22-11-2022 - 11:20

Truyện ngắn PHẢN ĐÒN của Tác giả PHAN THẾ DŨNG TOÀN

Tạp chí Hồng Lĩnh số 195 tháng 11-2022 xin trân trọng giới thiệu bài viết Truyện ngắn PHẢN ĐÒN của Tác giả PHAN THẾ DŨNG TOÀN

 

PHAN THẾ DŨNG TOÀN

 

PHẢN ĐÒN                             

 

                  Truyện ngắn

 

 

 

Thầy giáo Tân bước lên tầng hai, ghé vào góc phòng kéo ra cái rương tôn cũ. Cái rương này thầy mang từ thành phố về, nó gắn với kỉ niệm những năm thầy dạy học ở thành phố, thuê phòng trọ, cái rương tôn này đã đi cùng thầy qua mấy phòng trọ, rồi theo thầy về quê, được thầy cất riêng ở một góc nhỏ này. Mấy lần vợ thầy bảo những gì không dùng nữa anh vứt đi chứ để lại làm gì? Những thứ này, nó cũ thật đấy, nhưng thầy không thể vứt đi được. Kỉ niệm mười mấy năm dạy học đầu đời gói gọn trong đó cả. Thầy cầm cuốn giáo án, lật giở từng trang nhìn những dòng chữ ghi bằng tay cẩn thận, còn ghi bằng cả hai thứ mực đỏ và đen. Có cả những bức thư học sinh gửi thầy, nhiều nhất vẫn là thư gửi trước ngày 20/11. Bây giờ nếu cần thì sẽ bấm tin nhắn, đầu này nhắn gửi, đầu kia nghe tinh tinh là nhận được ngay. Những năm 90 của thế kỉ trước, thư gửi hàng tuần mới tới. Thầy cầm một lá thư của một cậu lính trẻ từ đơn vị gửi về tâm sự về sự gian khổ trong huấn luyện, song “nhờ những bài học của thầy em nghĩ mình sẽ vượt qua được”. Thầy gấp lá thư, nghĩ không biết cậu này giờ làm gì ở đâu, gia đình vợ con công việc thế nào, gặp lại chắc gì đã nhận ra nhau. Thầy đặt lá thư lại chỗ cũ. Phía bên cạnh là chồng sổ chủ nhiệm hàng năm. Thầy mở một cuốn, thấy một tờ giấy rơi ra. Thầy cầm lên đọc: “Bản tường trình”. Thầy lặng đi một lúc. Trong khoảng thời gian dạy học của mình, biết bao nhiêu học sinh phạm lỗi phải viết bản tường trình, bản tự kiểm điểm. Thầy giáo Tân thường yêu cầu các em phải viết trung thực, vì thầy muốn nghe ý kiến của các em trước khi phán xét. Rất nhiều em hối lỗi chân thành. Song em này, em có cái tên rất đẹp này, từng là hoa khôi của trường, thì lại không.

Một hôm, hai em cán bộ lớp chủ nhiệm kéo đến phòng trọ của Tân báo một tin:

- Thưa thầy, bọn em đã biết đối tượng hay ăn cắp vặt tại lớp ta là ai rồi ạ!

- Thật sao? Là ai vậy? - Tân bình tĩnh hỏi.

- Thùy Mai thầy ạ. Có thể thầy không tin, nhưng đó là sự thật! – Em Quỳnh Trang, bí thư chi đoàn nói.

