tận xương tủy dì, dì thấy một bàn tay bóp nát con chim của dì, dì không kịp thấy con chim nhỏ dãy dụa, dì chỉ kịp thấy cái tròng mắt đen thui nhỏ xíu của con chim chỉ như nhói lên một chút, rồi lồi hẳn ra khỏi đôi mắt linh lợi của chim, cắm thẳng vào tim dì một vệt đâm buốt giá.

Dì lặng thinh không khóc, con chim dì đã thả sáng nay, con người dì giữ bấy lâu nay thay cho Bân Phú – bố chồng dì đã mất, dì giữ làm gì? Hai đứa con dì sẽ hiểu, dì cũng hiểu, dượng cũng hiểu, mọi việc không thay đổi được. Thôi vậy, dì như nhìn thấy cảnh dượng Bảy chồng dì, đang ghì chặt lấy tầm lưng trần của một người mà dì tưởng em kết nghĩa của dượng, dì thấy tim mình lặng ngắt. Dì không khóc được, không vật vã như mọi người thường làm, dì chết trân. Ú ớ, hoảng loạn, ba chồng dì lao vào, phang gậy tới tấp vào cái cảnh tréo ngoe kia, dì mất đứa con thứ ba, tháng thứ sáu rồi, thành hình người rồi mà còn mất, thì huống chi người mới kia là chồng dì nay lại thành người khác mà dì chưa từng quen biết.

Dì hận dượng, dì hận cái tánh yêu đương dở người của dượng, đàn ông con trai mà lại đi yêu đàn ông con trai, dì hận dượng làm mất đứa con thứ ba của dì. Thế nhưng dì vẫn phải khóc, vẫn phải bò lết xuống cầu xin ba chồng dì, vì khi dì hoàn hồn vực dậy sau khi sảy thai, má chồng đã cầu xin dì cứu lấy con trai bà. Dáng bà cũng thắt lại, không thành lời xin lỗi, mà thành lời kêu cứu đau lòng nhất cứa vào dì, dì cũng là mẹ, bà cũng là mẹ, đau lòng đến thế chứ còn đau lòng sao nữa. Khi đến nhà thờ họ, dì thấy dượng bị xích lại bên bàn thờ tộc, ba chồng dì vẫn cầm cây roi mây hằm hằm ngồi thở bên cạnh, dì thấy dượng bầm dập, rướm máu mà tái tê. Dì lại thấy ba chồng mình quỳ xuống bên chân dập đầu tạ lỗi, mà ông thì có lỗi gì đâu, dượng Bảy nằm kia cũng có lỗi gì đâu, dì đang hóa đá ở đây cũng có lỗi gì đâu. Không ai có lỗi, mà cái lỗi to đùng lại xuất hiện ở đây, ở giữa ngôi nhà mới vài hôm trước đây là ngôi nhà hạnh phúc nhất, mà bây giờ thành ngôi nhà bất hạnh nhất.

Buông, chỉ vậy thôi. Không cam tâm làm gì nữa, đời ngắn mà, vậy mà đến hơn nửa cuộc đời dì mới nghĩ ra, con chim trong tay dì đang giãy dụa cực điểm, cái tròng mắt như muốn lồi điểm đen ra ngoài, uất hận, ngơ ngác, điên cuồng, bất lực không hiểu lý do cái chết của mình. Nhưng rồi dì buông tay ra, con chim nhỏ rơi toẹt xuống sàn sân giãy dụa, không hiểu vì sao mình thoát chết trong gang tấc. Dì sụp hẳn người xuống bên cạnh con chim nhỏ, dì không có tội tình gì, dượng cũng không có tội tình gì, con chim nhỏ cũng không có tội tình gì, tội tình chỉ là do ông trời oán nghiệt sắp xếp. Dì càng muốn chống lại, càng muốn vẫy vùng thì những mối dây lại càng xiết chặt dì, dượng và những con chim nhỏ lại thôi, làm sao mà giải thoát được cho nhau đây?

Nó quay vào chùa thăm dì, nó không nói cho dì biết, con chim nhỏ mà dì tưởng như hạnh phúc vì thoát khỏi bàn tay của dì, chấp chới bay lên trong tiếng nức nở giải thoát của dì đã bị con mướp rình sẵn bên chái nhà vồ mất. Tiếng kêu của nó rơi vào câm lặng, con mướp sảng khoái, rau ráu nhai con chim tội nghiệp, túm lông nhỏ của con chim tung lên, tự do lần cuối, rồi buông mình rơi không chút thương xót, con mướp đã quen với việc xơi tái các con chim tội nghiệp của dì rồi. Không ai biết được tự do cũng phải trả giá, vòng đời vẫn vậy, nó quay lưng bước đi khi yên tâm nhìn lại vẫn thấy dì lặng yên đợi chiếc lá rơi để vun vào đống lá đang quét dở …

                                       L.T.K.S

phóng sanh (ảnh nguồn ITN)

. . . . .
Loading the player...