Tân ngồi trầm lặng. Thùy Mai là một em học sinh bề ngoài trông hiền lành, dáng người cao ráo, xinh đẹp. Gia đình em vào loại khá giả. Bố làm cán bộ kiểm lâm ở một huyện miền núi, mẹ làm cán bộ của một Sở lớn tại thành phố. Bố mẹ Thùy Mai cũng từng đến phòng trọ của thầy mấy lần, những câu chuyện họ nói về con gái cho thấy họ rất quan tâm đến con. Bố Thùy Mai từng tâm sự: “Thùy Mai rất lo lắng việc học tập. Cháu siêng năng chăm chỉ thế, tôi cũng thấy yên lòng. Đi làm xa, thỉnh thoảng tôi vẫn gọi điện về động viên cháu. Còn có điều tôi lo lắng là năm nay cháu đã lên lớp 12, tâm sinh lí cũng đã khác. Mong thầy có gì thì giúp đỡ cháu!”. “Trách nhiệm làm thầy làm cô, chúng tôi sẽ quan tâm đến tất cả học sinh, bố mẹ cứ yên tâm!” – Tân nói.

- Giờ học thể dục hôm thứ 5 Thùy Mai không ra sân. Thầy giáo yêu cầu lớp trưởng vào gọi bạn ấy ra, em đi gọi, tình cờ phát hiện Thùy Mai đóng cửa lớp lục cặp các bạn. Em đứng ở ngoài quan sát. Khi thấy Thùy Mai lấy tiền từ cặp bạn Thu Hồng, em mới đi vào lên tiếng, Thùy Mai không còn đường chối cãi – Em Thành Chung lớp trưởng kể.

Nhà Thùy Mai có điều kiện, Thùy Mai còn cần gì phải lấy tiền bạn? Băn khoăn thế nhưng Tân lại nói với học trò:

- Việc này rất hệ trọng. Thầy mong các em đừng làm rùm beng lên vội. Các em về nói với các bạn trong lớp mình thầy nói vậy. Thầy sẽ có biện pháp.

Chiều hôm đó lớp có buổi học thêm môn Tiếng Anh. Tân tìm cách gặp Thùy Mai và bảo em hết giờ ở lại gặp riêng thầy tại lớp. Cuối buổi học, Tân đã hỏi Thùy Mai sự tình, em không chối cãi. Tân hỏi đây là lần thứ mấy em lấy tiền bạn và lấy để làm gì? Thùy Mai trả lời em lấy tiền bạn Thu Hồng là lần đầu tiên, còn lấy để làm gì em không nói. Tân yêu cầu Thùy Mai viết bản tường trình ngay lúc đó. Tân kiên nhẫn ngồi bên bàn giáo viên chờ học trò viết xong. Thùy Mai khép nép đưa bản tường trình:

- Em xin lỗi thầy. Đây là lần duy nhất em lỡ dại. Mong thầy... đừng cho bố em biết!

Tân đọc bản trường trình, xong anh bỏ vào cuốn sổ chủ nhiệm. Anh ôm cặp đứng dậy, nói:

- Thầy không thể làm theo đề nghị của em được. Nhà trường phải có trách nhiệm trong việc phối hợp với phụ huynh giải quyết chuyện liên quan đến học sinh. Chuyện này không chỉ bố mà cả mẹ em nữa cũng phải được biết. Thầy chỉ hứa thầy sẽ tìm cách giải quyết việc này êm thấm nhất. Thầy đã nói với các bạn việc này trước hết giải quyết trong lớp, không được tung tin ra ngoài. Nếu em thành tâm, cả lớp nhất định sẽ rộng lượng với em.

Tối hôm đó, Tân gọi điện cho bố Thùy Mai. Bố Thùy Mai quá sốc, mấy lần cứ hỏi Tân: “Các bạn trong lớp có nhầm không?”. Tân nói bản tường trình Thùy Mai viết thầy đang cầm đây. Bố Thùy Mai hứa sẽ sắp xếp thời gian sớm nhất về thành phố để đến gặp thầy.

Chủ nhật Tân về quê. Bố mẹ Thùy Mai đến tận nhà Tân ở quê. Trong câu chuyện, bố em rất buồn và áy náy. Mẹ Thùy Mai phần lớn là im lặng. Chừng đã khuya, người đàn bà có vẻ đẹp kiêu sa tay cứ mân mê cái túi xách màu xanh bên hông, nhỏ nhẹ nói:

- Cháu nhà em nó đã lỡ dại. Vạn sự nhờ thầy độ lượng. Bố mẹ cũng chẳng biết làm sao. Như thầy thấy đấy, tuổi của cháu bây giờ nhiều suy nghĩ còn chưa chín chắn, chỉ sợ việc gì xảy ra thì bố mẹ sẽ vô cùng ân hận. Mong thầy xí xóa cho cháu nhà em.

Người đàn bà mở túi rút ra một phong bì dày cộp dúi vào tay Tân. Tân bất ngờ vì hành động đó của người mẹ. Cô ta muốn dùng tiền để giải quyết sự việc. Giải quyết chuyện này đơn giản vậy sao? Dù giận tím mặt, Tân vẫn cố bình tĩnh nói:

- Anh chị đang làm gì hế này? Tiền quan trọng hay cuộc đời và tương lai của cháu là quan trọng? Thầy muốn gặp bố mẹ là để cùng tìm cách giúp cháu. Việc cháu làm cháu phải chịu trách nhiệm. Nếu thầy xí xóa cho cháu, cháu có nhận ra lỗi lầm và thay đổi không? Nếu cháu không thay đổi thì sau này cháu sẽ thế nào? Chúng tôi là nhà giáo, điều mong muốn của chúng tôi không phải chỉ là cái trước mắt, mà còn là cả cái lâu dài, cả tương lại sau này của các cháu.

Người đàn bà đặt phong bì lên bàn, vẫn nói:

- Bố mẹ biết thế, vẫn mong thầy giơ cao đánh khẽ.

- Hình như chị không hiểu ý của tôi! - Tân nghiêm mặt lại.

Anh trả lại phong bì cho người đàn bà. Lúc đó ông bố mới lên tiếng:

- Chúng tôi thành tâm. Mong thầy thứ lỗi.

Chuyện này làm Tân buồn đến mãi thời gian sau.

Đã hứa với học sinh, Tân tìm cách giải quyết thấu đáo nhất mọi chuyện. Một thời gian sau, chuyện cũng lắng đi. Tưởng chuyện đã yên, bỗng một hôm Tân nghe một cú điện thoại gọi mình lúc 22 giờ 25 phút. Đầu kia, giọng một nữ phụ huynh:

- Biết gọi thầy lúc này là làm phiền thầy, song mẹ không biết cách nào khác. Hiện tại, mẹ cùng mấy mẹ nữa đang đứng trước quán cà phê Rubi. Có mấy bạn lớp mình đang ngồi trong đó. Mong thầy cùng đến đây để giúp các mẹ.

Chuyện liên quan đến học trò, dù bận gì anh cũng không từ chối. Tân phóng xe đến quán Rubi. Anh nhận ra mấy phụ huynh đứng thấp thỏm bên gốc cây Bằng lăng cách quán không xa với những ánh mắt lo lắng. Anh hỏi sự tình và được biết từ sau Tết Nguyên đán đến nay nhóm các cháu bỏ bê việc học tập, buổi tối thường nói dối đi học thêm để tụ tập quán xá. “Lại còn mặc áo hai dây, váy ngắn cũn cỡn, đi với lũ con trai choai choai vào quán nữa! Các mẹ nghe dư luận đã khuyên nhiều song các con cứ chối đây đẩy không có chuyện bỏ học đi chơi với lũ con trai. Các mẹ đã phải theo dõi, có bắt quả tang như hôm nay may ra các con mới nghe” – Một mẹ nói. Tân tin các mẹ đã nghĩ hết cách mới nhờ cậy đến thầy chủ nhiệm. Các mẹ đã đặt niềm tin vào anh, cũng đặt anh vào một tình thế khó xử. Mình đã đến đây rồi thì phải ra tay, nhưng làm cách nào đây? Trầm tư một lúc, Tân bấm số điện thoại gọi cho một người bạn và khẩn thiết nhờ anh bạn đến giúp đỡ mình. Anh bạn nhận lời. Tân quay sang nói với các mẹ:

- Sự xuất hiện của các mẹ và thầy chưa hẳn giải quyết được sự việc. Việc này nếu các mẹ tin thầy thì để thầy tự giải quyết. Mong các mẹ ủng hộ!

Anh bạn của Tân đến khi các mẹ vừa về được một lúc. Tân và anh bạn đi vào quán, tìm mãi mới thấy nhóm học trò ngồi với mấy thanh niên ở một cái bàn lớn. Tân cố tình kéo bạn mình đi qua đó. Mấy học trò thấy Tân, có em che mặt, có em nghiêng người nhìn sang chỗ khác. Tân lên tiếng:

- Ô, các em cũng đi cà phê đấy à? Có những ai nào? - Tân nhìn mặt từng em, dừng lại ở Thùy Mai, rồi nói: - Đừng chơi quá khuya các em nhé! Về sớm còn ôn bài để ngày mai đi học nữa.

Ngồi vào một bàn cách đó không xa, ánh mắt Tân vẫn hướng về phía lũ học trò. Một lúc sau, thấy chúng vội vã ra về.

Hôm sau, Tân gặp riêng cả nhóm, nói cho các em biết tầm quan trọng của thời gian cuối năm học lớp 12, nói cả nỗi lo lắng của thầy cô và bố mẹ. Các em hứa sẽ nghe lời thầy, không tụ tập cà phê quán xá nữa.

Thầy giáo Tân theo dõi, thấy các em giữ lời hứa. Chỉ có Thùy Mai là không mấy thay đổi. Giáo viên trong lớp than phiền Thùy Mai thường xuyên bỏ học trong những giờ ôn luyện, lực học sa sút so với năm trước rất nhiều. Học sinh còn bàn tán nhau chuyện Thùy Mai có cậu người yêu giàu có và đẹp trai. Tân gặp riêng Thùy Mai. Em vẫn hứa, và vẫn vi phạm. Tân gọi điện cho mẹ Thùy Mai. Mẹ em hứa sẽ quan tâm đến con nhiều hơn. Có lần Thùy Mai vắng học không có lí do đến ba ngày liền, Tân gọi điện báo cho gia đình, gia đình bảo không biết vì sao Thùy Mai vắng học. Hôm Thùy Mai đi học, Tân đã gọi mẹ em đến trường. Tân muốn Thùy Mai hứa trước cả thầy và mẹ. Thật bất ngờ, nghe mẹ nói, Thùy Mai đã bốp chát:

- Mẹ đừng đạo đức giả nữa! Mẹ có hơn gì con?

Mẹ em đỏ mặt và im lặng.

Một hôm Quỳnh Trang, bí thư chi đoàn lớp đến nói với Tân:

- Mẹ bạn Thùy Mai bất lực với bạn rồi thầy ạ. Từ hôm mẹ mấy bạn trong lớp phàn nàn về việc Thùy Mai rủ rê các bạn lớp mình bỏ học đi đàn đúm vào ban đêm, bố bạn đã yêu cầu mẹ bạn hàng ngày phải chở bạn đến lớp, thay vì để bạn tự đi, sợ bạn bỏ học giữa chừng. Buổi sáng hầu như bạn không vắng học. Song học buổi chiều, mẹ chở đến bạn vẫn vào sân trường, chờ một lúc khi mẹ về, bạn quay đầu đi ra cổng, có một anh đợi bạn ở đó và chở bạn đi luôn. Nhiều lần bọn em bắt gặp, có đôi lần bảo bạn vào lớp nhưng bạn không vào.

- Chuyện như vậy sao hôm nay mới nói với thầy? - Tân hỏi.

- Dạ… tại vì bạn bảo nếu để thầy biết, bạn sẽ không để yên cho người mách thầy. Thầy cũng đừng cho ai biết em nói chuyện này thầy nhé! - Quỳnh Trang nói. Rồi như có điều cần nói thêm, Quỳnh Trang lên tiếng: - Thầy có biết vì sao mẹ bạn lại bất lực với bạn không ạ? Chuyện này em nghe các bạn trong lớp kháo nhau. Hình như có một lần bạn Thùy Mai bắt gặp mẹ bạn đi với người tình, bạn nói với mẹ là sẽ mách bố. Mẹ bạn thiết tha xin bạn đừng mách bố, đổi lại nếu bạn ưng gì mẹ sẽ chiều. Vin vào cớ ấy, bạn đã ra điều kiện với mẹ. Mẹ bạn phải thỏa hiệp với bạn! Hình như bạn sa sút chuyện học hành một phần cũng vì bạn buồn chuyện nhà, chuyện các mối quan hệ của mẹ bạn ấy. Các bạn trong lớp còn nói bạn thương bố song lại không dám nói chuyện này với bố.

Thầy giáo Tân giật mình. Anh hỏi lại lần nữa là có chắc có chuyện như vậy không? Quỳnh Trang bảo nhiều bạn trong lớp nói thế. Tân nghĩ rằng nếu không có thật chắc khó ai tự bịa ra được một câu chuyện như vậy. Đúng là có nhiều chuyện của cuộc sống diễn ra anh không lường trước được. Tân cảm ơn cô học trò, và nói nhất định sẽ tìm cách để đưa bạn Thùy Mai trở lại với lớp học.

*

Năm học rồi cũng kết thúc. Học trò thi tuyển sinh và đã có kết quả. Mấy hôm đó tin nhắn gửi về điện thoại của Tân tới tấp. Tân vui cùng niềm vui học trò. Còn gì hơn cho những người làm nghề giáo dục là được tin học trò đỗ đạt, thành công. Song trong niềm vui cũng có nỗi buồn. Cả lớp duy nhất có Thùy Mai không đỗ vào một trường Cao đẳng Đại học nào. Thực ra Thùy Mai có làm hồ sơ đăng kí thi, nhưng lại bỏ không tham gia thi tuyển vào trường nào cả. Là giáo viên chủ nhiệm lớp chọn của trường, điều đó không thể không khỏi làm thầy giáo Tân day dứt.

Một ngày cuối tháng tám, một nhóm học sinh đến cám ơn thầy chào thầy trước khi ra trường Đại học nhập học. Lũ học trò ríu ran làm ồn ĩ cả dãy phòng trọ. Lúc các bạn đã ra về, có một em cứ đứng lại nấn ná. Tân mới hỏi:

- Phương Quỳnh có điều gì muốn nói với thầy sao?

- Dạ! - Phương Quỳnh vẻ ấp úng – Em băn khoăn mãi không biết có nên nói với thầy chuyện này hay không. Nghĩ nhiều rồi em quyết định chuyện này nhất định thầy phải biết. Nếu không nói ra được, em sẽ day dứt đến suốt đời thầy ạ.

- Chuyện gì mà hệ trọng thế em? - Tân cười, ra vẻ tò mò.

- Chuyện của Bí thư Quỳnh Trang! - Phương Quỳnh mạnh dạn.

- Bí thư Quỳnh Trang thì thầy yên tâm rồi! Bạn ấy chín chắn và có trách nhiệm. Trong ba năm chủ nhiệm lớp, nếu không có bạn ấy, nhiều chuyện của lớp mình chắc gì tự thầy đã giải quyết được. - Tân vui vẻ nói.

- Dạ chính vì thế... - Phương Quỳnh lại ấp úng - Vì thế nên ... hôm nay em mới mạnh dạn nói được với thầy. Năm lớp 10 và lớp 11 em và Quỳnh Trang chơi thân với nhau. Cuối năm lớp 11 em không chơi với bạn nữa. Có liên quan đến một chuyện ...

- Chuyện khó nói thế kia à? Mạnh dạn lên, hãy tin ở thầy! - Thấy học trò ngập ngừng, Tân khích lệ.

- Thầy có nhớ ngay từ hồi lớp 10 mới vào học được mấy tháng, lớp ta đã mất cắp số tiền quỹ lớp do Bí thư giữ. Hôm Bí thư báo, thầy đã cho cả lớp rà soát cặp của nhau, tới trưa khi cả trường đã về vẫn không tìm ra thủ phạm. Thầy và cả lớp đã dùng nhiều biện pháp song chuyện mất cắp thỉnh thoảng vẫn diễn ra trong lớp, khi thì mất tiền quỹ lớp, có bạn mất tài liệu quý, có bạn mất sách vở, nhiều nhất vẫn là mất tiền cá nhân. Lúc lớp trưởng phát hiện ra bạn Thùy Mai, ai cũng đổ lỗi cho các vụ mất cắp trước đó là do Thùy Mai. Thùy Mai cũng không thanh minh. Sự thật không phải chỉ do bạn Thùy Mai.

- Vậy em biết ai là người hay cầm đồ của bạn trong lớp? Sao bây giờ em mới nói với thầy? - Tân dồn dập hỏi.

- Dạ, thưa thầy... Em nói chắc thầy khó tin, đó là bạn Quỳnh Trang! Em không khẳng định mọi chuyện trong lớp chỉ do bạn Quỳnh Trang làm nên, nhưng chuyện của bạn Quỳnh Trang thì em dám khẳng định và dám chịu trách nhiệm trước lời nói của mình. Một hôm em thấy bạn ấy dùng một vật kỉ niệm của một bạn trong lớp bị mất thời gian trước đó, lần khác thấy bạn ấy sử dụng một tài liệu quý mà một bạn khác trong lớp kêu mất, bạn ấy cũng có rất nhiều tiền để mua những thứ mình thích. Một lần thì không nói làm gì, song bắt gặp nhiều lần em mới truy hỏi bạn. Lúc đầu Quỳnh Trang chối đây đẩy, sau đó em đưa bằng chứng, bạn không cãi lại. Giận quá em mới hỏi thế tiền quỹ lớp bạn giữ, bạn nói ai đó trong lớp lấy, thực ra cũng chỉ là bạn lấy. Bạn vừa ăn cắp vừa la làng. Quỳnh Trang im lặng. Em mới nói: Mình sẽ mách thầy chủ nhiệm! Lúc đó Quỳnh Trang thách thức em: Bạn nói đi xem thầy chủ nhiệm tin tớ hay tin bạn. Tớ là Bí thư, bạn chỉ là học sinh bình thường. Thầy luôn tin tưởng tớ chứ chưa bao giờ tin tưởng bạn. Bạn mách thầy nhưng tớ sẽ không nhận lỗi trước mặt thầy, tớ sẽ bảo bạn vu oan cho em, lúc đó thầy sẽ tin ai? Em thấy bạn nói đúng, thầy vẫn luôn tin bạn Quỳnh Trang nhất lớp. Quỳnh Trang còn kể với em mọi lỗi lầm của các bạn trong lớp đều do bạn ấy mách thầy mới biết. Vì thế nên em không nói. Từ đó em không chơi với bạn Quỳnh Trang nữa. Bây giờ chúng em đã ra trường, thầy sẽ lại nhận lớp mới, em sợ sẽ lại có một bạn Quỳnh Trang khác như thế ở thế hệ sau em, nên em nghĩ mình phải có trách nhiệm nói với thầy. Mong thầy thứ lỗi.

Tân đang bán tín bán nghi thì nghe Phương Quỳnh nói tiếp:

- Suýt nữa em quên. Đây là tin nhắn em và bạn Quỳnh Trang trao đổi với nhau về chuyện này, thầy xem đi ạ!

Tân cầm chiếc điện thoại Phương Quỳnh đưa, anh đọc các tin nhắn Phương Quỳnh đã cẩn thận chụp lại. Mắt anh hoa lên, anh buồn đến nỗi không biết nói gì với cô học trò đang đứng trước mặt mình. Không phải chỉ thầy mới dạy bảo học trò, nhiều khi học trò cũng cho thầy những bài học đích đáng. Tân không buồn vì điều anh vừa nghĩ, trái lại thấy cảm ơn cô học trò rất nhiều. Đúng là có những bài học của cuộc sống mình học được rất tình cờ, từ bất kì ai cũng đều thấm thía.

Cô học trò ra về, Tân thấy buồn vô hạn. Mỗi lần nhận lớp chủ nhiệm, Tân vẫn tin tưởng giao cho một số em báo cho anh biết những chuyện xảy ra của lớp, thường đó là những học sinh tốt và có ý thức, đáng tin cậy. Chuyện lần này nằm ngoài suy nghĩ của anh. Tối hôm đó anh cứ thao thức.

Bao năm tháng trôi qua giờ nhớ lại, thầy giáo Tân vẫn chưa hết day dứt.

*

Tân để bản tường trình vào cuốn sổ chủ nhiệm, cất lại vào rương.

Anh lục một góc khác trong chiếc rương bằng tôn, tìm một lá thư của một cậu học trò đã gửi cho anh hai mươi năm trước, lúc được tin anh cưới vợ. Cậu ta là học trò khóa thứ hai Tân chủ nhiệm trong đời dạy học. Cậu ta chăm chỉ hiền lành, lúc đầu học lực trung bình, sau nỗ lực vươn lên học vào loại khá. Nhà cậu ta khá xa trường nên những hôm học cả ngày cậu ta thường ở lại ăn cơm bụi nghỉ trong lớp học. Thấy thế Tân đã bảo cậu ta về phòng trọ của mình, thầy ăn gì trò ăn nấy. Sau này cậu ta vào Thành phố Hồ Chí Minh học Đại học và lập nghiệp ở miền Nam. Cậu học trò đó có viết trong thư mời vợ chồng anh nếu vào Đà Lạt ghé qua công ty của cậu ấy. Anh trai cậu ấy làm chủ một doanh nghiệp lớn kinh doanh ngành Khách sạn du lịch. Hiện cậu ấy đang quản lí cho anh trai một khách sạn lớn tại Đà Lạt.

Không phải Tân đang muốn liên lạc với cậu học trò kia. Anh đang nghĩ về gia đình và vợ con. Bao năm lo chăm chú đi dạy học, anh đã đào tạo và giúp đỡ cho bao thế hệ học trò, thế mà con cái mình anh lại không giúp được gì nhiều, phần nhiều anh trông cậy cho các thầy cô dạy các con. Anh cũng chưa giúp được gì nhiều cho vợ. Sau ngày cưới được nghỉ mấy hôm, anh lại vào thành phố dạy học để vợ một mình ở quê bươn chải, rồi các con lần lượt ra đời, cũng tự tay vợ lo. Giờ anh trở về gần nhà, công việc quản lý lại làm anh đi suốt ngày, việc nhà cũng phó thác cho vợ. Vợ đi làm về tạt vào chợ mua thức ăn, vợ nấu ăn, vợ đưa con đi học thêm học bớt, rồi đối nội đối ngoại,... Bất giác anh nghĩ hè này mình sẽ đưa vợ con đi du lịch một chuyến. Quê anh gần biển, biển không xa lạ với cả gia đình, anh muốn đến một vùng núi non nào đó, có những ngày nghỉ dưỡng thật sự. Và anh nghĩ đến Đà Lạt mộng mơ. Anh không có ý định gọi cho cậu học trò. Chỉ tự nhiên nhắc đến Đà Lạt anh lại nhớ đến cậu ta mà thôi.

Anh gấp lá thư bỏ vào góc rương. Quá khứ phải để trong ngăn kí ức, khi cần lật ra sẽ thấy nhiều điều thú vị.

Anh đóng cái rương tôn lại, đi ra ban công thấy mây bay trên bầu trời xanh thăm thẳm...

                    Tháng 10 năm 2022

                                 P.T.D.T

. . . . .
Loading the player...